Thiếu tòa chuyên biệt cho người chưa thành niên – bất cập cần khắc phục

19/05/2019 10:10

(Pháp lý) - Trẻ em, người chưa thành niên có thể là bị cáo bị truy tố về hành vi phạm tội; có thể là nạn nhân, là bị hại, là nhân chứng trong các vụ án hình sự; có thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình… Do đặc thù lứa tuổi, nhiều nước trên thế giới có hệ thống Tòa chuyên biệt về trẻ em, người chưa thành niên, trong khi ở Việt Nam đến nay mới chỉ có hai đơn vị thành lập Tòa án này.

Mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên thực hiện

Chiều 22/4/2019, trước giờ học, một cháu gái học sinh lớp 2 (Trường Tiểu học Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) bị hai nam sinh lớp 8 xâm hại vào vùng kín rồi đấm đá, thậm chí dùng 1/2 viên gạch đánh vào người.

Ngày 26/10/2018, Lê Minh Thuận (SN 2003, ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, Tp HCM) giết tài xế Grab Bike (là một sinh viên) để cướp xe máy, điện thoại, ví của nạn nhân. Tại cơ quan điều tra, nghi can giết người, cướp tài sản 15 tuổi này bình thản kể lại vụ việc.

Hay một vụ việc điển hình về tội phạm chưa thành niên khác là một học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đâm trọng thương thầy giáo vật lý ở ngay cổng trường, chỉ vì bị thầy nhắc nhở xóa hình xăm trên cổ, khiến xã hội không khỏi bàng hoàng…

 Một vụ án các bị cáo là người chưa thành niên (ảnh minh họa)
Một vụ án các bị cáo là người chưa thành niên (ảnh minh họa))

Đó chỉ là vài vụ có tính dẫn chứng cho tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng tăng ở nước ta hiện nay. Khảo sát mới đây của VKSNDTC cho thấy, trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên thực hiện.

Điều đáng lo ngại là về lứa tuổi, tình trạng người phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Người phạm tội từ 18 - 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỷ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đa số người phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, con số này chiếm 82%.

Nếu những năm trước đây, người chưa thành niên thường thực hiện các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, không gây nguy hại lớn thì hiện nay, tính chất, mức độ phạm tội lại nguy hiểm hơn rất nhiều.

Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này cũng không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Số lượng các vụ án tăng nhanh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cùng với tính chất phức tạp của từng vụ án là những thủ đoạn tinh vi, do đó tính nguy hiểm ngày càng cao, để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm xôn xao dư luận xã hội. Việc gia tăng các vụ án có bị cáo là người chưa thành niên phạm tội không chỉ tăng về số lượng các bị cáo, mà tuổi đời phạm tội của các bị cáo là người chưa thành niên cũng trẻ hoá, có nhiều vụ án các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình như tội: “Cố ý gây thương tích”, “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản”.

Một đối tượng trẻ em, người chưa thành niên khác liên quan đến hoạt động xét xử chính là các nạn nhân của tội phạm. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm, từ 2013 đến 2017, mỗi năm bình quân có 1.600 đến 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Theo số liệu của 63 tỉnh, thành phố năm 2018, toàn quốc phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Ðặc biệt, có tới 43 vụ án giết trẻ em cực kỳ dã man. Nơi xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất là hai đô thị lớn: Hà Nội (88 vụ), TP Hồ Chí Minh (77 vụ)…

Bất cập trong điều tra, truy tố, xét xử

Trong khi đó, có một thực tế là đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đều không phải là những cán bộ chuyên trách để điều tra, truy tố với riêng loại đối tượng người chưa thành niên. Nhìn chung những năm qua, họ cũng chưa qua một khóa đào tạo nào về tâm sinh lý, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên hoặc có hiểu biết thì rất hạn chế. Bởi thế, không ít trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên không phân biệt sự khác nhau về thủ tục tố tụng giữa vụ án người chưa thành niên phạm tội và vụ án người đã thành niên thực hiện. Thậm chí có người còn cho rằng các quy định trên chỉ là hình thức, việc giải quyết 2 loại án này không có gì là khác biệt.

Ở một khía cạnh khác, tuy Bộ luật Tố tụng hình sự có một chương quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người chưa thành niên phạm tội, song nhìn chung chưa toàn diện, đầy đủ, đặc biệt trong quá trình thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, chỉ quy định đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên, mà chưa có quy định thủ tục tố tụng áp dụng đối với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, nhất là gần đây tình trạng trẻ em bị lợi dụng, xâm hại, lạm dụng, bóc lột đang gia tăng nhanh chóng.

Không chỉ có những thiếu sót trong hệ thống các quy phạm pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật hiện hành có nhiều tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là những quy định có tính ưu tiên đối với người chưa thành niên. Một điểm đáng lưu ý là thực trạng bảo vệ quyền riêng tư của người chưa thành niên, việc xét xử công khai ngay cả đối với những vụ án bị cáo và người bị hại đều là trẻ chưa thành niên, gây tác động về mặt tâm lý, khiến cả bị cáo lẫn bị hại là người chưa thành niên thêm mặc cảm, tự ti.

Do đó, có ý kiến nhận xét đúng đắn rằng, việc điều tra các loại án liên quan đến người chưa thành niên còn nhiều vi phạm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, mang tính hình thức, chưa vận dụng triệt để nguyên tắc chung hướng dẫn cho các hành động có liên hệ tới người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Có không ít trường hợp, nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có địa chỉ cư trú rõ ràng, có sự bảo lãnh của gia đình, cha mẹ, người thân… nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, không cho người chưa thành niên phạm tội tại ngoại điều tra.

Do đó, để đảm bảo sự thống nhất về mặt chính sách đối với người chưa thành niên đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác, sự ra đời của tòa án chuyên trách về người chưa thành niên là vô cùng cần thiết. Đây cũng là khuyến nghị của UNICEF vì việc xây dựng một tòa án chuyên trách để xét xử các việc liên quan đến người chưa thành niên, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người chưa thành niên mà còn là biện pháp thiết thực nhằm thực hiện cam kết quốc tế liên quan đến bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp.

Cả nước mới có hai Tòa Gia đình và người chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 30, 38, 45 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì trong cơ cấu tổ chức của TANDCC, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Việc tổ chức Tòa Gia đình và Người chưa thành niên ở TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi Tòa án; căn cứ vào biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của từng Tòa án và do Chánh án TANDTC xem xét, quyết định.

Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/1/2016 của TANDTC đã quy định, Tòa án gia đình và người chưa thành niên giải quyết 3 nội dung. Thứ nhất, vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác. Thứ hai, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án đối với người chưa thành niên. Thứ ba, các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao Quyết định thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại TAND tỉnh Đồng Tháp
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trao Quyết định thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên tại TAND tỉnh Đồng Tháp)

Người chưa thành niên là những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có khả năng tự lập hoàn toàn trong các quan hệ xã hội nên khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi của họ còn có phần bị hạn chế, dễ bị tác động từ các điều kiện bên ngoài và cũng dễ bị kích động. Nếu phạm tội, phần lớn các em có tâm lý nặng nề, mặc cảm, tự ti, bi quan, chán nản, nhiều lúc tuyệt vọng, có thái độ thờ ơ, bất cần, liều lĩnh. Những đặc điểm ấy đã gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo người chưa thành niên.

Theo Thông tư số 01 thì các Tòa chuyên trách này cần có phòng tư vấn – hòa giải, phòng trẻ em; phòng trợ giúp y tế và phòng xét xử thân thiện. TANDTC yêu cầu, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký của tòa án gia đình và người chưa thành niên phải nắm chắc các quy định của pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, về hôn nhân và gia đình. Tòa phải phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, cơ quan y tế, giáo dục để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền thụ lý.

Ở TAND TP. HCM, đơn vị xây dựng Tòa Trẻ em và người chưa thành niên đã thực hiện khá tốt các yêu cầu đặt ra. Ngoài yêu cầu đặt ra cho các Thẩm phán thì Hội thẩm nhân dân cũng được chọn tham gia các HĐXX là giáo viên hoặc người của đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, ngoài đội ngũ Thẩm phán, tòa còn có đội ngũ chuyên gia tâm lý và tư vấn để có thể hỗ trợ tốt nhất cho công tác hòa giải và xét xử của thẩm phán. TAND TP.HCM đã họp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Sở Y tế, Sở Giáo dục, Sở VH-TT&DL... để lập hội đồng tư vấn gồm khoảng 20 người. Những người này sẽ tham vấn cho các Thẩm phán, đương sự... khi giải quyết vụ án.

Việc thành lập các tòa chuyên trách này chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên (khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013).

Do đó, thực tiễn đòi hỏi có đầy đủ các Tòa chuyên trách về trẻ em, người chưa thành niên trong hệ thống Tòa án cả nước để bảo đảm quyền lợi của trẻ em, của người chưa thành niên phù hợp với quy định của pháp luật cũng như các cam kết quốc tế. Sự thiếu vắng các tòa chuyên trách này là một khoảng trống lớn, không thể kéo dài.

  Bảo Chân

 

Bạn đang đọc bài viết "Thiếu tòa chuyên biệt cho người chưa thành niên – bất cập cần khắc phục" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin