Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng phục vụ công tác cải cách tư pháp và phòng, chống tội phạm

20/05/2021 12:05

(Pháp lý) – Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV( 2016 – 2021) có nhiều đổi mới với những dấu ấn đậm nét, được cử tri cả nước đánh giá rất cao. Đặc biệt, Quốc hội Khoá XIV đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng phục vụ công tác cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng và phòng, chống tội phạm.

Pháp lý trân trọng giới thiệu tóm lược nội dung quan trọng của 3 trong số các đạo luật đã được Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung.

Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017: Đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Có 9 vấn đề lớn quan trọng đã được sửa đổi bổi sung trong Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

Thứ nhất, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thu hẹp hình phạt tử hình theo 02 hướng đó là: Bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, trong đó có 5 tội bỏ hoàn toàn, có 3 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó, gồm: Tội buôn bán, sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy.

BLHS đã bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình, gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn. Trong trường hợp này sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân.

Thứ hai, thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi theo hướng những người này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội.

Thứ ba là Bộ luật hình sự năm 2015 bỏ 8 tội, đó là Tội tảo hôn, tội kinh doanh trái phép, tội hoạt động phỉ; Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Tội vi phạm các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng;

Thứ tư là: bổ sung, tách, nhập, chuyển hóa nhiều tội danh, theo đó Bộ luật Hình sự năm 2015 có những thay đổi quan trọng và đã bổ sung nhiều tội danh mới, điển hình như: Tội kinh doanh đa cấp trái phép; tội trốn đóng Bảo hiểm xã hội; “Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” ( Điều 285) ; Tội thu thập, mua bán, tàng trữ, trao đổi mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); … hoặc những tội khác liên quan đến hành vi được tách ra từ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng BLHS 1999 bằng 9 tội danh mới thuộc các lĩnh vực: Đấu thầu, đấu giá tài sản; Kế toán; Quản lý thuế; Xây dựng; Bồi thường thu hồi đất; Quản lý cạnh tranh, đầu tư công; Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp;

Thứ năm là Xử lý hình sự với pháp nhân: lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh được liệt kê tại Điều 76 của Bộ luật hình sự năm 2015. Các tội danh này đều thuộc nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường. Chế tài áp dụng đối với pháp nhân gồm phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Thứ sáu là tăng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp. Trong 313 tội danh, có đến 455 khung hình phạt quy định hình phạt tiền, BLHS 1999 chỉ có 201. Mức phạt tiền cũng tăng: Cá nhân cao nhất là 5 tỷ đồng; pháp nhân cao nhất là 20 tỷ đồng.

Và 3 nội dung lớn khác được sửa đổi bổ sung đó là: bổ sung 3 trường hợp loại trừ TNHS; chế định miễn TNHS có nhiều thay đổi; và khoảng cách về khung hình phạt được thu hẹp, khắc phục khung hình phạt quá rộng như trước đây, dễ dẫn đến việc lạm dụng khi áp dụng, khoảng cách từ mức hình phạt thấp nhất đến mức hình phạt cao nhất trong một khung là khoảng 5 – 6 năm.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: Đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác PCTN

So với Luật PCTN năm 2005, và Luật PCTN sửa đổi năm 2007, 2012 thì Luật PCTN năm 2018 có một số điểm mới nổi bật quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng…

Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập: Luật PCTN năm 2018 quy định các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật hiện hành, mà được mở rộng thêm: Cán bộ, công chức; Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bổ sung một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai: Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, như: Nhà, đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài thì Luật PCTN năm 2018 yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Công khai kê khai tài sản, thu nhập: Luật PCTN năm 2018 quy định rõ về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm; Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử; Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn; Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Ngoài ra, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến. Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm: Luật PCTN năm 2018 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách như sau: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng; Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm toán phát hiện tham nhũng: Luật PCTN năm 2018 đề cập đến việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Theo đó, Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Kiểm toán nhà nước ra quyết định thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước.

Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau: (1) Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cung cấp. Trong trường hợp này, Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước; (2) Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị.

Xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN: Việc xử lý người có hành vi tham nhũng được quy định chi tiết tại Điều 92 Luật PCTN năm 2018 như sau: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác; Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật; Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo đó, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám định tư pháp

Thứ nhất, mở rộng phạm vi của giám định tư pháp: Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành.

Thứ hai, thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự: Để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã bổ sung quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.

Thứ ba, bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và Kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp.

Đây là quy định mới nhằm huy động các chuyên gia có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cao tham gia hoạt động giám định tư pháp để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Thứ tư, bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định: Để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Luật mới bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân hoặc người thân thích của họ và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa. Đồng thời, để hiện thực hóa quyền này, Luật đã giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định việc bố trí vị trí của người giám định tư pháp khi tham gia phiên tòa.

Thứ năm, quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp: Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan trước khi ban hành Quyết định trưng cầu, đặc biệt trường hợp nội dung giám định của vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn cần xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp.

Thứ sáu, bổ sung quy định về thời hạn giám định: Để khắc phục tình trạng kéo dài thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, ảnh hưởng tới tiến độ xét xử của các vụ ản này, Luật đã quy định thời hạn giám định là 03 tháng, trường hợp có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng trường hợp phải gia hạn thì không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đội Với loại việc đó. Đồng thời, Luật giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp quy định thời hạn giám định VIO từng loại việc cụ thể cho phù hợp với tính chất đặc thù và yêu cầu thực tiễn.

Thứ bảy, sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn: Để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, Điều 32 đã được sửa đổi, bổ sung như theo hướng kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định.

Thứ tám, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp

Để bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được bổ sung, sửa đổi một số trách nhiệm như: (1) ban hành chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê về trưng cầu về giám định tư pháp trong hệ thống của mình và báo cáo Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Sở Tư pháp, sở, ngành có liên quan ở địa phương; (2) Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát (Điều 44).

Ngoài sửa đổi bổ sung 3 đạo luật quan trọng trên, Quốc hội khoá XIV còn sửa và ban hành một số luật phục vụ công tác cải cách tư pháp và phòng chống tội phạm, trong đó có các luật như Luật thi hành án sửa đổi năm 2019 nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án và Luật hoà giải đối thoại tại Toà án được thông qua năm 2020, tạo nền tảng pháp lý quan trọng, thiết lập cơ chế mới để giải quyết các tranh chấp dân sự, khởi kiện hành chính.

Thành Chung (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng phục vụ công tác cải cách tư pháp và phòng, chống tội phạm" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin