Thách thức trong việc thực thi Luật Bản quyền của EU

13/10/2019 08:09

(Pháp lý) - Tập đoàn công nghệ Google của Mỹ ngày 25/9 cho biết sẽ không trả tiền cho các hãng truyền thông châu Âu khi sử dụng các bài viết, hình ảnh, video của họ trong các kết quả tìm kiếm tại Pháp.

Động thái của Google được nhiều hãng truyền thông quốc tế nhận định là đã “giáng một đòn đau” vào Luật Bản quyền của Liên minh châu Âu (EU), vừa được thông qua tháng 3 năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng việc thực thi Luật Bản quyền sẽ gặp nhiều thách thức.

 Thực thi Luật Bản quyền dự báo sẽ gặp những thách thức từ các đối tượng phải thực thi
Thực thi Luật Bản quyền dự báo sẽ gặp những thách thức từ các đối tượng phải thực thi)

Hai điều luật quan trọng gây tranh cãi

Ngày 26/3/2019, Nghị viện châu Âu đã thông qua cải cách Luật Bản quyền, bổ sung luật cũ có từ năm 2001, khi các nền tảng số hóa hay các hãng công nghệ được gọi là những “ông kẹ” như Facebook, Google hay YouTube chưa tồn tại.

Với việc đạo luật được các nghị sĩ thông qua với tỉ lệ 438 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 39 phiếu trắng, nhiều đánh giá của giới truyền thông nhận định là “một bước tiến hóa lớn của sự văn minh châu Âu”.

Tuy Luật được thông qua nhưng không phải không còn những tranh luận trái chiều ngay trong nội bộ các nước thành viên EU bởi thực tế các điều luật vẫn mang trong nó những rào cản được coi là “ngăn chặn các lợi nhuận, tự do của thế giới phẳng”.

Tranh cãi chủ yếu xoay quanh hai nội dung trong đạo luật là Điều 11 và 13. Điều 11 sẽ cho phép các hãng thông tấn nắm bản quyền cho phép chia sẻ nội dung của họ trên mạng hay không, có nghĩa là họ có thể yêu cầu các trang như Google phải trả tiền vì đã tập hợp và phát tán các bài viết này thông qua máy tìm kiếm của mình.

Các chuyên gia gọi đây là một dạng “thuế đường link”, mặc dù các nghị sĩ ủng hộ đạo luật khẳng định rằng việc chia sẻ đường link sẽ không mất tiền. Đồng thời, các công ty âm nhạc, nhà làm phim và hãng tin tức có thể đòi các công ty công nghệ, như Google và Facebook, chia sẻ hàng tỷ USD trong doanh thu của họ sau luật mới này.

Trong khi đó, Điều 13 quy định các hãng công nghệ phải có “cơ chế nhận diện nội dung hiệu quả” để sàng lọc những nội dung có bản quyền. Những người phản đối đạo luật tin rằng điều khoản này sẽ khiến người dùng mạng xã hội không thể chia sẻ lên mạng từ “meme” cho đến những đoạn nhạc, đoạn phim ngắn.

Ngay trong các thành viên của Nghị viện EU cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau về chính điều luật này.

Đối với những người ủng hộ Điều 11 và 13 cho rằng: “Đạo luật này cho phép một môi trường mạng cân bằng hơn, đáp lại nhiều quan ngại của các nhà báo, nhà xuất bản và các nhạc sĩ có những tác phẩm của mình được chia sẻ tự do trên mạng mà không thay đổi bản chất của internet. Nó cũng đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, khi những nội dung phục vụ cho mục đích giáo dục và nghiên cứu của các tổ chức văn hóa sẽ không bị giới hạn”.

Đặc biệt, nó giúp các tờ báo, các hãng tin tức được trả tiền và lấy lại công bằng khi bị các nền tảng nội dung "hút máu" quá lâu.

Tuy nhiên, những người phản đối mà tiêu biểu là Nghị viên Châu Âu Axel Voss, một trong những người ủng hộ đạo luật, cho biết Nghị viện đã xem xét những quan ngại mà các chuyên gia đưa ra và họ sẽ xem xét bổ sung những nội dung mới trong tương lai.

“Tôi rất vui khi mặc cho những chiến lược vận động hành lang bởi những tập đoàn lớn, phần lớn các thành viên trong nghị viện đã ủng hộ nguyên tắc chi trả công bằng cho các nhà sáng tạo ở Châu Âu”. “Tôi tin rằng sau khi mọi chuyện yên ắng trở lại, internet vẫn sẽ tự do như hôm nay, trong khi các nhà sáng tạo và nhà báo sẽ nhận được khoản lợi nhuận xứng đáng với những gì họ làm được” – ông Voss nêu chính kiến.

Phản ứng trước việc đạo luật được phê duyệt, bà Julia Reda, một nghị sĩ của Đức cho biết đây là một hành động “thảm họa”. “Đạo luật về bản quyền với những cơ chế sàng lọc và đánh thuế đường link đã được chấp thuận”, bà viết trên trang Twitter của mình. “Nghị viện Châu Âu đã bỏ ngoài tai những quan ngại của người dân và các chuyên gia”.

Thực thi không hề đơn giản..?

Với việc đạo luật này được thông qua, bước tiếp theo sẽ là những cuộc đàm phán ba bên giữa Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu gồm những nguyên thủ các nước thành viên EU. Và ngay cả khi đạo luật này được áp dụng, mỗi nước EU có quyền áp đặt luật mới tùy theo mong muốn của mình.

Đạo luật bản quyền của EU được thông qua trong bối cảnh các công ty thông tấn và nghệ sĩ đang tranh cãi với các tập đoàn công nghệ lớn do những nội dung và tác phẩm của họ đang bị phát tán tự do trên mạng. Người ủng hộ đạo luật khẳng định rằng những người và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo đang bị mất một khoản thu nhập lớn do các sản phẩm trí tuệ của họ được chia sẻ trên nhiều trang mạng.

Đạo luật này sẽ tác động đến những trang web lớn như Facebook hay YouTube, vốn phụ thuộc vào những nội dung do người dùng đăng tải. Google trước đó bị cáo buộc vận động hành lang một cách hung hăng để ngăn đạo luật được thông qua.

Google từng kêu ca về việc họ tốn khoảng 100 triệu USD cho hệ thống lọc của Youtube. Dẫu vậy, luật bản quyền mới có thể được coi là nỗ lực mới nhất của các nước châu Âu trong việc xây dựng hệ thống pháp lý, buộc các gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải tuân thủ luật chơi công bằng trên lãnh địa của họ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực thi luật bản quyền không hề đơn giản. Trước đây Tây Ban Nha và Đức từng thử nghiệm thu phí bản quyền tin tức nhưng đều thất bại. Tại Đức, Công ty Axel Springer, chủ sở hữu những tờ báo nổi tiếng như Die Welt và Bild, từng yêu cầu Google trả phí khi dẫn lại nội dung của họ.
Tuy nhiên, Google đã phản ứng bằng việc không dẫn lại trích đoạn các bài báo của Axel Springer trong kết quả tìm kiếm của mình để không phải trả tiền bản quyền. Hãng này cũng chấm dứt dịch vụ cung cấp tin tức ở Tây Ban Nha với lý do tương tự.

Tháng 7/2019, Pháp với tư cách thành viên EU đã thông qua và bắt đầu thực thi luật Bản quyền nói trên và bắt đầu tiến hành “thu thuế” đối với Google. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất vào ngày 25/9 của hãng này cho biết sẽ không trả tiền cho các hãng truyền thông châu Âu khi sử dụng các bài viết, hình ảnh, video của họ trong các kết quả tìm kiếm tại Pháp.

Tuyên bố và động thái này được ví với việc các hãng nội dung công nghệ lớn như Google từ bước “lách” luật sang “nhờn” luật.

Phát biểu với báo giới tại Paris, Phó Giám đốc tin tức của Google, Richard Gingras cho biết một hãng tin có trụ sở tại châu Âu sẽ phải quyết định liệu họ có cho phép Google hiển thị "những đoạn nhỏ" nội dung hoặc các hình ảnh điển hình trên các kết quả tìm kiếm tại Pháp hay không.

Nếu họ đồng ý, các hãng tin sẽ không nhận được tiền nhuận bút từ Google. Nếu họ không đồng ý, chỉ tiêu đề hoặc một đường link dẫn tới nội dung của họ được hiển thị trên kết quả tìm kiếm và điều này sẽ khiến thông tin đó sẽ không còn nổi bật.

Động thái của Google cũng là một đòn giáng mạnh đối với các tổ chức truyền thông, vốn thu được tiền từ quảng cáo nhờ Google, Facebook và các công ty internet khác của Mỹ.

Theo ông Kry Nelson, chuyên gia kinh doanh bản quyền tin tức tại Pháp, điều này cho thấy các hãng công nghệ nội dung như Google đã nắm trúng điểm yếu của các tin tức, báo chí trên nền tảng nội dung số và buộc phải cộng sinh với các hãng công nghệ nếu muốn sống sót khi mọi thứ tiếp cận tin tức, giải trí đã thay đổi.
“Thay vì luật, điều cần hơn là các thỏa thuận thương mại hết sức cụ thể của từng hãng tin tức với các hãng công nghệ nội dung. Ở đó, không còn là vấn đề ai sợ ai theo điều luật nào mà sẽ chia sẻ lợi nhuận bao nhiêu theo dạng win-win (cùng thắng). Thực tế các hãng tin tức đang sợ những gã khổng lồ như Google, Facebook chứ không phải là điều ngược lại dù có bất cứ điều luật nào”- ông Kry Nelson nêu thực tế và nhấn mạnh.

Trước khi được thông qua, dự thảo Luật Bản quyền đã được trình lên 28 quốc gia EU phê duyệt vào cuối tháng 3/2019. Sau đó, các nước thành viên sẽ có 24 tháng để sửa đổi luật trong nước cho phù hợp với quy định mới. Luật trên sẽ có hiệu lực từ năm 2021 trên toàn lãnh thổ châu Âu.

Việt Nguyễn

 

Bạn đang đọc bài viết "Thách thức trong việc thực thi Luật Bản quyền của EU" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin