Từ khóa "Luật" :
Nhận diện những điểm yếu của Luật – một trong những nguyên nhân khiến vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị thất thoát, lãng phí…
(Pháp lý) - Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV đã làm lộ diện những lỗ hổng và vi phạm các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại 160 doanh nghiệp thuộc 17 tập đoàn và tổng công ty.
Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh
(Pháp lý) - Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra có nhiệm vụ trọng tâm kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao (theo giới thiệu của Trung ương). Đặc biệt, Quốc hội tập trung cho ý kiến công tác phòng chống dịch, sửa đổi bổ sung chính sách tháo gỡ khó khăn cho kinh tế và xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh
Các ĐBQH họp, thảo luận tại hội trường, kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội: sẽ huy động tối đa huy động trí tuệ toàn dân, nhà khoa học, chuyên gia vào các công việc của Quốc hội
Sau 2 ngày đầu làm việc , Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết bầu nhân sự lãnh đạo cấp cao của QH. Chiều 20/7, 475 đại biểu (100% đại biểu có mặt tại hội trường) đã đồng ý thông qua nghị quyết bầu ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Ngay sau khi được bầu, ông Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức tuyên thệ.
Sau khi bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XV, các đại biểu tiến hành bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV bằng hình thức bỏ phiếu kín. 4 nhân sự giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XV đó là: Ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khoá XIV; Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XIV; Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XIV; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Sáng 21/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu các chức danh lãnh đạo các ủy ban của QH. Theo đó, Quốc hội khóa XV có 11 Chủ nhiệm Ủy ban. Trong đó có 3 nhân sự mới là: Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Công an giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.
Tám Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn lại tiếp tục được bầu giữ chức vụ như khóa XIV. Cụ thể: ông Bùi Văn Cường được bầu giữ chức vụ Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.
Ngày 21.7, QH cũng thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước . Riêng hai Ủy viên Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (Trưởng Ban Công tác Đại biểu khóa XIV) và ông Dương Thanh Bình (Trưởng Ban Dân nguyện khóa XIV) đã được Thường vụ Quốc hội phân công tiếp tục giữ chức vụ hiện tại.
Trả lời báo chí tại kì họp đầu tiên của QH khóa XV, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong hoạt động của Quốc hội, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao chất lượng ở cả công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, phải gắn với trách nhiệm từng cơ quan, nhất là người đứng đầu để pháp luật thống nhất, có tuổi thọ ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển, hội nhập quốc tế; khắc phục cho bằng được "luật khung, luật ống"... Trong giám sát tối cao, Quốc hội chú trọng chọn vấn đề trúng, đúng, liên quan đến quốc kế, dân sinh; giám sát có trọng tâm trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, truy đến tận cùng sự việc, nêu ra ý kiến xác đáng...
Quốc hội khóa XV cũng sẽ không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chúng tôi sẽ huy động tối đa nhà khoa học, chuyên gia vào các công việc của Quốc hội ở các lĩnh vực. Nghĩa là huy động trí tuệ toàn dân chứ không chỉ 499 đại biểu Quốc hội.
Xem xét các dự án luật liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là yêu cầu đặt lên hàng đầu.
Đáng chú ý, trong phiên thảo luận tại hội trường về công tác xây dựng PL, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm hiệu quả hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp; lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Sau khi điều chỉnh, bổ sung như trên, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021): Thông qua 01 dự thảo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021): Thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại 1 kỳ họp; cho ý kiến 5 dự án luật khác.
Dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): Thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 05 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): Thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 02 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng đối với từng đề nghị trên cơ sở hồ sơ của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát với yêu cầu thực tế để lập dự kiến Chương trình trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, qua công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đề nghị dự kiến Chương trình năm 2022 của Chính phủ so với các năm trước còn ít dự án, nhất là các dự án để gối tiếp sang năm 2023. Trong khi đó, qua rà soát cho thấy, còn rất nhiều dự án cần được đưa vào Chương trình để kịp thời thể chế hoá các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Quốc hội; trình lại các dự án đã được đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị; các dự án để khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Các vị đại biểu Quốc hội trong ý kiến thảo luận đều thể hiện sự đồng tình, tán thành với nội dung xây dựng luật, pháp lệnh mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật… cho đại biểu, nhất là đại biểu trúng cử lần đầu, nâng cao hơn nữa kỹ năng phản biện chính sách của các đại biểu, cần coi trọng lấy ý kiến của các hiệp hội, người dân từ đó có sự phân tích, tiếp thu, cần thiết thì phải lập nhóm chuyên gia, có sự đầu tư nguồn lực khi xây dựng các dự án luật. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị các Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Đầu tư công… khi nảy sinh những vấn đề mới trong xã hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao quan tâm đến luật pháp về hội nhập, bổ sung vào chương trình lập pháp 2022 việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại từ năm 2010 và đã có nhiều lạc hậu; nâng cấp Nghị định hoà giải thương mại lên thành luật. Đại biểu Nghĩa cho rằng, cần mạnh dạn xã hội hoá, huy động sức dân để làm luật, không nên lãng phí trí tuệ, tri thức của các chuyên gia trong xã hội, nhất là trong khâu soạn thảo.
Cùng ý kiến với nhiều đại biểu, ông Lê Xuân Thân (Đại biểu Quốc hội Đoàn Khánh Hoà) nhấn mạnh công tác xây dựng luật nên đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên xem xét sớm Luật về phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ người dân, Luật về tình trạng khẩn cấp.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ trăn trở: Chúng ta đang phải đối mặt với dịch Covid-19, dịch bệnh không những khốc liệt mà còn có khả năng kéo dài, nên việc xem xét các dự án luật liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là yêu cầu đặt lên hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn.
Về phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ và các bộ, ngành đang làm hết sức, một số việc cần xử lý trong thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã sẵn sàng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội một số luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.
Quốc hội cần có Nghị quyết khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19
Đó là kiến nghị rất đáng quan tâm của một số ĐBQH. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống dịch COVID-19.
Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, Quốc hội hoặc UBTVQH cần có Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống đại dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay. Lý giải về điều này, vị đại biểu làm trong ngành Y cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ gây hại lớn, tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.
Đặc biệt, trong vòng 2 tháng gần đây, số ca bệnh tại Việt Nam đã lên đến trên 50.000 ca mắc, và sẽ mất thời gian lâu để chấm dứt tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chính vì vậy, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước chưa có bất cứ văn bản chính thức, độc lập nào về phòng chống dịch COVID-19".
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, hơn lúc nào hết nhân dân cần Nghị quyết của Quốc hội để đồng lòng, quyết tâm hơn trong việc chống dịch. Các địa phương cần Nghị quyết để đồng lòng, đoàn kết, tự tin, vững vàng chống dịch hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. "Tôi tin rằng đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong công cuộc chống dịch tại Việt Nam", vị đại biểu trong ngành Y nhấn mạnh.
Tại các Kỳ họp Quốc hội trước của khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã nhiều lần lên tiếng về việc Quốc hội chưa đưa Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình. Nêu lên lý do vì sao cần thiết phải sớm thay đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Luật khám bệnh chữa bệnh thay đổi rất nhiều, bây giờ không thể nhìn, sờ ngay được. Hiện các ca mổ xẻ đã được thực hiện bằng máy móc, bác sĩ kê đơn từ xa không cần ngồi cạnh bệnh nhân, cuộc cách mạng đã đẩy mạnh đời sống nhân loại, chuyển đổi số đã trên nhiều lĩnh vực nhất là lĩnh vực y tế”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Là một vị ĐBQH cũng từng ý kiến rất nhiều lần việc cấp thiết phải sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bệnh viện mình đang phụ trách đã triển khai hình thức khám, chữa bệnh từ xa hơn một năm nhưng đang gặp khó khăn do vấn đề này chưa được quy định trong luật.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y lấy ví dụ cụ thể: "Bộ Y tế đã cố gắng ban hành thông tư hướng dẫn, tuy nhiên do không có trong luật nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện, áp dụng trên diện rộng. Đơn cử như việc cho phép khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc, bác sỹ được chịu trách nhiệm về đơn thuốc này cũng như quyền lợi của bệnh nhân khi khám chữa bệnh từ xa".
Kiến nghị Quốc hội giám sát gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ và 26 nghìn tỉ
Đó là kiến nghị của Đại biểu Trần Hoàng Ngân. ĐB cho rằng Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong năm 2021.
Là đại biểu phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các đoàn giám sát. Chính vì vậy phải có kịch bản cho việc đi lại, giám sát, bố trí nhân sự đối với các đoàn giám sát.
Theo đó, danh sách đoàn giám sát phải mở để khi có dịch thì phân công cho đồng chí ở địa phương đó đại diện cho đoàn thực hiện việc giám sát.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh Quốc hội
Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến năm 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong năm 2021.
BOX: Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng Quốc hội cần thực Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng thời gian qua lại ít kiểm tra, ít giám sát”, ông Vân nhấn đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc "hậu giám sát" còn quá thấp, quá chậm, thậm chí có nơi không có đi để hậu giám sát. Sắp tới cần có chương trình hậu giám sát để xem những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát ở địa phương, đơn vị ngành đã tổ chức thực hiện đến đâu, kết quả. như thế nào.
Phải khắc phục được tình trạng luật vừa ban hành đã thấy “vướng”.
Đây là kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga khi bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Bà Nga cho biết, bà đặc biệt quan tâm đến luật Đất đai (sửa đổi). Bởi, luật Đất đai hiện hành đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hơn. “Nếu không sớm sửa đổi thì các khó khăn, vướng mắc cũng chưa được thực hiện. Vì vậy, cần xem xét, sớm đưa luật Đất đai (sửa đổi) vào trong các kỳ họp sớm nhất này”, vị ĐBQH đoàn Hải Dương nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (ảnh: H.B)
Trước đó, thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày, một số ĐBQH cũng đã nêu ý kiến về dự thảo luật này.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, có tình trạng một số dự thảo luật hết sức cấp bách nhưng theo phản ánh của nhiều cử tri và địa phương thì chưa được đưa ra sửa đổi kịp thời, điển hình là luật Đất đai. Theo vị đại biểu đoàn Kiên Giang, luật Đất đai đã được đưa ra nhiều lần trong các chương trình kỳ họp của Quốc hội khoá XIV tuy nhiên cũng nhiều lần xin lùi thời gian để Chính phủ nghiên cứu thêm. “Để thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như để Quốc hội thoát khỏi thế bị động và nâng cao chất lượng làm luật, tôi kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên”, bà Bé nói.
Trong khi đó, ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) lại có quan điểm riêng khi trao đổi về vấn đề này.
Ông Tám nói, về luật Đất đai (sửa đổi) đang được cử tri và nhân dân quan tâm, Chính phủ đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ Ba năm 2022 và thông qua tại kỳ họp thứ Tư năm 2022; UBTVQH đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tư và thông qua tại kỳ họp thứ Năm năm 2023. Đó là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề. “Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội có cho quan điểm mở là trong quá trình chuẩn bị nếu chất lượng tốt và tiến độ nhanh hơn thì UBTVQH sẽ trình Quốc hội xem xét để đẩy đẩy nhanh tiến độ thông qua ở hai kỳ họp. Tôi nghĩ rằng cần khẳng định phải thông qua tại ba kỳ họp bởi tính phức tạp cả về lý luận và thực tiễn của vấn đề sở hữu và vấn đề quản lý, sử dụng đất đai”, ông Văn Tám nêu quan điểm.
Sau khi nghe góp ý của các ĐBQH tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết, việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới. Theo Bộ trưởng bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn.
Nhận xét chung về công tác xây dựng pháp luật, bà Nga nêu quan điểm: “Xây dựng pháp luật là công việc rất quan trọng, đòi hỏi sự kỹ lưỡng ngay từ khâu chuẩn bị. Ngay từ hồ sơ xây dựng luật pháp, lệnh thì các cơ quan có liên quan đã phải chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng.
Với các Uỷ ban của Quốc hội khi thẩm tra dự án luật cần vô cùng thận trọng, còn phải có sự đối chiếu và rà soát tất cả các dự án luật có liên quan, thậm chí phải mở rộng việc so sánh, đối chiếu với luật của nước ngoài để tránh sự chồng chéo, chất lượng xây dựng luật tốt hơn.
“Tránh tình trạng một bộ luật mới ban hành đã thấy vướng, luật chồng chéo lên nhau phải tiếp tục sửa đổi như vậy chất lượng xây dựng luật không cao, luật đi vào cuộc sống quá nhiều vướng mắc”, bà Nga nói.
Phúc Trang ( T/h)
Kỳ họp đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV
Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV khai mạc vào sáng mai (20/7) theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Với thời gian dự kiến 11,5 ngày, bên cạnh nội dung trọng tâm là công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành một lượng lớn thời gian để xem xét các nội dung về kinh tế-xã hội.
Quang cảnh một kỳ họp của Quốc hội
Diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rất tốt đẹp, kỳ họp lần này có vai trò đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung bầu, phê chuẩn, kiện toàn nhân sự chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước; xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế-xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Công tác nhân sự - nội dung trọng tâm
Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Bên cạnh đó, Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (nếu có); phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.
Xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019.
Quốc hội cũng xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.
Các vấn đề này đã được Chính phủ nêu trong các báo cáo liên quan.
Báo cáo số 182/BC-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 khẳng định: Nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng...
Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm 2021 được đề câp là: Tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả. Kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH. Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính-ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác...
Về mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, báo cáo của Chính phủ đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, gồm 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội, 6 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%. Tỉ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); cấp huyện có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; cấp tỉnh có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo baochinhphu.vn
Nguồn bài viết: https://m.baochinhphu.vn/story.aspx?did=438755
“Pháp luật có đầy đủ, khách quan, chặt chẽ thì mới tạo ra được môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, an toàn…”
(Pháp lý) - Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XV - TS. Trần Công Phàn với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý trước thềm khai mạc phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV vào ngày 20/07/2021. Kỳ vọng với sự chung sức của tập thể các ĐBQH, trong đó có ĐBQH Trần Công Phàn và nhiều ĐBQH trong giới Luật gia VN sẽ nỗ lực hết sức nhằm góp phần cùng Quốc hội khóa XV tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, khách quan, chặt chẽ.
Để thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội…
Phóng viên: Đầu tiên, xin được chúc mừng Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn vừa trúng cử ĐBQH khoá XV. Trước phiên họp đầu tiên của QH khóa XV, xin ông chia sẻ cảm xúc của mình?
Đ/c Trần Công Phàn: Cảm xúc của tôi lúc này là rất vui vì được hội Luật gia Việt Nam giới thiệu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chấp nhận, cử tri đã tin tưởng bầu tôi làm ĐBQH khoá XV. Đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng sẽ là trách nhiệm rất nặng nề đối với cá nhân tôi. Đặc biệt, tôi luôn trăn trở phải làm sao để thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri với Quốc hội; đưa được những vấn đề quan trọng, ý chí, nguyện vọng của cử tri, của giới luật gia đến với nghị trường, với Quốc hội; tham gia đóng góp với Quốc hội những ý kiến sát, đúng, phản ánh đầy đủ, khách quan, thực tế cuộc sống.
Phóng viên: Được biết, trước khi trúng cử là ĐBQH khoá XV và trước khi chuyển về công tác tại HLGVN giữ trọng trách Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, ông đã từng có nhiều năm công tác trong ngành tư pháp. Điều này tạo thuận lợi gì trong việc thực hiện chương trình hành động mà ông đã đặt ra với vai trò là ĐBQH?
Đ/c Trần Công Phàn: Từ khi được Đảng đoàn hội Luật gia Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu và quá trình tiếp xúc với cử tri tại đơn vị bầu cử (TP.Thủ Dầu Một và Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), tôi đã xây dựng và báo cáo với cử tri về chương trình hành động gồm 5 điểm:
Thứ nhất: Cố gắng tìm hiểu thực tiễn, nghiên cứu và đóng góp ý kiến nhỏ bé của mình với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương trong việc tổ chức các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, với định hướng tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển khu công nghiệp, khu đô thị; xây dựng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung,… ; xây dựng TP.Thủ Dầu Một - thủ phủ của Bình Dương, thành đô thị văn minh, hiện đại và giàu đẹp.
Thứ hai, chủ động, tích cực tham gia các hội thảo, tọa đàm, các cuộc họp đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật theo chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Đặc biệt, tôi quan tâm những nội dung liên quan đến pháp luật về đất đai.
Thứ ba, Bình Dương là nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, có đông công nhân và người lao động. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cả về vật chất lẫn tinh thần, tôi sẽ chủ động lắng nghe những ý kiến của cử tri, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách pháp luật có liên quan chặt chẽ đến vấn đề bảo vệ người lao động, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Thứ tư, với tư cách là lãnh đạo hội Luật gia Việt Nam, tôi sẽ quan tâm việc tập hợp các luật gia để tập trung làm tốt công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú ý đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người dưới 18 tuổi, người già, người tàn tật, người nghèo,… để mọi người có cơ hội tiếp cận, nâng cao hiểu biết pháp luật, thực thi pháp luật tốt hơn, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.
Thứ năm, tôi sẽ đề nghị Quốc hội tập trung giám sát có hiệu quả những vấn đề mà nhân dân quan tâm, mong chờ như: Vấn đề chủ quyền quốc gia; vấn đề tham nhũng; việc phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; vấn đề việc làm; cải cách tư pháp, cải cách hành chính; vấn đề môi trường và phát triển kinh tế đi đôi với việc giữ gìn bản sắc dân tộc,… để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh, các chủ trương, chính sách hợp lòng dân được đi vào cuộc sống.
Đồng thời, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã và đang được thực hiện trên địa bàn. Từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định cho phù hợp với những thay đổi của đất nước nói chung và đặc thù của tỉnh Bình Dương nói riêng.
Đối với các vấn đề mới nổi lên của địa phương, tôi sẽ tích cực lắng nghe ý kiến của nhân dân và đề nghị các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Đ/c Trần Công Phàn Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương: Quyết tâm xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh.
Với gần 40 năm kinh nghiệm công tác, chủ yếu trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, có hơn 10 năm là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hơn 2 năm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và hiện nay được phân công là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam… sẽ giúp tôi phát huy được vai trò và thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình đó là đại diện cho tiếng nói của hơn 64.000 hội viên hội Luật gia trên cả nước, cũng như đại diện cho tiếng nói của cử tri, người lao động trong các vấn đề, nhất là có liên quan đến luật pháp. Tôi hứa sẽ hoàn thành tốt chương trình hành động mà tôi đã đặt ra.
Mong muốn Quốc hội khẩn trương sửa đổi Luật Đất đai
Phóng viên: Chương trình hành động mà ông nêu ra, có rất nhiều nội dung quan trọng gắn chặt với những vấn đề thời sự rất nóng hiện nay của đất nước và hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN. Để hiện thực hóa chương trình hành động này, ngay trong các kì họp QH năm 2021 và 2022, ông sẽ chuẩn bị tham gia ý kiến kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản chính sách pháp luật quan trọng nào ? Vì sao?
Đ/c Trần Công Phàn: Qua thực tiễn công tác, tôi nhận thấy nhiều vấn đề phức tạp, nhiều vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế… mà nguyên nhân chính là liên quan đến vấn đề đất đai, các vụ án này xảy ra ngày càng nhiều. Có thể thấy, các qui định pháp luật, cơ chế chính sách về đấu giá, bồi thường, giá đất, thu hồi, tịch thu, thay đổi công năng sử dụng của đất… đang còn nhiều vướng mắc. Đây là vấn đề nóng mà cử tri cả nước cũng như cử tri Bình Dương rất quan tâm. Vì thế, tôi mong muốn chương trình xây dựng luật của Quốc hội sẽ bàn và sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, có thể ngay trong các kì họp QH đầu nhiệm kỳ vào các năm 2021 và 2022. Với nhiệm vụ được giao, tôi sẽ chủ động nghiên cứu các báo cáo tổng kết thực tế bất cập diễn ra hiện nay để đóng góp đề xuất các ý kiến sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan phù hợp.
Hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn các đại án
Phóng viên: Pháp luật về Đầu tư kinh doanh ( Đầu tư công, Đấu giá, Đấu thầu) và pháp luật về Đất đai còn nhiều bật cập và lỗ hổng khi thực thi trong cuộc sống. Nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra các đại án tham nhũng ở một số tỉnh thành gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua. Là người giữ trọng trách cấp cao trong Ban Lãnh đạo của HLGVN, đồng thời là Đại biểu QH, ông sẽ có những hiến kế giải pháp gì về mặt chính sách PL, góp phần ngăn ngừa các đại án kinh tế tham nhũng ?
Đ/c Trần Công Phàn: Đúng vậy, theo dõi hàng loạt các vụ án tham nhũng gần đây như: các vụ án sai phạm đất đai tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà…; các vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp: Công ty gang thép Thái Nguyên; Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn… đặc biệt, là các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, đấu gia như vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vụ Cao tốc Trung Lương… tôi nhận thấy bên cạnh những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính những cán bộ, lãnh đạo có sai phạm, còn có một phần nguyên nhân từ các quy định của luật và việc thực thi pháp luật, ví dụ như những quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể; thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá đất… là kẽ hở cho tiêu cực, tạo ra cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng.
Hay pháp luật về đấu thầu hiện nay cũng đang thiếu những quy định để giám sát cơ quan quản lý đấu thầu; giám sát nhà thầu... dễ dẫn tới sai phạm trong chỉ định thầu, chia nhỏ gói thầu, chuyển nhượng bán thầu thu phí trái quy định…
Đ/c Trần Công Phàn Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, đang nghiên cứu tài liệu chuẩn bị phiên họp đầu tiên của QH khóa XV
Cùng với đó là những giải pháp trong việc tổ chức thi hành, làm sao để luật được áp dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất, hiệu quả nhất, góp phần ngăn ngừa các đại án kinh tế tham nhũng.
Các kỳ họp Quốc hội khóa XV sắp tới đây, với tư cách là ĐBQH tôi sẽ tập hợp, lắng nghe nghiên cứu các ý kiến của cử tri, các luật gia, chuyên gia… Trong đó, có những bài viết phân tích bình luận chuyên sâu được đăng trên Tạp chí Pháp lý về các vấn đề xung quanh những đại án kinh tế, tham nhũng… để từ đó tham gia góp ý kiến nghị tới QH sửa đổi bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật , sửa đổi các luật còn có các quy định bất cập, không đầy đủ, không chặt chẽ…
Để có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn…, khâu thực thi pháp luật rất quan trọng.
Phóng viên: Nhiều năm là Phó Viện trưởng VKSNDTC, theo ông các cơ quan tư pháp có vai trò quan trọng thế nào trong đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn?
Đ/c Trần Công Phàn: Vai trò của các cơ quan tư pháp nói chung, nhất là các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án ở nước ta là vô cùng quan trọng để đảm bảo môi trường kinh doanh đầu tư vừa an toàn, vừa công bằng, minh bạch.
Vì hệ thống các cơ quan tư pháp sẽ là chủ thể tham gia quá trình giải quyết các vụ việc tranh chấp kinh doanh – thương mại, dân sự và cả các vụ án hình sự có liên quan đến các nhà đầu tư, doanh nhân, doanh nghiệp. Nếu các cơ quan này mà không công minh, thiếu công bằng thì sẽ gây hậu họa rất lớn. Đặc biệt, đối với môi trường đầu tư kinh doanh, nếu thiếu sự công bằng trong giải quyết các vụ việc phát sinh, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn.
Chỉ khi ngành tư pháp thực sự công minh, liêm chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tin tưởng, thì kinh tế mới có thể phát triển trong điều kiện tốt nhất. Để ủng hộ cho việc năng động trong phát triển kinh tế, chúng ta cần tôn trọng nguyên tắc: “Được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, nhưng đương nhiên không được ảnh hưởng, xâm phạm đến lợi ích của người thứ ba, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải ủng hộ các doanh nghiệp, doanh nhân… tuyệt đối không được hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Để có thể thực sự tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh “an toàn” tại Việt Nam, đòi hỏi không chỉ ở môi trường chính sách pháp luật rõ ràng minh bạch, mà còn từ khâu áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật của mỗi cá nhân hoạt động trong ngành tư pháp.
Phóng viên: Là ĐBQH của tỉnh Bình Dương – một trong những tỉnh có cộng đồng DN nhiều nhất cả nước, theo ông để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, phát triển bền vững cho cộng đồng DN nói chung, cần phải có những giải pháp quan trọng nào trong thời gian sắp tới?
Đ/c Trần Công Phàn: Như tôi đã nói ở trên, để có thể thực sự tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi không chỉ ở môi trường chính sách pháp luật rõ ràng minh bạch, mà còn từ khâu áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật.
Do đó, theo tôi, Pháp luật phải được xây dựng dựa trên cơ sở thực tiễn của xã hội, đây là điều quan trọng. Vì Pháp luật có phản ánh sát với thực tế thì pháp luật mới quay trở lại phục vụ cuộc sống một cách tốt nhất.
Pháp luật có đầy đủ, khách quan, chặt chẽ thì mới tạo ra được một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, an toàn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, từ đó tạo tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội. Nếu Pháp luật còn nhiều bật cập, lỗ hổng sẽ tạo cơ hội cho tiêu cực, tham nhũng, trục lợi…
Cùng với đó phải có những giải pháp hữu hiệu trong việc tổ chức triển khai, thi hành pháp luật để pháp luật phải thực sự đi vào cuộc sống, được áp dụng vào thực tiễn một cách rộng rãi nhất, dễ hiểu nhất và hiệu quả nhất.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đinh Chiến (ghi)