Từ việc cấp Giấy đi đường: Hiến thêm kế để Hà Nội phòng chống dịch hiệu quả hơn nữa.

06/09/2021 11:57

(Pháp lý) – Đại đa số người dân cả nước và người dân Thủ đô đều đồng lòng ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các tỉnh thành, trong đó có TP Hà Nội đưa ra để phòng chống dịch Covid-19. Giãn cách xã hội là một giải pháp hiệu quả. Riêng đối với Hà Nội, đã trải qua 3 đợt giãn cách, đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng dịch. Tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn, vẫn còn nhiều người ra đường, nhiều cơ quan doanh nghiệp không nghiêm chỉnh thực hiện giãn cách. Thực tế này cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến 15 quận của Hà Nội phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 6 đến 21.9. 

81-1630820620.jpg
 Công an kiểm tra giấy đi đường của người dân lưu thông trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Quản và cấp giấy đi đường  trong thời gian thực hiện giãn cách là một trong những biện pháp mà nhiều địa phương đưa ra, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên qua một số lần vừa qua, cho thấy Hà Nội còn lúng túng với qui định cấp giấy "thông hành" . Quản cấp giấy đi đường cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp để phòng dịch. Hà Nội cần tăng cường và làm mạnh nhiều giải pháp khác, đặc biệt cần tăng các chế tài xử lý, kể cả xử lý hình sự. Bài viết sau đây, Nhóm Phóng viên Pháp lý điện tử qua nghiên cứu từ thực tế, xin hiến một vài kế…

Quản cấp giấy đi đường: còn lúng túng ?

Ngày 3/9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, TP.Hà Nội quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng, kể từ 6 giờ 00 ngày 6/9 đến 6 giờ 00 ngày 21/9. 

Trong đó, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Vùng 1 tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn. Vùng 2 và Vùng 3, thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hà Nội giao Công an Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị; hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng CNTT cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị và phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn TP, hoàn thành trong ngày 5/9.

Theo đó, sẽ có 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường trong thời gian Hà Nội thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19. Gồm: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu; Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch; Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, phục vụ đưa tin hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố…; Công dân thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, đi mua lương thực thực phẩm…; Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.

Theo dự kiến, quy trình cấp duyệt giấy đi đường sẽ có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố (Công an phường cấp giấy đi đường cho cá nhân, Công an cấp thành phố cấp giấy cho tổ chức, doanh nghiệp).

Tuy nhiên, qui định chưa kịp đi vào cuộc sống đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, thậm chí một số người cho rằng chính quyền Hà Nội lại lặp lại lúng túng trong việc quản lý người dân ra đường. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng quy định về việc cấp giấy đi đường như vậy chưa hợp lý, chưa khả thi, khiến những doanh nghiệp và người dân Thủ đô chấp hành nghiêm chỉ thị 16 lại cảm thấy cảm thấy phiền toái và lo lắng. Đây cũng không phải lần đầu vấn đề này đưa ra vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trước đó hai ngày đầu của đợt giãn cách thứ ba, vấn đề quản, cấp giấy đi đường cũng vấp phải ý kiến trái chiều và Hà Nội cũng đã tiếp thu chỉnh sửa ngay.

Cầu thị, sửa đổi kịp thời, phù hợp thực tế hơn nhiều

Tiếp thu ý kiến của người dân và chuyên gia, sáng ngày 5/9, Công an thành phố Hà Nội đã có thông báo mới về đối tượng, trình tự, thủ tục duyệt, cấp Giấy đi đường có mã nhận diện, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong Vùng 1. Cụ thể: 

Nhóm 1: Các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, quốc tế: Cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền, MTTQ, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả các cơ quan trực thuộc và tương đương); Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Thẩm quyền cấp là Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 2: Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp là Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố.

image002-1630820663.jpg
Giãn cách lần 4 từ 6/9 đến 21/6: Hà Nội dự kiến cấp giấy đi đường cho 6 nhóm

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện tham gia công tác phòng chống dịch. Thẩm quyền cấp: Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 4: Các cơ quan báo chí, truyền thông: Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông. Thẩm quyền cấp: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 5: Đối với các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường: Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu: Do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn duyệt, cấp Thẻ mua hàng thiết yếu theo đúng đối tượng quy định.

Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về): Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND).

Cá nhân đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến Tòa án theo giấy triệu tập của Tòa án: Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm theo CCCD (CMTND) và Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu gồm: Các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Công an xã, phường, thị trấn. Về quy trình cấp đối với nhóm 2 và nhóm 6 bao gồm 4 bước.

Sáng nay, theo ghi nhận của PV Pháp lý từ nhiều chuyên gia, luật sư, phóng viên, doanh nghiệp, công chức, người dân, ….đa số các ý kiến đều tỏ ra đồng tình hơn với những sửa đối mới nêu trên của chính quyền Hà Nội. Sửa đổi đã trao quyền và trách nhiệm cho một số cấp, thủ trưởng đơn vị ..để chủ động và linh hoạt hơn trong vấn đề cấp giấy đi đường, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 16

Hiến thêm kế với Hà Nội để phòng dịch hiệu quả hơn…

Thiết nghĩ, việc siết chặt những quy định về giấy đi đường với người dân để kiểm soát trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là đặc biệt cần thiết, nhất là khi TP Hà Nội ban hành quy định chặt chẽ hơn đối với vùng đỏ (nguy cơ lây nhiễm cao nhất). 

Quản và cấp giấy đi đường  trong thời gian thực hiện giãn cách là một trong những biện pháp mà nhiều địa phương đưa ra, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên qua một số lần vừa qua, cho thấy Hà Nội còn lúng túng với qui định cấp giấy "thông hành" . Quản cấp giấy đi đường là một trong nhiều giải pháp để phòng dịch. Nhóm Phóng viên Pháp lý điện tử qua nghiên cứu từ thực tế, xin hiến một vài kế cụ thể sau, tin rằng nếu Hà Nội làm nghiêm sẽ góp phần ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả.

1. Hà Nội nói riêng, các tỉnh thành nói chung cần có đúc rút kinh nghiệm của nhau, chọn lọc và chuẩn hóa các thủ tục và cách thức quản lý cấp giấy đi đường , cần đơn giản và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đặc biệt là tạo điều kiện cho những cơ quan, công sở, doanh nghiệp trước nay đã và đang chấp hành nghiêm các qui định của CT 16.

2. Tất cả thủ tục hành chính trong thời gian thực hiện giãn cách phòng chống dịch cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp. Do đó, Hà Nội cần ứng dụng triệt để công nghệ số. Với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc cấp các giấy đi đường theo hình thức trực tuyến, cấp mã QR code rồi chuyển cho người dân qua điện thoại, email, các phương tiện điện tử hoàn toàn có thể thực hiện được. 

3. Tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua số căn cước công dân để cấp giấy đi đường: mỗi tài xế cũng là công dân gắn với một bảng số xe chẳng hạn (số căn cước công dân – số xe). Hà Nội là địa bàn có tỷ lệ người dân được cấp căn cước công dân lớn nên triển khai sẽ thuận lợi. Đồng thời hạn chế tối đa việc trình báo nhiều loại giấy tờ: công dân chỉ cần xuất trình CCCD và mã QR (được đính kèm trong giấy đi đường) trong điện thoại thông minh.

4. Tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân, tổ chức đủ thẩm quyền cấp giấy đi đường. Đảm bảo đúng người, đúng đối tượng cũng như thời gian, tiến độ xét duyệt và cấp nhanh nhất. Đồng thời, cá nhân tổ chức được giao nhiệm vụ cấp giấy đi đường phải cam kết thực hiện nghiêm và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với giấy đi đường mà mình cấp.

5. Để xử lý nghiêm và chấm dứt tình trạng cấp giấy ra đường không đúng quy định,… Hà Nội ( cán bộ ủy ban, công an, y tế, mặt trận) cần tăng cường thường xuyên các hoạt động kiểm tra, đặc biệt cần kiểm tra đột xuất việc thực hiện giãn cách, số người ra đường đi làm không tuân thủ CT 16…tại tất cả các cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn.

6. Xử lý nghiêm người dân không chấp hành giãn cách, ra đường không được phép, tăng chế tài phạt hành chính gấp 10 đến 20 lần, kể cả xử lý hình sự . 

7. Thu hồi giấy phép hoạt động đối với các DN không chấp hành nghiêm CT 16. Xử lý nghiêm chủ DN, kể cả xử lý hình sự .

8. Đặc biệt cần xử lý nghiêm cơ quan, công sở, doanh nghiệp thực hiện không nghiêm, lợi dụng việc được chủ động cấp giấy đi đường để cho nhiều cán bộ, nhân viên, người lao động đến công sở, doanh nghiệp làm việc không cấp thiết , không thiết yếu. Xử lý nghiêm thủ trưởng các cơ quan đơn vị không chấp hành, kí giấy đi đường bừa bãi, xử lý về mặt Đảng và chính quyền người đứng đầu cơ quan đơn vị vi phạm, thậm chí kể cả xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng để dịch bệnh lây lan.

Đinh Chiến – Trần Hơn- Hồng Điệp

Bạn đang đọc bài viết "Từ việc cấp Giấy đi đường: Hiến thêm kế để Hà Nội phòng chống dịch hiệu quả hơn nữa." tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin