Xung quanh việc các DN xuất khẩu đá xây dựng kêu thiệt hại triệu USD do ảnh hưởng Công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan: Hải quan đã làm đúng luật !

06/01/2021 21:10

(Pháp lý) – Công văn hỏa tốc nói trên có số 8019/TCHQ-TXNK ngày 22/12/2020 về việc hướng dẫn phân loại mặt hàng đá. Trước đó, ngày 30/10/2020, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Công văn số 6981/TCHQ-GSQL về giấy phép thu hồi đá vôi, đôlômít. Đây được cho là sự nỗ lực của ngành Hải quan trong việc ngăn chặn gian lận đối với mặt hàng khoáng sản xuất khẩu làm vật liệu xây dựng có nguồn gốc đá vôi. Tuy nhiên vụ việc lại đang nhận được quan điểm trái chiều từ phía các doanh nghiệp có tham gia kinh doanh mặt hàng này. Bài viết sau đây của PV Pháp lý sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm các căn cứ pháp lý mà Tổng cục Hải quan đã vận dụng…

Tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) tính đến ngày 04/01/2021, có 14 tàu biển của nhiều doanh nghiệp đang ùn tắc có tổng trọng tải trên 567 nghìn tấn. Theo tính toán với tổng trọng tải này, bình quân mỗi ngày các doanh nghiệp thiệt hại phí phát sinh do không thể thông quan khoảng 150.000 USD.

Theo các doanh nghiệp có nguồn hàng bị ảnh hưởng bởi văn bản trên, nhiều năm qua hoạt động xuất khẩu đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi diễn ra bình thường, theo Thông tư số 05/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Phụ lục của Thông tư 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Theo đó, đối với danh mục khoáng sản khác có mã HS 2521.00.00 là đá vôi dùng làm nguyên liệu sản xuất vôi, xi măng hoặc các lĩnh vực khác, có kích thước cỡ hạt ≤ 100 mm. Có nghĩa chỉ cần sản phẩm đá vôi có kích thước cỡ hạt ≤ 100 mm là đảm bảo điều kiện xuất khẩu.

Từ cách hiểu trên, các doanh nghiệp cho rằng: Mặt hàng đá xuất khẩu đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; thì phải xếp vào mặt hàng thuộc “Danh mục khoáng sản làm vật liệu thông thường”.

Sau khi tiếp nhận nội dung điều chỉnh Công văn 8019, các doanh nghiệp đồng kiến nghị đến Tổng cục Hải quan áp dụng điểm g, khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12: “Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường bao gồm: Đá vôi, sét vôi, đá hoa (trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam; hoặc không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam”. Tức là phải coi đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

1. Tuy nhiên khi được PV Pháp lý hỏi ý kiến, một số chuyên gia luật cho rằng, cách hiểu của các doanh nghiệp là phiến diện hay nói cách khác là khoét sâu vào kẽ hở của quy định pháp luật. Bởi nếu chỉ dựa vào kích thước cỡ hạt ≤ 100 mm (như theo quy định của Thông tư số 05/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng) để xác định vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi là đủ điều kiện để xuất khẩu theo nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là phản ánh chưa đầy đủ tính chất của mặt hàng này. Từ đó cho thấy, Thông tư 05/2019 ban hành chưa thật sự chặt chẽ, dễ bị lách theo hướng tiêu cực.

Mổ xẻ từ điểm g, khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 cũng cho thấy, pháp luật “nói không” với cả 2 tiêu chí khi xác định khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: “không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn”; và “không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn”.

Hay nói cách khác, pháp luật không thừa nhận khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (bao gồm: Đá vôi, sét vôi, đá hoa - trừ nhũ đá vôi, đá vôi trắng và đá hoa trắng) có đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng theo tiêu chuẩn Việt Nam; nhưng không đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, như các DN viện dẫn.

Kết quả giám định cho biết các mẫu hàng thuộc 02 tờ khai của 2 DN có thành phần CaC03 đều trên 85% và Magie MgC03 đều dưới 7%…

2. Mặt khác, theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 (thay thế cho TCVN 6072:1996) về đá vôi để sản xuất clanhke xi măng pooc lăng do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn: “Chỉ tiêu chất lượng của đá vôi dùng để sản xuất clanhke xi măng pooc lăng được quy định: Hàm lượng CaCO3 không nhỏ hơn 85% và hàm lượng MgCO3, không lớn hơn 7%”. Được hiểu là, mặt hàng đá vôi làm nguyên liệu để sản xuất xi măng clanhke pooc lăng, phải có hàm lượng CaCO3 ≥ 85% và hàm lượng MgCO3 ≤ 7%. Nếu vượt quá chỉ tiêu kỹ thuật này thì không thể xếp vào Danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Ngoài Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013, theo Tổng cục Hải quan, hiện nay việc xác định mặt hàng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng pooc lăng không có tiêu chuẩn nào khác bổ sung, thay thế.

3. Trong khi đó, kết quả lấy mẫu (Đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi, dùng làm vật liệu xây dựng, đã được gia công đập nghiền, sàng, dùng làm vật liệu xây dựng) để phân tích phân loại đối với 02 lô hàng thuộc Tờ khai số 303659537921 của Công ty TNHH Xuất khẩu Quốc tế GIMEXCO ngày 17/12/2020 khai báo; và lô hàng thuộc Tờ khai số 303658143520 ngày 17/12/2020, của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Cầu Thành Đạt, do Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cẩm Phả (Cục Hải quan Quảng Ninh) thực hiện, cho thấy: Mặc dù đá xây dựng có nguồn gốc từ đá vôi dạng viên có kích thước 40-90 mm (đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu của Thông tư 05/2019, vì có kích thước cỡ hạt ≤ 100 mm). Thế nhưng kết quả giám định sau đó của Chi nhánh Công ty cổ phần Giám định và Khử trùng FCC tại Hải Phòng, cho biết các mẫu hàng thuộc 02 tờ khai trên có thành phần CaC03 đều trên 85% và Magie MgC03 đều dưới 7%…

Từ phân tích trên, trong Công văn hỏa tốc 8019, kết luận các mẫu hàng trên phải chịu thuế suất thuế xuất khẩu 17% (chứ không phải chịu suất thuế xuất khẩu 15% như các DN kê khai).

4. Như vậy, nếu không làm rõ mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng… rất dễ xảy ra tình trạng nhập nhằng trong hồ sơ xuất khẩu, dẫn tới phát sinh tình trạng gian lận là điều khó tránh khỏi. Do vậy việc Tổng cục Hải quan ban hành Công văn hỏa tốc số 8019, “yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố rà soát các tờ khai xuất khẩu và hồ sơ xuất khẩu đối với mặt hàng khai báo là đá vôi, đá chứa canxi, đá xây dựng,… đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6072:2013 nhưng chưa phân loại thuộc nhóm 25.21 nêu tại điểm 1 công văn này để thực hiện phân loại và áp dụng mức thuế đúng quy định, thu đủ thuế và xử phạt theo quy định” là cần thiết và có căn cứ.

Rất tiếc là, động thái trên của Tổng cục Hải quan lẽ ra phải được làm sớm hơn. Chúng tôi đồng tình với quan điểm của các DN đang bị thiệt hại (do hàng đột ngột ngừng thông quan), lẽ ra “phải có lộ trình thông báo để các doanh nghiệp thực hiện chứ không thể đột ngột ra một công văn hỏa tốc để rồi từ đó mọi hoạt động ngừng trệ”. Cách làm này nếu không khắc phục, quả thật sẽ khiến cho nhiều đối tác nước ngoài quay lưng vì hiểu nhầm chính sách pháp luật không nhất quán, tạo ra sự bất lợi đối với các DN Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng này.

Ngày 29/9/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản (thay thế Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015). Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động này tại cửa khẩu theo quy định.

VŨ LÊ MINH

Bạn đang đọc bài viết "Xung quanh việc các DN xuất khẩu đá xây dựng kêu thiệt hại triệu USD do ảnh hưởng Công văn hỏa tốc của Tổng cục Hải quan: Hải quan đã làm đúng luật !" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin