Từ vụ truy tố 16 bị can tội cướp “168 Bitcoin” trị giá 37 tỷ đồng: Kiến nghị khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo

30/11/2021 11:23

(Pháp lý) – Liên quan đến việc truy tố 16 bị can thực hiện hành vi cướp số tiền điện tử là 168 Bitcoin, trị giá 37,1 tỷ đồng về tội "Cướp tài sản" theo khoản 4 điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã có nhiều quan điểm khác nhau. 

Có quan điểm cho rằng, Bitcoin không được Nhà nước thừa nhận là tiền nên không phải tài sản, do đó không đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản. Quan điểm khác lại cho rằng Bitcoin được xác định là tài sản dưới dạng quyền tài sản, nên hành vi cướp Bitcoin là hành động cướp tài sản...

Nhiều luật sư phân tích dưới góc độ khoa học hình sự thì tội "Cướp tài sản" là tội phạm có cấu thành hình thức. Khi thực hiện hành vi phạm tội, nhóm đối tượng này nhận thức tiền ảo là tiền, là tài sản nên mới lập kế hoạch để cướp của người bị hại. Những người này dùng vũ lực, có ý thức chiếm đoạt nên hành động đó đã cấu thành tội cướp tài sản. 

Để góp phần hạn chế những hệ lụy từ tiền ảo, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp lý phát sinh liên quan đến tiền ảo…

image001-1638245893.jpg
Việt Nam chưa công nhận đồng tiền ảo trong đó có Bitcoin là một phương tiện thanh toán nên việc truy tố 16 người tội cướp tiền Bitcoin còn nhiều tranh cãi về tội danh.
 

Truy tố 16 bị can cướp 37 tỷ đồng “tiền ảo” về tội cướp tài sản

Ngày 23/11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, đã ban hành cáo trạng truy tố 16 bị can thực hiện hành vi cướp số tiền điện tử là 168 Bitcoin, trị giá 37,1 tỷ đồng theo kết quả giám định.

Theo cáo trạng, quá trình kinh doanh "tiền ảo", Hồ Ngọc Tài (sinh năm 1989) và Trần Ngọc Hoàng (sinh năm 1983, cùng ngụ Đà Nẵng) quen biết anh Lê Đức Nguyên (sinh năm 1988, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2018, nghe anh Nguyên tư vấn, Tài đã bán 1.000 Bitcoin trị giá 100 tỷ đồng để kinh doanh các loại tiền khác trên sàn giao dịch điện tử quốc tế nhưng sau đó thua lỗ, mất sạch tiền.
Do nghi ngờ anh Nguyên lừa đảo chiếm đoạt tiền điện tử của mình nên Tài và Hoàng đã rủ rê, lôi kéo 14 bị can khác lập kế hoạch khống chế, uy hiếp, đe dọa chiếm đoạt tiền điện tử của anh Nguyên.

Ngày 17/5/2020, Tài và Hoàng đã tổ chức cùng đồng bọn sử dụng xe ô tô tạo vụ va chạm, chặn xe đang lưu thông qua thị trấn Dầu Giây (Đồng Nai). Nhóm này đã tấn công, dùng súng uy hiếp, khống chế, đe dọa anh Nguyên và vợ con để ép anh này đọc mật khẩu tài khoản ví tiền điện tử, chiếm đoạt số tiền điện tử gồm 2.030.712.345 TRX; 19.33 triệu BTT và 0.158 BTC.

Sau đó chúng bán tổng cộng 93 Bitcoin được hơn 18,8 tỷ đồng. Số tiền điện tử cướp được còn lại tương đương khoảng 75 Bitcoin, Tài đưa lên sàn. Quá trình điều tra, Tài khai không nhớ mật khẩu nên hiện chưa thu hồi được. Qua giám định, theo trị giá giao dịch tại sàn Binance tại thời điểm 15 giờ ngày 17/5/2020, số tiền điện tử của anh Nguyên bị chiếm đoạt quy đổi được 168 Bitcoin, tương đương 37,1 tỷ đồng.

image002-1638245893.jpg
Các bị can tham gia vào vụ cướp tiền ảo

Viện Kiểm sát đánh giá, Hồ Ngọc Tài là đối tượng chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu, rủ rê, lôi kéo đồng phạm lên kế hoạch, bàn bạc chuẩn bị công cụ, phương tiện, chọn địa điểm, cách thức, thủ đoạn khống chế, uy hiếp để chiếm đoạt tài sản của anh Nguyên. Tài là người trực tiếp đặt mua súng bắn đạn bi, cùng đồng bọn đe dọa, chiếm đoạt tài sản của bị hại, được hưởng lợi nhiều nhất (5,5 tỷ đồng và số tiền điện tử tương đương khoảng 75 Bitcoin).

Cùng với Tài, Trần Ngọc Hoàng có vai trò chỉ huy, rủ rê lôi kéo các bị can khác tham gia thực hiện tội phạm. Hoàng trực tiếp chỉ đạo đồng bọn thuê xe ô tô, mua kim tiêm, thuốc đỏ (giả là máu), dây chun, băng keo y tế làm công cụ gây án. Hoàng cùng Tài phân công, điều hành đồng phạm tiến hành vụ va chạm xe ô tô để khống chế, đe dọa và chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

14 bị can còn lại có vai trò đồng phạm và hưởng lợi từ hành vi phạm tội. Trong đó đáng chú ý, bị can Nguyễn Quốc Dũng (nguyên cán bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đồng phạm với vai trò là người tư vấn cách tạo ra vụ va chạm xe, trực tiếp phân công, chỉ đạo nhóm các bị can Phạm Hồ Bảo Duy, Chung Trần Phương Duy, Dương Khải An và Phạm Hoàng Việt đi xe ô tô va chạm với xe của anh Nguyên để uy hiếp, đe dọa khống chế, chiếm đoạt tài sản của anh Nguyên.

Nguyễn Anh Tuấn (nguyên cán bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh) phạm tội với vai trò là người điều khiển xe ô tô của mình đưa 2 bị can đi ra đường cao tốc. Trên đường đi, bị can Trương Chí Hải nói rõ cho Nguyễn Anh Tuấn biết là đi để chặn xe anh Nguyên bắt nợ. Nguyễn Anh Tuấn là cán bộ công an nhưng vẫn đồng ý chở Hải và đồng bọn đi cùng. Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp có mặt tại hiện trường, chứng kiến đồng bọn chặn xe, khống chế anh Nguyên xong xuôi rồi chở đồng bọn về.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 16 bị can ra Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tội "Cướp tài sản" theo khoản 4 điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhiều quan điểm trái chiều về tội danh

Đáng chú ý, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng, đề nghị truy tố 16 bị can ra Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tội "Cướp tài sản" theo khoản 4 điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, đã có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến việc truy tố các bị can về tội “cướp tài sản”. 

Trong đó, có quan điểm cho rằng, Bitcoin không được Nhà nước thừa nhận là tiền nên không phải tài sản, do đó không đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

Có quan điểm lại cho rằng, dù Bitcoin không được coi là tiền nhưng không thể phủ nhận quyền của người nắm giữ, đồng thời Bitcoin có thể trị giá được bằng tiền. Bộ luật dân sự năm 2015, quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Theo đó, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền. Tức là quyền có thể quy đổi, đánh giá theo giá trị tiền thì được coi là quyền tài sản. 

Khi được coi là quyền tài sản thì quyền đó được xác định là tài sản. Do đó, Bitcoin được xác định là tài sản dưới dạng quyền tài sản. Việc cướp Bitcoin là hành động cướp tài sản…

Luật sư: đủ cơ sở để truy tố về tội “cướp tài sản”

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý xung quanh vụ án này, luật sư Lê Cao (Công ty Luật Hợp danh FDVN) cho rằng, truy tố 16 bị can trong vụ “cướp tiền ảo” là một vấn đề thú vị về mặt khoa học pháp lý, trong đó có những vấn đề liên quan đến cấu thành tội phạm, định khung hình phạt và chuẩn mực để định giá tài sản không đơn giản, rất đáng được bàn luận, phân tích…

Theo quy định về tội “Cướp tài sản” tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015, tội danh này có những đặc trưng riêng về khách thể của tội phạm, theo đó khách thể của tội cướp tài sản là quyền sở hữu tài sản và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng sức khỏe của con người. Do đó, khi có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm vào cả hai vấn đề là quyền sở hữu tài sản và quyền nhân thân. 

“Điểm đáng lưu ý trong vụ án đang được bàn luận ở đây là tiền ảo không được pháp luật Việt Nam công nhận là tài sản, vậy việc xâm phạm quyền sở hữu tiền ảo sau khi có đầy đủ các yếu tố khác thì có truy tố các bị can về tội cướp tài sản hay không là một vấn đề cần được làm rõ” luật sư Cao nói. 

image003-1638245893.jpg

Luật sư Lê Cao (Công ty Luật Hợp danh FDVN) trao đổi với PV Pháp lý

Theo Luật gia Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM cho rằng, đối chiếu với quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì tiền ảo chưa được coi là tài sản hay hàng hoá, bởi lẽ: Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bảo gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở một trong bốn dạng: Vật là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được; ví dụ như nhà, xe, bàn ghế… 

Tiền là phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ dùng để định giá các loại tài sản khác. Tiền bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ. Tiền có thể tồn tại dưới dạng giấy, polymer, xu hoặc tiền điện tử (e-money); Giấy tờ có giá là loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, công trái...  

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền đòi nợ, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt... 

Như vậy, đối chiếu với quy định này, tiền ảo chưa được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong bốn loại nêu trên - Luật gia Hậu nói.

image004-1638245893.jpg
Luật gia Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM trao đổi với PV Pháp lý

Cũng theo Luật gia Nguyễn Văn Hậu, xét dưới góc độ dân sự thì ở thời điểm hiện tại pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản. Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học hình sự thì tội "Cướp tài sản" là tội phạm có cấu thành hình thức. Có thể hiểu đơn giản là khi thực hiện hành vi phạm tội, nhóm đối tượng này nhận thức tiền ảo là tiền, là tài sản nên mới lập kế hoạch để cướp của người bị hại. Những người này dùng vũ lực, có ý thức chiếm đoạt nên hành động đó đã cấu thành tội cướp tài sản. 

Trước đây, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, ngày 25 tháng 12 năm 2001 hướng dẫn một số quy định về các tội xâm phạm sở hữu đã khẳng định tội cướp tài sản có cấu thành hình thức qua nội dung hướng dẫn xác định giá trị tài sản chiếm đoạt: "Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm…”. Mặc dù văn bản trên đã hết hiệu lực từ ngày 08/10/2021, nhưng đây là một dẫn chứng cụ thể về mặt quan điểm để xác định tội phạm trong trường hợp này.

Một vấn đề khác là sau khi chiếm đoạt được tiền ảo từ người bị hại, các đối tượng trên đã bán một phần tiền ảo chiếm được và thu lợi bất chính với số tiền 18,8 tỉ đồng. Như vậy, có cơ sở về mặt lý luận, luật thực định, thực tiễn pháp lý để điều tra, truy tố xét xử các đối tượng nêu trên về tội "Cướp tài sản". Luật gia Hậu phân tích.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo

Theo các chuyên gia, việc sử dụng tiền ảo tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại chưa được pháp luật thừa nhận và bảo vệ sẽ khiến người sử dụng có thể gặp phải nhiều rủi ro như nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch… Đặc biệt, thiếu khung pháp lý để quản lý, tiền ảo có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp… đây thực sự là một thách thức đối với nhà làm luật, những người áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay. 

Do đó, để góp phần hạn chế những hệ lụy từ tiền ảo các chuyên gia cho rằng, phải nhanh chóng ban hành các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp sinh liên quan đến tiền ảo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế các tội phạm liên quan đến tiền ảo…

Luật gia Nguyễn Văn Hậu thông tin và đề xuất: Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã có các chỉ đạo, cảnh báo, khuyến nghị liên quan đến tiền ảo. Nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ điều chỉnh đối với loại tài sản mới này. Đặc biệt còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra và thực sự là một thách thức đối với nhà làm luật, những người áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Tất cả những khó khăn trên đều cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để giải quyết những quan hệ xã hội nảy sinh trong các giao dịch dân sự liên quan đến tiền ảo đang diễn ra hàng ngày trên thực tế.

Còn Luật sư Lê Cao nhấn mạnh, đây là một vấn đề pháp lý mới, theo luật Việt Nam hiện không quy định về tiền ảo, nhưng thực tiễn giao dịch trên thị trường thì bitcoin đang được trao đổi mua bán với giá trị bằng tiền thật… do đó cần sớm ban hành các quy định pháp luật để cho bitcoin và các loại tiền ảo có thân phận pháp lý mới có thể kiểm soát và điều chỉnh được các hành vi có thực hiện nay. 

Đinh Chiến

 

Bạn đang đọc bài viết "Từ vụ truy tố 16 bị can tội cướp “168 Bitcoin” trị giá 37 tỷ đồng: Kiến nghị khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin