Xem xét khởi tố vụ án xâm phạm nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của bị hại và bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án vì lý do dịch bệnh

(Pháp lý) – Đó là 2 trong 3  nội dung quan trọng được kì họp thứ hai, Quốc hội khóa XV thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

103-1634799500.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Xem xét khởi tố vụ án xâm phạm 'nhãn hiệu' mà không cần yêu cầu của bị hại 

Trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án luật, là cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTHS sửa đổi, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, qua rà soát, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định trên theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

102-1634799546.jpg
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị này xuất phát từ việc hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau, cùng được quy định tại Khoản 1 của Điều 226 BLHS để xử lý ở 1 khung hình phạt. Do đó, nếu chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 BLTTHS về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, khoản 1 Điều 226 BLHS quy định Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Hiệp định CPTPP quy định, các quốc gia thành viên cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động thực hiện hành động pháp lý mà không cần có khởi kiện chính thức từ người thứ ba hay chủ thể quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, Hiệp định không đặt ra yêu cầu đối với chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, nếu sửa đổi, bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến toàn bộ khoản 1 Điều 226 của BLHS như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì sẽ mở rộng hơn so với yêu cầu của Hiệp định CPTPP.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của BLHS về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý.

Các đại biểu cho rằng, chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng), quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của BLHS, thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự.

Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại. Thực tiễn thực hiện các quy định này theo báo cáo tổng kết của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều thuận lợi, hiện nay chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.

Xuất phát từ mục đích xây dựng dự án luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý.

Bổ sung qui định về tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố trong điều kiện dịch bệnh

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Nhiều đại biểu tán thành bổ sung quy định về tạm đình chỉ khởi tố, điều tra, truy tố thì trong bối cảnh dịch bệnh. Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi sẽ có căn cứ pháp luật cho phép khi không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng được tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội.

Đồng thời, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, đề nghị Quốc hội giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này.

101-1634799500.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cho biết đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Theo bà Nga, trước tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương trong thời gian dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cho thấy, BLTTHS cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh. Cũng có ý kiến đề nghị không bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vì sẽ dẫn đến phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến yêu cầu xử lý kịp thời tội phạm.

'Tăng quyền cho công an xã được tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm là cần thiết'

Trong tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, nêu rõ: Với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, hiện lực lượng Công an xã (đã được tổ chức chính quy về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, Viện trưởng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Từ những lý do trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) trong BLTTHS. “Điều này là cần thiết để tăng cường vai trò của Công an xã, đồng thời kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 từ địa bàn cấp cơ sở” - Viện trưởng nhấn mạnh tính cấp thiết.

Phân tích kỹ hơn trong báo cáo đánh giá tác động chính sách Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẳng định, nếu vẫn giữ nguyên quy định về trách nhiệm của Công an xã như hiện nay (Công an xã không được tiến hành “kiểm tra, xác minh sơ bộ” khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm trước khi chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền) là không còn phù hợp. Thực tế, thời gian qua, công an xã đã được chính quy hoá, nên theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, không bổ sung chức năng trên cho lực lượng này sẽ không phát huy được vai trò Công an xã chính quy.

Vì lẽ đó, cơ quan này đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS theo hướng quy định: “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Qua thẩm tra, các thành viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ sự tán thành chủ trương trên. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thông tin, quy định tại khoản 3 Điều 146 BLTTHS phân biệt trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khác với trách nhiệm của Công an xã do tại thời điểm xây dựng BLTTHS năm 2015, Công an xã chưa được bố trí chính quy như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an.

Tuy nhiên, trên cơ sở quy định mới của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã giống như Công an phường, thị trấn, Đồn công an là phù hợp và cần thiết. Tính đến 19/8/2021, Bộ Công an đã bố trí 43.188 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở tất cả 8.326 xã trên cả nước.

Ngoài ra, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của Công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay, bà Nga nhấn mạnh, việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.
Việc sửa đổi, bổ sung ngay, theo Uỷ ban Tư pháp, sẽ giúp giảm tải cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ xuống cấp xã. Hiện lực lượng Công an cấp huyện đã điều chuyển 15.426 người xuống Công an xã chính quy, chiếm tỷ lệ 36,92% tổng số Công an xã chính quy.

Vũ Thủy ( T/h)
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xem-xet-khoi-to-vu-an-xam-pham-nhan-hieu-ma-khong-can-yeu-cau-cua-bi-hai-va-bo-sung-can-cu-tam-dinh-chi-vu-an-vi-ly-do-dich-benh-a253690.html