Vụ ly hôn của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên: Tranh luận chưa hồi kết về áp dụng pháp luật và thẩm quyền của Tòa án?

23/04/2019 06:40

(Pháp lý) - Không ngạc nhiên khi bản án sơ thẩm xử vụ ly hôn của ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên đã đưa ra các quyết định gây nhiều tranh luận từ góc độ pháp luật, đặc biệt là các quyền sở hữu cổ phần của bà Diệp Thảo với tư cách cổ đông bị Toà án “tước bỏ”, sau đó trao toàn quyền quản lý doanh nghiệp cho ông Nguyên Vũ.

Dư luận quan tâm đặc biệt tới câu chuyện phân chia cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên và các Công ty trực thuộc Tập đoàn theo cách của HĐXX cấp sơ thẩm liệu có đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên và cho các cổ đông?

 Vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo gây ồn ào dư luận thời gian qua
Vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo gây ồn ào dư luận thời gian qua)

Từ kinh nghiệm thế giới

Một Luật sư là Trọng tài viên thuộc Trung tâm trọng tài Quốc tế cho biết: “Theo thống kê của các luật sư hôn nhân - gia đình trên thế giới, các phương án chủ yếu để phân chia tài sản chung trong kinh doanh khi ly hôn được xếp hạng. Phổ biến nhất, gần như đại đa số các bản án đều tuyên cho một bên vợ, hay chồng là người can dự vào quản trị công ty một cách sâu rộng nhất, quyền sở hữu cổ phần và quyền quản lý công ty, trong khi bên còn lại chỉ có quyền hưởng sự đền bù bằng tiền. Xếp hàng tiếp theo với nhiều bản án yêu cầu cả hai bên bán doanh nghiệp để sau đó phân chia bằng tiền theo tỷ lệ đóng góp. Ở hàng cuối và rất hiếm, đó là Toà án cho phép cả hai bên sau khi phân chia sở hữu cổ phần cùng tiếp tục được điều hành công ty”, vị Luật sư dẫn chứng.

Như vậy, theo vị Luật sư này, bản án sơ thẩm đã tuyên của Tòa án TP Hồ Chí Minh đối với vụ Vũ – Thảo thuộc vào hàng phổ biến thứ nhất của các phương án phân chia tài sản theo thông lệ chung, đó là đều tuyên cho một bên vợ, hay chồng là người can dự vào quản trị công ty một cách sâu rộng nhất, quyền sở hữu cổ phần và quyền quản lý công ty, trong khi bên còn lại chỉ có quyền hưởng sự đền bù bằng tiền.

Đến những góc nhìn khác nhau của chuyên gia ở Việt Nam

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW lại nhận định, thông thường, trong các vụ án giải quyết ly hôn, cơ quan có thẩm quyền xét xử, cụ thể là tòa án sẽ xem xét và đưa ra phán quyết giải quyết 3 vấn đề chính trong vụ án: thứ nhất là quan hệ tình cảm; thứ hai là vấn đề nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng và thứ ba là quan hệ tài sản của vợ, chồng.

Theo ông Hà, với hai vấn đề là quan hệ tình cảm và quyền nuôi con, việc giải quyết thông thường sẽ được căn cứ vào những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành. Với quan hệ tài sản, việc giải quyết thường căn cứ vào Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về việc giải quyết phân chia cổ phần trong vụ việc ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, cổ phần cũng được xác định là tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, vì cổ phần là một loại tài sản đặc thù, gắn liền với quyền và nghĩa vụ của các cổ đông liên quan đến việc quản lý, điều hành hoạt động doanh nghiệp nên Luật sư Hà cho rằng, việc phân chia cổ phần còn cần phải được căn cứ vào quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

“Vụ ly hôn đặc biệt này, ngoài việc áp dụng Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân gia đình thì còn phải áp dụng Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan chuyên ngành, cụ thể ở đây là Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp”, Luật sư Hà phân tích.

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW)

Xét xử sao để quyền lợi của các cổ đông khác không bị ảnh hưởng?

Về việc phân chia cổ phần trong vụ ly hôn của vợ chồng Vua cà phê Trung Nguyên, vị Luật sư là Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế nhận định, cần quan niệm việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong kinh doanh một khi có thành lập doanh nghiệp, dù với một hoặc cả hai bên làm chủ sở hữu là tình huống đặc biệt, không giống với phân chia tài sản chung khác.

“Một khi doanh nghiệp là pháp nhân độc lập, chủ sở hữu doanh nghiệp thực chất không còn là người chủ của những gì doanh nghiệp có, mà chỉ còn làm chủ đối với các quyền và lợi ích có liên quan, bao gồm quyền quản lý và quyền được phân chia lợi nhuận. Hai quyền này rất quan trọng, nhưng giá trị thực của nó lại không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu hay vị thế sở hữu của họ.

 Bà Thảo và ông Vũ sau phiên tòa sơ thẩm hồi cuối tháng 3
Bà Thảo và ông Vũ sau phiên tòa sơ thẩm hồi cuối tháng 3)

“Chẳng hạn, anh có thể là cổ đông lớn, nhưng không nhất thiết tham gia điều hành chủ chốt, hay doanh nghiệp có thể có tài sản và doanh số rất lớn nhưng lại không có lợi nhuận để chia”, vị Luật sư này dẫn chứng. Vị Luật sư này cũng cho rằng, tình huống ly hôn của chủ doanh nghiệp không nhất thiết dẫn đến chấm dứt hay thanh lý doanh nghiệp. Theo đó, tài sản của doanh nghiệp có thể bán đi để lấy tiền chia cho hai vợ chồng.

“Giá trị tài sản chung của doanh nghiệp là một đại lượng biến thiên theo hoàn cảnh. Nó có thể rất cao khi doanh nghiệp được kỳ vọng phát triển tốt và sinh lời, hoặc ngược lại nếu doanh nghiệp rơi vào khó khăn, khủng hoảng bao gồm cả xung đột và tranh chấp về hôn nhân của chủ sở hữu”, vị Luật sư phân tích. Từ những lập luận trên, vị Luật sư đánh giá, việc phân chia loại tài sản này không đơn giản để tuân theo một công thức chung, mặc dù quyết định pháp lý luôn hướng tới bảo vệ “lợi ích hợp pháp”của các bên liên quan.

“Thêm vào đó, một doanh nghiệp đang hoạt động không hẳn là tài sản có ý nghĩa tư riêng của hai vợ chồng, mà gắn liền với các yếu tố xã hội và công cộng. Do đó, một phán quyết của Toà án khi xét xử tranh chấp về tài sản hôn nhân phải xem xét đến các yếu tố thuộc lợi ích chung này”, vị Luật sư nhấn mạnh.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đối với việc giải quyết một vụ án ly hôn, Tòa án nhân dân có thẩm quyền cần giải quyết được 3 vấn đề là quan hệ tình cảm, tài sản và con cái. Vì cổ phần của các đương sự trong vụ án này được xác định là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, gắn với quan hệ hôn nhân của các đương sự, do đó, không thể tách vấn đề giải quyết việc phân chia cổ phần riêng khỏi vụ án giải quyết ly hôn trong trường hợp này được.

Về quyền lợi của các cổ đông khác, việc giải quyết vụ án ly hôn này không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện tại của các cổ đông khác trong công ty. Do đó, về cơ bản, quyền lợi của các cổ đông khác không trực tiếp bị ảnh hưởng từ vụ việc này.

Tuy nhiên, vì các đương sự trong vụ việc ly hôn này là những cổ đông lớn của công ty, do đó, việc phân chia cổ phần theo phán quyết của tòa án có thể ảnh hưởng nhất định đến chiến lược quản lý, điều hành công ty, qua đó tác động đến tình hình kinh doanh của công ty. Điều này có thể ảnh hưởng một cách gián tiếp đến một số quyền lợi nhất định của các cổ đông khác, như quyền nhận cổ tức của cổ đông, Luật sư Hà khẳng định.

Thẩm quyền phân chia cổ phần thuộc Tòa án nào?

Nhận định câu chuyện phân chia cổ phần trong vụ việc ly hôn của hai vợ chồng Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tương đối phức tạp với khối tài sản lớn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị nên cho các bên ly hôn trước, còn phần tài sản có thể xử lý thành một vụ khác hoặc cần xác minh cụ thể hơn.

“Theo tôi, việc tòa án tự quyết xét xử phần sở hữu cổ phần không cho họ quyền tự quyết thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, bởi Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn quy định cổ đông được quyền tự quyết cổ phần của mình”, Luật sư Hà phân tích.

Luật sư Hà lập luận, đối với các tranh chấp về cổ phần được xác định là tranh chấp về kinh doanh thương mại, theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015, những vụ án này thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thông thường là nơi cư trú của bị đơn hoặc nơi bị đơn có trụ sở.

Ngày 12/4, Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM đã có kháng nghị đối với bản án ly hôn sơ thẩm giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Điểm đáng chú ý trong kháng nghị của VKS cho rằng việc chia tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo, án sơ thẩm chia tỷ lệ 6:4 cổ phần là không phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình. Đồng thời, việc TAND giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty và trả chênh lệch cho bà Thảo là không công bằng. Vì cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu, ngoài ra cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty. Nếu chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại bảy công ty là đã tước mất quyền của bà Thảo theo quy định tại Điều 110, Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014.

Đình Hòa

 

Bạn đang đọc bài viết "Vụ ly hôn của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên: Tranh luận chưa hồi kết về áp dụng pháp luật và thẩm quyền của Tòa án?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin