Từ vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ qua biên giới: Kiến nghị bịt lỗ hổng pháp luật và điều tra xử lý triệt để vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm

15/06/2022 15:03

(Pháp lý) - Nghiên cứu những tình tiết của vụ án vận chuyển trái phép 30.000 tỷ qua biên giới, đồng thời phân tích các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi nhận thấy pháp luật vẫn đang tồn tại không ít những khoảng trống. Bên cạnh đó không loại trừ sự buông lỏng, thậm chí bao che, tiếp tay làm ngơ của cán bộ quản lý nhà nước…

hinh-1-1655280076.png
Hình minh hoạ

Để ngăn chặn triển để những hành vi vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần kịp thời bít lại những lỗ hổng pháp luật. Trong vụ án này cơ quan chức năng cần tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ có hay không hành vi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của một số cán bộ quản lý nhà nước? Đặc biệt cần phải điều tra làm rõ có hành vi đưa nhận hối lộ hay không? Nếu có thì cần phải xử lý nghiêm những đối tượng này để răn đe kẻ khác, đồng thời đảm bảo vụ án được giải quyết triệt để, không bỏ lọt tội phạm.

Vận chuyển hơn 30 nghìn tỷ đồng trái phép ra nước ngoài bằng thủ đoạn tinh vi

Mới đây Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 13 bị can về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ ( 30 nghìn tỷ đồng) qua biên giới, đồng thời chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để xét xử theo thẩm quyền.

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến năm 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng bị can Nguyễn Thị Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài. Qua đó, Nguyễn Thị Nguyệt thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ở vụ án này, thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, đó chính là thông qua việc thanh toán các hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa qua ngân hàng để đường đường chính chính qua mặt các cơ quan chức năng vận chuyển một khối lượng tiền khủng ra nước ngoài và trong thời gian dài.

Cụ thể, từ năm 2016, do có một số đối tượng có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất hàng hoá của Phạm Hữu Thuật với giá từ 30-40 triệu đồng để hợp thức việc chuyển tiền ra nước ngoài qua hai pháp nhân thương mại. Để nguỵ tạo giao dịch hàng hoá nhằm che mắt sự kiểm soát của cơ quan chức năng, hai bị cáo góp tiền mua hàng là các linh kiện điện tử - IC điều khiển tại Trung Quốc, làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái rồi tái xuất sang Trung Quốc cho chính người đó.

Từ đó, Thuật mở 49 tờ khai tạm xuất nhập khẩu hàng hóa, sử dụng hai công ty trên để thanh toán. Tổng số tiền Thuật và Nguyệt chuyển ra nước ngoài hơn 3.800 tỷ đồng.

 

anh-minh-hoa-cong-an-tinh-an-giang-kham-xet-tiem-vang-phuoc-nguyen-1655280188.png

Ảnh minh hoạ: Công an tỉnh An Giang khám xét tiệm vàng Phước Nguyên.

Cũng bằng chiêu thức này, Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn đã sử dụng chứng minh nhân dân của 8 người thân lập 8 công ty để lợi dụng pháp nhân mở hồ sơ khống chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Thực tế, 8 công ty không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nguyệt chỉ đạo các đồng phạm, đều là người nhà, lập hợp đồng kinh tế khống, con dấu nước ngoài, tự ký chữ ký giả. Nội dung về mua bán linh kiện điện tử của các công ty Singapore để xuất bán sang Trung Quốc, mục đích duy nhất là làm sao mở được tờ khai hải quan. Để có hàng hóa, các đối tượng đã mua các linh kiện điện tử, đóng thành 12 thùng, để sử dụng quay vòng cho tất cả hợp đồng mua bán khống.

Sau khi "khách" (người có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài) chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của những bị can này. Tiền tiếp tục được chuyển vào tài khoản của 8 công ty để thực hiện giao dịch quy đổi ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài. Cuối cùng, vợ chồng Tuấn Nguyệt liên hệ nhân viên một số ngân hàng tại tỉnh Quảng Ninh và Lào Cai thỏa thuận sẽ gửi chứng từ, hồ sơ qua bưu điện và email để thực hiện chuyển tiền quốc tế.

Nguyên nhân một phần từ sự lỏng lẻo của qui định pháp luật

Các đối tượng phạm tội nói trên rồi sẽ phải chịu mức án thích đáng và tương xứng với hành vi phạm tội của mình trước chế tài của pháp luật. Tuy nhiên, điều mà những ngày qua, dư luận không khỏi băn khoăn và đặt ra rất nhiều câu hỏi là vì sao mà các đối tượng có thể vận chuyển trót lọt được một khối lượng tiền khủng nhưng vậy, trong thời gian lâu như vậy mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời để ngăn chặn và xử lý. 

Quả thực khi nghiên cứu kỹ lưỡng những tình tiết của vụ án, đồng thời phân tích các quy định pháp luật liên quan, chúng tôi nhận thấy pháp luật vẫn đang tồn tại không ít những lỗ hổng, những bất cập của cơ chế giám sát, kiểm tra… đã “ giúp” các đối tượng lợi dụng để qua mặt các cơ quan chức năng, ung dung chuyển tiền ra nước ngoài thông qua kênh chính thống là các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong một thời gian dài như vậy.

Theo đó, Khoản 6 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung 2013) quy định về thanh toán và chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai (chuyển tiền một chiều ra nước ngoài) bao gồm: Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến tín dụng thương mại và vay ngân hàng ngắn hạn; Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến thu nhập từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp…

Điều 4 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, nguyên tắc tự do hóa đối với giao dịch vãng lai: Người cư trú, người không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai. Đồng thời phải có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép. Và không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.

Điều 16 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định về việc kiểm tra chứng từ như sau: “Tổ chức tín dụng được phép và tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật”.

Đọc những quy định pháp luật này tưởng chừng như khá đầy đủ và chặt chẽ trong việc kiểm soát thanh toán các giao dịch thương mại quốc tế giữa cá nhân, tổ chức trong nước với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, qui định lại hở, có khoảng trống để  các đối tượng lợi dụng để qua mặt các cơ quan chức năng, ung dung chuyển tiền ra nước ngoài một cách hợp pháp.

Cụ thể, về quy định cá nhân, tổ chức tự do được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai và chỉ phải xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng; tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình; không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam: qui định này cho thấy cơ chế giám sát các giao dịch còn không ít lỏng lẻo, chủ yếu phụ thuộc vào sự trung thực, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân mà thiếu vắng quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước trong các giao dịch này.

Cùng với việc kiểm soát tính xác thực của chứng từ phù hợp với các giao dịch tại một số ngân hàng, tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại tệ cũng chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến tình trạng các đối tượng làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu, nâng khống, giá trị hàng hoá thương mại trong các hồ sơ thanh toán và dễ dàng trực tiếp chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài.

Điều này cũng đã từng được chuyên gia phân tích và chỉ ra trong nhiều vụ án vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài trước đây như trong vụ vận chuyển trái phép gần 2.300 tỷ đồng qua biên giới của Nguyễn Văn Ất, Nguyễn Mạnh Dũng cùng hai tay chân bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử hồi năm 2019. Cũng bằng thủ đoạn lợi dụng sự kiểm soát đang còn rất lỏng lẻo của ngân hàng để làm giả hồ sơ thương mại, xuất nhập khẩu làm căn cứ thực hiện đủ các giấy tờ như giấy đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền, phụ lục hợp đồng… phục vụ cho việc chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài tại các ngân hàng.

Cũng bằng thủ đoạn này Nguyễn Thị Nguyệt và các đồng phạm đã sử dụng các hợp đồng thương mại khống để làm thủ tục thanh toán quốc tế và vận chuyển trót lọt hơn 30.000 tỷ ra nước ngoài, trong một thời gian dài.

Và sự cộng hưởng của những hạn chế trong chính sách

Điển hình “lỗ hổng” chính sách hiện nay là việc quản lý doanh nghiệp, trong đó quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện nay quá dễ dãi. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, người đăng ký kinh doanh không cần chứng minh địa chỉ kinh doanh; khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ (Sở KH-ĐT) phải kiểm tra tính hợp pháp giấy tờ mà chỉ cần hồ sơ hợp lệ (khai đầy đủ và người khai tự chịu trách nhiệm) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Do vậy, nhiều trường hợp đăng ký kinh doanh nhờ người khác đứng tên hộ, thậm chí là cung cấp hồ sơ giả, địa chỉ không có thật nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp ma, rồi hoạt động phi pháp, tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng...

Đồng thời, việc quản lý hoạt động công chứng chứng thực chưa thực sự chặt chẽ, thiếu cơ chế giám sát đối với việc sao y chứng thực các giấy tờ. Đây là lỗ hổng rất lớn khiến cho các đối tượng có thể dễ dàng sử dụng giấy tờ cá nhân của người khác để thực hiện đăng ký doanh nghiệp “ma”

Do đó, rất nhiều chuyên gia cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp đang bị lợi dụng, biến thành lỗ hổng cho tội phạm lợi dụng. Và thực tế trong vụ án vận chuyển 30 nghìn tỷ ra nước ngoài đã chứng minh điều này. Các đối tượng đã sử dụng 8 CMND của người thân trong gia đình để thành lập ra 8 công ty “ma” làm “bình phong” để ký hợp đồng kinh tế khống mua hàng hóa quốc tế theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan. Từ đó, các bị cáo lập hồ sơ chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.

Sự bao che, tiếp tay của cán bộ

Đặc biệt phải kể đến đó là hạn chế trong cơ chế giám sát việc thực thi nhiệm vụ của một số chức năng dẫn đến việc buông lỏng quản lý, tắc trách, thậm chí bao che, tiếp tay làm ngơ của cán bộ quản lý nhà nước - ở đây đó chính là một số cán bộ ngành Hải quan.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng còn xác định ông Trần Xuân Sang, Nguyễn Long Giang và Trịnh Ngọc Toàn (3 công chức hải quan tỉnh Lào Cai) đã không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ để chuyển tải hàng hóa từ xe vận tải sang xe biên mậu; không kiểm tra số lượng kiện hàng tái xuất sang Trung Quốc; cũng không chứng kiến, giám sát hết quá trình chuyển tải, không biết thực tế đã chuyển tải hết các kiện hàng chưa nhưng vẫn ký xác nhận bảng kê phương tiện. Còn tại Cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, cáo trạng xác định có một số cán bộ tên Thu, Hải và Cường, không thực hiện đầy đủ quyền được giao, dẫn tới không phát hiện hàng hóa đã bị khai tăng giá trị nhiều lần.

Thực tế, không phải chỉ trong vụ án này mới thấy được điều đó mà trong rất nhiều những sự vụ khác cũng thấy bóng dáng hiện hữu của sự buông lỏng quản lý, tắc trách thậm chí bao che sai phạm. Điển hình như trong vụ nghi vấn đường dây nhập khẩu xe sang “đội lốt” quà biếu tặng mà báo Tiền phong phanh phui mới đây.

Còn chưa kể đến việc có sự cấu kết giữa các đối tượng với cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các các dịch vụ thanh toán quốc tế mà chúng ta thấy rõ trong vụ án nói trên.

Theo đó, cơ quan điều tra xác định, một số nhân viên ngần hàng tại Móng Cái, Quảng ninh đã cấu kết với các các đối tượng để thức hiệc thành công các gia dịch thanh toán quốc tế. Mỗi giao dịch thanh toán quốc tế, nhân viên ngân hàng được hưởng lợi số tiền 500,000 - 1.500.000 đồng/1 triệu USD.

Kiến nghị

Từ những phân tích trên đây, chúng tôi cho rằng để ngăn được tình trạng vận chuyển trái phép tiền, ngoại tệ ra nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời bít lại những “lỗ hổng” tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng để qua mặt các cơ quan chức năng, ung dung chuyển tiền ra nước ngoài. Trong đó cần hoàn thiện các quy định về Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu… Đặc biệt, quy định về cơ chế giám sát các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu; giám sát đối với các hoạt động chuyển tiền, thanh toán các giao dịch vãng lai; giám sát chặt việc quản lý thành lập doanh nghiệp để ngăn chặn kịp thời việc thành lập các doanh nghiệp “ma” hoạt động phi pháp, tổ chức buôn lậu, trốn thuế…

Ngoài ra, điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây, đó chính là: mặc dù pháp luật còn tồn tại không ít những lỗ hổng cần phải kịp thời bít lại. Tuy nhiên, các đối tượng sẽ không thể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội với tần suất nhiều lần, khối lượng tiền khủng và tại nhiều nơi nếu như không có sự tắc trách thậm chí bao che, làm ngơ của cán bộ quản lý nhà nước. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cán bộ liên quan nào bị xem xét xử lý.

Dó đó chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra, làm rõ có hay không hành vi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của một số cán bộ quản lý nhà nước? Đặc biệt cần phải điều tra làm rõ có hay không hành vi “ bôi trơn”, đưa nhận hối lộ? Nếu có thì cần phải xử lý nghiêm những đối tượng này,  để đảm bảo không bỏ lọt bất kỳ hành vi phạm tội nào.

Nam Kiên – Văn Thư
Bạn đang đọc bài viết "Từ vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ qua biên giới: Kiến nghị bịt lỗ hổng pháp luật và điều tra xử lý triệt để vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin