Tăng cường hiệu quả hoạt động Thanh tra, kiến nghị đưa quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp vào Luật

(Pháp Lý). Đó là hai nội dung quan trọng được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến khi góp ý hai Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi và Dự Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Giữ hệ thống tổ chức thanh tra như hiện hành , nhưng cần tăng cường hiệu quả hoạt động.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra như hiện hành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện; đồng thời tăng cường hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này.

 Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải giữa Thanh tra huyện. Đại biểu nhấn mạnh hệ thống Thanh tra huyện là hết sức cần thiết, đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”; bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao cho Thanh tra huyện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng...Đại biểu cũng cho biết, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện hiện nay không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; do đó, cần có giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế này.

dai-bieu-la-thanh-tan-gop-y-du-luat-thanh-tra-sua-doi-1653640781.jpg
Đại biểu Lã Thanh Tân góp ý Dự Luật Thanh tra sửa đổi.

Bày tỏ đồng tình với quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở, song đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng nếu chỉ quy định như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện mà cần có quy định cụ thể để địa phương có cơ sở để tổ chức thành lập Thanh tra Sở. Theo đó, cần làm rõ đối với các Sở không thành lập tổ chức thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra và những nhiệm vụ khác của Thanh tra Sở được giao cơ quan nào đảm nhiệm.

Cũng thống nhất với giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Thanh tra Sở, đại biểu Nguyễn Việt Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị cần quy định cứng một số Sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập Thanh tra Sở, số còn lại giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ và tổng số biên chế được giao của địa phương để vừa bảo đảm sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước vừa đáp ứng được đặc thù, yêu cầu quản lý của từng địa phương và vẫn thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra. Đồng thời giải trình làm rõ các Sở không thành lập thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra sẽ do cơ quan nào thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cũng khẳng định vai trò của Thanh tra huyện. Nêu rõ đây là cơ quan tham mưu tích cực, hiệu quả cho công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu cho rằng cần phải duy trì mô hình Thanh tra huyện đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang thì đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nhất là các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục, Tổng cục thuộc Bộ… để thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Liên quan đến quy định về tổ chức Thanh tra Sở, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình tổng kết thi hành và lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật, các ý kiến đều nhất quán cần quy định trong Luật về Thanh tra Sở  và nhấn mạnh đây là công cụ để quản lý nên không thể quy định tùy theo tình hình thực tế địa phương chỗ thành lập chỗ không. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng nên quy định rõ Sở nào cần thành lập thanh tra để thống nhất trong cả nước.

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại hội trường vào chiều ngày 13/6.

Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở: Công khai, minh bạch hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp

Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, thời gian qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở như Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

bo-truong-bo-noi-vu-pham-thi-thanh-tra-1653640781.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình Dự Luật tại Kỳ họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

Tuy nhiên đến nay Đảng đã có nhiều chỉ đạo cụ thể liên quan đến phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở. Hiến pháp năm 2013 và các luật ban hành sau Hiến pháp năm 2013 cũng đã có nhiều quy định mới liên quan đến quyền làm chủ và quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhân dân.

Mặt khác, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế về nội dung, hình thức, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ chưa phù hợp thực tiễn; trách nhiệm bảo đảm thực hiện chưa cụ thể, thiếu chế tài; vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và sáng kiến của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở sơ sở chưa được đề cao,…

Khẳng định các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Luật này nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo Luật gồm 07 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, dự thảo Luật có các điểm mới, gồm: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật mở rộng phạm vi và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư; bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính, có sự phân giữa kiểm tra và giám sát của Nhân dân.

Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ; có sự phân biệt giữa kiểm tra và giám sát của cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, dự thảo Luật bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; có sự phân biệt giữa kiểm tra và giám sát của người lao động; bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,...).

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong bảo đảm các biện pháp thực hiện và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, dự thảo Luật lần này có quy định về Thanh tra Nhân dân bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung đang được quy định tại Luật Thanh tra. Tuy nhiên, Thanh tra Nhân dân có những điểm khác biệt về cách thức thành lập, nguyên tắc tổ chức hoạt động và thẩm quyền so với cơ quan Thanh tra nhà nước. Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra Nhân dân trong luật này.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định một chương về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Quốc hội.

Liên quan đến nội dung này, trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó trong Luật nên có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp (bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động). Ủy ban Pháp luật cũng nhất trí có một số nội dung quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước bởi đây là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn lực công nên có những đặc điểm, yêu cầu riêng về tổ chức, quản lý, kiểm soát không giống như các doanh nghiệp thông thường khác.

chu-nhiem-uy-ban-phap-luat-cua-quoc-hoi-hoang-thanh-tung-1653640747.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp. Ảnh: daibieunhandan.vn

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp cũng phù hợp với yêu cầu được nêu tại Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị là cần tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy chế dân chủ cho ba loại hình cơ sở là xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào Dự Luật các quy định chi tiết, cụ thể hơn thể hiện rõ đặc thù trong việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định và kiểm tra để tạo cơ sở pháp lý cho người lao động ở các doanh nghiệp này thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất, có hiệu quả.​​​​​​​

Việc luật quy định sâu hơn về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Luật này chỉ nên quy định về thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp nhà nước là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà không điều chỉnh đối với các loại doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, bởi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nói chung được xác lập trên cơ sở quan hệ lao động với nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau thông qua hợp đồng lao động…

Hà Trang (T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tang-cuong-hieu-qua-hoat-dong-thanh-tra-kien-nghi-dua-quy-dinh-thuc-hien-dan-chu-tai-doanh-nghiep-vao-luat-a255437.html