Vấn đề sở hữu và tội danh tham ô nhìn từ vụ án Oceanbank

27/10/2017 13:46

(Pháp lý)  - Vụ án xảy ra tại OceanBank (OJB) đã xử sơ thẩm và về nguyên tắc, do có kháng cáo nên bản án này chưa có hiệu lực pháp luật. Xung quanh vụ án này và một số vụ án kinh tế tương tự xảy ra trong thời gian qua đặt ra vấn đề tìm hiểu và nhận biết pháp luật liên quan đến vấn đề sở hữu và tội danh Tham ô tài sản mà một số bị cáo bị kết tội.

Ngân hàng OceanBank.
Ngân hàng OceanBank.)

Tạp chí Pháp lý xin đăng tải ý kiến của hai chuyên gia PL (PGS.TS. Nguyễn Như Phát - nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và PL và TS. Đinh Thế Hưng - Phó trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và PL) bình luận vấn đề trên dưới góc độ khoa học pháp lý.

1. Việc xác định tài sản của nhà nước trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước

Dấu hiệu quan trọng trong cấu thành của tội Tham ô tài sản đó là đối tượng của tội phạm phải là tài sản của nhà nước mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Vấn đề thế nào là tài sản của nhà nước trong trường hợp tài sản đó được đem góp vốn thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân là vấn đề còn có nhận thức chưa thống nhất và đúng đắn, gây tranh cãi trong lý luận cũng như thực tiễn giải quyết các vụ án có tính chất chiếm đoạt trong thời gian gần đây.

Trong nhiều vụ án xảy ra tại các doanh nghiệp mà ở đó Nhà nước chỉ là một cổ đông góp vốn dưới 50% và những người có chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp đó có bị coi là chiếm đoạt tài sản của nhà nước không, hiện nay chưa có hướng dẫn và áp dụng thống nhất.

Trong vụ án Ngân hàng OecanBank, Tòa án xác định Nguyễn Xuân Sơn tham ô 49.320.797.800 đồng của Nhà nước trong số 246.603.989.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt của OceanBank. Lập luận của Tòa án cho rằng vì PVN (nhà nước) góp 20% vốn vào OceanBank, nên trong số tiền 246.603.989.000 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt của OceanBank, cũng tương ứng chiếm đoạt của Nhà nước 20% của số tiền này (= 49.320.979.800 đồng). Theo quan điểm của chúng tôi, lập luận này chưa thỏa đáng, có sự nhầm lẫn tư cách sở hữu 20% vốn của Nhà nước với tư cách sở hữu 100% tài sản thống nhất của pháp nhân OceanBank - tách bạch với mọi tài sản thuộc sở hữu nhà nước để kết luận bị cáo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

6.2

Giải quyết vấn đề này phải trên cơ sở quy định về sở hữu của Bộ luật dân sự và quy định về vốn, tài sản của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể là cần có sự phân biệt giữa “vốn” và “tài sản”.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp, việc các chủ thể góp vốn tạo lập doanh nghiệp thì số tài sản đã góp vào để trở thành vốn của họ ở doanh nghiệp đó là tài sản của doanh nghiệp. Như vậy PVN góp 20% vốn vào OceanBank thì số tài sản này là của OceanBank. PVN lúc này chỉ sở hữu quyền tài sản đối với phần vốn góp của mình tại OceanBank. Chính vì vậy, theo chúng tôi, bị cáo giả sử có chiếm đoạt đi chăng nữa thì cũng chỉ là chiếm đoạt tài sản của OceanBank. Tài sản của OceanBank không phải là tài sản của nhà nước. Do đó, cần xem lại việc qui kết hành vi này, theo chúng tôi chưa đủ cơ sở để qui kết bị cáo có hành vi chiếm đoạt tài sản của nhà nước - một trong những dấu hiệu quan trọng trong cấu thành của tội Tham ô tài sản.

Điều 74, khoản 1, Mục c Bộ luật dân sự năm 2015 Quy định: “Pháp nhân… có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”. Luật Doanh nghiệp năm 2014, tại Điều 36 và Điều 37, cũng có quy định về vấn đề chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho pháp nhân thương mại. Theo đó, bất luận là tài sản góp vốn bằng tiền hay tài sản đều trở thành tài sản của pháp nhân, thuộc sở hữu của pháp nhân. Như vậy, theo lý thuyết “tách bạch” về pháp nhân, khi những tài sản vốn góp thuộc sở hữu của pháp nhân thì nó sẽ không đồng thời là đối tượng của sở hữu (vật quyền) của bất kỳ ai – trong trường hợp này là Nhà nước (theo Bộ luật Dân sự nêu trên). Khi đó, những người có tài sản góp vốn thành lập pháp nhân thương mại sẽ “ngồi” vào vị trí của chủ/đồng sở hữu doanh nghiệp chứ không thể là chủ sở hữu trực tiếp đối với tài sản của pháp nhân.

Trên đây là cách hiểu và nhận thức chính xác về sự khác biệt giữa chủ sở hữu tài sản và sở hữu vốn, không có cách hiểu khác. Vì thế không có vấn đề tranh luận mà chỉ có vấn đề hiểu đúng/sai về triết lý, lý thuyết và bản chất của pháp nhân mà nhận thức của chúng ta, không hề thay đổi và cũng đã thể hiện trong Bộ luật dân sự và Luật doanh nghiệp của nước ta. Nếu không hiểu đúng như thế thì sẽ là mâu thuẫn, vô nghĩa khi pháp luật của ta quy định về pháp nhân, về trách nhiệm hữu hạn và về sự độc lập về pháp lý của pháp nhân.

Về vấn đề này, năm 2010 trong Hội nghị tổng kết ngành Tòa án, Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao đã có quan điểm: Đối với doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước từ 50% trở xuống và Nhà nước không giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì cũng không có tội Tham ô tài sản. (Chỉ đối với doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm tỷ lệ góp vốn trên 50% và giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó); đồng thời người thực hiện hành vi chiếm đoạt là người thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể của tội Tham ô thì ở đó mới có tội Tham ô tài sản.

2. Chủ thể của tội tham ô

Chủ thể của tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 BLHS 1999 (đang có hiệu lực) là người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế. Luật Phòng chống tham nhũng đã liệt kê khá rõ về chủ thể trên bao gồm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước… Do vậy khi xử lý, các cơ quan tố tụng cần coi đây là căn cứ quan trọng để xác định chủ thể của tội Tham ô.

Vướng mắc đặt ra hiện nay trong khi giải quyết các vụ án kinh tế là vấn đề địa vị pháp lý của những người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản mà họ có trách nhiệm quản lý ở những doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên...) mà Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ. Vấn đề này rất quan liên quan đến việc định tội danh đối với các bị cáo về tội Tham ô tài sản. Đây là cũng là vấn đề gây tranh luận trong vụ án OceanBank về vai trò của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Theo bản án, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank nên Nguyễn Xuân Sơn là người có chức vụ quyền hạn và chủ thể của tội Tham ô. Theo chúng tôi, quan điểm này chưa thỏa mãn với dấu hiệu “chủ thể” của tội Tham ô được qui định tại Điều 278 BLHS.

Theo Điều luật này, chủ thể của tội Tham ô phải hội đủ hai điều kiện. Đó là 1) Phải là người có chức vụ quyền hạn và 2) Phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản trong tổ chức. Xét trường hợp Nguyễn Xuân Sơn : Về dấu hiệu 1) Giả sử cho rằng Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN ở OJB chăng nữa thì Sơn cũng chỉ là người có chức vụ, quyền hạn ở PVN chứ không phải là của OJB. Tại OJB, Sơn cũng chỉ là người đại diện cổ đông PVN, như đại diện các cổ đông pháp nhân khác. Về dấu hiệu 2) Nguyễn Xuân Sơn không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản của OJB.

Như đã phân tích ở phần trên, người đại diện phần vốn góp của PVN ở OJB chỉ có tư cách đồng sở hữu chủ tài sản của OJB, chứ không có tư cách người chủ sở hữu, có quyền quản lý trực tiếp một cách tách rời phần vốn góp 20% của PVN ở OJB được. Vì nguồn vốn này khi đã được PVN góp vào OJB có nghĩa là nó đã nằm trong khối tài sản chung, thống nhất của OJB. Vì vậy, Nguyễn Xuân Sơn, mặc dù giả sử có là người đại diện vốn của PVN ở OJB chăng nữa, cũng không phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản theo quy định về chủ thể của tội Tham ô tài sản. Tuy nhiên, trong vụ án cụ thể như vụ OceanBank, các luật sư bào chữa cho bị cáo đã chứng minh Nguyễn Xuân Sơn không phải người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank. Bởi lẽ trong hồ sơ vụ án chỉ có Công văn giới thiệu số 3166/DK-HDTV ngày 6/12/2010 gửi Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị ngân hàng OceanBank với nội dung PVN giới thiệu ông Nguyễn Xuân Sơn thay ông Nguyễn Ngọc Sự làm đại diện phần vốn góp của PVN tại ngân hàng OceanBank. Trên thực tế chưa có quyết định chính thức từ PVN cũng như Quyết định của Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị Ngân hàng OceanBank công nhận tư cách pháp lý đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank đối với Nguyễn Xuân Sơn. Theo luật sư bào chữa, Nguyễn Xuân Sơn cũng không được hưởng lương của người đại diện vốn, không thực hiện các công việc của người đại diện vốn…

Vì vậy, làm rõ những vấn đề trên mới có thể xác định Nguyễn Xuân Sơn có tham ô tài sản hay không?

3. Về dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trong Tội tham ô

Một trong những dấu hiệu quan trọng của tội Tham ô tài sản đó là dấu hiệu người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội Tham ô tài sản dễ nhầm lẫn với tội Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS). Dấu hiệu để phân biệt hai tội này là dấu hiệu chiếm đoạt. Tội Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì không có dấu hiệu chiếm đoạt mà chỉ làm cho tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí, thua lỗ hoặc bị người khác chiếm đoạt.

Trong các vụ án án kinh tế gần đây, có nhiều tranh luận về tội danh của các bị cáo là Tham ô tài sản hay Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tức là các bị cáo có chiếm đoạt tài sản hay không? Đây cũng là vấn đề đặt ra trong vụ án ở Ngân hàng OceanBank liên quan đến bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tội tham ô.

Trên thực tế, trong quá trình hoạt động, những người có chức vụ quyền hạn thường rút khoản tiền lớn của doanh nghiệp để chi vào những việc khác nhau trái với quy định của Nhà nước dưới các hình thức như “tiếp khách”, “đối ngoại” hay “quà biếu” và “chăm sóc khách hàng” như vụ OceanBank. Theo chúng tôi, đây không phải là hành vi chiếm đoạt, do đó sẽ rất khiên cưỡng nếu cho đó là hành vi chiếm đoạt để kết tội tham ô. Chính vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ dấu hiệu này để xác định có hành vi chiếm đoạt hay không, chiếm đoạt cụ thể bao nhiêu, bao nhiêu dùng để chi sai nguyên tắc?… Nếu là chiếm đoạt thì có thể dẫn đến Tham ô tài sản còn chi sai nguyên tắc thì dẫn đến Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên tòa, Nguyễn Xuân Sơn và một số bị cáo khai nhận đã dùng khoản tiền “chi lãi ngoài” để đưa cho một số người. Cụ thể cho đến nay vẫn chưa xác định được số tiền chi lãi ngoài hơn 1.576 tỉ đồng (trong đó có số tiền 246 tỷ Nguyễn Xuân Sơn bị quy kết là chiếm đoạt) được đưa cho những ai? Xác định vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt hay cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

* * *

Từ những phân tích dưới góc độ khoa học pháp lý nêu trên, thiết nghĩ cần xem lại việc qui kết Nguyễn Xuân Sơn tội tham ô đã thỏa mãn đủ các dấu hiệu của tội danh này theo luật định hay chưa?

Như vậy có thể thấy, còn rất nhiều nội dung, vấn đề pháp lý cần làm sáng tỏ trong phiên tòa phúc thẩm tới đây và giai đoạn tiếp theo của vụ án xảy ra tại OceanBank để bảo đảm xử đúng người đúng tội, không làm oan nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm.

Quy định và xử lý Tội tham ô tài sản trong BLHS trên thực tiễn không chỉ là vấn đề của luật hình sự mà nó còn liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau như luật dân sự, luật doanh nghiệp, luật các tổ chức tín dụng…. Mỗi vụ án cho dù đang xét xử hay đã kết thúc bằng bản án kết tội đã có hiệu lực, thường đặt ra vấn đề khoa học pháp lý cần tranh luận nhằm giúp hoàn thiện pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm và có thể để Tòa án tham khảo để đưa ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

PGS.TS. Nguyễn Như Phát và TS. Đinh Thế Hưng

Bạn đang đọc bài viết "Vấn đề sở hữu và tội danh tham ô nhìn từ vụ án Oceanbank" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin