Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN: Các Hội có Đảng đoàn, Hội đặc thù có vai trò rất quan trọng

25/10/2016 16:01

(Pháp lý) - Luật về Hội được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lập Hội của công dân quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay thì sự thể chế hóa các quy định về Hội trong Luật còn có ý nghĩa phát huy sức mạnh của các Hội, nhất là đối với các Hội có Đảng đoàn, Hội đặc thù, để những Hội này phát huy vai trò quan trọng góp phần trực tiếp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Dự luật về Hội không chỉ được rất nhiều người dân mong đợi, mà còn đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia pháp luật, các Đại biểu Quốc hội. Pháp lý xin trân trọng giới thiệu ý kiến góp ý tâm huyết của 3 vị Đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Pha (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV): Xây dựng Luật về Hội theo hướng phát huy khả năng, đóng góp của các hội đặc thù

Nước ta đã có nhiều bản Hiến pháp, trong đó quy định về quyền lập Hội của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền lập Hội được ghi nhận tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đây là quy định mang tính khái quát nhưng chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha)

Trên thực tế cho đến thời điểm này, dù chưa có Luật về Hội thì cũng đã có nhiều Hội hoạt động ở Việt Nam, thậm chí nhiều Hội có thời gian ra đời đến nay hơn 60 năm. Để góp phần cụ thể hơn những quy định của Hiến pháp 2013, đảm bảo tốt nhất cho một trong các quyền cơ bản của công dân thì cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ đó là Luật về Hội.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 52.565 Hội với 483 Hội hoạt động trên phạm vi cả nước và 52.082 Hội hoạt động trên phạm vi từng địa phương. Trong đó có 8.792 Hội có tính chất đặc thù, gồm 28 Hội hoạt động trên phạm vi cả nước và 8.764 Hội hoạt động trên phạm vi từng địa phương. Về phân loại, một số Hội được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và 10 Hội được thành lập Đảng đoàn để lãnh đạo hoạt động của tổ chức. Các Hội còn lại được xác định là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nhân đạo, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

Hiện nay có khoảng 31 tổ chức Hội hoạt động trên phạm vi cả nước được Nhà nước cấp kinh phí để tạo điều kiện hoạt động vì đó là những lĩnh vực Nhà nước cũng có trách nhiệm thực hiện hoặc khuyến khích thực hiện, như để bảo vệ công lý, gia tăng phản biện xã hội, phát triển phúc lợi xã hội...

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật ở tầm một đạo luật quy định về Hội, tôi cho rằng việc này sẽ khiến nhiều Hội không phát huy được hết khả năng và đóng góp của mình cho xã hội, đồng thời cũng gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hội. Tôi nghĩ rằng Luật về Hội sẽ được rất nhiều người dân mong đợi, tuy nhiên việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp vào Luật, đáp ứng được mong đợi của người dân chắc chắn không đơn giản.

Trong quá trình công tác, tôi nhận thấy nhiều hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam... rất phong phú và thiết thực. Hoạt động của các tổ chức này có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Tiếng nói của các tổ chức này có sức mạnh trong việc đưa ra các ý kiến phản biện đối với các chính sách, chủ trương của Nhà nước; đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật; thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Những hoạt động của những tổ chức hội đặc thù đó rõ ràng là hữu ích, cần thiết và rất cần nhân rộng, tạo điều kiện hơn nữa trong giai đoạn hiện nay.

Một số Hội đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động nhằm một mặt bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, một mặt góp phần cùng Nhà nước giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp trong việc giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở thời gian qua là một minh chứng sinh động. Trong thực tế, ở nhiều địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, một số cơ quan nhà nước “quá tải” trong việc giải quyết. Người dân nghi ngờ cán bộ, công chức bao che, cố tình giải quyết không hợp tình, hợp lý. Lúc ấy sự xuất hiện của các tổ chức hội, nhất là các hội chuyên về pháp luật như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam khiến người dân tin tưởng, lắng nghe. Sau những vụ việc như thế, nhận thức pháp luật của cả người dân và cơ quan nhà nước cũng dần thay đổi.

“Xuất phát từ thực tế như vậy, tôi cho rằng cần tạo điều kiện về tài chính cho những tổ chức Hội đặc thù, đặc biệt là những Hội đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Với những việc nhà nước phải tổ chức phức tạp, thêm biên chế mới làm được, trong khi Hội có khả năng và làm có hiệu quả thì nên giao cho họ. Trong đặc thù ở nước ta, một số Hội rõ ràng đã góp phần cùng nhà nước giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề về pháp lý, kinh tế, xã hội… thì việc cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính là cần thiết, không nên có cơ chế cào bằng” - ông Pha nhấn mạnh.

Sự hoạt động hiệu quả của các tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù vừa có ý nghĩa đóng góp cho nhà nước, vừa có ý nghĩa trong giám sát, phản biện các hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên trong dự thảo Luật về Hội, làm thế nào để Hội và nhà nước độc lập thì cũng cần làm rõ. Nhà nước “không nên” đóng vai như cơ quan cấp trên của Hội. Quản lý nhà nước là cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động của các Hội đúng quy định của pháp luật nhưng không được can thiệp vào tổ chức và hoạt động của Hội bằng mệnh lệnh hành chính. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có thêm các quy định pháp luật về giải quyết những khiếu nại, tố cáo liên quan đến Hội.

Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp trong việc giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở thời gian qua là một minh chứng sinh động về sự cần thiết và hiệu quả hoạt động thiết thực của một số tổ chức Hội, góp phần cùng Nhà nước giải quyết những vấn đề bức xúc trong dân. Trong thực tế, ở nhiều địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, một số cơ quan nhà nước “quá tải” trong việc giải quyết. Người dân nghi ngờ cán bộ, công chức bao che, cố tình giải quyết không hợp tình, hợp lý. Lúc ấy sự xuất hiện của các tổ chức hội, nhất là các hội chuyên về pháp luật như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam khiến người dân tin tưởng, lắng nghe. Sau những vụ việc như thế, nhận thức pháp luật của cả người dân và cơ quan nhà nước cũng dần thay đổi.

(Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

Ông Trần Ngọc Vinh (Nguyên Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội, ĐBQH khóa XII, XIII): Phân chia Hội dựa trên hiệu quả hoạt động để có chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp lý

Ông Trần Ngọc Vinh nguyên là Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Nói về dự án Luật về Hội, ông Vinh cũng có nhiều ý kiến tâm huyết. Đầu tiên, ông Vinh cho rằng: Phải xác định cho rõ ràng đối tượng điều chỉnh của Luật về Hội. Luật phải quy định rõ các Hội đã có luật riêng như Hội Cựu chiến Binh, Hội Nhà Báo, Liên đoàn Luật sư thì không nên thuộc diện điều chỉnh của Luật về Hội.

 Nguyên Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh
Nguyên Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh)

Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ quy định đó của Hiến pháp cần xây dựng một Luật về Hội đề cao những giá trị tiến bộ đó, thể chế được quyền lập Hội của công dân trong Hiến pháp. “Theo quan sát của tôi, hiện nay số lượng Hội hoạt động ở nước ta rất nhiều. Đặc trưng cơ bản là do các thành viên tự nguyện đứng ra lập Hội, mỗi Hội có đặc thù riêng. Tuy nhiên khác biệt đó là có những Hội lập ra chỉ để đi thăm hỏi nhau nhưng cũng có những Hội chính trị (có Đảng đoàn), xã hội (có tầm ảnh hưởng rộng lớn), nghề nghiệp (liên quan đến một nghề nghiệp cụ thể). Bởi sự khác biệt rõ rệt này nên theo tôi, Luật về Hội cần phải có tiêu chuẩn, căn cứ để phân chia các Hội. Từ căn cứ đó, những Hội hoạt động có ý nghĩa, có ảnh hưởng và đóng góp về chính trị, xã hội cho đất nước thì cần được ưu tiên về chính sách, kinh phí, biên chế, trụ sở. Tránh tình trạng hiện nay nhiều quan chức về hưu rồi xin lập Hội rồi xin trụ sở, xe công, biên chế... nhưng hoạt động không hiệu quả gây áp lực lên ngân sách và trách nhiệm nhà nước.

Dẫn ra ví dụ về Hội Luật gia Việt Nam, ông Vinh khẳng định ưu việt của tổ chức Hội này. “Đây là tổ chức Hội có Đảng đoàn, tức là được sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Hoạt động của tổ chức Hội Luật gia Việt Nam phong phú như tham gia xây dựng pháp luật, phản biện chính sách, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, đóng góp vào cải cách tư pháp... Trong quan hệ quốc tế, vị thế của Hội Luật gia Việt Nam rất quan trọng. Khi Hội đóng góp và lên tiếng về vấn đề chủ quyền biển đảo, bạn bè quốc tế coi đó là tiếng nói khách quan, công tâm và mềm dẻo về chủ quyền. Trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thì những Hội đặc biệt như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam lại càng có tiếng nói quan trọng. Khi xây dựng pháp luật, phản biện chính sách thì nhiều Luật gia có kiến thức chuyên môn sâu và sự sắc bén đã tham gia góp ý rất tích cực. Khi thực hiện pháp luật, tính nêu gương, tính hướng dẫn của giới Luật gia cũng rất có ý nghĩa. Trong một số hoạt động ngoại giao quốc tế, vị thế của Luật gia rất quan trọng. Bởi vì vai trò tập hợp giới Luật gia của nước nhà nên nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện cao nhất về chính sách, cơ chế cho Hội hoạt động.

Về vấn đề kinh phí của Hội, ông Vinh cho rằng tổ chức Hội hoạt động dựa vào nguồn tài chính do các Hội viên đóng góp, do sự quyên góp của nhân dân, sự tài trợ tình nguyện của doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và có thể bằng cả sự hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước. Theo ông Vinh cần có cải cách hành chính trong việc cấp phát ngân sách cho các tổ chức Hội hoạt động hiệu quả. Đồng thời để tăng tính tự chủ, cần quy định rõ trong Luật về chính sách để xã hội hóa nguồn kinh phí cho Hội. Nếu Hội có thể hướng đến tự chủ về kinh phí, sẽ giúp giảm sự lệ thuộc vào nhà nước. Từ đó Hội càng hoạt động hiệu quả và đảm đương được nhiều chức năng, nhiệm vụ liên quan đến phản biện, góp ý với cơ quan nhà nước.

Hội Luật gia Việt Nam đã được giao chủ trì và xây dựng thành công nhiều dự án luật như: Luật Trọng tài thương mại, Luật Trưng cầu ý dân là những đạo luật rất quan trọng, đều đã được Quốc hội thông qua.

Nhìn chung, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp Hội Luật gia trong thời gian qua đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động ngày càng được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

(Bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh (ĐBQH khóa XIV, Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam): Trách nhiệm soạn thảo dự án luật “khá nặng”, không phải Hội nào cũng đáp ứng được.

Nói về chính sách với Hội và thực trạng hoạt động của Hội, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng: Hiến pháp 2013 quy định về quyền tự do lập Hội tại Điều 25. Đây là quy định phù hợp với quy luật phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở đất nước chúng ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn chính đáng của người dân và các nhóm xã hội. Hoạt động Hội ở nước ta hiện nay đã đáp ứng được các nhu cầu về giao lưu tình cảm, văn hóa, phát triển sản xuất và kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng không phải Hội nào sinh ra cũng đạt được những mục tiêu, tôn chỉ hay mục đích của tất cả mọi người, vẫn còn một số Hội hoạt động và sinh hoạt còn hình thức, chưa thiết thực.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh
Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh)

Tôi cho rằng việc có đông đảo các Hội sẽ giúp cho nhà nước bớt đi những phần mà người dân có thể tự quản khi họ tham gia vào việc xây dựng một xã hội dân chủ văn minh. Nhưng cũng có một số Hội sinh ra đã bị một số người lợi dụng với mục đích cá nhân làm cho xã hội thêm tính phức tạp, đòi hỏi nhà nước cần phải biết để quản lý và không để cho các Hội đó hoạt động không đúng với các tôn chỉ, mục đích đã đề ra.

Trước câu hỏi của Phóng viên, số lượng về Hội ở nước ta hiện nay rất đông. Bên cạnh những Hội hoạt động hiệu quả, đóng góp được nhiều việc (chia sẻ với nhà nước, Quốc hội, người dân) thì còn có những Hội hoạt động không thực sự thiết thực. Vậy cần cơ chế nào để phát huy hoạt động của những Hội hoạt động hiệu quả ? Ông Thịnh cho rằng: Chúng ta nên có chủ trương nhất quán theo đúng các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đã ban hành là: Các Hội sinh ra là tự nguyện nên họ phải tự trang trải về kinh phí hoạt động, không nên xin nhà nước kinh phí để nuôi bộ máy, chỉ có thể đề xuất kinh phí với nhà nước khi được nhà nước giao nhiệm vụ về chính trị, pháp lý, xã hội, qua đó, Hội đã đóng góp vào sự phát triển của nhà nước và xã hội.

Chúng ta cần rành mạch nhà nước là tổ chức được lập ra theo yêu cầu quản lý đất nước, là các cơ quan được tổ chức và hoạt động theo quy định về Luật tổ chức nhà nước do ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động bằng tiền thuế của người dân, còn Hội là tổ chức tự nguyện của người dân và các nhóm xã hội sinh ra một cách tự nguyện, trước hết vì lợi ích của chính bản thân những người tham gia, Hội sinh ra không được làm tổn hại đến nhà nước và cộng đồng xã hội mà chỉ có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội. Khi người dân tự nguyện tham gia vào các Hội đóng góp vào các hoạt động chung của xã hội thì đều phải trên cơ sở của pháp luật, không trái pháp luật. Nếu hội được nhà nước giao nhiệm vụ về chính trị, pháp lý thì nhà nước cần hỗ trợ kinh phí.

Có ý kiến cho rằng, để tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội, cần mạnh dạn giao việc xây dựng các dự thảo Luật cho các tổ chức Hội? Ông Thịnh nhận định: Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hay tổ chức xã hội khác nếu có đủ năng lực, điều kiện thì đều có thể kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền giao cho việc xây dựng các dự thảo Luật. Trước mắt có thể thông qua đầu mối là các đại biểu Quốc hội là thành viên của tổ chức đó để kiến nghị với Quốc hội (Ví dụ: Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam là đại biểu Quốc hội khóa XIV). Nhưng cần phải cân nhắc toàn diện các mặt khi đề xuất vấn đề này với Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền, vì không phải Hội nào cũng có đủ khả năng đảm nhận được việc đó.

Để phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp trong công tác tham gia xây dựng pháp luật, thì Luật về Hội nên thể chế cụ thể những nội dung của Hiến pháp và các luật khác có liên quan đến công tác xây dựng pháp luật để một mặt phát huy vai trò các Hội, mặt khác cũng không để các Hội không đủ khả năng, điều kiện tham gia đóng vai trò là cơ quan soạn thảo dự án Luật.

Hội Luật gia Việt Nam tập hợp rất nhiều hội viên là những người có năng lực, trình độ về pháp lý; nhiều người đạt tới độ chín về trình độ, nhận thức, trải nghiệm... để cống hiến. Các khóa Quốc hội gần đây thường có nhiều đại biểu Quốc hội là hội viên Hội Luật gia Việt Nam. Điều đó cho phép Hội có đủ các điều kiện để chủ trì soạn thảo các dự án luật có liên quan. Điều 84 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền sáng kiến pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam. Trước đây, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo thành công một số dự luật quan trọng như Luật Trọng tài thương mại, Luật Trưng cầu ý dân. Tới đây Hội nên mạnh dạn nghiên cứu đề xuất để được giao xây dựng các dự án luật khác, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân…

(Ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

Phan Tĩnh (ghi)

 

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN: Các Hội có Đảng đoàn, Hội đặc thù có vai trò rất quan trọng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin