Tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế: Ai được hưởng lợi?

21/08/2019 06:43

Từ hôm nay (20/8), gần 2.000 dịch vụ khám chữa bệnh BHYT sẽ được tăng theo mức tăng của lương cơ sở. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng tăng mạnh, cao nhất đến 4 triệu đồng/giường/ngày. Với mức tăng này, ai là người được hưởng lợi?

Tăng giá khám chữa bệnh BHYT theo lương

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, so với Thông tư 37 và Thông tư 39 thì Thông tư 13 và Thông tư 14 không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng.

“Gần 2.000 dịch vụ được quy định tại Thông tư 39 sẽ tăng theo cách tính mức lương cơ sở mới. Việc thay đổi này làm mức giá khám bệnh, giá ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho hay.

Cụ thể:

Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 38.700 đồng (tăng 1.700 đồng); Bệnh viện hạng II: 34.500 đồng (tăng 1.500 đồng); Bệnh viện hạng III: 30.500 đồng (tăng 1.500 đồng); Bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng (tăng 1.500 đồng);

Một số dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của BHYT cũng được điều chỉnh tăng, như: Giá dịch vụ khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; Khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe; Khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) là 160.000 đồng (tăng 15.000 đồng); Giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động là: 450.000 đồng (tăng 30.000 đồng).

Ngoài ra, hai Thông tư còn quy định tăng giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác… Theo đó, tại bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh là 782.000 đồng/ngày (tăng 29.000 đồng); Đối với bệnh viện hạng I, mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tối đa là 705.000 đồng/ngày, bệnh viện hạng II là 602.000 đồng/ngày…

Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 05/7/2019, có hiệu lực từ ngày 20/8/2019. Người bệnh vào viện điều trị từ trước ngày 20/8/2019 vẫn tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ cũ, giá mới áp dụng với người bệnh vào viện từ ngày 20/8/2019.

Theo phân tích của Bộ Y tế thì lộ trình tăng giá dịch vụ y tế sẽ khiến người dân không có bảo hiểm y tế phải chịu mức chi phí khá lớn, trong khi đó người có bảo hiểm y tế sẽ là người ít chịu ảnh hưởng nhất.

Cụ thể, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống ở vùng các huyện đảo, xã đảo, các đối tượng chính sách thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh BHYT được thanh toán 100% thì không bị ảnh hưởng.

Đối với hộ cận nghèo sẽ phải tăng thêm 0,22% đối với ngày giường và 0,05% đối với các dịch vụ khác.

Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh thì tính ra sẽ phải tăng thêm 0,88% đối với ngày giường, 0,2% đối với các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cũng cho rằng, người dân không có bảo hiểm y tế sẽ phải chịu mức chi phí khá lớn, trong khi đó người có bảo hiểm y tế sẽ là người ít chịu ảnh hưởng nhất; thậm chí là đối tượng có lợi nhất vì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh viện với mức giá cao hơn nên quyền lợi của người dân cũng được tăng lên.

Theo ông Liên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế mang lại những hiệu quả tích cực như: Người bệnh được hưởng lợi vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn của Bộ Y tế, chất lượng sẽ tăng lên. Nhờ tăng giá dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị xét nghiệm… chất lượng cao giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, đối với người có thẻ bảo hiểm y tế do được chi trả phí cao hơn sẽ giảm phiền hà cho người bệnh vì không phải tự mua một số thuốc, vật tư do trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do bảo hiểm y tế không thanh toán.

Ví dụ, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng đồng chi trả tron gnăm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở. Như vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương 1.490.000 đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán viện phí khám chữa bệnh BHYT hơn (từ 8.340.000 đồng lên 8.940.000 đồng).

Còn đối với cơ sở khám chữa bệnh, việc điều chỉnh giá lần này góp phần tăng nguồn thu để có kinh phí trả lương theo mức lương cơ sở mới (tăng từ 1/7/2019) lên 1.940.000 đồng.

Khám chữa bệnh BHYTBộ Y tế cho rằng, khi tăng giá dịch vụ, người khám chữa bệnh có thẻ BHYT "thậm chí là có lợi nhất"
Khám chữa bệnh BHYTBộ Y tế cho rằng, khi tăng giá dịch vụ, người khám chữa bệnh có thẻ BHYT "thậm chí là có lợi nhất")

Tăng mạnh giá dịch vụ theo yêu cầu: Người giàu hưởng lợi?

Lĩnh vực tăng giá mạnh nhất trong đợt này chính là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Theo lý giải của Bộ Y tế, nhu cầu của người dân về sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

"Các bệnh viện trong nước có trình độ chuyên môn tốt nhưng do chất lượng phục vụ, chăm sóc chưa đáp ứng được nên thời gian vừa qua, nhiều người phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Mặt khác, hiện nay rất nhiều người dân tham gia các loại hình bảo hiểm sức khỏe thương mại" - đại diện Bộ Y tế cho hay.

Theo Thông tư 14/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, với mức 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, tiền giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng.

Các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, lọai I.. giường điều trị nội khoa…. Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường.

Tiền lương phải tính theo trình độ bác sỹ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có một điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường…

“Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu vẫn được thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định”, ông Liên nhấn mạnh.

Trả lời VnMedia về việc nhiều ý kiến lo ngại rằng, với giá dịch vụ theo yêu cầu cao như vậy, các bệnh viện công lập sẽ tập trung đầu tư nguồn lực (cả cơ sở vật chất cũng như đội ngũ bác sĩ, giáo sư giỏi) ở khu vực này, gây mất công bằng trong hưởng lợi các dịch vụ công của nhà nước đối với phần lớn người lao động, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay nhiều bệnh viện có doanh thu đến 95% là từ khám chữa bệnh BHYT, vì vậy các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT chứ không chỉ riêng khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Hơn nữa, theo ông Liên, chỉ các bệnh viện còn khu đất trống, hoặc tận dụng thu hẹp khu vực hành chính, hay ở phần khám chữa bệnh BHYT không hết công suất, không phải nằm ghép thì mới được phép phối hợp với các nhà đầu tư, sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng khu vực KCB theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chia sẻ, Bệnh viện Nhi là đơn vị có cả khu khám chữa bệnh theo yêu cầu và khám chữa bệnh BHYT. Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu là nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người bệnh với những dịch vụ chất lượng ngang bằng với bệnh viện quốc tế, vắng người. Các bác sĩ, PGS, GS, TS khi hết tuổi quản lý được mời tiếp tục ở lại làm việc tại đây.

“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT không được điều trị bởi các bác sĩ giỏi, GS.TS mà thậm chí có nhiều ca phải hội chẩn nhiều lần bởi các chuyên gia đầu ngành, được miễn phí khám chữa bệnh từ các nguồn xã hội hóa, nguồn quỹ của Bệnh viện” – ông Hải khẳng định.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/tang-gia-gan-2-000-dich-vu-y-te-ai-duoc-huong-loi.html

Bạn đang đọc bài viết "Tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế: Ai được hưởng lợi?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin