Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm trong các dự án BOT

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

7-1626919533.jpg

Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 1.128,46 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)

Điểm mặt các dự án BOT sai sót

Theo KTNN, đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, điều kiện giải ngân, thanh toán phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong dự án và phần vốn vay của nhà đầu tư tại hợp đồng BOT chưa nêu cụ thể, hợp đồng BOT quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ứng cho nhà đầu tư bằng 40% tương ứng với giá trị phần vốn nhà nước do nhà đầu tư tổ chức thực hiện không đúng quy định (ví như, Dự án đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định: Theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Thông tư số 88/2018/TT-BTC không có quy định về việc tạm ứng hợp đồng đối với phần vốn góp của Nhà nước trong dự án PPP giữa Nhà nước và nhà đầu tư).

 Một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án song nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT (Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn); chi phí sửa chữa thường xuyên chưa phù hợp định mức, chi phí trung tu và đại tu chưa phù hợp (Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng); chưa quy định nguyên tắc và điều kiện điều chỉnh lãi suất vốn vay trong phương án tài chính (Dự án đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định); giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính (Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Vốn góp chủ sở hữu đạt 86%, vốn vay đạt 88% kế hoạch); chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh (Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng); dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án nhưng các bên chưa xem xét kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án theo quy định (Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn); dự án đưa vào vận hành nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn); ...

Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 1.128,46 tỷ đồng, có một dự án BOT thời gian thu phí hoàn vốn sau khi cập nhật lại kết quả kiểm toán giảm 23 tháng so với phương án ban đầu (Dự án đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định).

Nhiều dự án BT thiếu vốn

Ông Trần Sỹ Thanh, Tổng kiểm toán Nhà nước cho hay, đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT cũng có nhiều điểm hạn chế. Chẳng hạn, chưa công bố danh mục đầu tư dự án (Dự án XD tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng); lập và phê duyệt TMĐT chưa chính xác (Dự án thành phần ĐTXD đoạn Cam Lộ - La Sơn; Dự án ĐTXD hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc (khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; Dự án XD tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng); không kịp thời cập nhật chỉ số giá để tính lại chi phí dự phòng làm tăng TMĐT (Dự án ĐTXD 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm tăng TMĐT 350,9 tỷ đồng).

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không xây dựng lịch trình thực hiện dự án, không xây dựng và thống nhất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch, tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ của dự án BT (Dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)); nhà đầu tư góp vốn không đủ theo hợp đồng BT (Dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ): góp vốn đạt 27,13% (165 tỷ đồng/608 tỷ đồng)); phương án tài chính điều chỉnh được phê duyệt có một số chi phí là tạm tính, một số chi phí chưa được cập nhật chính xác (Dự án thành phần ĐTXD đoạn Cam Lộ - La Sơn và Dự án phân kỳ đầu tư GĐ 1 - XD công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan).

Doanh nghiệp dự án chưa có kế hoạch, phương án thu xếp vốn để tiếp tục thực hiện dự án (Dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) mới bố trí 2.429 tỷ đồng/6.076 tỷ đồng, thiếu 3.647 tỷ đồng); cho phép điểm dừng kỹ thuật dự án nhưng không nêu lý do, thời gian và phương án xử lý (Dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ): UBND TP Hà Nội cho phép dừng không thi công 21,5 km đường còn lại tương đương 2.448 tỷ đồng); đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư thi công (đã thi công xong) nhưng chưa phê duyệt thiết kế cơ sở và ký phụ lục hợp đồng bổ sung (Dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ): UBND TP Hà Nội cho phép mở rộng Km0-Km6+600).

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xây dựng chi tiết kế hoạch giám sát dự án, thiếu sự kiểm tra giám sát việc bỏ vốn và huy động vốn của nhà đầu tư, ký phụ lục hợp đồng BT chưa phù hợp thẩm quyền (Dự án ĐTXD đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)); ủy quyền ký hợp đồng BT đối với dự án đầu tư thuộc nhóm A không phù hợp quy định, ký hợp đồng bảo hiểm trong đó loại trừ trách nhiệm bảo hiểm một số trường hợp không đúng quy định (Dự ánxây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng).

Thời gian thực hiện thẩm tra quyết toán kéo dài (Dự án Đường vành đai phía nam thành phố Hải Dương (đoạn từ cầu Tam Giang đến phía bắc Cầu Hải Tân) kéo dài trên 5 năm); chưa quyết toán đo đạc xác định diện tích đất thực tế giao cho nhà đầu tư (Dự án Khu Thương mại - Du lịch - Văn hoá và đô thị mới phía tây thành phố Hải Dương).

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết:https://thuonghieucongluan.com.vn/phat-lo-nhieu-sai-pham-trong-cac-du-an-bot-a140861.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chi-ra-nhieu-sai-pham-trong-cac-du-an-bot-a252692.html