Vụ án Nga - Mỹ có thể được tách với vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp?

18/08/2017 08:43

Trước quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án Trương Hồ Phương Nga, nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư đã nêu lên ý kiến của mình.

Trước quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án Trương Hồ Phương Nga (từng đạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Nga 2007) bị cáo buộc lừa đảo 16,5 tỉ đồng, nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư, cán bộ điều tra cho rằng đình chỉ vụ án là điều mà cơ quan điều tra buộc phải làm và hoàn toàn đúng quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Việc Nguyễn Đức Thùy Dung và bạn trai Lữ Minh Nghĩa trao đổi thư nilông thông qua sự giúp sức của cán bộ trại giam được cho là có dấu hiệu thông cung. Do vậy, trong phiên sơ thẩm lần 2, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ vụ án để làm rõ 9 nội dung, trong đó có vấn đề thông cung.

Thông cung có thể được hiểu là thông đồng cung khai, cùng nhau thống nhất một lời cung cho một nội dung sự việc. Đây thuộc nhóm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, gây ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp quy định trong điều 300, Bộ luật Hình sự hiện hành.

 

 Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga
Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga)

“Tạm đình chỉ điều tra vụ án khác với đình chỉ điều tra vụ án”

LS Trần Thu Nam - người tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị hại Cao Toàn Mỹ trong vụ án Trương Hồ Phương Nga – nhận định: “Có lẽ việc tạm đình chỉ vụ án là điều mà Cơ quan điều tra buộc phải làm. Lý do, trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án có 9 vấn đề được yêu cầu điều tra làm rõ, trong khi thời gian điều tra bổ sung quá ngắn (một tháng), trong 9 vấn đề có cả phần liên quan đến giám định.

Kết quả giám định lại không phụ thuộc vào Cơ quan điều tra mà phụ thuộc vào cơ quan giám định. Chính vì thế Cơ quan điều tra đã phải tạm đình chỉ điều tra vụ án để hoàn tất việc giám định cũng như đi xác định những vấn đề liên quan khác”.

Theo Luật sư Nam: "Tạm đình chỉ điều tra vụ án khác với đình chỉ điều tra vụ án. Đình chỉ điều tra vụ án là do không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội, bị can hoặc nghi can duy nhất của vụ án chết, rồi do chuyển biến tình hình hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Còn tạm đình chỉ điều tra vụ án trong trường hợp vụ án của Trương Hồ Phương Nga là để có thời gian hoàn tất những nội dung điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa".

Để làm rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với các luật sư:

PV: Về quyết định tạm đình chỉ vụ án Phương Nga vì có đến 9 yêu cầu điều tra bổ sung, trong khi thời gian là 1 tháng (quá ngắn), xin ông cho biết ý kiến về điều này?

- Luật sư Nguyễn Anh Dũng- Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Về Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án Hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị can Trương Hồ Phương Nga và bị can Nguyễn Đức Thùy Dung do cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 09/08/2017 với lý do thời gian một tháng là quá ngắn để có thể đáp ứng 9 yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án theo tôi là hoàn toàn đúng quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành.

- Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư Thành phố HCM: Theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự, tạm đình chỉ điều tra khi trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra, và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

Căn cứ theo quy định trên, việc cơ quan điều tra tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định các chứng cứ, vật chứng để điều tra, làm rõ là điều pháp luật cho phép nên đây là hoạt động tố tụng bình thường trong án hình sự. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

6.2

PV: Trong khi Trương Hồ Phương Nga kêu oan thì lại có bản khai nhận tội của Nga giống đến từng chi tiết bản khai của ông Cao Toàn Mỹ. Nguyễn Đức Thùy Dung thì khai gửi cả 10 bức thư viết trên bao nilông từ trại giam cho bạn trai. Một câu hỏi cần được Hội đồng xét xử và các cơ quan tố tụng làm rõ đó là có hay không xảy ra việc “thông cung” trong vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Theo ý kiến của LS khi theo dõi những tiến trình của vụ án ông nhận định sao về điều này dưới khía cạnh của luật pháp?

- Luật sư Nguyễn Anh Dũng - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Quá trình thẩm vấn tại phiên toà hình sự sơ thẩm ngày 29/06/2017 vừa qua đã xuất hiện một số tình tiết mới rất quan trọng có thể dẫn đến thay đổi bản chất vụ án. Tuy nhiên, đây mới là các tình tiết chưa được xác minh, đánh giá theo đúng trình tự pháp luật về Tố tụng hình sự nên chưa được coi là căn cứ pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định là có hay không hành vi “thông cung” làm sai lệch hồ sơ trong vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản được.

- Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư Thành phố HCM: Nếu đúng là có bản khai nhận tội của Nga giống đến từng chi tiết bản khai ông Cao Toàn Mỹ, ngoài ra Nguyễn Đức Thùy Dung thì khai gửi cả 10 bức thư viết trên bao nilông từ trại giam cho bạn trai thì ai cũng có quyền đặt dấu hỏi có dấu hiệu “thông cung”. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thiết và đặt dấu hỏi. Còn có việc thông cung hay không còn phải tiếp tục điều tra, đối chất, xem xét, giám định các chứng cứ, vật chứng, lấy lời khai của các bên liên quan theo quy định rồi mới có thể kết luận chính xác. Bởi hiện nay cũng chưa có kết quả giám định các vật chứng, chứng cứ nên chưa thể kết luận chính xác là có dấu hiệu thông cung.

Nếu có dấu hiệu “thông cung” vụ án sẽ phục hồi điều tra

PV: Trước thông tin tạm đình chỉ vụ án Trương Hồ Phương Nga, ông Cao Toàn Mỹ lên tiếng với tin tưởng và khẳng định: “Tôi và luật sư của tôi cũng sẽ làm mọi biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, tôi tin tưởng rằng những việc làm trái pháp luật như thông cung, lừa đảo… sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và nghiêm trị trước cán cân công lý”. Theo LS nếu có xảy ra việc “thông cung” trong vụ án Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trách nhiệm của các bên đến đâu? Điều gì sẽ xảy ra?

- Luật sư Nguyễn Anh Dũng - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội: Trong trường hợp có các căn cứ pháp lý rõ ràng làm sáng tỏ được các hành vi “thông cung” hay bất cứ hành vi nào, của bất cứ cá nhân nào, dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án trong vụ án hình sự Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì vụ án sẽ phục hồi điều tra theo đúng quy định tại Điều 235 – Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015. Quá trình điều tra bổ sung, bất cứ cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ đều bị xử lý căn cứ vào mức độ phạm tội cụ thể của từng người theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

- Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư Thành phố HCM: Nếu có việc thông cung thì đây là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và cần chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra theo thẩm quyền. Lúc này trách nhiệm có thể sẽ đặt ra đối với cán bộ điều tra hoặc quản giáo, những người liên quan đến việc thông cung của vụ án này. Lúc này việc nhập hoặc tách vụ án phải giải quyết theo quy định. Đồng thời vụ án Nga - Mỹ có thể sẽ được tách với vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp về hành vi “thông cung” và cán bộ nào là người phải chịu trách nhiệm thì phải điều tra, hoặc cơ quan có thẩm quyền cũng có thể nhập vụ án để giải quyết.

Theo Congly

Bạn đang đọc bài viết "Vụ án Nga - Mỹ có thể được tách với vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin