Tham nhũng 60.000 tỷ, thu hồi 5.000 tỷ: Quy trình rắc rối...

19/07/2016 03:22

"Con số 60.000 tỷ đồng phát hiện ra có thể chỉ là một con số trong tảng băng chìm, như vậy thực chất số tiền thất thoát còn lớn hơn".

Đó là nhận định của Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với báo Đất Việt, khi nói đến kết quả kiểm tra tình trạng tham nhũng của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Quy trình kiểm tra lạc hậu, không bình thường

PV:- Vừa qua, báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra chính phủ cho biết trong 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Nhưng đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. Như vậy con số tài sản thu hồi lại được chỉ chiếm gần 8%.

Ồng bình luận như thế nào về những con số này? Có thể hiểu kết quả này phản ánh tâm lý hi sinh đời bố, củng cố đời con, hay một người làm quan, cả họ được nhờ... khiến cho công tác phòng chống tham nhũng càng thêm khó khăn hay không, thưa ông?

Luật sư Trần Quốc Thuận:- Theo tôi được biết, số tiền thực tế thất thoát có thể còn lớn hơn rất nhiều. Chỉ cần nhìn lại một vài vụ việc, như Vinashin mua hàng loạt đội tàu cũ về không hoạt động được, Vinalines thanh lý hàng loạt các con tàu với giá thấp hơn rất nhiều giá mua mới.

Bởi vì, đầu tư lãng phí cũng là một loại tham nhũng, đâu chỉ có vậy, những dự án nhà máy giấy, nhà mấy gang thép, bỏ ra mấy nghìn tỷ xây dựng rồi lại bỏ hoang... Từ đó, dư luận hoàn toàn có thể đặt nghi vấn, con số 60.000 tỷ đồng phát hiện ra chỉ là một con số trong tảng băng chìm.

Hay nói ngay như vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh vừa qua, có thể đó là dấu hiệu của một vụ chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển. Nhưng cũng có thể đó chỉ là một vụ việc nhỏ, trong hàng loạt các vụ việc lớn hơn mà chưa phát hiện được.

Mặt khác khi tiến hành một vụ án lúc nào cũng có một quy trình dài của nó, từ khi khởi tố vụ án, đưa vào điều tra, rồi đưa ra xét xử, cho nên, vấn đề không thu hồi được vốn là bởi vì trong quá trình thanh tra, kiểm tra không làm được chặt chẽ, không kê biên các tài sản, không đóng băng các tài khoản của những người có dấu hiệu vi phạm.

Trong Bộ luật hình sự mới có quy định thêm điều này, nhưng trước đây không có, nên những người tham nhũng đã tẩu tán hết tài sản, mà dấu hiệu thất thoát trên giấy thì làm sao thu hồi được?

[caption id="attachment_144606" align="aligncenter" width="410"] Kê khai tài sản công chức còn nhiều khó khăn
Kê khai tài sản công chức còn nhiều khó khăn[/caption]

Nguyên nhân sâu xa chính là do biện pháp, giải pháp không triệt để, bài bản đến nơi, đến chốn, vừa do trình độ năng lực kém, vừa do tiêu cực, mà thay đổi không phải chuyện đơn giản.

Công tác chống tham nhũng từ lâu về mặt quyết tâm chính trị cũng có Luật của Quốc hội, nhưng ai thực hiện cũng là một câu chuyện. Cho nên, bài toán chống tham nhũng chủ yếu là ai chống ai, theo tôi chính là chống người có chức, có quyền. Mà người có chức, có quyền chống người có chức, có quyền tham nhũng là rất khó.

PV:- Lý giải về nguyên nhân, các cơ quan chức năng cho rằng, các vụ án tham nhũng thường xảy ra trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng đã cất giấu, chuyển hóa tài sản hoặc hợp lý hóa tài liệu, chứng từ nên việc chứng minh tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, các cơ quan tiến hành tố tụng mới chủ yếu chú trọng việc chứng minh hành vi phạm tội, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, dẫn đến khi tuyên bản án, tài sản hầu như đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành. Ông có đồng tình với những lý giải này hay không và vì sao?

Luật sư Trần Quốc Thuận:- Quy trình tố cáo tham nhũng của chúng ta hiện nay quá rắc rối. Tôi đã từng làm tòa án nên biết, ra bản án nó là tờ giấy chứ không có giá trị gì, đất đai thì chuyển tên cho người này, người khác, nhất là tiền bạc thì chuyển đi khắp nơi.

Tôi nói thẳng những người có chức, có quyền đã tham nhũng thì họ tham nhũng rất lớn, mà đụng đến họ thì phải "báo cáo" nhiều tầng, nhiều cấp. Mà báo cho họ biết thì phải vào nhà kiểm tra, nhưng đã là tài sản tham nhũng thì không ai dại gì để trong nhà. Hơn nữa, từ khi phát hiện tham nhũng, khởi tố ra quyết định, kê biên tài sản thì tất cả tài sản đã được chuyển hóa nhiều hình thức.

Nếu còn có khâu "báo cáo" như báo trước để họ biết thì đó là quy trình không bình thường, quá lạc hậu so với công cuộc chống tham nhũng trên phạm vi toàn thế giới.

Đi kiểm kê tài sản thì báo trước cả tháng, cả năm rồi sau đó mới đến kiểm kê, tạo điều kiện cho chuyển hóa, hợp thức hóa tài sản.

Đây là hệ quả việc quản lý lỏng lẻo, vì nếu có đường dây mới chạy chức, chạy quyền được, có đường dây mới chạy luân chuyển được, có đường dây mới chạy tội được, nghĩa là phải có sự đồng thuận từ các khâu, các mắt xích.

Phải tháo gỡ nút thắt kê khai tài sản

PV:- Dư luận cho rằng, giải thích trên chưa thỏa đáng bởi lẽ không ai tham nhũng rồi tiêu phá ngay tất cả tài sản mà thường chuyển thành bất động sản, vàng, tài khoản ngân hàng nước ngoài đứng dưới cái tên này hay cái tên khác. Đồng tiền đi đâu cũng có dấu vết chỉ là chúng ta chưa có đủ chế tài hay đủ quyết tâm để tìm cho ra. Ông đồng tình ở mức độ nào với ý kiến trên?

Ở các nước đặt quyết tâm phòng chống tham nhũng thật sự, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng nói trên được xử lý như thế nào? Việt Nam có thể học kinh nghiệm của họ hay không và vì sao?

Luật sư Trần Quốc Thuận:- Tất cả những dư luận đó là một góc của sự thật mà chúng ta cần chú ý.

Tham nhũng cũng giống như giặc, chống tham nhũng phải có vũ khí, đủ phương tiện trong tay, nhưng Việt Nam đang chống tham nhũng bằng cách phê và tự phê, như vậy người tố cáo chỉ có hy sinh trước. Hơn nữa, điều kiện đảm bảo cho những người chống tham nhũng cũng không rõ ràng.

Nguyên do chính của việc không thu hồi được tài sản là vì làm vụ án không triệt để ngay từ đầu, vướng vào thể chế, cơ chế, cho nên, muốn đụng đến thì phải báo nhiều tầng, nhiều lớp.

Ở các nước họ tập hợp điều tra và điều tra bí mật, không phải báo cáo, thu thập được chứng cứ là phong tỏa tài sản và tài khoản rồi mới khởi tố vụ án, họ có một quá trình điều tra lâu, tiền bạc thu về làm gì, chi những đâu, sau đó chỉ việc xử tội.

Còn Việt Nam thì đánh động cho biết trước, vậy thì làm sao kiểm soát được tài sản? Làm như bên Hàn Quốc, họ không trừ một ai, điều tra tài sản từ Tổng thống, đến con cái, kể cả dâu, rể của Tổng thống.

Đây là một đất nước mà nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học để giúp học sinh ý thức được nguyên nhân, hậu quả, tác hại của việc tham nhũng và giáo dục ý thức lên án tham nhũng ngày từ khi còn nhỏ.

Bên cạnh đó, thực hiện phương châm “Nước sạch đầu nguồn” - chống tham nhũng là phải từ trên xuống dưới.

Khi những hành vi tham nhũng được điều tra làm rõ thì các hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng đối với các quan chức tham nhũng, bất kể đó là ai, dù là chính khách hay công chức bình thường. Kết quả của việc xử lý được công khai để nhân dân giám sát.

Tôi nhớ không nhầm thì Hàn Quốc đã từng bắt giam hàng trăm quan chức Chính phủ có hành vi tham nhũng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hai cựu Tổng thống, lãnh đạo một số Tập đoàn...

Nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đã xử lý hàng trăm nghìn vụ tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Để thấy, bài học chống tham nhũng thì cũng không thiếu.

PV:- Theo báo cáo nói trên, trong 10 năm qua, cả nước chỉ có 10 cán bộ, công chức nhận quà biếu bị xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Theo nhiều ý kiến, việc không phát hiện sai phạm trong kê khai tài sản của công chức là điểm nghẽn trong việc phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng. Quan điểm của ông như thế nào?

Rào cản của việc kê khai tài sản công chức nằm ở đâu: sự trung thực của công chức kê khai, khâu giám sát hậu kiểm hay vướng mắc từ bản thân cơ chế?

Luật sư Trần Quốc Thuận:- Ở Việt Nam, kê khai tài sản công chức, ai cũng báo cáo nhà cấp 4, bê tông hết.

Cũng như những con số cán bộ nhận quà biếu, đây đều là những con số coi thường nhận thức của nhân dân. Bây giờ hối lộ không cần dùng tiền, không cần xách túi vài trăm ngàn USD, mà họ chuyển đổi hình thức chỉ cần cho một mảnh đất, cho một cái nhà, cho một tài khoản đứng tên nào đó, rồi gửi tiền vào tài khoản, thì ai biết được?

Cho nên câu chuyện của mình là câu chuyện dài, luẩn quẩn không có người bác sỹ giỏi nào tự tay mổ cho mình được, kể cả vết thương nhỏ nhất. Trong khi tham nhũng như một căn bệnh ung thư, tự mổ bằng phương pháp phê tự phê thì càng khó.

Chính vì thế, rào cản lớn nhất hiện nay là công khai, minh bạch, tôi đã nói nhiều lần, những người kê khai phải công khai với dân, chứ không phải để ngăn bàn. Và phải cam kết ngoài những tài sản trên tôi không còn tài sản nào khác, nếu còn thì tôi sẽ mất chức.

PV:- Nếu không gỡ được nút thắt kê khai tài sản công chức, liệu công tác phát hiện, xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả được không và vì sao? Được biết, Việt Nam đã từng học hỏi Singapore cách phòng chống tham nhũng, theo quan sát của ông, những bài học đó đã được áp dụng chưa? Và kinh nghiệm nào của Singapore chúng ta nên học tập đầu tiên?

Luật sư Trần Quốc Thuận:- Chắc chắn nếu như không gỡ được nút thắt kê khai tài sản công chức thì việc xử lý tham nhũng sẽ không thể thành công. Bởi nguyên nhân của việc không thu hồi được tài sản tham nhũng là do việc kê khai không minh bạch, mà khi không kê khai được thì sẽ tạo điều kiện cho quan chức gian dối.

Bài học này đã được viết thành giấy, nhưng chưa ai làm được, công ước, Luật phòng chống tham nhũng, cái gì cũng có đầy đủ nhưng không hành động, thực hiện được vào thực tế.

Nhắc đến Singapore, họ được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả.

Việt Nam cũng đã từng học hỏi cách chống tham nhũng của Singapore nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa học được gì. Nếu như Chính phủ Singapore quy định và thực hiện mỗi năm công chức, viên chức, quan chức phải khai báo một lần với Nhà nước về tài sản của bản thân hoặc của vợ (chồng) bao gồm tất cả các khoản thu nhập. Những tài sản tăng lên phải khai rõ nguồn gốc, cái gì không rõ nguồn gốc có thể coi là tham ô, tham nhũng.

Thì ở Việt Nam, một vị ĐBQH từng chia sẻ tài khoản của ông tăng lên đột ngột 100 triệu đồng cũng không ai hỏi, cũng không phải giải trình.

Mặt khác, nếu như Singapore khi một người được tuyển vào làm công chức, quan chức Chính phủ thì hằng tháng phải trích một phần tiền lương để gửi tiết kiệm. Thoạt đầu trích 5%, sau tăng dần. Người có chức vụ càng cao, thì phần trăm trích ra gửi tiết kiệm càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm lương tháng.

Nếu công chức, quan chức nào phạm tội tham nhũng dù nhẹ ở mức xử phạt ra khỏi ngạch công chức thì toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm bị trưng thu. Chính vì thế không ai lựa chọn tham nhũng; quan chức cấp càng cao, lương càng nhiều càng sợ không dám tham nhũng.

Còn Việt Nam chúng ta đến kiểm kê tài sản còn chưa làm được, nói gì đến trích tiền lương. Mà theo tôi, việc đầu tiên Việt Nam cần làm, cần học hỏi ở Singapore chính là bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng, và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.

Đưa ra các biện pháp chống tham nhũng đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem lại để thay đổi, nếu cần thiết.

- Xin cảm ơn ông đã chía sẻ với Đất Việt!

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Tham nhũng 60.000 tỷ, thu hồi 5.000 tỷ: Quy trình rắc rối..." tại chuyên mục Đối thoại. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin