Vỡ đường ống nước, không ai đòi bồi thường?

08/03/2018 06:23

Ngày 5/3, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà.

Cần xem xét kỹ

Ngày 5/3, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà.

Nhưng một điểm đáng chú ý trong vụ án này là vấn đề liên quan đến trách nhiệm dân sự. Ngày 25/4/2016, HĐQT Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex có nghị quyết và quyết định nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan phải bồi thường kinh phí sửa chữa, khắc phục sự cố tuyến đường ống.

Trước thông tin trên, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định Nghị quyết của HĐQT Vinaconex không có giá trị nếu các cổ đông không đồng tình.

Bởi vì: "Hội đồng quản trị chỉ là bộ phận thường trực của Đại hội cổ đông, còn trong một công ty THNN, công ty cổ phần, Đại hội các thành viên, Đại hội cổ đông mới là những người góp vốn, có quyền quyết định cuối cùng.

Theo Luật doanh nghiệp, Đại hội cổ đông mới có quyền quyết định mọi việc quan trọng của công ty.

Còn Hội đồng quản trị chỉ được Đại hội cổ đông bầu ra, thay mặt các cổ đông điều hành hoạt động kinh doanh, chứ không phải quyết định phần tài sản của các cổ đông khác trong công ty.

 Đường ống nước sông Đà vỡ 18 lần
Đường ống nước sông Đà vỡ 18 lần)

Cho nên HĐQT không có quyền thay mặt cho tất cả các cổ đông trong công ty để mà không đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp vỡ đường ống nước sông Đà.

Vấn đề bồi thường hay không bồi thường thì phải đưa ra Đại hội cổ đông thường niên hoặc bất thường để xin ý kiến, trên cơ sở đa số 70% thành viên cổ đông đồng ý không đòi hoặc phải đòi, việc làm này mới mang tính chất pháp lý".

Còn lại vấn đề lớn nhất phải quan tâm, chỉ rõ, theo Luật sư Tiến, đó là Vinaconex có thiệt hại khi phải chi tiền sửa chữa đường ống nước sông Đà mỗi lần xảy ra sự cố và số tiền trên được chi ra khi công ty này chưa cổ phần hóa.

Vinaconex tiền thân là một Tổng công ty xây dựng 100% vốn nhà nước, nên thiệt hại tại thời điểm chi tiền sửa chữa là tiền ngân sách, nên tiền bồi thường thiệt hại là trả cho nhà nước, cho dân, chứ không phải bản thân công ty Vinaconex hiện tại đã cổ phần.

Và đã là DNNN khoản tiền sửa chữa cho 18 lần vỡ đường ống không tính vào giá trị cổ phần hóa, thì phải thu lại tiền rồi xung công quỹ nhà nước hoặc bổ sung vào phần vốn cổ phần hóa Vinaconex, nếu không các bị cáo sẽ có một khoản thu nhập bất hợp pháp.

"Để thấy, nếu HĐQT đưa ra Nghị quyết không đòi bồi thường, theo tôi đó là sai, dù tôi biết rõ ràng họ muốn làm như thế để giảm nhẹ tội cho bị cáo, nhưng bị cáo ở đây gây thiệt hại rất lớn cho công ty về mặt tài chính và còn gây thiệt hại lớn về mặt xã hội.

Đường nước sông Đà cấp nước cho 3 triệu dân phía tây thành phố, mỗi lần mất nước là họ phải chấp nhận mất nước hàng tuần, khổ nhất là những người ở chung cư sinh hoạt vô cùng khó khăn, những thiệt hại này có tính được bằng tiền.

Với góc độ như vậy ở đây ngoài trách nhiệm hình sự còn là vấn đề dân sự, cũng như thiệt hại về kinh tế - xã hội. Không thể nào HĐQT lại đưa ra quyết định như vậy, tôi khẳng định hoàn toàn không đúng pháp luật.

Dù rằng Nghị quyết đó vẫn có giá trị, nhưng quan trọng là quyết định đó có hợp pháp hay không hợp pháp, nội dung quyết định có vi phạm Luật doanh nghiệp hay không, vi phạm điều lệ công ty hay không, điều đó mới quan trọng", Luật sư Tiến chỉ rõ.

Bộ Xây dựng nên đứng ra đòi bồi thường

Cũng theo vị Luật sư trên, đơn vị đứng ra đòi bồi thường có thể là Bộ Xây dựng - đơn vị quản lý trực tiếp Vinaconex hoặc bản thân người dân cũng có quyền đòi bồi thường thiệt hại dựa vào hợp đồng cung cấp nước sạch của Vinaconex và người dân.

Tất cả sẽ dựa trên hợp đồng cam kết thế nào, thực tế cấp nước ra sao, cần chỉ rõ như đường nước đó vẫn đang sử dụng mà chỉ đạt 30-40% công suất, mà công suất giảm thì mực nước yếu, không đủ nước cho dân dùng, như vậy là vi phạm hợp đồng.

"Chắc chắn trong trường hợp này có sự cố tình lờ đi vì đây là lợi ích nhóm, bao biện cho kẻ phạm tội có chức vụ, nên cuối cùng cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải khởi tố với Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex trước đây.

Dù đã khởi tố mà vẫn muốn bằng quan hệ bao che, che đậy các hành vi phạm tội, trốn tránh trừng phạt của pháp luật, đó là việc không công bằng với xã hội.

Với vụ án đã khởi tố rồi thì vấn đề thiệt hại cứ thực hiện theo quy trình của Bộ luật hình sự năm 1999, việc bồi thường cũng tính theo quy định tại thời điểm đó", Luật sư Tiến cho biết thêm.

Phải xin lỗi bồi thường cho dân

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trần Thu Nam - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, trong vụ án trên có 2 điểm cần làm rõ: Thứ nhất, Vinaconex có đưa khoản tiền sửa chữa 18 lần vỡ đường ống vào cổ phần hóa không vì việc gây thiệt hại là hành vi đã hoàn thành, nếu không phải hoàn trả ngân sách.

Thứ hai, số tiền chi ra sửa chữa tại thời điểm đó, Vinaconex là doanh nghiệp vốn nhà nước thì đó là tiền ngân sách hay tiền doanh nghiệp.

Việc HĐQT đưa ra Nghị quyết không cần tiền bồi thường các cổ đông có chấp thuận hay không, nếu không, Nghị quyết không có giá trị".

Cũng theo Luật sư Nam, trong một vụ án hình sự luôn có các mặt dân sự, có nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền nghĩa vụ liên quan, vụ án này thì có hàng triệu người dân thành phố.

Vì thế, phải xin lỗi bồi thường cho dân, tại tòa cũng phải làm rõ vì sao không phải bồi thường.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Vỡ đường ống nước, không ai đòi bồi thường?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin