Vụ Thượng tướng TQ treo cổ tự sát: Hé lộ những cái nhất và điều đặc biệt của quân đội TQ

02/12/2017 10:12

Trước Trương Dương, quân đội Trung Quốc đã từng phanh phui những hành vi tham nhũng của 5 Thượng tướng cấp cao khác.

 Ông Trương Dương. Ảnh VCG
Ông Trương Dương. Ảnh VCG)

Cái chết "sợ tội tự sát" của Thượng tướng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Trương Dương đã tạo ra nhiều tiền lệ trong quân đội Trung Quốc. Theo đó, ông này là "hổ lớn quân đội" đầu tiên bị "ngã ngựa" sau Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là "hổ lớn quân đội" đầu tiên tự sát.

Trước Trương Dương, những Thượng tướng bị bắt giữ được thông báo công khai gồm có hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quân sự đối ngoại đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Điền Tu Tư, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp quân ủy trung ương Vương Kiến Bình, Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Hỷ Bân.

Cách thức "ngã ngựa" khác nhau

Thực tế, trước Trương Dương đã có hai quan chức chính phủ khác bị bắt giữ điều tra.

Ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương CCDI thông báo: "Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên truyền trung ương ĐCSTQ Lỗ Vĩ nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, hiện đang tiếp nhận điều tra". Hai ngày sau, Phó Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh Lưu Cường cũng bị điều tra do cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

 Từ Tài Hậu (trái) và Quách Bá Hùng (phải) tham dự phiên họp tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh khi còn tại nhiệm. Ảnh SCMP
Từ Tài Hậu (trái) và Quách Bá Hùng (phải) tham dự phiên họp tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh khi còn tại nhiệm. Ảnh SCMP)

Tuy nhiên, không giống các quan chức chính phủ, hoàn cảnh và thời điểm tiết lộ thông tin "ngã ngựa" của các sĩ quan quân đội lại điển hình hơn.

Thượng tướng Trương Dương treo cổ tự sát ở nhà riêng vào hôm 23/11 nhưng 5 ngày sau tức ngày 28/11, hãng thông tấn trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã mới đưa tin ông này vi phạm kỷ luật.

Trong khi đó, thông tin về các sĩ quan quân đội cấp cao hơn như hai Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu bị điều tra được công bố tại hội nghị của Bộ chính trị.

Ngày 28/11, thông tin Thượng tướng Trương Dương tự sát được Tân Hoa Xã là cơ quan truyền thông Trung Quốc đầu tiên đăng tải. Thời điểm này cách thời điểm Quân ủy trung ương quyết định tiến hành "nói chuyện" với Trương tròn 3 tháng (28/8/2017).

Điều này cũng xảy ra với trường hợp của hai ông Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, từ khi bị điều tra tới lúc thông tin chính thức được công khai kéo dài khoảng 3 tháng.

Báo Tân Kinh cho biết, trương ương ĐCSTQ quyết định tiến hành điều tra đối với Từ Tài Hậu vào ngày 15/3/2014 nhưng hơn 3 tháng sau tức 30/6/2014, hội nghị Bộ Chính trị mới công bố chính thức vụ việc.

Một năm sau khi Từ bị điều tra, ngày 9/4/2015, trung ương ĐCSTQ quyết định tiến hành điều tra Quách Bá Hùng và khoảng hơn 3 tháng sau (30/7/2015), cũng tại hội nghị Bộ Chính trị, thông tin về Quách mới được công bố công khai.

Ngoài ra, thời điểm, tính chất thông báo điều tra đối với các Thượng tướng khác cũng không giống nhau. Ví dụ, website PLA công bố thông tin cựu Chính ủy Không quân Điền Tu Tư "ngã ngựa" vào ngày 9/7/2016. Trong khi trang tài chính Caixin dẫn nguồn tin quân đội cho hay, Điền Tu Tư bị Ủy ban Kiểm tra Quân ủy bắt giữ vào ngày 5/7/2016.

Nói cách khác, 4 ngày sau khi Điền Tu Tư bị bắt giữa, kênh truyền thông chính thống Trung Quốc mới đưa tin về ông này.

Với trường hợp của ông Vương Kiến Bình, cựu Phó Tham mưu Bộ Tham mưu liên hợp quân ủy trung ương, cựu Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung Quốc "mất tích" gần nửa năm thì Bắc Kinh mới xác nhận ông này "ngã ngựa".

Cụ thể, truyền thông Trung Quốc tiết lộ, Vương Kiến Bình bị bắt giữ tại Thành Đô vào ngày 25/8/2016, đồng thời vợ và thư ký của ông này cũng bị bắt giữa tại Bắc Kinh. Khoảng 4 tháng sau (29/12/2016), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân xác nhận thông tin trên tại buổi họp báo thường ngày. Vương Kiến Bình trở thành Thượng tướng đương nhiệm đầu tiên bị điều tra sau Đại hội 18.

Đáng chú ý, Điền Tu Tư và Vương Kiến Bình được phong hàm Thượng tướng cùng đợt vào tháng 7/2012 nhưng đồng thời cũng cùng bị khai trừ đảng tịch vào trước Đại hội 19.

Cơ quan nào điều tra Thượng tướng "ngã ngựa"?

 Ông Trương Dương đã tự sát trong quá trình điều tra hôm 23/11. Ảnh VCG
Ông Trương Dương đã tự sát trong quá trình điều tra hôm 23/11. Ảnh VCG)

Cùng quân hàm nhưng các Thượng tướng lại do các cơ quan chức năng khác nhau điều tra nếu vi phạm kỷ luật.

Ví dụ, khi thông báo về vụ việc của Quách, Từ, Bắc Kinh thông báo: "Trung ương ĐCSTQ dựa trên điều lệ đảng, quyết định tổ chức điều tra về vấn đề vi phạm kỷ luật đối với Từ Tài Hậu" hay "Trung ương ĐCSTQ dựa trên điều lệ đảng, quyết định tổ chức điều tra về vấn đề vi phạm kỷ luật đối với Quách Bá Hùng".

Nhưng trong trường hợp Thượng tướng Trương Dương mới đây, thông báo công khai viết rõ: "Thông qua sự phê chuẩn của Trung ương ĐCSTQ, Quân ủy trung ương quyết định tổ chức nói chuyện với nguyên Chủ nhiệm Bộ Công tác chính trị Quân ủy trung ương, nguyên Ủy viên Quân ủy trung ương ĐCSTQ, Ủy viên Quân ủy trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Trương Dương".

Như vậy, hai ông Quách, Từ do Trung ương ĐCSTQ chịu trách nhiệm điều tra trong khi Trương Dương do Quân ủy trung ương điều tra sau khi cơ quan này được sự phê chuẩn của Trung ương ĐCSTQ.

Nguyên nhân khác nhau này xuất phát từ chức vụ liên quan của các ông, tuy cùng là Thượng tướng nhưng Quách, Từ đều là Ủy viên Bộ chính trị trung ương kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy còn Trương Dương chỉ là Ủy viên Quân ủy trung ương.

Hiện nay trong số các Thượng tướng "ngã ngựa" duy chỉ có Quách Bá Hùng được xác nhận tội danh.

Ngày 25/7/2016, Quách Bác Hùng bị xử chung thân, tước quyền lợi chính trị trọn đời, không thu giữ toàn bộ tài sản cá nhân nhưng những tài sản liên quan đến hành vi vi phạm kỷ luật được nộp vào ngân sách nhà nước và tước quân hàm Thượng tướng.

Với Từ Tài Hậu và Trương Dương, do qua đời trong quá trình điều tra nên không bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng công tác xử lý tài sản liên quan đến tham nhũng vẫn tiếp tục được tiến hành dựa theo quy định pháp luật Trung Quốc.

Trước cái chết của hai ông này, PLA công khai chỉ trích: "Từ Tài Hậu vốn là Thượng tướng danh tiếng lẫy lừng nhưng lại thân bại danh liệt vì tham nhũng, kết thúc cuộc đời đáng buồn, đáng xấu hổ trên giường bệnh trong nhà giam".

Hay "Trương Dương sợ tội tự sát! Vốn là Thượng tướng quyền cao chức trọng nhưng [Trương Dương] lại dùng cách thức xấu xa, đáng xấu hổ để kết thúc cuộc đời".

Theo ThoiDai

Bạn đang đọc bài viết "Vụ Thượng tướng TQ treo cổ tự sát: Hé lộ những cái nhất và điều đặc biệt của quân đội TQ" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin