Bảo hộ thương hiệu, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều cam kết thúc đẩy và lành mạnh hóa thị trường, doanh nghiệp cần quân tâm hơn nữa tới nhãn hiệu, thương hiệu. Điều này không chỉ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài.

Những bài học đắt giá

Tình trạng các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp không phải là mới xảy ra, đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như: Cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba, tỏi Lý Sơn…bị mất thương hiệu trên thị trường quốc tế do chậm trễ việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã phải tốn không ít thời gian, công sức và chi phí để giành lại thương hiệu hoặc thậm chí mất thương hiệu tại thị trường nước ngoài.

Được thành lập năm 1996, cà phê Trung Nguyên lúc khởi đầu cũng chỉ ở quy mô nhỏ. Tuy vậy, với quán cà phê trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1987, cà phê đã gây ấn tượng mạnh với cư dân đô thị vốn nghiền cà phê này.

Tuy nhiên, do không quan tâm đầy đủ đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu Trung Nguyên đã phải gánh chịu hậu quả khá nặng nề trong việc mở rộng kinh doanh tại Mỹ.

Tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt Cafe Trung Nguyên nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, với WIPO; mặt khác tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.

Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu. WIPO đã không chấp nhận bảo hộ cho Rice Field, Công ty này cũng đành lùi bước và nhận làm đại lý phân phối Café Trung Nguyên tại Mỹ.

Thiệt hại ước tính của Trung Nguyên trong vụ việc này lên đến gần 1 triệu USD, bao gồm các khoản phí thuê luật sư và thiệt hại do chiến lược kinh doanh mở rộng tại thị trường Mỹ bị chậm lại (theo hợp đồng được soạn thảo cuối năm 2001, công ty cà phê Trung Nguyên sẽ là công ty đầu tiên của Việt Nam nhượng quyền thương mại sang Mỹ với giá khoảng 100.000 USD/bang/đối tác trong vòng 3 năm).

Rút ra được kinh nghiệm, Trung Nguyên sau đó đã mạnh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm xương máu này cũng không giúp Trung Nguyên tránh được những cú vấp ngã trên con đường bảo vệ thương hiệu.

Không chỉ Trung Nguyên, nhiều công ty lớn đã gặp phải "quả đắng" với vấn đề đăng ký bản quyền tại các thị trường khác nhau. Một ví dụ khác, đó là nước mắm Phú Quốc cũng từng bị một doanh nghiệp khác tại Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Để tìm lại thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc cũng phải mất 6 năm sau khi chứng minh quyền sở hữu của mình.

Những ví dụ điển hình trong việc chậm trễ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt trước đây và gần đây nhất là gạo ST25 cho thấy một thực trạng nhức nhối đã kéo dài nhiều năm nay về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới còn hạn chế.

Đó là những bài học đắt giá để mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khi bước ra thương trường đều cần hiểu rằng, phải coi trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu; đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi, thương hiệu không chỉ là cái tên, mà còn là biểu hiện sự thành công của sản phẩm và ẩn sâu trong đó là niềm tin của người tiêu dùng.

61-1629416801.jpeg

Việc bảo vệ thương hiệu giúp doanh nghiệp an toàn tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ thương hiệu

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhãn hiệu được đăng ký, bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ (trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhãn hiệu Benelux, nhãn hiệu cộng đồng chung châu Âu…). Đồng thời, việc chiếm đoạt nhãn hiệu trên thực tế diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi hơn tại nhiều nước trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Vì vậy, khi hàng hóa được xuất khẩu hoặc dự định xuất khẩu hoặc khi muốn tiến hành các dịch vụ của mình tại nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu cần phải tiến hành đăng ký kịp thời nhãn hiệu của mình tại nước đó. Việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của đối thủ cạnh tranh hoặc những kẻ trục lợi.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, doanh nghiệp Việt ngày càng nhận ra tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi tham gia vào cuộc chơi quốc tế.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển và thương hiệu. Năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp thì đến năm 2020 có 55.600 đơn, tăng gần 50% trong vòng 5 năm. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng tăng gâp đôi từ 105 đơn vào năm 2015 lên 269 đơn vào năm 2020. Tuy nhiên, có thể thấy so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vô cùng lớn ở nước ta hiện nay với gần 800.000 doanh nghiệp thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn còn chưa xứng với tiềm năng phát triển của doanh nghiệp nước ta. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp mình. Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, riêng trong lĩnh vực nông sản, có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Theo các chuyên gia, việc đăng ký bảo hộ thành công đối với nhãn hiệu hàng hóa sẽ tạo cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để doanh nghiệp thực thi các quyền pháp lý liên quan đến việc sở hữu độc quyền nhãn hiệu này trên thị trường.

62-1629416760.jpeg

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ tài sản của mình.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), để phát triển bền vững thì vấn đề sở hữu trí tuệ cần được coi trọng. Doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ít nhất thì cũng là ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm để giữ vững thương hiệu của mình.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những hỗ trợ thiết thực, giúp sức cho doanh nghiệp biết tự bảo vệ và phòng hộ thương mại cho chính mình. Cụ thể như gia tăng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về vai trò của thương hiệu trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường.

Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với một số lĩnh vực, mặt hàng.

Việt Nam đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Và để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường có tính cạnh tranh khốc liệt, không còn cách nào khác các doanh nghiệp Việt cần phải nghiêm túc trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu để đứng vững trong thị trường cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và quy luật trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt nhìn nhận một cách đúng đắn nhất. Trong khi đó thương hiệu là "linh hồn" của mỗi doanh nghiệp. Nếu mất thương hiệu không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh mà còn mất uy tín, mất thị trường. Do đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu, song song với việc xây dựng thương hiệu cũng cần có chiến lược bảo vệ, giữ gìn thương hiệu.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/bao-ho-thuong-hieu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-viet-nam-tren-thi-truong-quoc-te-a143543.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-ho-thuong-hieu-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-viet-nam-tren-thi-truong-quoc-te-a253034.html