Toàn cầu trước nguy cơ tái bùng dịch, nguyên nhân và giải pháp

18/07/2021 07:27

WHO và các chuyên gia cảnh báo nếu các nước không đẩy nhanh phủ sóng vaccine và thiếu thận trọng trong khống chế dịch thì đại dịch có nguy cơ bùng phát lại trên toàn cầu.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15-7 (giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Didier Houssin cảnh báo rằng xu hướng lây lan của đại dịch COVID-19 gần đây có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại với số ca nhiễm và ca tử vong trên toàn cầu tăng trở lại. Hãng tin AFP dẫn lời lo lắng của ông Houssin rằng đã hơn một năm rưỡi sau khi WHO lần đầu tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với dịch COVID-19 thì thế giới vẫn chưa đuổi kịp tốc độ của virus và nó vẫn ám ảnh người dân toàn cầu.

4-1626567957.jpeg
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại TP Mulhouse, tỉnh Haut-Rhin (Pháp) hồi tháng 3-2020. Ảnh: AFP

Delta có thể chưa phải là biến thể nguy hiểm nhất

Cụ thể, tờ South China Morning Post thống kê của WHO thì trong tuần qua, cả thế giới ghi nhận 55.000 ca tử vong mới, tăng gần 3% so với tuần trước đó và kết thúc chuỗi suy giảm chín tuần liên tiếp. Toàn cầu có thêm 3 triệu ca nhiễm trong tuần qua, tăng hơn 10% so với tuần trước đó. Các điểm nóng hiện rơi vào các nước Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh. Còn ở Mỹ, dù tình hình dịch đã cải thiện rất nhiều so với tháng trước, song tờ USA Today dẫn số liệu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy 47 bang của nước này tuần qua vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể, 30 bang thì ghi nhận số ca tử vong tăng cao.

Về nguyên nhân khiến diễn biến dịch trên toàn cầu xấu đi, đầu tiên là các biến thể của virus SARS-CoV-2 hoành hành trên hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng ngừa dịch. Hiện tại, bốn biến thể COVID-19 đang thống trị bức tranh đại dịch toàn cầu là Alpha (xuất phát từ Anh), Beta (từ Nam Phi), Gamma (từ Brazil) và đặc biệt là biến thể Delta (từ Ấn Độ) đang lây lan nhanh chóng.

Một số biến thể mới cũng bắt đầu manh nha bùng phát như Lambda (được phát hiện ở Per cuối năm ngoái và đang lây lan mạnh ở Nam Mỹ, vừa được WHO xếp vào nhóm cần quan tâm đặc biệt) hay Kappa (được phát hiện ở Ấn Độ cuối năm ngoái với cấu trúc có nhiều điểm tương đồng với biến thể Delta). Đáng lo ngại hơn, ông Houssin cảnh báo rằng điều tồi tệ hơn có thể còn ở phía trước vì trong tương lai, khả năng cao sẽ còn xuất hiện thêm nhiều biến thể nguy hiểm khác với độc tính và tốc độ lây lan nguy hiểm hơn hẳn các biến thể hiện tại, chưa kể tới có khả năng kháng lại các vaccine đang lưu hành.

Phủ sóng vaccine quá chậm

Cũng liên quan tới vấn đề vaccine, nguyên nhân thứ hai khiến dịch trở nặng trên thế giới là do nhiều nước vẫn chưa đẩy nhanh được tốc độ tiêm chủng. Theo thống kê của tổ chức Our World in Data (Anh), đến nay 25,4% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, mỗi ngày có khoảng 29,2 liều vaccine được tiêm trên thế giới, gần 75% trong đó là thực hiện ở các nước châu Á. Tốc độ tăng nhưng tỉ lệ tiêm chủng tại châu Á vẫn chưa theo kịp với các quốc gia châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Tại châu Âu, tỉ lệ tiêm chủng hiện là 44,3% dân số khu vực, còn con số này tại Bắc Mỹ là 44,29%. Bị tụt lại ở sau cùng là châu Phi với khoảng 2,91% dân số được chủng ngừa.

Giới chuyên gia khẳng định việc chênh lệch tỉ lệ tiêm chủng giữa các khu vực như vậy đã tạo kẽ hở cho dịch lây lan dễ dàng hơn. Trả lời hãng tin Reuters, TS Ravina Kullar tại ĐH California, Los Angeles (Mỹ) cho biết các vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp ở Mỹ hiện có số ca tử vong và ca bệnh cao hơn hẳn các vùng có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn. Điều này đe dọa nỗ lực thiết lập miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc và về lâu dài thì làn sóng dịch ở các khu vực tỉ lệ tiêm chủng thấp sẽ lan sang các khu vực tỉ lệ cao và làm quá tải các khu vực đó vì các biến thể như Delta có khả năng kháng vaccine.

Giải pháp đôi

Làm thế nào có thể ngăn nguy cơ bùng phát lại của đại dịch đang là điều mà WHO và nhiều chuyên gia cố gắng chuyển tải đến toàn cầu. Từ hai nguyên nhân đã phân tích ở trên, hầu hết chuyên gia đều đồng ý muốn chặn dịch cần thực hiện đồng bộ cùng lúc hai giải pháp: Duy trì áp dụng các biện pháp khống chế dịch chờ phủ sóng tiêm chủng đủ.

Về tiêm chủng, ông Houssin đề xuất mục tiêu tiêm cho ít nhất 10% dân số thế giới vào tháng 9 năm nay và các nước phát triển cần mạnh tay hơn nữa trong hỗ trợ các nước phát triển để cùng đạt được mục tiêu này. Song để đạt được mục tiêu này cũng như tiến tới phủ sóng càng sớm càng tốt, thế giới cần chung tay để đảm bảo vaccine được phân phối công bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Về các biện pháp khống chế dịch, WHO và nhiều chuyên gia thừa nhận hiện các chính phủ đang đứng trước áp lực rất lớn phải nới lỏng hạn chế, khôi phục các hoạt động kinh tế. “Các quốc gia có khả năng tiếp cận với vaccine tiên tiến và hệ thống y tế có nguồn lực tốt thì đang chịu áp lực phải mở cửa hoàn toàn. Còn các quốc gia bị hạn chế trong việc tiếp cận với vaccine thì lại đang gánh chịu những làn sóng lây nhiễm mới, chứng kiến lòng tin trong công chúng bị xói mòn, khó khăn kinh tế và bất ổn xã hội gia tăng” - ông Houssin ghi nhận.

Tuy nhiên, ông Houssin cũng như nhiều chuyên gia cảnh báo nếu các nước vì áp lực này mà không thận trọng trong chiến lược chống dịch thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nguy cơ dịch bùng phát mạnh là không tránh khỏi. Chìa khóa để giảm lây nhiễm lúc này theo ông Houssin vẫn là sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội, giữ gìn vệ sinh cá nhân và cải thiện hệ thống thông gió cho các không gian kín.•

Ngày 15-7, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi Trung Quốc minh bạch, cởi mở và hợp tác với tổ chức này để cung cấp thông tin, dữ liệu thô về thời kỳ đầu của đại dịch. Ông cũng nhấn mạnh tới giờ vẫn chưa có bằng chứng virus rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán. 

Chuyên san khoa học Nature ngày 8-7 dẫn một nghiên cứu của Viện Pasteur (Pháp) chỉ ra tiêm một liều vaccine AstraZeneca không thể bảo vệ hoặc bảo vệ rất yếu trước biến thể Delta. Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu mẫu máu của nhiều người tiêm liều thứ nhất, chỉ có 10% mẫu hình thành kháng thể ngăn biến thể Delta. Tuy nhiên, 95% số mẫu hình thành kháng thể ngăn Delta sau khi tiêm đủ hai liều. Kết quả nghiên cứu của cơ quan y tế công cộng Anh hồi tháng 5 cũng cho kết quả tương tự khi một liều của Pfizer/BioNTech hoặc của AstraZeneca chỉ hiệu quả khoảng 33% trong việc ngăn chặn các ca nhiễm có triệu chứng do biến thể Delta. 

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/quoc-te/toan-cau-truoc-nguy-co-tai-bung-dich-nguyen-nhan-va-giai-phap-1001224.html

Bạn đang đọc bài viết "Toàn cầu trước nguy cơ tái bùng dịch, nguyên nhân và giải pháp" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin