Những góc nhìn thú vị của Phó Tổng thống Mỹ từ hồi ký "Sự thật ta nắm giữ"

Sự thật ta nắm giữ của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris không khiến độc giả ngợp trong những vấn đề chính trị khô khan, mà là một tập hợp các ý tưởng, quan điểm và câu chuyện từ cuộc sống của tác giả và từ cuộc sống của nhiều người mà bà đã gặp.

Giống như nhiều cuốn sách thuộc thể loại này, trong cuốn sách “Sự thật ta nắm giữ” Kamala Harris kết hợp kể những câu chuyện của cá nhân với những trải nghiệm trên con đường chính trị của mình, khiến người đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện bà kể. Viết về con đường chính trị, Kamala Harris cung cấp một bức tranh rất rõ ràng về kiểu nhà lãnh đạo mà bà hy vọng trở thành, cũng như cách tâm trí của bà hoạt động khi phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm tội phạm, chăm sóc sức khỏe và chính sách đối ngoại. 

Sự thật ta nắm giữ của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris không khiến độc giả ngợp trong những vấn đề chính trị khô khan, mà là một tập hợp các ý tưởng, quan điểm và câu chuyện từ cuộc sống của tác giả và từ cuộc sống của nhiều người mà bà đã gặp.

Hành trình của cô gái nhập cư

Với cách kể chuyện cuốn hút, Kamala Harris đưa người đọc trở về với hành trình bà đã trải qua, từ con gái của những người nhập cư da màu, đến vai trò công tố viên, Tổng chưởng lý, rồi trở thành một Thượng nghị sĩ của Mỹ và giờ đây là nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Mỹ.

14-1629879764.jpeg
Cuốn hồi ký do Công ty CP Văn hóa Giáo dục Tân Việt và NXB Dân trí liên kết xuất bản tại Việt Nam. (Nguồn: Tân Việt)

Mẹ của Kamala Harris đến từ Ấn Độ và cha bà đến từ Jamaica, họ gặp nhau và yêu nhau khi còn là sinh viên đại học, tham gia vào phong trào dân quyền của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, họ quyết định kết hôn và ở lại nước Mỹ lập nghiệp- điều này đồng nghĩa mẹ bà từ chối việc trở lại quê nhà để kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình.

Kamala Harris còn có một em gái, tuy nhiên khi bà 7 tuổi và em gái còn nhỏ, cha mẹ bà đã ly hôn. Hai chị em bà sống với mẹ và mẹ bà chính là người tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc đến con người và cuộc sống sự nghiệp của bà.

Bà viết: “Từ ông bà tôi, mẹ tôi đã hình thành nên sự hiểu biết chính trị nhạy bén. Bà hiểu biết về lịch sử, đấu tranh, và những bất bình đẳng. Bà sinh ra với tinh thần công lý in hằn trong tâm trí… Mẹ tôi nhận thức rất rõ việc bà đang nuôi hai đứa con gái da màu. Bà ấy quyết tâm đảm bảo chúng tôi sẽ trở thành những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh”.

Những hoạt động sôi nổi của cộng đồng người da màu tại ở Rainbow Sign, những hoạt động dân quyền mà cha mẹ Kamala đã cho bà tham gia từ thuở bé không chỉ giúp Kamala nhận biết, hình thành được những kỹ năng phát triển bản thân, lãnh đạo… hữu ích; mà còn khiến ý thức đấu tranh cho công bằng in sâu vào suy nghĩ, hình thành nên đam mê, tín ngưỡng, lý tưởng sống của bà.

Niềm đam mê, lý tưởng ấy đã dẫn Kamala đến trường luật, sau đó thăng tiến qua các cấp bậc chính trị ở California từ Văn phòng Biện lý quận Alameda đến Văn phòng Biện lý quận San Francisco, nơi bà phục vụ với tư cách là Chưởng lý quận trước khi được bầu làm Tổng chưởng lý của California, rồi trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ.

Và những chân lý theo đuổi

Trong Sự thật ta nắm giữ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris chia sẻ khá kỹ lưỡng về những vấn đề bà đã theo đuổi để giải quyết, nguyên nhân tại sao bà lại quan tâm đến điều đó, cũng như những kết quả mà bà và đồng nghiệp đã nỗ lực đạt được trên hành trình của mình.

Bắt đầu với việc truy tố tội phạm tình dục, sau đó là giúp đỡ những người đã từng ngồi tù vì các tội danh nhẹ; nơi bà đứng về phía các nạn nhân, hoặc người tù yếu thế để tìm ra phương thức hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng tốt nhất, để họ không bị tiếp tục dìm xuống bùn đen hay quay trở lại con đường tội phạm.

Tại mỗi điểm dừng trong hành trình chính trị của mình, bà Kamala đều bị thôi thúc bởi khát vọng công lý, đem lại sự công bằng cho mọi người, đặc biệt là những người da màu yếu thế.

Với tư cách là Tổng Chưởng lý của California, bà đã làm việc để thực hiện chương trình giúp đỡ những người phạm tội nhẹ từng ngồi tù "trở về đúng hướng" trên toàn tiểu bang, không chỉ giúp tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách địa phương mà còn mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho những người được giúp đỡ, cũng như những tác động tích cực cho đời sống cộng đồng.

Với tư cách là thượng nghị sĩ Mỹ, một trong những hành động đầu tiên của bà là đưa ra cải cách tư pháp hình sự, nhằm xóa bỏ những bất cập còn tồn tại. Tiếp đó, bà đã đồng tán thành một dự luật với Rand Paul, để cải cách vấn đề tại ngoại ở cấp tiểu bang, dù ông luôn đối lập với bà. Mỗi bước đi, Kamala đều chứng tỏ mình là một người phụ nữ của hành động, có trái tim cao cả, luôn hướng đến công lý cho những người yếu thế trong xã hội. 

141-1629879795.jpeg
Kamala Harris là người phụ nữ da màu được bầu vào Thượng viện Mỹ. Ảnh: lasentinel..

Đọc hồi ký này, độc giả nhìn thấy rõ chân dung của một nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ, đáng kính bởi tầm nhìn xa, sự chuyên nghiệp, lòng nhân hậu, luôn quan tâm sâu sắc và hành động vì sự công bằng xã hội.

“Sự thật ta nắm giữ” đồng thời cũng là cuốn sách truyền cảm hứng cho tất cả những ai đang hằng ngày nỗ lực để vươn tới thành công và tương lai tốt đẹp.

Cũng qua ngòi bút sắc sảo của bà Kamala Harris, cuốn sách sẽ giúp người đọc có kiến thức thiết thực về cách giải quyết vấn đề, xử lý khủng hoảng và vai trò người lãnh đạo trong những thời điểm đầy thách thức.

Tác giả Kamala Harris (sinh ngày 20/10/1964) là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, Phó Tổng thống thứ 49 của Mũ. Bà cũng là nữ phó tổng thống đầu tiên và là nữ quan chức cấp cao nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên là Phó Tổng thống của Mỹ.

Kamala Harris bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Uỷ viên công tố hạt Alameda, sau đó được bầu làm uỷ viên công tố quận San Francisco. Với tư cách là công tố viên liên bang tại California, bà Harris đã truy tố nhiều băng đảng xuyên quốc gia, các ngân hàng lớn, nhóm 5 công ty dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều trường đại học vì lợi nhuận, đồng thời đấu tranh chống các cuộc công kích vào Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền.

Bà còn đấu tranh để giảm tình trạng trốn học ở trường tiểu học, đi tiên phong trong việc phơi bày nạn phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia và triển khai các khoá đào tạo về thành kiến ngầm cho các sĩ quan cảnh sát.

Là người phụ nữ da màu thứ hai được bầu vào Thượng viện Mỹ, bà Harris luôn nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp hình sự, tăng mức lương tối thiểu, miễn học phí bậc đại học cho đa số người Mỹ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tị nạn và người nhập cư.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/nhung-goc-nhin-thu-vi-cua-pho-tong-thong-my-tu-hoi-ky-su-that-ta-nam-giu.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-goc-nhin-thu-vi-cua-pho-tong-thong-my-tu-hoi-ky-su-that-ta-nam-giu-a253104.html