Rao bán 3,7 triệu cổ phiếu của Bầu Kiên để thi hành án: Luật Chứng khoán và Luật THADS qui định thế nào ?

15/07/2021 17:39

(Pháp lý) – Chi cục Thi hành dân sự quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán ACB tổ chức bán công khai hơn 3,7 triệu cổ phiếu của Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) tại Ngân hàng TMCP Á Châu để thi hành án. Vậy căn cứ quy định nào của pháp luật để cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp trên trong khi ông Kiên còn đang thụ hình ? PV Tạp chí Pháp lý đã phỏng vấn Thạc sĩ, Luật sư Lưu Bá Khiêt – Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh)

PV: Tại Bản án phúc thẩm số 570/2014 ngày 15/12/2014, Tòa phúc thẩm có thẩm quyền đã tuyên buộc ông Kiên phải có trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước số tiền hơn 75 tỷ đồng do hành vi trốn thuế gây ra. Luật sư có thể cho biết, đến thời điểm này ông Kiên đã khắc phục hậu quả như thế nào ? 

Luật sư Lưu Bá Khiết: 7 năm trước (15/12/2014), Bản án số 570/2014 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên bác kháng cáo của Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên), xử bị cáo y án sơ thẩm 30 năm tù và bồi thường cho Nhà nước số tiền hơn 75 tỷ về tội trốn thuế, phạt 100 triệu hành vi lừa đảo đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng trong vòng 5 năm sau khi mãn hạn tù. Vào thời điểm đó vụ án kinh tế xảy ra tại ngân hàng ACB do Bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.

Như vậy kể từ ngày bị bắt giam, đến thời điểm này ông Kiên chỉ mới thụ hình được gần 9 năm, tức chỉ mới được gần 1/3 thời gian. Trog khi đó, liên quan đến số tiền 75 tỷ đồng phải thu hồi mà Bản án đã tuyên, đến thời điểm này Cơ quan THADS còn phải tiếp tục thu hồi số tiền hơn 26 tỷ đồng. Trước đó qua thông tin đại chúng, sau khi bán đấu giá 3 ngôi biệt thự của vợ chồng ông Kiên ở TP.HM, thu hồi được số tiền gần 49 tỷ đồng (năm 2017), Cơ quan THADS có thẩm quyền đã nỗ lực xác minh điều kiện thi hành án của ông Kiên để thi hành dứt điểm số tiền còn lại nhưng chưa có kết quả.

Vì vậy việc Chi cục Thi hành dân sự quận Hoàng Mai (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán ACB tổ chức bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu của ông Kiên tại Ngân hàng TMCP Á Châu để tiếp tục thi hành án là một sự nỗ lực rất lớn của cơ quan có thẩm quyền.

image001-1626273456.jpg
Thạc sĩ, Luật sư Lưu Bá Khiết

PV: Được biết tại thời điểm kê biên tài sản, Cơ quan điều tra không trực tiếp áp dụng mà có văn bản đề nghị Ngân hàng ACB phong tỏa quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân đang sở hữu tại Ngân hàng ACB. Luật sư có thể giải thích rõ hơn về các qui định pháp luật điều chỉnh?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Điều 57 Luật Chứng khoán 2006 quy định: Trung tâm lưu ký chứng khoán và thành viên lưu ký có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến sở hữu chứng khoán của khách hàng, từ chối việc điều tra, phong toả, cầm giữ, trích chuyển tài sản của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Cũng như vậy tại, Điều 38 Luật này còn quy định: Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán có nghĩa vụ cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác điều tra và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán…

Điều đó có nghĩa, các cơ quan hoạt động chứng khoán phải có trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Tuy nhiên tại thời điểm khởi tố bị can bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên (20/8/2012), BLTTHS 2003, chưa có điều luật điều chỉnh độc lập biện pháp phong tỏa tài khoản, trừ  biện pháp kê biên tài sản được quy định tại Điều 146. 

Như vậy cùng với tiến hành kê biên 3 ngôi biệt thự của vợ chồng ông Kiên sở hữu tại TP.HCM,  để đảm bảo thi hành án, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã có văn bản đề nghị (thay vì trực tiếp phong tỏa) Ngân hàng ACB phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân đang sở hữu tại Ngân hàng ACB (gồm hơn 937 triệu cổ phần của Ngân hàng ACB, chiếm 9,03% vốn điều lệ, trong đó ông Nguyễn Đức Kiên sở hữu hơn 31,5 triệu cổ phiếu, chiếm 3,37%), là phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm.

image002-1626273486.jpg
Trong vòng lao lý nhưng vợ chồng Nguyễn Đức Kiên vẫn sở hữu khối tài sản khủng tại Ngân hàng ACB nhờ giá trị cố phiếu tăng đều.

PV: Xin ông cho biết những quy định nào của pháp luật cho phép các cơ quan có thẩm quyền được rao bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu của ông Kiên trong lúc ông Kiên còn đang chấp hành hình phạt tù ?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Như tôi đã đề cập ở trên, toàn bộ số cổ phiếu của ông Kiên và người thân đã được Cơ quan điều tra đề nghị Ngân hàng ACB áp dụng biện pháp phong tỏa theo quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa điều kiện thi hành án của ông Kiên đã được xác định là số cổ phiếu đã bị phong tỏa có giá trị tương ứng với số tiền mà Bản án đã tuyên buộc ông Kiên phải bồi thường cho Nhà nước do hành vi trốn thuế gây ra.

Điều 71 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định 6 biện pháp cưỡng chế được áp dụng. Trong đó có biện pháp, cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản, thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. Giấy tờ có giá theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định, bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch. “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác” (điểm 8, Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010).

Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Điều 55) điều chỉnh: Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến sở hữu của khách hàng; từ chối việc phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tài sản, trích lục, sao chép thông tin sở hữu chứng khoán của khách hàng mà không có sự đồng ý của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền… Tại Điều 23 Thông tư 119/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định: “Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán sau khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Có nghĩa quyền sở hữu chứng khoán của khách hàng được bảo mật tối đa, nhưng phải chịu sự điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.

Đối chiếu với các quy định trên của pháp luật, việc Chi cục Thi hành dân sự quận Hoàng Mai (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán ACB tổ chức bán công khai hơn 3,7 triệu cổ phiếu của Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) tại Ngân hàng TMCP Á Châu để thi hành dứt điểm số tiền còn lại hơn 26 tỷ đồng mà ông Kiên phải bồi thường cho Nhà nước theo Bản án phúc thẩm đã tuyên là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

PV: Xin cảm ơn Luật sư !

VŨ LÊ MINH (thực hiện)
 


 


 

Bạn đang đọc bài viết "Rao bán 3,7 triệu cổ phiếu của Bầu Kiên để thi hành án: Luật Chứng khoán và Luật THADS qui định thế nào ?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin