CEO Liên minh Vắc xin Toàn cầu – Người hùng thầm lặng đưa vắc xin đến mọi miền thế giới

Anh hùng thời chiến vận chuyển vũ khí, bom đạn – Anh hùng thời bình vận chuyển vắc xin dập dịch. Ông Seth Berkley, CEO Liên minh Vắc xin Toàn cầu, Gavi và Sáng kiến AIDS Quốc tế IAVI chính là nhân vật đứng sau các chuyến vắc xin phân phối rộng khắp các quốc gia. Tiến sĩ 66 tuổi đã giành hơn nửa đời người chiến đấu hết mình với những căn bệnh quái ác, giành giật sự sống cho hàng triệu mảnh đời trên khắp thế giới. Giờ đây, ông bước vào chặng đường cam go hơn, thách thức hơn, đó là điều hành tổ chức dẫn đầu Covax đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Người anh hùng thầm lặng 

41-1643161961.jpg

Ông Seth Berkley - Người anh hùng thầm lặng đưa vắc xin phổ biến thế giới. 

Lại thêm một năm đại dịch qua đi, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới vượt quá 5 triệu sinh mạng – một con số đau thương và thậm chí còn có khả năng tăng cao gấp nhiều lần trong tương lai. Trong bối cảnh đó, cơ chế Covax phân phối vắc xin trên toàn cầu do Gavi, Liên minh vắc xin đứng đầu đã mang lại những tác động to lớn trong điều kiện khắc nghiệt nhất, không chỉ cung cấp thuốc phòng COVID-19 mà còn duy trì, phục hồi, tăng cường tiêm chủng và dịch vụ y tế thiết yếu khác. Và chính Tiến sĩ Seth Berkley là người anh hùng thầm lặng trong cuộc chiến đầy nước mắt.

Kể từ khi thành lập năm 2000, Gavi đã góp phần tạo nên hệ miễn dịch cho cả một thế hệ hơn 822 triệu trẻ em, ngăn ngừa hơn 14 triệu ca tử vong, trong đó giảm một nửa tỷ lệ ở 73 quốc gia có thu nhập thấp. Dưới sự lãnh đạo của Tiến sĩ Berkley, Gavi đã nhận Giải thưởng của Công quốc Asturias về Hợp tác Quốc tế năm 2020. Tháng 6 cùng năm, ông Berkley dẫn dắt tổ chức huy động thành công 8,8 tỷ USD trong một Hội nghị cấp cao có sự tham dự của 42 nguyên thủ quốc gia. Gavi đặt mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn chiến lược 2021-2025 tiếp cận thêm 300 triệu trẻ em, ngăn ngừa 7-8 triệu trường hợp tử vong, đóng góp thêm 80-100 tỷ USD vào lợi ích kinh tế toàn cầu. Năm 2021, tiến sĩ Berkley được tạp chí Fortune xếp hạng thứ 14 trong số 50 nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.

Trước Gavi, năm 1996, ông Berkley thành lập Sáng kiến Vắc xin AIDS Quốc tế (IAVI), tổ chức hợp tác phát triển sản phẩm vắc xin đầu tiên giữa khu vực công – tư. IAVI đã thay đổi hoàn toàn thế cục lúc bấy giờ nhờ khả năng phát triển thuốc cũng như phân phối đến khắp các nước có thu nhập thấp ngăn chặn đại dịch HIV. Đồng thời, ông cũng giám sát một chương trình vận động toàn cầu nhằm đảm bảo vắc xin HIV nhận được sự quan tâm, chú ý trên các phương tiện truyền thông, tổ chức quốc tế như G8, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc.

Mô hình kinh doanh bền vững

Là một tổ chức công – tư, Gavi nhận được cam kết từ mạng lưới nhà tài trợ dày đặc gồm các quốc gia phát triển, tổ chức thiện nguyện, nhiều tổ chức hợp tác quốc tế ( Tổ chức Y tế Thế giới, quỹ Bill & Melinda Gates, Unicef, v.v.) Tuy nhiên, với ông Berkley những điều này chưa đủ để phát triển bền vững. Nhiều người đặt câu hỏi: “Cốt lõi cho mô hình bền vững của Gavi là gì? Nhờ đâu mà ông nhận được cam kết tài trợ lớn đến như vậy trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn?”. Câu trả lời nằm ở những thành tựu mà Gavi đã chứng minh và đạt được. 

42-1643161961.jpg

Hành trình phân phối vắc xin. 

Vắc xin là biện pháp can thiệp tiết kiệm chi phí nhất. Trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”, bỏ tiền ra mua vắc xin là lựa chọn khôn ngoan khi vừa ngăn ngừa bệnh tật lại cứu thêm một mạng sống con người. Quan trọng nhất, đây là kết quả có thể đo lường được và hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta. Bên cạnh đó, vị tiến sĩ từng bộc bạch ông và tổ chức luôn muốn giá thành vắc xin phải chăng nhưng cần đảm bảo chất lượng. Theo ông: “Chúng tôi kỳ vọng giá thuốc sẽ giảm nhưng vấn đề ở chỗ các nhà sản xuất cũng cần có đủ biên lợi nhuận mới có thể kiểm soát chất lượng. Chúng tôi muốn biến vắc xin trở thành công việc kinh doanh tiềm năng nhưng điều này phải đi cùng với tăng hiệu quả của thuốc. Trên hết, mục tiêu của Gavi là đưa thuốc đến tay người dân một cách nhanh nhất, cố gắng thúc đẩy đường cong tiêm chủng”.

Tính bền vững là trọng tâm của mô hình huy động nguồn lực năng động cho Gavi. Dựa trên hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà tài trợ, đồng thuận giữa các quốc gia, mô hình này đang dần định hình thị trường vắc xin có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn thế giới. Các cam kết tài trợ dài kỳ là điều cần thiết để triển khai các chương trình tiêm chủng xuyên suốt. Định hình thị trường vắc xin tại các nước đang phát triển cũng dần trở thành nhân tố cốt lõi khác trong mô hình kinh doanh của tổ chức, là một phần quan trọng trong việc cung cấp các chương trình tiêm chủng bền vững. Hoạt động thị trường được tăng cường đáng kể nhờ cam kết dài hạn giúp các nhà sản xuất thuốc thấy rõ nhu cầu trong tương lai, từ đó đảm bảo giá vắc xin hợp lý. Sự thành công của mô hình dựa vào khả năng tài trợ là chiến lược giúp dòng chảy vắc xin không bị gián đoạn và mang lại hiệu quả kịp thời.

Đóng góp của phân phối vắc xin cho kinh tế toàn cầu

Nghiên cứu do Phòng Thương mại Quốc Tế (ICC) sử dụng mô hình dịch tễ học đánh giá tác động kinh tế của phương pháp tiếp cận vắc xin cho thấy phân phối thuốc tiêm chủng COVID-19 là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi kinh tế toàn cầu. Kết quả nghiên cứu trên khắp 65 quốc gia, trải dài 35 lĩnh vực khẳng định không có bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới có thể phục hồi hoàn toàn sau những tác động tiêu cực của đại dịch, cho đến khi vắc xin COVID-19 được tiếp cận công bằng ở tất cả các quốc gia. Thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra chỉ có thể “giảm thiểu thông qua phối hợp đa phương đảm bảo phân phối vắc xin, công cụ xét nghiệm và phương pháp điều trị trên diện rộng”.

Mặt khác, các nhà khoa học từ Đại học Koc, đại học Maryland và đại học Harvard tiết lộ rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và toàn cầu hóa có nghĩa là chỉ một hoặc một vài quốc gia có hiện tượng trì trệ sẽ ngay lập tức tạo ra tác động tiêu cực và ảnh hưởng lâu dài đến những quốc gia khác. Đây cũng là điều thu hút sự chú ý của thế giới khi hướng tới bối cảnh bình thường mới hậu đại dịch. Ngay cả nền kinh tế tiên tiến nhất như Hoa Kỳ đã tiêm phòng cho số đông dân số cũng rất khó để hồi phục đáng kể nếu đối tác thương mại không thể đạt được thành công tương tự.

Do đó, đảm bảo tiếp cận công bằng vắc xin COVID-19 là cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận cao cho tất cả các nền kinh tế. Nếu so sánh với kịch bản toàn thế giới đều được tiêm chủng, các nền kinh tế tiên tiến hơn dự kiến sẽ thâm hụt gần 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu phân phối vắc xin không đạt được mức độ bao phủ toàn cầu. Nói cách khác, trong trường hợp không có các nỗ lực đa phương nhằm đảm bảo tiếp cận vắc xin công bằng, hệ quả là tốc độ tiêm chủng không đồng đều kéo theo nguy cơ phục hồi chậm chạp kéo dài không một ai có thể tránh khỏi. 

43-1643161961.jpg

Vắc xin được gửi đi khắp các quốc gia trên thế giới. 

Lấy số liệu của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) làm ví dụ, triển vọng kinh tế ngắn hạn tại đây đặt ra cho năm 2021 là 6,4% và 4,9% cho năm nay. Tuy nhiên khu vực này đã chứng kiến khác biệt trong quỹ đạo tăng trưởng giữa các nền kinh tế trong tiếp cận vắc xin và các gói hỗ trợ kích cầu. Cụ thể, các nền kinh tế triển khai tiêm chủng nhanh hơn, có biện pháp hỗ trợ tài khóa bền vững nhìn chung sẽ phục hồi mạnh hơn. Các nền kinh tế đủ tiềm lực để mở cửa song song tiếp tục phổ cập tiêm chủng, tái tạo năng lượng cho tiêu dùng tư nhân. Ngược lại, vẫn có các nước tiếp tục vật lộn với tiếp cận thuốc, thu hẹp không gian dài chính, hồi phục ắt gặp khó khăn và gia tăng nguy cơ ngừng mở cửa kinh tế.

Biến thể Omicron là một trong những mối đe dọa mới nhất của nhân loại khi chủng mới này được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn. Sự khác biệt duy nhất mà chúng ta có so với thời kỳ đầu bùng phát chủng Delta là vắc xin có sẵn giúp giảm số ca nhập viện cũng như tử vong. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của tiêm chủng diện rộng càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng trong APEC giao động khá lớn từ 148 liều/100 người xuống mức thấp chỉ 1 liều/100 người, dẫn đến khác biệt về tỷ lệ người tiêm chủng đầy đủ giữa các nền kinh tế từ 0,2% đến 72%. Khoảng chênh lệch lớn tác động đến tốc độ và sức mạnh hồi phục, tiềm năng lâu dài trong cuộc đua chống dịch toàn cầu.

Trên khắp thế giới, khoảng 4,7 tỷ liều đã được phân phối và đưa vào sử dụng với tốc độ tiêm chủng 36,7 triệu liều mỗi ngày. Tính đến giữa tháng 8/2021, trong số 23,5% dân số tiêm chủng đầu đủ, chỉ có 1,2% những người tư các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19. Theo Gavi, các nền kinh tế lớn đã mua khoảng 40% nguồn cung vắc xin, đạt tỷ lệ bao phủ ít nhất 50%. Trong khi đó, Covax mua 17% vắc xin toàn cầu, đem lại lợi ích cho 137 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình.

Xuyên suốt hai thập kỷ, công việc của Gavi đóng góp lớn vào phúc lợi và kinh tế cộng đồng. Cứ mỗi 1 đô la Mỹ đầu tư vào vắc xin ở các quốc gia được Gavi hỗ trợ, ước tính sẽ giúp tiết kiệm 21 đô la Mỹ chi phí điều trị. Lợi tức đầu tư tăng lên khoảng 54 đô la Mỹ nếu tính đến các lợi ích xã hội rộng lớn hơn. Cho đến nay, 15 quốc gia đã thoát khỏi tình cảnh bệnh tật bủa vây nhờ hỗ trợ của Gavi. Một trong những quốc gia thành công duy trì tỷ lệ bao phủ vắc xin cơ bản lên đến 99% là Sri Lanka và vẫn đang tiếp tục mở rộng tiêm chủng.

Liên minh Gavi đóng vai trò trung tâm trong tiêm chủng, giải quyết các vấn đề an ninh y tế toàn cầu cũng như hỗ trợ cộng đồng đạt được mục tiêu phát triển vền vững. Giờ đây, khi tiến tới giai đoạn chiến lược tiếp theo, tổ chức sẽ tập trung tăng cường nỗ lực công bằng bảo vệ sức khỏe của người dân trên toàn thế giới và trao quyền cho thế hệ tiếp theo. Và những người “anh hùng vận chuyển vắc xin” như tiến sĩ Seth Berkley xứng đáng được vinh danh sau những đóng góp to lớn cho toàn nhân loại.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/ceo-lien-minh-vac-xin-toan-cau-nguoi-hung-tham-lang-dua-vac-xin-den-moi-mien-the-gioi.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ceo-lien-minh-vac-xin-toan-cau-nguoi-hung-tham-lang-dua-vac-xin-den-moi-mien-the-gioi-a254549.html