Tướng Lê Văn Cương: Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng nhất năm 2016

25/01/2016 06:03

(Pháp lý) - 2015 khép lại với những biến động khó lường trên thế giới mà khởi nguồn đều xuất phát từ sự tính toán lợi ích của các cường quốc. Vậy năm 2016 này dự báo tình hình thế giới căng thẳng hay hạ nhiệt? Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Công an) xoay quanh vấn đề này.

“Sức hút” từ cuộc chiến khủng bố

Phóng viên: Năm 2015 có thể nói là năm có nhiều biến động và diễn biến phức tạp như: Tình hình căng thẳng ở Biển Đông, cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và các cuộc đánh bom khủng bố xảy ra ở nhiều nơi…đã gây nên sự hoang mang rất lớn đối với người dân trên toàn thế giới. Theo ông vì sao năm 2015 này, tình hình thế giới lại có những diễn biến khó lường đến như vậy?

[caption id="attachment_134492" align="aligncenter" width="410"] Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)
Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an)[/caption]

Tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, trong năm 2015, bức tranh của thế giới có điểm xấu, điểm sáng, trong đó điểm sáng là các nước đã đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran và quan hệ có chiều hướng ấm lên giữa hai cường quốc Nga - Mỹ. Còn điểm xấu là trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ. Có thể nói cả hai cường quốc này đều thiếu lòng tin với nhau, đặc biệt là việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép các công trình trên Biển Đông đã khiến Mỹ không thực sự hài lòng. Và những vụ đánh bom khủng bố đấm máu xảy ra nhiều nơi trên thế giới như: Vụ đánh bom tòa soạn báo Charlie Hebdo, đặt bom chiếc máy bay của Nga, đánh bom ở Paris, đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ… Song, nhìn vào tổng thể trong năm qua thì rõ ràng, những bất ổn của thế giới đều bắt nguồn từ sự tính toán lợi ích của các cường quốc như: Nga, Mỹ…

Năm qua cũng là năm mà cuộc chiến chống khủng bố và tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS diễn ra quyết liệt. Điều gì đã làm nên “sức hút” với các cường quốc như Nga, Mỹ…trong cuộc chiến hao công tốn của này?

Cuộc chiến chống lại nhà nước hồi giáo IS đang thu hút các cường quốc là điều không có gì bất ngờ, bởi hiện nay, cuộc chiến này chủ yếu đang diễn ra tại Syria mà Syria không chỉ là nước có vị trí địa chính trị, địa chiến lược vô cùng quan trọng mà còn là đồng minh của Nga, Iran. Trong một cơn lốc của trò chơi quyền lực thế giới và khu vực mang nặng tính chất của một cuộc xung đột kéo dài liên quan đến lợi ích địa chiến lược và địa chính trị của tất cả các bên liên quan như vậy, Syria trở thành nơi thu hút sự chú ý chiến lược của các nước như Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông vì nước này có quan hệ chiến lược với Iran và Nga cũng là điều dễ hiểu. Việc Nga và Trung Quốc cùng phủ quyết một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Syria Bashar Assad từ chức tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các khuôn mẫu chiến tranh lạnh đã quay trở lại Trung Đông. Sự tập hợp chiến lược ở Trung Đông hiện nay có thể thấy rõ một bên gồm các nước Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và các vương quốc giàu dầu lửa trong Vùng Vịnh và một bên là Nga, Iran, Syria. Ngoài ra, Syria còn là nơi Nga có căn cứ quân sự và là cửa ngõ để Nga tiến ra Địa Trung Hải. Đó chính là nguyên nhân khiến các cường quốc đều dành sự quan tâm vào nước này cũng như cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS.

Bàn cờ lợi ích địa chính trị, lợi ích kinh tế của các cường quốc

Sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, giới quân sự thế giới đã bắt đầu đề cập tới cuộc xung đột giữa các cường quốc và nguy cơ về thế chiến lần thứ 3 cũng có thể xảy ra. Theo ông, dựa trên những diễn biến trong thời gian qua, liệu có xảy ra cuộc chiến này? Nếu điều đó xảy ra, thì nó sẽ tạo ra thảm họa gì cho thế giới?

Vấn đề này đã được một số chuyên gia trong giới quân sự thế giới đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khả năng thế chiến thế giới thứ 3 chỉ là điều tưởng tượng của một số người, bởi, nếu có xảy ra cuộc chiến thì tôi tin chắc không có bên nào chiến thắng, nhưng thiệt hại lại vô cùng lớn. Và khả năng, chiến tranh hạt nhân cũng không loại trừ. Khi đó, thì nguy cơ về thế giới bị hủy diệt sẽ hiển hiện.

[caption id="attachment_134493" align="aligncenter" width="410"] Nga – Mỹ sẽ bắt tay để giải quyết vấn đề Syria
Nga – Mỹ sẽ bắt tay để giải quyết vấn đề Syria[/caption]

Bên cạnh nguy cơ về cuộc đụng độ giữa các nước thì có ý kiến cho rằng, phương tiện truyền thông của Phương Tây cũng như Mỹ liên tục đưa thông tin trái chiều và đôi khi vu cáo những nỗ lực của Nga trong cuộc chiến chống IS. Ông có nghĩ, những thông tin như vậy, có phải các phương tiện truyền thông cũng đang góp phần làm tình hình thêm rối loạn và bất ổn hơn?

Đúng là như vậy, khi Nga chính thức không kích tổ chức Nhà nước hồi giáo IS, thì các phương tiện truyền thông của Mỹ cũng như Phương Tây đều lu loa và nói xấu Nga. Họ đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch nhằm lên án việc can dự của Nga. Đây chính là đòn chiến tranh tâm lý mà Mỹ và Phương Tây luôn áp dụng mỗi khi can dự vào đâu đó mà gặp phải sự phản đối hay phủ quyết của các nước khác.

Theo dõi diễn biến của Nhà nước Hồi giáo IS trong những năm qua, theo ông mục đích của IS là gì? Phải chăng, IS chỉ là quân cờ của các cường quốc?

Trước hết phải khẳng định, IS là một tổ chức khủng bố, IS khác al-Qaeda ở hai điểm. Thứ nhất, IS ban đầu là một nhánh của al-Qaeda và xuất hiện ở Irag năm 2010 và là một nhánh của ông Osama bin Laden để chống lại Mỹ. Đến năm 2011, khi Osama bin Laden bị Mỹ tiêu diệt, cùng với đó là cuộc hỗn loạn ở Lybia và Tổng thống nước này là ông Muammar al-Gaddafi lật đổ thì nơi đây trở thành thiên đường của tổ chức khủng bố. Sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt thì người theo Osama bin Laden không đủ tầm cỡ để quy tụ tất cả các nhánh của al-Qaeda khắp thế giới. Trong đó, nhánh al-Qaeda ở Irag đã tách ra khỏi al-Qaeda và năm 2013 đã có cuộc đoạn tuyệt của IS khỏi tổ chức mẹ là al-Qaeda. IS có tính tàn bạo hơn al-Qaeda hàng trăm nghìn lần và trong lịch sử nhân loại không có một tổ chức nào tàn bạo như IS. Thêm nữa, al-Qaeda chỉ đánh bom liều chết nhưng al-Qaeda không có mục đích xây dựng thành nhà nước. Tức là đánh để trả thù, còn IS có cờ hiệu, có tôn chỉ mục đích, có quốc kỳ, quốc ca và tuyên bố công khai thành lập một Nhà nước của người Hồi giáo Suni trước hết là đóng đô, định cư tại Irag và Syria. Về lâu dài sẽ bao chiếm thành một siêu nhà nước của người Hồi giáo Suni từ Bắc Phi đến Trung Đông khoảng 700 – 800 triệu người. Hiện nay, IS có bộ máy, có tổ chức, có vùng lãnh thổ và IS chủ yếu là người Hồi giáo dòng Suni.

Còn cho rằng IS là quân cờ của các cường quốc hay không? Đây là vấn đề rất hay, nhưng hiện nay chưa có dữ liệu đầy đủ để khẳng định điều này. Bản thân IS không do Mỹ lập nên, nguyên nhân sâu xa là do cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị Mỹ tiêu diệt, có thể Saddam Hussein không bị lật đổ thì chắc chưa có IS và xét trên phương diện nào đó thì tôi cho rằng, IS chính là sản phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, cũng có nguồn tin cho rằng, Mỹ vừa đánh IS nhưng họ không đánh đến cùng và vẫn liên hệ bí mật với IS theo kênh nào đấy và dùng IS để tấn công vào các đối thủ của Mỹ. Điều này chưa có căn cứ xác đáng nhưng tôi không loại trừ. Ngay cả một số nước Ả Rập cũng dùng IS để đánh vào đối thủ của mình là Iran và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tất cả là do lợi ích địa chính trị, lợi ích kinh tế, lợi ích của các cường quốc được đặt lên vị trí tối thượng chứ không phải vì cuộc sống bình yên của người dân ở khu vực này.

Nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á

Năm qua, một số nước ở Đông Nam Á đã bắt các phần tử cực đoan có liên quan đến Nhà nước Hồi giáo IS, phải chăng “con quái vật IS” thực sự đã vươn vòi bạch tuộc tới khu vực Đông Nam Á, thưa ông?

Cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu chủ yếu tập trung phạm vi ở khu vực Trung Đông, thế nhưng những diễn biến mới nhất cho thấy hoạt động khủng bố đã có nhiều diễn biến khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực này. Khi mà ở khu vực này có nhiều nước có cộng đồng người Hồi giao sinh sống đông nhất thế giới như: Indonexia, Malaisya…Và thực tế, hai nước này đã là nơi cư trú của các phần tử thánh chiến hồi giáo. Trong năm 2015 này, IS đã sờ đến các nước Asean này rồi, nhưng tôi cho rằng, năm 2016 thì mới là thảm họa đối với các nước Đông Nam Á và IS sẽ tuồn vào các nước Asean nhiều hơn. Bởi, năm 2016, liên quân của Mỹ, liên quân của Nga hợp lưu lại và đánh rất mạnh vào IS và buộc IS phải co cụm lại đối phó và khả năng IS phải rút chạy là điều hoàn toàn dễ đoán định.

Thời gian qua, có khá nhiều nguồn tin đưa ra về việc những phiến quân Malaysia ẩn náu ở miền nam Philippines đang lên kế hoạch thành lập “chi nhánh chính thức” của IS tại Đông Nam Á bằng cách ghép các nhóm khủng bố ở Malaysia, Indonesia và Philippines – bao gồm nhóm Jemaah Islamiah và Abu Sayyaf. Ngoài Jemaah Islamiah và Abu Sayyaf, những tổ chức khủng bố trong khu vực bao gồm Tanzim Al-Qaeda, Kumpulan Mujahidin Malaysia và Darul Islam Sabah. IS hiển hiện ở Đông Nam Á là điều không mới, chỉ khác là IS chưa thực hiện được vụ đánh bom nào mà thôi.

Khi các nước đang dồn sức để chống lại Nhà nước Hồi giáo IS thì có vẻ Trung Quốc lại đứng ngoài cuộc? Ông lý giải gì cho điều này?

Đây là vấn đề mà cộng đồng quốc tế rất quan tâm và tôi cho rằng, ở đây có hai nguyên nhân. Thứ nhất, Trung Quốc nói đứng ngoài cuộc chiến chống IS thì không phải nhưng chỉ đứng để quan sát là chủ yếu. Và Trung Quốc đang chờ “tọa sơn quan hổ đấu”, khi Mỹ càng sa lầy vào Iraq, Syria thì Trung Quốc càng có lợi và Nga sa lầy thì Trung Quốc cũng được lợi. Họ chờ tất cả các đối thủ của mình quỵ rồi thì lúc đó họ mới nhảy vào. Thứ hai, chính Tân Cương có người Hồi giáo theo dòng Shia, Suni, chỉ tính riêng trong năm 2013, 2014 đã xảy ra nhiều vụ khủng bố ở Tân Cương, Tây Tạng và người này có gốc gác ở Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng, nếu Trung Quốc can dự sâu thì nguy cơ người Hồi giáo dòng Suni thánh chiến quay lại trả thù Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Vì thế, Trung Quốc luôn giữ một khoảng cách nhất định và cho đến nay thay vì hành động thì Trung Quốc chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung.

2016 là năm căng thẳng ở Biển Đông

Với những căng thẳng và bất ổn trong năm 2015, ông có dự đoán gì về tình hình thế giới trong năm 2016? Cá nhân ông quan tâm nhất về điểm nóng bất ổn nào nhất trong năm 2016 tới?

Bức tranh chính trị năm 2016 , theo tôi vẫn theo cách tiếp cận theo hai nửa thế giới. Nửa Châu Đại Tây Dương giữa Mỹ - Nga tiếp tục củng cố sự hợp tác với nhau. Quan hệ Mỹ - Nga xuống đáy trong năm 2014, năm 2015 họ bắt tay nhau để giải quyết vấn đề Syria và giải quyết vấn đề P5 + 1 về chương trình hạt nhân của Iran. Mặc dù, giữa Mỹ - Nga còn có vực thẳm trong lòng tin với nhau nhưng năm 2016 tiếp tục cải thiện và hợp tác trong từng bước đi nhỏ với nhau và chưa đi đến bình thường hóa được. Và trong quan hệ Mỹ - Nga năm 2016 là mối quan hệ tương đối ổn định và phát triển theo hướng hòa dịu hơn.

[caption id="attachment_134494" align="aligncenter" width="410"] Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng nhất trong năm 2016
Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng nhất trong năm 2016[/caption]

Còn nửa Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2016 này, thì Tổng thống Mỹ Obama là nhiệm kỳ cuối và trọng tâm của ông Obama vẫn duy trì cho nền kinh tế phát triển ổn định. Đồng thời, ông Obama phải lo bầu cử Tổng thống trong năm 2016 này. Vì thế ông Obama phải dành 2/3 tâm trí vào vấn đề trong nước. Còn về vấn đề ngoài nước Mỹ, ông Obama sẽ tập trung vào 2 việc. Thứ nhất, cùng với Nga tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Thứ hai, tiến tới hòa giải với Iran. Chính vì thế, ông Obama sẽ không làm gì để làm dịu căng thẳng ở Biển đông cả. Ngược lại, với Trung Quốc, năm 2015, ông Tập Cận Bình đã rất quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng, điều đó là đúng đắn nhưng lại đụng vào nhóm lợi ích của Trung Quốc đã tồn tại trong 40 – 50 năm nay rồi. Về kinh tế, sau 30 đổi mới kinh tế phát triển phi mã thì bắt đầu bộc lộ những yếu kém của nền kinh tế. Trọng tâm mà ông Tập Cận Bình phải lo là ổn định chính trị và kinh tế để chuẩn bị bước vào Đại hội lần thứ 19 trong năm 2017. Tuy nhiên, do ông Obama ít quan tâm và làm căng ở Biển Đông nên Trung Quốc lợi dụng năm 2016 sẽ làm quyết liệt ở Biển Đông và trong năm 2016, Trung Quốc sẽ xây dựng xong 2 sân bay ở đảo Gạc Ma và Chữ Thập. Sau đó, đưa máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến, bom chiến lược vào đây nhằm quân sự hóa Biển Đông. Thông qua việc này, để khống chế toàn bộ Biển Đông và khống chế 10 nước Asean. Đó chính là chính sách chống tiếp cận của Trung Quốc.

Tôi cho rằng, năm 2016 là năm căng thẳng ở Biển Đông và với các nước trong đó có Việt Nam thì Biển Đông vẫn là điểm nóng bất ổn nhất.

Ngoài những bất ổn kể trên năm 2016 này, nhiều chuyên gia quân sự cũng lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông cũng có thể dẫn tới xung đột giữa các nước trong khu vực. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Nhìn vào những diễn biến như trong thời gian qua, tôi cho rằng, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, tuy nhiên, nó chỉ là những xung đột nhỏ và sẽ không bùng phát thành cuộc chiến giữa các nước. Hơn ai hết, lãnh đạo các nước đều hiểu rằng, một cuộc chiến như vậy không chỉ hao công tốn của mà còn khiến nền kinh tế của nước đó lâm vào cảnh suy thoái. Trong những năm qua, việc Trung Quốc xây dựng và cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chính là tiền đề cho mọi mâu thuẫn hiện nay. Song, để xảy ra xung đột thì sẽ khó xảy ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thiếu tướng Lê Văn Cương đã chọn những sự kiện quan trọng, nổi bật nhất và sự kiện xấu năm 2015:

- Sự kiện Putin và Nga quyết định không kích IS tại Syria ngày 30/9/2015. Đây là sự kiện đặc biệt nhất làm xoay chuyển toàn bộ cục diện sau 5 năm xung đột đấm máu ở đây. Sự kiện này góp phần làm thay đổi quan hệ giữa Nga – Mỹ và làm rung chuyển các mối quan hệ trong khu vực.

- Sự kiện xấu nhất trong năm: Là mối quan hệ giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

- Vụ khủng bố đẫm máu nhất: Vụ khủng bố ở Paris (Pháp) - Quốc gia bị chịu đòn nặng nhất năm 2015: Nước Pháp

- Những bước ngoặt trong quan hệ song phương tốt nhất năm: Bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ - Cuba

- Điểm sáng nữa là: Thỏa thuận P5+1 về vấn đề hạt nhân của Iran

- Khu vực phát triển phức tạp và không thuận lợi nhất: Mỹ la tinh - trong bầu cử ở Venezela là đòn thất bại của Lực lượng cánh tả của chủ nghĩa Chaves. - Thất bại của chủ nghĩa Chavez cộng với thất bại của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

- Sự kiện nổi bật nhất Asean: Cuộc bầu cử ở Myanmar khi Đảng của bà Bà Aung San Suu Kyi dành thắng lợi.

 

Lạc Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Tướng Lê Văn Cương: Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng nhất năm 2016" tại chuyên mục Đối thoại. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin