Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội và Luật Thi hành án hình sự

23/05/2019 06:03

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước và Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là hai nội dung Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận trong hôm nay (22/5).

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Trong phiên họp chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận về nội dung này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).)

Trước đó ngày 21/5/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai tại hội trường để thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật Kiến trúc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Buổi sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Tại phiên họp này, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Trong quá trình thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu ý kiến, theo đó, đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo luật, như vấn đề triết lý giáo dục; phân luồng và liên thông trong giáo dục; chương trình, sách giáo khoa; độ tuổi của giáo dục phổ thông; về nhà đầu tư và Hội đồng trường; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt; về chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; về chính sách không thu học phí đối với giáo dục bắt buộc và miễn học phí đối với giáo dục phổ cập.

Ngoài ra, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật cần hoàn thiện theo hướng, cụ thể như: trong các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam cần làm toát lên triết lý của nền giáo dục Việt Nam hiện đại và làm nền tảng cho việc cụ thể hóa toàn bộ quy định của dự thảo luật; cần nâng cao điều kiện liên thông để đảm bảo chất lượng của học viên đầu ra; không nên quy định cứng về độ tuổi của giáo dục phổ thông mà chỉ nên quy định độ tuổi tối thiểu để vào một cấp học; cần quy định hình thức đầu tư trong giáo dục để định hướng hoạt động của nhà đầu tư.

Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đa số ý kiến phát biểu của đại biểu đều cơ bản đều nhất trí với những nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Buổi chiều, theo chương trình nghị sự, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, theo đó, đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, các ý kiến của đại biểu cũng tập trung về một số nội dung cụ thể như sau: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước trong hoạt động kiến trúc; định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa; quy chế quản lý kiến trúc; Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển và tuyển chọn phương án kiến trúc; về chứng chỉ hành nghề kiến trúc (gồm quy định về quản lý thông tin, thời hạn, sát hạch, thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề kiến trúc); về hành nghề kiến trúc của tổ chức; về mô hình kiến trúc sư trưởng; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xử lý tranh chấp trong hoạt động kiến trúc; quản lý nhà nước về kiến trúc, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; tính đồng bộ với các luật có liên quan đến hoạt động kiến trúc.

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Nội dung dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV; Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật được kết cấu thành 16 chương và 209 điều.

Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 gồm: phạm vi điều chỉnh; giám sát việc thi hành án hình sự; về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; quy định tổ chức cho phạm nhân lao động; về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; về quy định tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ giáo dục đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi; thi hành án tử hình; trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

Các vấn đề quản lý và xử lý vi phạm đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; về quyền, nghĩa vụ và xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại; cưỡng chế thi hành đối với pháp nhân thương mại; về chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại... cũng được xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/quoc-hoi-thao-luan-ve-kinh-te-xa-hoi-va-luat-thi-hanh-an-hinh-su-299668.html

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội và Luật Thi hành án hình sự" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin