Tranh cãi pháp lý vụ VNECO khiếu nại đòi 200 tỷ đồng trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm

17/12/2018 09:25

Cho rằng Tòa án tuyên buộc Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) trả lại 200 tỷ đồng theo “dấu vết” chuyển khoản là không có cơ sở pháp luật, ngay sau phán quyết của tòa phúc thẩm, VNECO tiếp tục làm đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Sự việc đang gây ra nhiều tranh cãi về mặt pháp lý.

Tòa án tuyên thu hồi theo “dấu vết” chuyển khoản…

Sau phán quyết của tòa phúc thẩm, mới đây, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) là đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm.

 Bà Hứa Thị Phấn
Bà Hứa Thị Phấn)

Điều đáng nói là với một giao dịch đầu tư xảy ra cách đây gần chục năm, VNECO đã thanh lý hợp đồng, tất toán xong các khoản nợ thì bất ngờ tháng 5 năm 2018, VNECO được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự Hứa Thị Phấn do các bị cáo khai nhận đã hạch toán thu khống để sử dụng của ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) và chuyển 200 tỷ đồng cho VNECO cách đây 8 năm để thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư….

Theo hồ sơ, vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm có liên quan đến ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (nay là ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – viết tắt là CB).

Đầu năm 2017, Hứa Thị Phấn cùng công ty CP đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng đứng tên giúp Hứa Thị Phấn, đã mua hơn 254 triệu cổ phần của ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ, Hứa Thị Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT với nhiệm vụ tư vấn thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng Đại Tín.

Quá trình điều hành hoạt động của ngân hàng, Hứa Thị Phấn đã thực hiện và chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín.

Bản án hình sự sơ thẩm tuyên ngoài hình phạt 30 năm tù thì về trách nhiệm dân sự buộc bà Hứa Thị Phấn phải bồi thường cho ngân hàng CB hơn 1.105 tỷ đồng; Buộc bồi hoàn cho ngân hàng CB số tiền 15.691 tỷ đồng về hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tòa án xác định, Hứa Thị Phấn thông qua việc chỉ đạo các thuộc cấp của mình cũng như các cán bộ ngân hàng Đại Tín thực hiện hạch toán thu khống để bị cáo Phấn sử dụng 5.256 tỷ đồng của ngân hàng. Tòa án xét số tiền này được xem là vật chứng của vụ án nên cần phải thu hồi về cho ngân hàng CB.

Bị cáo Phấn nhận đã sử dụng số tiền 4.945 tỷ đồng, trong đó có 2.401 tỷ nộp vào tài khoản cá nhân và công ty thuộc nhóm Phú Mỹ. Trong đó dùng 200 tỷ đồng chuyển cho Tổng công ty cổ phần Điện Việt Nam.

Tòa án cho rằng, việc bị cáo Ngô Kim Huệ (đồng phạm của Hứa Thị Phấn) chuyển 200 tỷ đồng cho Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam tại VCB Đà Nẵng là do trước đây bị cáo Huệ theo chỉ đạo của Hứa Thị Phấn có ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam về việc cùng nhau thực hiện dự án Bình Điền tại xã Tân Túc, huyện Bình Chánh.

Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam đã chuyển cho bà Huệ số tiền 310 tỷ đồng theo như thỏa thuận nhưng do không thực hiện được theo thỏa thuận ban đầu nên cả 2 bên đã ký Biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư số 1001/TLHĐ/VNECO-NKH ngày 30/6/2010 với nội dung bà Huệ phải hoàn lại cho Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam số tiền 400 tỷ đồng.

Vì vậy số tiền 200 tỷ đồng mà bị cáo Huệ chuyển cho tổng công ty điện Việt Nam là nằm trong số tiền 400 tỷ đồng mà bị cáo Huệ phải trả cho Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam.

Tòa án các cấp xác định số tiền 200 tỷ đồng này là vật chứng vụ án và tuyên buộc Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam phải hoàn trả lại số tiền này cho ngân hàng CB (trước đây là ngân hàng Đại Tín).

Trong nội dung khiếu nại, VNECO khẳng định việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư cũng như thỏa thuận thanh lý hợp đồng với bà Ngô Kim Huệ là hoàn toàn hợp pháp, tự nguyện, công khai minh bạch, có hiệu lực pháp luật vì vậy không có căn cứ để hủy bỏ những giao dịch này để thu hồi tài sản.

Nguồn tiền 310 tỷ đồng VNECO chuyển cho bà Ngô Kim Huệ để hợp tác đầu tư có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và vay của ngân hàng thương mại. Sau khi thanh lý hợp đồng, VNECO đã nhận đủ số tiền bà Huệ chuyển trả nợ qua tài khoản ngân hàng.

VNECO hiểu rằng tiền bà Huệ chuyển trả cho VNECO chính là thực hiện nghĩa vụ thanh lý hợp đồng của bà Huệ và là tiền của bà Huệ, VNECO không thể biết nguồn tiền bà Huệ chuyển trả lấy từ đâu và cho rằng Tòa án tuyên buộc VNECO trả lại 200 tỷ đồng là không có cơ sở pháp luật.

Chuyên gia lên tiếng

Liên quan đến phần dân sự về xử lý vật chứng gây nhiều ý kiến tranh cãi, Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Ths.LS Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Theo quy định của Điều 89 BLTTHS thì “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

 Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường)

Như vậy, các sự vật, hiện tượng mang tính hữu hình cụ thể đều thuộc khái niệm “vật” và có thể là vật chứng trong vụ án hình sự. Vật chứng có thể bao gồm: Vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có. Tiền bạc là một loại tài sản, là phương tiện thanh toán, tiền bạc có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; các loại kim khí quý, đá quý, ngân phiếu, cổ phiếu có giá trị thanh toán, trao đổi trên thị trường. Trong một số trường hợp tiền bạc có thể thuộc khái niệm vật là phương tiện phạm tội, vật là đối tượng của tội phạm.

Tiền là vật chứng của vụ án hình sự khi nó hiện hữu, xác định được hiện đang ở đâu và biết rõ số lượng các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi thêm là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số in trên đồng tiền.

Quay trở lại vụ án này, theo quan điểm của Ths.LS Đặng Văn Cường, số tiền 200 tỷ đồng Tòa án xác định là vật chứng vụ án và buộc VNECO hoàn trả lại đã được bị cáo Ngô Kim Huệ thanh toán cho VNECO thông qua một giao dịch hợp pháp, đã có hiệu lực pháp luật. VNECO không thể biết được nguồn gốc số tiền này và đây là nguồn tiền bất hợp pháp cũng như không được quyền biết nguồn tiền bà Huệ chuyển trả lấy từ đâu.

Tiền là tài sản vật cùng loại chứ không phải loại vật đặc định, đồng thời vật cùng loại này đã được chuyển giao trong các giao dịch dân sự, nay không thể xác định được số tiền bà Huệ chuyển cho VNECO đang ở đâu nên việc thu giữ tài sản coi là vật chứng vụ án như bản án đã tuyên là không có căn cứ.

Thực tế, sau khi nhận lại tiền từ bà Ngô Kim Huệ, năm 2010-2011 VNECO đã sử dụng toàn bộ số tiền đó để nộp thuế hoặc thanh toán các chi phí cho các dự án công trình điện quốc gia góp phần cấp điện kịp thời cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mang lại lợi ích cho quốc gia và đã hòa vào dòng tiền kinh doanh của VNECO.

“Sự việc về các giao dịch này cũng đã hoàn tất cách đây gần 8 năm. Theo phương pháp truy ngược dòng tiền thì bây giờ không biết tiền nào là tiền của bị cáo Ngô Kim Huệ chuyển trả theo biên bản thanh lý HĐ đầu tư. Việc yêu cầu VNECO phải trả lại số tiền mà VNECO được sở hữu hợp pháp từ giao dịch dân sự hợp pháp, đã có hiệu lực là không đúng với quy định pháp luật”, luật sư Cường nói.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tranh-cai-phap-ly-vu-vneco-khieu-nai-doi-200-ty-dong-trong-vu-an-hua-thi-phan-va-dong-pham-a414937.html

Bạn đang đọc bài viết "Tranh cãi pháp lý vụ VNECO khiếu nại đòi 200 tỷ đồng trong vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin