10 sự kiện Pháp lý tiêu biểu năm 2021

Pháp lý - Kết thúc năm 2021 với đầy ắp các sự kiện diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên phạm vi toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước và đời sống nhân dân. Với nhiều cảm xúc đan xen về năm cũ đã qua và năm mới lại đến, với hành trình tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Tạp chí Pháp lý xin điểm lại những  sự kiện pháp lý tiêu biểu năm 2021.

1. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực

41-1641181616.jpg
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng

Ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, ngoài chỉ đạo công tác PCTN, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị cả nước. Đồng thời, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Quy định còn nêu rõ, Ban Chỉ đạo có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền báo cáo về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thành lập các ban chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc để trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực… Như vậy so với quy định trước đây, Quy định số 32-QĐ/TW đã bổ sung thêm nhiệm vụ “chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo. Điều đó chứng tỏ, khi cuộc đấu tranh PCTN, TC của Đảng và Nhà nước đã trở thành yêu cầu cấp bách, không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì việc Đảng ta bổ sung thẩm quyền cho các cơ quan có chức năng PCTN là cần thiết, kịp thời, đáp ứng đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống. 

Thực tế cho thấy dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo PCTN TW mấy năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện rất quyết liệt, không có vùng cấm, củng cố niềm tin yêu của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

42-1641181616.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với 21 thành viên, bao gồm 8 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đề án có phạm vi nghiên cứu rộng, dự kiến trình Trung ương vào tháng 10/2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng. 

Mục tiêu xây dựng Đề án là để đảm bảo có hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định; lấy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Do đó, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Đề án, các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập cần bám sát các đặc trưng, nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương…

3. Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với 7 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm.

Đây là cơ sở chính trị có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức và tổ chức thi hành trên thực tế của các ngành, các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tăng cường trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác thu hồi tài sản; hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, cơ bản khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương.

4. Triển khai, thể chế hóa các nội dung chính sách về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Ngành tư pháp đã phối hợp với các bộ ngành và địa phương đã tập trung tham mưu triển khai, thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt để triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp tích cực trong đề xuất các nội dung để các cơ quan có thẩm quyền tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

5. Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng ngoài luật để phòng chống đại dịch covild - 19

43-1641181616.jpg
Kỳ họp đầu tiên, Quốc hội XV đã cho thấy một tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt  trong xây dựng pháp luật…

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bắt đầu trong bối cảnh đầy thách thức bởi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay từ những kỳ họp đầu tiên, đã cho thấy một tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội XV trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ nhằm đáp ứng những yêu cầu được thực tiễn đặt ra. Trong đó đáng chú ý là tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15, cho phép Chính phủ, Thủ tướng được chủ động, linh hoạt quy định và tổ chức áp dụng các biện pháp chưa được luật quy định hoặc thậm chí khác với quy định của luật để ứng phó kịp thời với tình hình diễn biến của dịch bệnh phát sinh.

Cử tri cả nước đánh giá Nghị quyết số 30/2021/QH15 là một quyết định chưa từng có tiền lệ của Quốc hội nhưng thực sự cần thiết, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

6. Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 của Việt Nam tăng 6 bậc

Năm 2021, "Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam" được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc. Sự kiện này góp phần nâng tầm hình ảnh và vị thế đất nước và mở ra nhiều cơ hội, tạo thế mạnh trong việc thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

7. Chính phủ đề nghị xây dựng ban hành 1 luật sửa 10 luật
                
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, tại Nghị quyết số 94/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2021, lần đầu tiên, Chính phủ nhất trí thông qua Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thi hành án dân sự; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Doanh nghiệp; và Luật Điện lực. 

Mục đích ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật, nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc trong thực hiện; cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ phòng chống COVID-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép; tăng cường phân cấp, phân quyền đi liền với công tác kiểm tra, giám sát, quản lý Nhà nước. 

8. Từ 01/01/2022, TAND các cấp được tổ chức phiên toà trực tuyến

44-1641181616.jpg
Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV với 468 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,79%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên toà trực tuyến, góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và đất nước chuyển sang bình thường mới. “Qua đó tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên toà; góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Toà án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, và cũng là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Toà án điện tử”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. TAND các cấp được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa. Cụ thể, tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

9. Viện trưởng Viện KSND tối cao đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản

45-1641181616.jpg
Để làm tốt công tác thu hồi tài sản tham nhũng, ông Lê Minh Trí (Viện trưởng VKSNDTC) đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật ĐKTS…

Tại phiên họp 52  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TAND tối cao và VKSND tối cao, phát biểu của ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSND tối cao: “Có người hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên tài sản trăm tỉ, nghìn tỉ” nhưng không xử lý được…”, đã làm dậy sóng dư luận. Viện trưởng cũng chỉ ra thực trạng đồng thời chỉ ra điểm nghẽn của pháp luật điều chỉnh, đó là: Việc kê khai tài sản chỉ trong hệ thống chính trị, nhưng những người tham nhũng thì không bao giờ tự đứng tên, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên; trong khi đó quyền sở hữu của công dân thì pháp luật không đụng vào được.

Từ phân tích trên, Viện trưởng Viện KSNDTC đề xuất Quốc hội, cần sớm xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Theo ông Trí khi có Luật ĐKTS ban hành, “nếu như con cái hay vợ hoặc chồng, bà con thân thích của ông quan tham nhũng đăng ký tài sản, chỉ cần hỏi làm gì có vài chục tỉ thôi, cũng đủ cứng họng. Vì phải chứng minh thu nhập, làm gì, làm việc ở đâu, bảng lương, đóng thuế. Không thể có chuyện nuôi lợn hay buôn chổi đót, chạy xe ôm mà thu lợi cả trăm tỉ đồng”. Quan điểm này, tiếp tục được ông Trí nhắc lại vào ngày 24/10/2021, khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về công tác PCTN năm 2021, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng còn hạn chế trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

10. Hợp tác quốc tế về pháp luật đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Năm 2021, hoạt động hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả nổi bật như: Ký kết được 5 thỏa thuận trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức các nước của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; ký kết các chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2022 với Bộ Tư pháp các nước: Thái Lan, Liên bang Đức, Algeria; tham gia với tinh thần trách nhiệm cao tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN lần thứ 11, Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 20, Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch, Hội nghị thường niên năm 2021 của Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO).

Sự kiện Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử thành viên ILC nhiệm kỳ 2023-2027, một lần nữa góp phần khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trên thế giới. Với việc tiếp tục tham gia ILC, một cơ quan có chức năng thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển pháp luật quốc tế, đã khẳng định hội nhập quốc tế của Việt Nam tiếp tục chuyển mạnh sang chủ động đóng góp vào xây dựng luật pháp quốc tế, cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. 

VŨ LÊ MINH – HÀ TRANG

Link nội dung: https://phaply.net.vn/10-su-kien-phap-ly-tieu-bieu-nam-2021-a254366.html