Triển vọng các kênh đầu tư trong bối cảnh Covid-19

TÓM TẮT:

Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hàng loạt các ngành nghề, doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí phải đóng cửa do dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, ở góc độ các nhà đầu tư với mục tiêu đảm bảo sự an toàn và sinh lời tốt nhất của vốn sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn các kênh đầu tư. Bài viết khái quát về triển vọng của các kênh đầu tư trong bối cảnh hiện nay nhằm cung cấp thêm thông tin cho các nhà đầu tư trong việc ra quyết định đầu tư hiện nay.

Từ khóa: triển vọng đầu tư, xu hướng thị trường, kênh đầu tư, kinh tế, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,9%, trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới do kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, năm 2021, biến chủng Delta khiến hệ thống y tế Việt Nam chịu nhiều áp lực khi có gần 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 24 nghìn ca tử vong tính tới cuối tháng 11. Hệ quả là GDP quý III/2021 giảm 6,7% - mức thấp nhất từ khi Việt Nam bắt đầu tính và công bố GDP quý. Trong 3 quý đầu năm 2021, có khoảng 90,3 nghìn doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, tăng 13,5%, đồng nghĩa với bình quân khoảng 10 nghìn DN bị “khai tử” trong một tháng.

Những tín hiệu trên khiến các nhà đầu tư (NĐT) trở nên lo ngại khi tham gia vào thị trường. Mặt khác, ngoài việc bị chi phối bởi thông tin liên quan đến Covid-19, NĐT cũng do dự trước sự đa dạng của các hình thức đầu tư. Bởi, để có thể chọn một kênh đầu tư (KĐT) phù hợp trong bối cảnh này là một điều không dễ dàng. Bài viết phân tích cơ hội và triển vọng của các KĐT trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và đưa ra một số bàn luận về định hướng đầu tư.

2. Khái quát về các kênh đầu tư tại Việt Nam hiện nay

Đầu tư thông qua Gửi tiết kiệm

Với khoản tiền nhàn rỗi, người Việt có xu hướng ưu tiên tiêu chí an toàn nên gửi tiền vào ngân hàng (NH) thường được xem là nơi “trú ẩn” cho những khoản tiết kiệm này.

Trên phương diện đầu tư, tiền gửi ngân hàng không phải là khoản đầu tư sinh lời cao, bởi lãi suất tiền gửi NH thường thấp. Thật vậy, nếu xét về mối quan hệ giữa lãi suất và lạm phát, trong thời kỳ lạm phát cao thì lãi suất thực sẽ thấp hơn nhiều so với lãi suất danh nghĩa. Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm còn biến động theo tình hình kinh tế vĩ mô. Thực tế tại Việt Nam tính đến hết quý 3/2021, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng bình quân của các NH thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng (Lê Phương, 2021). Trong quý IV/2021, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục sau thời gian dài giãn cách xã hội khiến lãi suất tiết kiệm có dấu hiệu đổi chiều. Cụ thể, lãi suất TGTK của Sacombank ghi nhận ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và các NH thương mại khác cũng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với nhiều kỳ hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Đầu tư trên thị trường vàng

Vàng luôn được coi là “bia chắn” hàng đầu trước nguy cơ lạm phát và là nơi trú ẩn an toàn cho các NĐT trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Đồng thời, vàng cũng là KĐT được ưa chuộng bởi đa số người dân châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, vì họ có xu hướng mua vàng để tích trữ nên nhu cầu về vàng luôn có một vị trí ổn định.

Tuy nhiên, với những biến động mạnh trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng  tăng giảm thất thường. Cụ thể, vào những tháng đầu năm 2020, giá vàng ở mức bình quân 42 triệu đồng/lượng, nhưng trước diễn biến phức tạp của Covid-19 đã thúc đẩy NĐT trú ẩn vào vàng khiến giá vàng tăng phi mã và chạm mốc lịch sử 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020 (Thái Phương, 2021). Những tháng cuối năm 2020, với những thông tin tích cực về vaccine và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi đã làm giá vàng giảm xuống xoay quanh mốc 55 triệu đồng/lượng. Khép lại năm với mức tăng trưởng vào khoảng 28% khiến vàng được xếp vào một trong những mặt hàng có chỉ số lạm phát cao nhất trên thị trường Việt Nam năm 2020 (Trần Ngọc, 2020). Sang năm 2021, thị trường vàng trong nước lại bước vào đợt rung lắc dữ dội kéo dài đến cuối tháng 3 bởi giá vàng thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, từ mùa hè năm nay đã có sự phục hồi và tăng trưởng tương đối ổn định, đặc biệt vào cuối tháng 11, giá vàng lần nữa tăng đột biến lên hơn 61 triệu đồng/lượng. Với những biến động như trên, vàng được đánh giá là KĐT tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi biên độ dao động lớn và liên tục, dẫn đến dù giá vàng nhìn chung tăng nhưng vẫn có nhiều tình trạng “người lời lớn - người lỗ nặng”.

Đầu tư trên thị trường bất động sản (BĐS)

Đây là KĐT được ví von là tài sản “cố định”, phù hợp với tâm lý an toàn của người Việt. Nếu trước đây, NĐT có xu hướng tập trung vào mô hình “lướt sóng”, tạo ra lợi nhuận vừa đủ trong thời gian ngắn thì nay lại đang sử dụng dòng vốn một cách thận trọng hơn theo hướng “ăn chắc,  mặc bền”. Họ không chỉ tìm kiếm những sản phẩm có thể giữ giá, sinh lời ổn định mà thậm chí còn để ở hay làm tài sản tích lũy.

Triển vọng tăng trưởng của thị trường BĐS trong năm 2021 được đánh giá là không quá khả quan, thậm chí chỉ có thể bứt phá ở một số khu vực và phân khúc nhất định, đặc biệt là nhóm BĐS công nghiệp. Đây được coi là điểm sáng của thị trường BĐS Việt Nam bởi nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ. Ví dụ như làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam và các gói chính sách kích cầu được đề xuất từ phía Chính phủ.

Bên cạnh đó, với tình trạng giãn cách xã hội và cách ly tập trung, nếu được hỏi điều mong muốn được thực hiện nhất khi trở lại trạng thái “bình thường mới” thì không khó để dự đoán “đi du lịch” sẽ là lựa chọn hàng đầu bởi nhu cầu về nghỉ dưỡng, kết nối ngày một tăng cao. Do đó, lựa chọn đầu tư vào dòng BĐS nghỉ dưỡng được đánh giá là một những lựa chọn đón đầu xu thế. Nhìn chung, KĐT về BĐS vẫn là điểm sáng đối với các NĐT trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022 bởi những thông tin vĩ mô hỗ trợ tích cực cùng những dự án lớn sắp được bàn giao là bàn đạp quan trọng để KĐT này trở lại đúng với vị thế của nó.

Đầu tư trên thị trường ngoại hối

Theo đánh giá của các chuyên gia, đồng USD đã và đang trải qua đợt giảm giá mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số đồng USD giảm khoảng 12% từ mức cao nhất trong 3 năm đạt được vào tháng 3/2020 xuống mức đáy của 2.5/năm, góp phần khiến đồng VNĐ tăng giá nhẹ so với USD. Theo HSBC, tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây đã chứng kiến những biến động khá mạnh theo chiều hướng được đánh giá là trái ngược với các giai đoạn trước đó. Cụ thể, nếu như tỷ giá thể hiện xu hướng bình ổn trong suốt năm 2020 và nửa đầu năm 2021 khi chỉ xoay quanh trong vùng giá 23.000-23.100 đồng/USD, thì chỉ trong 5 tháng cuối năm, VND đã tăng giá khoảng 2% so với USD. Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên NH lần lượt có 2 lần giảm mạnh về mức 22.750 đồng/USD vào tháng 8 và sau đó về mức 22.650 đồng/USD vào đầu tháng 11, tương ứng với 2 lần điều chỉnh hạ giá mua vào USD của NH Nhà nước (Linh Linh, 2021). Đây là mức tỷ giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, đưa VND vào nhóm một vài đồng tiền có mức tăng giá trong năm nay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của NH Nhà nước, nhằm đảm bảo tính ổn định của thị trường ngoại hối, tạo đà ổn định nền kinh tế xã hội. Với sự cam kết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt nên dự kiến đồng USD có thể đánh mất vị trí của một KĐT “tiềm năng” đối với các NĐT Việt trong thời gian tới.

Đầu tư trên thị trường tiền ảo

Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những thành quả to lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên nền tảng lồng ghép các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và một trong số đó là tiền ảo. Xu hướng đầu tư tiền ảo bất ngờ bùng nổ tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi một số tập đoàn tại Mỹ bắt đầu “rục rịch” thanh toán bằng tiền ảo và giá các đồng tiền kỹ thuật số tăng vọt, dẫn tới cơn sốt “chơi tiền ảo” của các NĐT. Điển hình, đồng Bitcoin được coi là “anh cả” trong giới tiền ảo khi liên tiếp phá vỡ kỷ lục về giá trong khoảng thời gian ngắn vừa qua. Vào đầu tháng 11/2021, giá Bitcoin ghi nhận tại mức 69.000 USD - mức cao nhất trong lịch sử, vượt mức giá cao nhất trước đó vào ngày 20/10 tại 67.000 USD. Không chỉ Bitcoin, một loại tiền điện tử khác là đồng Ether (ETH) cũng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào cuối tháng 10/2021 - 4.400 USD - phá vỡ ngưỡng cao kỷ lục trước đó là 4.380 USD. Với sự phát triển vũ bão của công nghệ và những ứng dụng của nó, xét về lâu dài, các đồng tiền kỹ thuật số sẽ mang lại tiềm năng lớn khi tạo sự thuận tiện trong giao dịch và khó làm giả vì không thể hiện dưới dạng vật chất. Tuy nhiên, đó chỉ là cái lợi trong tương lai mà giới đầu tư đặt niềm tin vào nó, còn hiện tại vẫn tồn tại một số rủi ro từ thị trường này. Thật vậy, lợi dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết của một số NĐT, các sàn giao dịch lừa đảo tiền ảo mọc lên như nấm. Trong đó, nổi bật và dễ thực hiện nhất có lẽ là chiêu bài phát hành đồng tiền kỹ thuật số theo mô hình ICO (Initial Coin Offering) - một loại hình của lừa đảo Ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước). Cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết không chỉ là mất tiền oan mà còn mang thêm nợ khi NĐT vay lãi để đầu tư vào các sàn ảo này. Để an toàn trong quá trình mua bán tiền kỹ thuật số, các NĐT có thể tham khảo một số KĐT uy tín tại Việt Nam và thế giới, như: Binance, MEXC, Huobi,… Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam vẫn chưa công nhận việc sử dụng tiền ảo trong giao dịch, nên người sử dụng hoàn toàn chịu rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ.

Đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK)

Giai đoạn đầu quý 2/2020 đến nay được xem là “thời kỳ vàng son” của TTCK Việt Nam khi liên tục có những dấu hiệu “bùng nổ” về cả thanh khoản và vốn hóa thị trường.

Sự hồi phục từ mức đáy 650 điểm vào tháng 3/2020, TTCK đã bứt phá mạnh mẽ cả về thanh khoản, vốn hóa và số tài khoản NĐT mở mới (NĐT F0). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index - các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI (Ban kinh tế vĩ mô và dự báo, 2021).

Động lực tăng giá của TTCK Việt Nam một phần đến từ dòng tiền “lỏng” từ NĐT F0 chứ không hẳn do hiệu quả kinh doanh của DN. Thực vậy, khi NĐT không còn mặn mà với những mức lãi suất huy động vốn từ phía các NH thương mại cũng như tình trạng biến động thất thường với biên độ dao động lớn của vàng hay ngoại hối, họ sẽ tìm đến chứng khoán. Do đó, vào những tháng đầu năm 2021, thanh khoản thị trường đã bùng nổ mạnh khi thường xuyên xuất hiện những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh đạt giá trị lớn (lên đến hơn 18 nghìn tỷ đồng). Đặc biệt tháng 6/2021, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt đến hơn 23 nghìn tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Ngoài ra, “hiệu ứng lan truyền” cũng là một trong những tác nhân chủ yếu để thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường. “Men say chiến thắng” khiến cho số lượng người tham gia vào TTCK tăng kỷ lục với hơn 1 triệu tài khoản mở mới trong 10 tháng đầu năm 2021 và kích thích những NĐT F0 mạnh dạn rót tiền vào cổ phiếu. Mặt khác, TTCK Việt Nam cũng đang được định giá hấp dẫn. Với P/E ở mức 16.x, các chuyên gia nhận định rằng nó còn khá rẻ khi so với tiền gửi NH và tiềm năng lợi nhuận của các DN trong năm 2022 được đánh giá khả quan (Thu Minh, 2021).

Triển vọng của chứng khoán Việt vẫn còn rất lớn và được đánh giá là một kênh sinh lợi tốt cho các NĐT.

4. Bàn luận

Covid-19 đã và đang tác động lên mọi mặt từ đời sống cho đến kinh tế, ảnh hưởng từ tâm lý đến quyết định “sử dụng dòng tiền” của các NĐT. Sự thay đổi trong hành vi của các NĐT khiến cho các KĐT truyền thống đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù TGTK được cho là kênh cất giữ tiền an toàn nhất, nhưng không đồng nghĩa với việc nó là KĐT tiềm năng. Tác động từ Covid-19 khiến cho lãi suất tiền gửi ngày càng giảm và ở mức rất thấp. Dấu hiệu này cho thấy, lợi nhuận đến từ KĐT này không còn ổn định khi xuất hiện mối đe dọa như khủng hoảng kinh tế. Không thể phủ nhận rằng, vàng giữ một vị trí quan trọng trong lòng người Việt khi thói quen mua và tích trữ truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện đầu tư, tại thời điểm giá vàng đang tăng “phi mã” như hiện nay, nếu áp dụng quy tắc mua thấp bán cao thì thật khó để bỏ một khoản tiền để mua vàng tại mức giá 62 triệu đồng/lượng. Bởi, so với các mức giá trong quá khứ, NĐT có thể đang lỗ một khoản tiền lớn. BĐS sau đại dịch được coi là một trong những ngành phát triển vượt trội nhất, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Đây có thể coi là một KĐT tiềm năng cho những “cá mập”, là sân chơi dành cho những “gã khổng lồ” vì để đầu tư vào BĐS, NĐT cần một khoản vốn lớn. Vì vậy, các NĐT nhỏ lẻ sẽ khó có chỗ đứng, thêm vào đó, sau thời gian dài giãn cách xã hội khiến các khoản tiền dự trữ vơi bớt cũng khiến lựa chọn của các NĐT thu hẹp dần và đòi hỏi ít nhiều sự cân nhắc.

Ngược lại với những KĐT truyền thống đang mất đi sức nóng, thì các KĐT năng động như tiền ảo, ngoại hối và chứng khoán đang thu hút một lượng lớn các NĐT với mức lợi nhuận tương đối khủng. Dù đã xuất hiện từ trước nhưng phải đến những năm gần đây thì các KĐT này mới bắt đầu nổi lên và được coi như những KĐT mới. Những thứ mới mẻ thường thú vị nhưng đi kèm theo nó là những rủi ro tiềm tàng về việc thiếu hiểu biết của các NĐT. Một năm gần đây, rất nhiều báo đài đưa tin về những vụ lừa đảo trên các sàn Forex và tiền ảo. Điều này làm dấy lên mối lo ngại của NĐT về độ an toàn của tiền ảo hay ngoại hối, khiến cho độ cảnh giác của NĐT tăng cao dẫn tới khó khăn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư. TTCK có thể được xem là một KĐT sáng giá trong nhóm này bởi nó phù hợp với tất cả các NĐT, từ người có tài chính tốt đến những sinh viên với tài khoản vài trăm nghìn mới tập tễnh tham gia đầu tư. Thông tin về cách thức giao dịch chứng khoán cũng được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng giúp các NĐT F0 có thể dễ dàng tìm hiểu để tránh các trường hợp lừa đảo. Ngoài ra, để có thể “ăn-ngủ-thở” cùng chứng khoán, đòi hỏi NĐT phải có những kiến thức nhất định để có thể theo kịp xu hướng biến động của thị trường, tránh đầu tư theo tâm lý đám đông và từ đó vô tình dẫn đến tình trạng “thổi phồng” thị giá của các DN trên sàn và có thể gây ra những hệ luỵ khôn lường. (Lux 1995, Habib et al. 2017, Zhou & Huang 2019).

Cuối cùng, để các NĐT có thể phát huy tối đa khả năng của mình, Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần đề ra những bộ luật cụ thể cho giới đầu tư, có những chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của NĐT.

5. Kết luận

Nhìn chung, KĐT nào cũng có mặt ưu và nhược và không có KĐT nào là phù hợp với tất cả các NĐT. Vì vậy, để chọn được một KĐT hợp “khẩu vị” nếu xét về quy mô tài chính, mức độ chấp nhận rủi ro cũng như tầm nhìn đầu tư thì NĐT cần phải biết rõ mình đang có gì và cần gì. Thật vậy, KĐT được đánh giá là tốt nhất phải là KĐT mà NĐT hiểu rõ về nó nhất, bởi để thành công NĐT phải biết tự làm chủ sân chơi của chính mình.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trien-vong-cac-kenh-dau-tu-trong-boi-canh-covid-19-86325.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trien-vong-cac-kenh-dau-tu-trong-boi-canh-covid-19-a254372.html