Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

(Pháp lý) - Trong những năm gần đây, số vụ án tham nhũng bị khởi tố điều tra, truy tố và xét xử có chiều hướng gia tăng, với giá trị tài sản tham nhũng, thất thoát ngày càng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc chứng minh và thu hồi tài sản bị tham nhũng.

Bài viết sau đây, Thạc sĩ Lại Sơn Tùng ( Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện Cảnh sát nhân dân) tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc đó và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. 

Trước năm 2013, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Nhưng đến nay, kết quả này đã không ngừng được nâng cao, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với trước đây, kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, kết quả bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt hơn 32%, đặc biệt là năm 2019 và năm 2020, khi có sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành lập 05 Đoàn kiểm tra tại nhiều địa phương, bộ, ngành theo Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo để kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thu hồi tài sản, từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn và chỉ đạo khắc phục. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng do Bản Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo trong năm 2020 thì tài sản thu hồi được bằng 61% tổng số tài sản đã thu hồi được trước đây.  

Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong việc chứng minh, thu hồi tài sản tham nhũng 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít khó khăn trong việc chứng minh và thu hồi tài sản bị tham nhũng. Những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc đó xuất phát từ một số nội dung sau đây:

- Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát hiện, xác định hành vi tham nhũng

Thứ nhất, quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về tội phạm tham nhũng trong thực tiễn cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng thường gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội do tội phạm tham nhũng được xếp vào nhóm tội phạm có “xu hướng ẩn” cao. Tính “ẩn” của loại tội phạm này có được xuất phát từ chủ thể có hành vi tham nhũng là chủ thể đặc biệt, cụ thể là những người có chức vụ, quyền hạn, các đối tượng phạm tội cũng thường là những người có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, am hiểu về pháp luật và có nhiều mối quan hệ xã hội sâu rộng có khả năng “che chắn”, “bảo vệ” cho hành vi sai phạm. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường chuẩn bị rất “chu đáo” và sau khi thực hiện xong thì chúng tìm mọi cách để tiêu hủy tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi sai phạm. Do vậy, việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi tham nhũng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Điển hình như vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội). Từ đầu tháng 02/2020, Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội đã câu kết với các bị cáo đồng phạm thuộc các công ty tư nhân kinh doanh vật tư y tế để thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 cho CDC Hà Nội trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường đã gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu. Sau đó, Nguyễn Nhật Cảm chỉ đạo và giao cho các nhân viên dưới quyền thuộc CDC Hà Nội hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Công ty MST trúng thầu theo đúng giá thỏa thuận từ trước, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng và gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về các tội danh tham nhũng có những điểm, khoản, điều quy định chưa thật sự rõ ràng gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, chứng minh hành vi phạm tội và xác định thiệt hại do tội phạm gây ra. Ví dụ như Khoản 1, Điều 356 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có nêu: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...” nhưng lại không giải thích cụ thể hành vi “gây thiệt hại khác...” ở đây là gì.

Mặt khác, những người có khả năng cung cấp thông tin, tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm thường là những người ở trong cùng cơ quan, đơn vị, tổ chức với người có hành vi tham nhũng (phần lớn là cấp dưới của người có hành vi sai phạm) lại thường có tâm lý e dè, sợ sệt nếu như tố cáo hành vi sai phạm với cơ quan chức năng có thể họ sẽ bị trả thù, thậm chí bị đuổi việc… dẫn đến nảy sinh sự thiếu tích cực, chủ động của những nhân chứng trong việc phát giác tội phạm. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho tội phạm tham nhũng có xu hướng ẩn cao, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phát hiện, xử lý hành vi sai phạm và thu hồi tài sản tham nhũng.

Thứ hai, việc xác định và chứng minh mục đích vụ lợi của các đối tượng phạm tội tham nhũng trong nhiều trường hợp rất khó xác định bởi thói quen dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn hết sức phổ biến, trong khi các hành vi sai phạm thường diễn ra theo một chu trình khép kín, chỉ người đưa và người nhận biết mà không qua các giao dịch, chuyển khoản. Mặt khác, thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cho thấy, đối tượng phạm tội tham nhũng thường hoạt động có tổ chức trong đó có sự liên kết, bao che, phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên trong quá trình thực hiện hành vi sai phạm, đồng thời có sự thống nhất về mặt lợi ích từ chủ tài khoản (người đứng đầu mỗi đơn vị) đến kế toán trưởng, thủ quỹ… Do vậy, nếu công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra một cách hời hợt, cán bộ thanh tra hạn chế về trình độ chuyên môn thì rất khó khăn trong việc phát hiện và buộc các đối tượng phạm tội thừa nhận hành vi vụ lợi của mình.

- Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng

Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong việc phát hiện, xác định hành vi tham nhũng được nêu ở trên đã dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan chức năng cũng gặp không ít trở ngại, cụ thể:

Thứ nhất, việc thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là trong việc xác định tài sản có nguồn gốc tham nhũng bởi các hành vi tham nhũng thường diễn ra sau nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí trong một khoảng thời gian dài mới bị phát hiện. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng thường mất rất nhiều thời gian, bị cắt khúc do nhiều cơ quan có chức năng khác nhau thực hiện dẫn tới việc các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản của các đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật. Khó khăn này phần nào xuất phát từ việc kiểm soát kê khai minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền chưa được tiến hành một cách quyết liệt, triệt để; thậm chí có đơn vị, địa phương chỉ tiến hành công việc này manh tính chất hình thức. Chính vì vậy đã tạo ra những “kẽ hở” cho các đối tượng phạm tội lợi dụng để dễ dàng tẩu tán tài sản tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau như đầu tư mua cổ phiếu, bất động sản nhưng nhờ người khác đứng tên, chuyển dịch tài sản cho người khác… thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài.

Đơn cử như vụ án Tham ô tài xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên vận tải tàu biển viễn dương Vinashinlines. Đối tượng chính trong vụ án này là Giang Kim Đạt – nguyên trưởng phòng kinh doanh của công ty đã lợi dụng việc ký kết các hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài thông qua việc mua và cho thuê 9 tàu biển cũ của công ty để chiếm đoạt số tiền hơn 255 tỷ đồng. Điều đáng nói, số tiền chiếm đoạt Giang Kim Đạt sử dụng để mua hơn 40 biệt thự lớn nhỏ cùng hàng chục siêu xe đắt tiền đều do người thân trong gia đình đứng tên. 

Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, “văn hóa sử dụng tiền mặt” ở nước ta vẫn còn rất phổ biến; cơ chế minh bạch hóa tài sản vẫn chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý, thông tư, nghị định cụ thể; khả năng kiểm soát dòng tiền mặt của ngân hàng chưa được tốt… do vậy, việc chứng minh nguồn gốc các tài sản tham nhũng cũng gây không ít khó khăn cho việc thu hồi của các cơ quan chức năng. 

image002-1635394390.jpg
 

Thứ hai, thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử cho thấy trong nhiều vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng đối tượng trong các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tập thể bởi trong các vụ án như vậy, các đối tượng phạm tội thường có sự thống nhất cao về mục đích vụ lợi và thông qua nhiều hình thức khác nhau mà các đối tượng có thể dễ dàng chuyển tài sản chung thành tài sản riêng của một nhóm người có liên quan đến hành vi sai phạm. Mặt khác, khi các đối tượng rút tiền ra khỏi quỹ của đơn vị thường lấy lý do là “tìm việc” hay lo “quan hệ đối ngoại” cho đơn vị nhưng thực tế lại sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân dẫn đến khó bóc tách hành vi sai phạm. Vì vậy, có những vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để xử lý đối tượng với tội danh tham nhũng mà chỉ có thể xử lý về một trong những tội danh như Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (đối với những vụ việc xảy ra trước năm 2018) hoặc các tội phạm kinh tế khác. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án như vậy hầu như không thể thực hiện được.

Thứ ba, theo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ thì sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải xem xét áp dụng ngay biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội nếu các tài sản này chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế trong giai đoạn điều tra, truy tố . Và tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm tham nhũng phải là tài sản hoặc tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm. Thực tế cho thấy, đã có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc xác định tổng giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra vì có những khoản tiền, tài sản không tách bạch được và những khoản tiền, tài sản bị tham nhũng này đã được thay đổi, tách biệt hoàn toàn ra khỏi tội phạm ban đầu. Chính vì vậy, khi Tòa án xét xử, xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm thì quyết định về mức bồi thường thiệt hại thường thấp hơn rất nhiều so với tổng số thiệt hại mà các đối tượng phạm tội gây ra trong vụ án. Đơn cử như vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam, đối tượng Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam đã mua 02 căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội cho nhân tình giá trị hơn chục tỷ đồng nhưng không chứng minh được đây là nguồn tiền do phạm tội mà có. Mặt khác, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội thường tiêu xài phung phí, thậm chí còn cho, tặng tài sản cho những tổ chức, cá nhân khác. Do đó, nhiều vụ án có số lượng tài sản thất thoát rất lớn, nhưng số lượng thu hồi không đáng kể. 

Thứ tư, tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài vẫn có xu hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng với tính chất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với những vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thì việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có thẩm quyền gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định số dư tài khoản và kê khai tài sản của cá nhân ở nước ngoài do có nhiều quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp cũng như chưa có những văn bản pháp lý quy định riêng về vấn đề này.

Ví dụ trong quá trình điều tra vụ án Dương Chí Dũng, Cơ quan điều tra (CQĐT) của Bộ Công an đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định số tiền chênh lệch bị thất thoát trong việc mua ụ nổi 83M bởi lẽ thời điểm đó Việt Nam và Nga chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp nên việc xác định giá trị ụ nổi mà công ty bên Nga bán cho Vinalines là rất khó khăn. CQĐT chỉ xác định được giá trị mà công ty môi giới AP ở Singapore bán cho Vinalines bởi Việt Nam và Singapore có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó 1 số lượng tiền thất thoát rất lớn mà chúng ta không có cơ sở pháp lý để chứng minh và thu hồi lên đến con số là 6,7 triệu USD.    

Thứ năm, đối với những vụ án tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng... để có cơ sở xác định thiệt hại, hậu quả do tội phạm gây ra, bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định để xác định thiệt hại, hậu quả do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, công tác giám định trong nhiều vụ án gặp rất nhiều khó khăn bởi khi nhận được yêu cầu giám định từ phía cơ quan trưng cầu giám định thì một số cơ quan được trưng cầu giám định đã có thái độ không hợp tác như từ chối, né tránh, kéo dài thời gian giám định. Khó khăn, vướng mắc này phần nào xuất phát từ mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định với giám định viên, tổ chức giám định tư pháp chưa được thực hiện một cách xuyên suốt nên nhiều vụ việc cơ quan trưng cầu giám định phải soạn thảo Quyết định trưng cầu giám định nhiều lần gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và kết quả giám định, dẫn đến việc nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định xác định thiệt hại do tội phạm gây ra thì mới có cơ sở tiến hành các biện pháp thu hồi tài sản theo đúng quy định của pháp luật.  

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong việc chứng minh, thu hồi tài sản tham nhũng được nêu ở trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện tốt một số mặt công tác như sau:

Một là, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm bổ sung, luận giải rõ hơn trong Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ về việc xác định hành vi “gây thiệt hại khác” đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là những thiệt hại như thế nào. Cụ thể, cần nêu rõ thiệt hại khác là thiệt hại vật chất hay phi vật chất. Nếu là thiệt hại vật chất thì định lượng tài sản thiệt hại là bao nhiêu. Nếu là thiệt hại phi vật chất thì thiệt hại do tội phạm gây ra ảnh hưởng đến chính trị, uy tín của cơ quan, tổ chức; quyền tự do, dân chủ của công dân; việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tình hình an ninh, trật tự toàn xã hội như thế nào để việc định tội danh, chứng minh hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt của các cơ quan tiến hành tố tụng được diễn ra chính xác. 

Bên cạnh đó, Bộ Công an cần ban hành cơ chế cụ thể trong việc bảo vệ người cộng tác với CQĐT, người tố giác, báo tin về tội phạm tham nhũng để phát huy có hiệu quả hoạt động phát động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm tham nhũng, làm tiền đề để quá trình phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản bị tham nhũng được diễn ra một cách thuận lợi. 

Hai là, pháp luật hình sự Việt Nam cần có những chính sách thay đổi phù hợp nhằm triệt tiêu động cơ vụ lợi của tội phạm tham nhũng. Riêng đối với loại tội phạm này thì Nhà nước cần có chế tài thật sự phù hợp, cụ thể mức độ tài sản mà đối tượng tham nhũng bồi thường được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đối tượng bồi thường thiệt hại càng nhiều thì tương ứng với nó là hình phạt sẽ được giảm đi. Đây được coi là biện pháp kinh tế mang tính hiệu quả, với mục đích để động viên người phạm tội tích cực khắc phục hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội mà mình gây ra. Nếu thực hiện theo hướng này, Nhà nước sẽ thu hồi được nhiều tài sản, vừa thể hiện chính sách khoan hồng, tính nhân đạo của pháp luật, đồng thời cũng tạo cơ hội cho các đối tượng tham nhũng có thể lao động, cống hiến trong công việc mới, tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Ba là, Thanh tra Chính phủ với cương vị là đơn vị đầu mối cần hoàn thiện, bổ sung các quy định về việc kiểm soát, minh bạch tài sản trong hoạt động của cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam, làm cơ sở để phòng ngừa, truy nguyên, thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng gây ra, cụ thể:

- Chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản thu nhập; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; mở rộng phạm vi đối tượng có trách nhiệm kê khai tài sản.

- Ban hành chế tài cụ thể để xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai hoặc kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không công khai bản kê khai tài sản. Đồng thời, bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và phải có hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối tượng không giải trình được nguồn gốc thu nhập.

Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng cần chú trọng việc phong tỏa, niêm phong tài sản của các bị can một cách nhanh chóng, kịp thời nhằm đảm bảo việc thi hành án đạt hiệu quả cao hơn. Việc thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả thiệt hại trong các vụ án tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của riêng các cơ quan tiến hành tố tụng, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan nhà nước chuyên trách có liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi hoạt động này trên thực tế liên quan đến rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, liên quan đến việc quản lý tài sản trong các giao dịch trên hệ thống ngân hàng hay liên quan đến các quy định về kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, vấn đề mang tính chất quyết định đó là song song với việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử án tham nhũng thì các cơ quan nhà nước chuyên trách cần phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối tượng tẩu tán tài sản. Cụ thể cần hoàn thiện các văn bản, xây dựng quy chế phối hợp trong đó có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan như: Kiểm toán, Thanh tra Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp... trong việc cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng; các cơ quan này phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình truy nguyên tiền, tài sản do hành vi tham nhũng gây ra, để có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tình trạng chuyển hóa tài sản... làm cơ sở cho việc thu hồi.

Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân tối cao với đơn vị là đầu mối cần rà soát lại những quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, trên cở sở đó tiếp tục đàm phám và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực hình sự và dẫn độ tội phạm, nhằm tạo hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể cho lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Trong đó, nội dung trọng tâm cần đàm phán đó là thẩm quyền, trình tự thủ tục, hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền về việc kê khai tài sản ở nước ngoài, xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài và cho phép thu hồi tài sản tham nhũng bắt nguồn từ Việt Nam hiện nằm tại nước khác.

Năm là, liên ngành tố tụng ở cấp Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn về căn cứ, cách thức trưng cầu các tổ chức, cá nhân có năng lực làm giám định, đảm bảo tính độc lập, khách quan của hoạt động giám định. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng... cần rà soát, củng cố đội ngũ Giám định viên và tổ chức thực hiện giám định tư pháp, chỉ đạo cơ quan giám định kịp thời phân công Giám định viên có kiến thức, chuyên môn, trình độ tiến hành công tác giám định đối với những vụ án tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng,... theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Quy định chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân từ chối thực hiện giám định không có lý do chính đáng, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm hay kéo dài, né tránh, kết luận giám định không đúng sự thật hoặc không khách quan... Mặt khác, cơ quan tiến hành tố tụng khi ra quyết định trưng cầu giám định cần thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan trưng cầu giám định để xác định nội dung cần trưng cầu giám định nhằm tránh việc Quyết định trưng cầu phải soạn thảo nhiều lần... để xác định một cách nhanh chóng giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra, làm cơ sở cho việc thu hồi tài sản tham nhũng một cách hiệu quả nhất./.

Thạc sĩ. Lại Sơn Tùng ( Học viện Cảnh sát Nhân dân)
       
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giai-phap-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-tham-nhung-a253752.html