Thấy gì từ khủng hoảng kinh tế và pháp lý của hãng Boeing ?

21/10/2019 08:46

(Pháp lý) - Boeing cho biết đã tổn thất 1 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng 737 Max và không thể ước tính mức độ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm nay. Nhưng những hậu quả của cuộc khủng hoảng chưa dừng lại khi hãng này phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý khi có đơn kiện của cả 2 phía: Đối tác và các phi công.

Số tiền mà Boeing có thể thiệt hại trong các vụ kiện và hậu quả trong kinh doanh được dự đoán lên đến 5 tỷ USD.

Boeing đang đối mặt với các vấn đề kinh tế và pháp lý
Boeing đang đối mặt với các vấn đề kinh tế và pháp lý)

Từ hàng loạt đơn kiện của giới phi công…

Ngày 7/10, Hiệp hội các phi công của hãng hàng không Southwest Airlines (SWAPA) đã đệ đơn kiện Boeing, nhằm đòi tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ này bồi thường hơn 100 triệu USD tiền lương bị mất, do dòng máy bay 737 MAX bị cấm bay sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng.

Trong đơn kiện được trình lên tòa án liên bang ở Dallas, các phi công cho rằng "lỗi" của Boeing đã làm 346 người chết, "hủy hoại mối quan hệ quan trọng giữa phi công và hành khách, làm giảm cơ hội di chuyển bằng đường hàng không khắp nước Mỹ và trên thế giới".

Trong một tuyên bố, SWAPA cho biết đơn kiện tập trung vào những tuyên bố gây hiểu lầm của Boeing về dòng máy bay 737 MAX có thể được cấp phép bay trở lại. Việc các máy bay 737 MAX bị "đắp chiếu" kể từ tháng 3 vừa qua đã khiến hơn 30.000 chuyến bay của hãng hàng không South West Airlines bị hủy bỏ, gây thiệt hại hơn 100 triệu USD tiền lương cho các phi công.Phiên điều trần đầu tiên về vụ việc sẽ được tổ chức tại tòa án Chicago, Hoa Kỳ vào ngày 21/10 tới đây.

Trong khi đó, người phát ngôn Boeing Chaz Bickers tuyên bố dù coi trọng mối quan hệ lâu dài với SWAPA, song Boeing tin rằng vụ kiện này là không đáng có và sẽ chống lại những cáo buộc. Boeing cũng cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với South West Airlines và các phi công trong nỗ lực đưa 737 MAX hoạt động trở lại một cách an toàn.

Không chỉ có vụ kiện của những phi công Mỹ, cuối tháng 8/2019, truyền thông Australia ngày 27/8 đưa tin đã có 3.000 phi công làm việc tại 12 hãng hàng không quốc tế đã tham gia vụ kiện tập thể chống lại Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ, vì những thiệt hại xuất phát từ các vấn đề thiết kế liên quan tới mẫu máy bay Boeing 737 MAX.

Đơn kiện tập thể đã được gửi lên tòa án khu vực ở Illinois của Mỹ vào ngày 21/6, nhằm mục đích đòi Boeing bồi thường cho những thiệt hại xuất phát từ vấn đề thiết kế và việc đã không cảnh báo cho các phi công dẫn tới 2 thảm họa hàng không gần đây liên quan tới mẫu máy bay Boeing 737 MAX.

Ông Joseph Wheeler, Giám đốc pháp lý của Nhóm chính sách và luật hàng không vũ trụ quốc tế của Australia (IALPG), nhóm đứng đầu đơn kiện tập thể, cho biết các nhà chức trách trên thế giới đã hoài nghi về sự an toàn trong thiết kế của Boeing 737 MAX và họ đã dứt khoát cho ngừng khai thác mẫu máy bay này.

Ông cho rằng, Boeing phải chịu trách nhiệm khi đã không cảnh báo các phi công về những khiếm khuyết trong thiết kế. Rất nhiều phi công trên thế giới đã bị sa thải, hoặc chuyển công tác hay bị giảm giờ bay và cắt giảm lương. Trong khi việc xác định những bên liên quan vẫn còn là một ẩn số, ông Wheeler cho biết số tiền mà các phi công đòi bồi thường lên tới 368 triệu đô la Australia (248 triệu USD).

Với những đơn kiện trên của giới phi công, nhiều chuyên gia pháp lý đang nhận định Boeing sẽ phải chi ra một khoản tiền lớn “không chỉ là những đền bù thiệt hại mà còn là những cọc tiền xoa dịu bất mãn của những người điều khiển dòng máy bay này. Khủng hoảng pháp lý chỉ dừng lại khi cả 2 bên đàm phán thay vì ra tòa”.

…đến “đáo tụng đình” vì đối tác

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 8 vừa qua, công ty cho thuê máy bay Avia của Nga đã đâm đơn kiện Boeing do dòng phi cơ 737 MAX 8 bị đình bay. Đây là công ty đầu tiên kiện hãng sản xuất máy bay Mỹ liên quan tới sự việc này.

Avia, vài năm trước đã đồng ý mua 35 máy bay của Boeing, cáo buộc nhà sản xuất máy bay Mỹ vi phạm hợp đồng khi cung cấp thông tin sai lệch về độ an toàn bay của các phi cơ 737 MAX. Avia cũng tố Boeing đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn khi cạnh tranh thị phần với hãng sản xuất máy bay đối thủ Airbus.

Trong đơn kiện, Avia nói rằng Boeing đã cung cấp những thông tin "sai lệch" cho FAA trong quá trình xin cấp phép cho máy bay 737 MAX. Avia cũng cáo buộc Boeing "hạ thấp và nói sai lệch" về các vấn đề phát hiện sau khi máy bay 737 MAX của hãng hàng không Indonesia Lion Air lao xuống biển vào năm ngoái. Chưa đầy 6 tháng sau, một chiếc 737 MAX khác của Ethiopian Airlines cũng gặp nạn không lâu sau khi cất cánh.

"Dựa trên những công bố sai lệch của Boeing liên quan tới độ tin cậy của dòng máy bay này, Avia đã tiếp tục tuân thủ hợp đồng mua máy bay đã ký kết", Avia nói trong hồ sơ gửi tòa án. Hãng này cũng cho biết, đã "không thể đưa ra các quyết định với đầy đủ thông tin" khi giao dịch với Boeing.

Boeing "nói rằng 737 MAX 8 là máy bay an toàn và đáng tin cậy, và máy bay này được thiết kế tuân thủ các quy định hàng không", Avia viết trong đơn kiện đệ lên tòa án bang Illinois - nơi Boeing đặt trụ sở. "Bất chấp những tuyên bố như vậy và với sự bất cẩn, Boeing đã thiết kế và chế tạo một dòng máy bay không an toàn".

Nếu đủ căn cứ pháp lý, Boeing có thể phải đền 5 tỷ USD ?

Sau khi Boeing bị kiện bởi các phi công và các đối tác, nhiều chuyên gia dự đoán hãng này có thể thiệt hại lên đến 5 tỷ USD ngay trong năm nay.

“Theo luật của Mỹ, việc kiện một hãng máy bay của của tập thể các phi công chưa có tiền lệ, nhưng sẽ có những căn cứ pháp lý để xử kiện cho mỗi bên tham gia. Nếu như những phi công có thể đưa ra được những bằng chứng thiệt hại xuất phát từ các vấn đề thiết kế liên quan tới mẫu máy bay Boeing 737 MAX, việc đền bù cho các phi công của Boeing sẽ không dừng lại ở con số gần 400 triệu USD trong 2 vụ kiện mà lên tới cả tỷ USD”, ông Micel Basic, Đại diện công ty luật tại Chicago, Hoa Kỳ tiếp xúc với các đơn kiện của phi công nói.

Thậm chí, theo ông Micel Basic, nếu có đủ căn cứ pháp lý, các phi công có thể kiện riêng rẽ để gây áp lực thỏa thuận đền bù đối với Boeing. “Lúc đó, sẽ không còn là nguyên tắc thỏa thuận 1-1 mà là 1-4.000. Và tất nhiên, mức đền bù cũng sẽ khác nhau giữa Boeing và các phi công. Chưa tính chi phí hầu kiện liên tục cũng khiến Boeing chóng mặt với các thủ tục pháp lý đảm bảo”, Micel Basic khẳng định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia lập pháp và hành pháp bang Chicago, Boeing cũng có thể chỉ phải chi ra một khoản đền bù thấp hơn nhiều so với dự kiến, nếu chứng minh được sự thiệt hại của các phi công trong 1 năm qua là lý do bất khả kháng liên quan đến các tai nạn máy bay mà phi công phải dừng công việc hoặc mất việc làm thường xuyên. “Khả năng này khó xảy ra, bởi các lỗi của Boeing liên quan đến tai nạn liên tiếp của dòng máy bay 737 MAX, đã được khẳng định do thiết kế chứ không phải do thời tiết hay điều kiện ngoại cảnh” – một chuyên gia lập pháp bang Chicago nói.

Đến thời điểm hiện tại, các thông tin từ phía Boeing đưa ra cho thấy họ đã thuê nhiều luật sư và công ty luật tiếp xúc với đại diện các phi công, nhưng chưa có kết quả đàm phán. “Rất nhiều khả năng phiên điều trần sắp tới vào ngày 21/10, Boeing sẽ phải đối mặt với những quyết định bồi thường “ngay và sòng phẳng” theo phán quyết của Tòa Chiacago”, một thẩm phán bang Chicago nói với tờ CNBC.

Đình Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Thấy gì từ khủng hoảng kinh tế và pháp lý của hãng Boeing ?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin