Tài sản kê biên bị bán rẻ: Kiến nghị “ bịt” lỗ hổng pháp luật về thi hành án, đấu giá và định giá tài sản

(Pháp lý) – Đấu giá, xử lý tài sản kê biên là một công việc rất quan trọng nhằm đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ trả tiền của bị cáo trong vụ án hình sự và của đương sự trong vụ án kinh tế, dân sự. Tuy nhiên, việc đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành bản án, quyết định của Toà án thời gian qua còn nhiều bất cập, gây khiếu kiện. Đáng chú ý, có tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước, thiệt hại cho các đương sự . 

Từ thực tế nghiên cứu các vụ thi hành án có liên quan cho thấy công tác tổ chức đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành án đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng để thao túng, trục lợi. 

Kẽ hở lớn nhất xuất phát từ những bất cập của pháp luật. Vì vậy để ngăn chặn tình trạng tài sản kê biên bị bán rẻ, thất thoát, chiếm dụng, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước tương tự xảy ra trong tương lai, cần sớm bịt lại các kẽ hở pháp luật trong đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành án và thẩm định giá, định giá tài sản.

Khi tài sản kê biên để thi hành án bị bán rẻ…

Trong tố tụng Hình sự, kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế nhà nước được áp dụng đối với bị can, bị cáo mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung là hình phạt tiền hoặc BLHS quy định có thể bị tịch thu tài sản như một số tội trong nhóm tội phạm về ma túy, nhóm tội phạm về chức vụ….hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại trong các vụ án có bị hại là người bị thiệt hại về tài sản; tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, có nguyên đơn dân sự.

Trong Tố tụng Dân sự thì kê biên tài sản là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời mà pháp luật cho phép thực hiện để ngăn cản những hành vi trái pháp luật đối với tài sản trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Cùng với đó, trong Thi hành án dân sự (THADS) kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một biện pháp cưỡng chế thi hành án để đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ trả tiền được quy định trong bản án, quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều vụ án gồm cả hình sự (kinh tế, tham nhũng) lẫn vụ án dân sự , việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án theo bản án, quyết định của Toà án đang có nhiều bất cập, gây khiếu kiện. Thậm chí, nhiều vụ tài sản kê biên bị bán rẻ, thất thoát, chiếm dụng… nhiều vụ, tài sản của người phải thi hành án bị bán sạch nhưng không đủ để thi hành án, dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài.

Điển hình như trong vụ trong vụ án Epco - Minh Phụng, ông Liên Khui Thìn (Giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Epco) bị tuyên án tử hình về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN do đã cấu kết với một số người chiếm đoạt tiền nhà nước thông qua các hợp đồng vay ngân hàng. Ông Thìn đã dùng tiền này để mua nhiều bất động sản tại quận 2, quận 9... và không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Theo phán quyết của tòa, những khoản tiền ông Thìn đầu tư vào các khu đất phải được thu hồi để thanh toán cho ngân hàng, khắc phục thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho nhà nước.

Ông Thìn sau đó được Chủ tịch Nước chấp nhận đơn xin ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân. Hơn 10 năm cải tạo tốt, thi hành án trên 500 tỷ đồng... ông tiếp tục được giảm án rồi được đặc xá năm 2009 với phần trách nhiệm dân sự còn phải liên đới bồi thường là 481 tỷ đồng (trong tổng số 1.051 tỷ đồng).

Điều đáng nói, theo ông Liên Khui Thìn trong thời gian ông ngồi tù, một số cá nhân đã cố tình làm sai phán quyết của toà khi thi hành án, bán rẻ và chiếm đoạt những tài sản của ông tại Công ty Epco, Công ty TNHH An Khánh và Công ty TNHH Hồng Long. 

image001-1625737167.jpg

Ông Liên Khui Thìn (nguyên giám đốc Công ty TNHH EPCO) tố cáo một số cá nhân đã cố tình làm sai phán quyết của toà khi thi hành án, bán rẻ và chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử như nhà kho A375-A376 Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức), giá thị trường hiện nay khoảng 2000 tỷ - 4000 tỷ đồng nhưng NH bán 60 tỷ đồng; Khu Công nghiệp Đồng An – Bình Dương, giá thị trường khoảng 500 tỷ - 1000 tỷ đồng được bán với giá 46 tỷ đồng;…

Theo ông Liên Khui Thìn trong thời gian ông ngồi tù, một số cá nhân đã cố tình làm sai phán quyết của toà khi thi hành án, bán rẻ và chiếm đoạt những tài sản của ông tại Công ty Epco, Công ty TNHH An Khánh và Công ty TNHH Hồng Long. Các tài sản cá nhân vốn là các khoản đầu tư vào các dự án ở quận 2, quận 9 cũ trị giá hàng nghìn tỷ đồng bị “hô biến” thành tài sản tư nhân.

Liên quan đến vụ việc, nguyên Cục trưởng thi hành án dân dự TP HCM Lương Vĩnh Phúc và chấp hành viên Bùi Liên Hiệp đã bị xử lý hình sự về các tội "Lạm quyền trong thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, theo ông Thìn một số cá nhân khác vẫn bị "bỏ lọt" và tiếp tục làm đơn tố cáo các hành vi sai phạm đến cơ quan chức năng.

Sau thời gian dài xác minh, ngày 29/6/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo đơn tố cáo của ông Thìn.

Hay trong một số vụ thi hành án tín dụng, ngân hàng việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án cũng đã và đang vấp phải nhiều khiếu kiện, tố cáo. Điển hình như trường hợp của Chi cục Thi hành án Dân sự TP Buôn Ma Thuột hồi đầu năm 2019. Để thi hành bản án của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xử sơ thẩm, buộc Cty Ấn Độ phải trả nợ cả gốc lẫn lãi cho Agribank Đắk Lắk tổng cộng hơn 10,5 tỉ đồng, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Buôn Ma Thuột tổ chức bán đấu giá tòa nhà 8 tầng của vợ chồng ông Trần Ngọc Ấn, giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Ấn Độ (Cty Ấn Độ) với giá khởi điểm chỉ vẻn vẹn hơn 4,2 tỉ đồng, trong khi tài sản được định giá hơn 7,561 tỉ đồng, khiến dư luận xôn xao.

Hay trường hợp của Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Liên Sơn (TP Lào Cai). Sau khi không có khả năng chi trả khoản nợ gồm gốc và lãi là 52,4 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương - Chi nhánh Lào Cai, tài sản Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Liên Sơn đã được đem bán phát mại.

Chi nhánh Chi cục Thi hành án dân sự TP Lào Cai (Chi cục THADS TP Lào Cai) thực hiện kê biên tài sản Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Liên Sơn tại Khe cống thung lũng số 3 (phường Lào Cai, TP Lào Cai) gồm quyền sử dụng 29,5 nghìn m2 đất, nhà, toàn bộ máy móc thiết bị trạm nghiền Clinker và trạm cân điện tử, máy xúc lật bánh lốp... để bán đấu giá.

Kết quả thẩm định giá lần đầu đối với toàn bộ tài sản đấu giá Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Liên Sơn là 6,5 tỷ đồng - quá thấp so với thẩm định giá do Công ty Cổ phần định giá và giám định Việt Nam thực hiện theo hợp đồng với ngân hàng vào tháng 11/2019, với giá trên 16 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng có văn bản đề nghị Chi cục THADS TP Lào Cai xem xét thực hiện định giá lại tài sản và có được kết quả là trên 8,2 tỷ đồng. Sau đó, Chi cục THADS TP Lào Cai ký hợp đồng thuê Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lào Cai tổ chức 6 lần bán đấu giá tài sản trên nhưng đều thất bại. Lúc này, giá trị tài sản đã bị giảm xuống mức cực thấp, chỉ còn 5,1 tỷ đồng…

Lỗ hổng lớn trong đấu giá và định giá tài sản để thi hành án…

Qua những vụ việc trên cho thấy việc đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành bản án, quyết định của Toà án thời gian qua còn nhiều bất cập, gây  bức xúc , khiếu kiện. Đó là còn chưa kể đế tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước (?). 

Điều mà chúng tối muốn nói đến ở đây, mặc dù kê biên và đưa ra bán đấu giá tài sản trong thi hành án đều phải tuân theo quy định pháp pháp luật, chịu sự giám sát của nhiều cơ quan, tổ chức… đảm bảo tài sản được bán với giá phù hợp với giá thị trường. Nhưng, trong nhiều vụ giá trị thu được từ việc bán đấu giá tài sản rất thấp. Thậm chí, nhiều vụ tài sản của người phải thi hành án bị bán sạch nhưng không đủ để thi hành án, dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo nhận định của chúng tôi xuất phát từ những quy định pháp luật thiếu chặt chẽ, tạo ra lỗ hổng khiến tài sản kê biên bị bán rẻ, thất thoát, chiếm dụng. 

9-1625737304.jpg
Quy định pháp luật thiếu chặt chẽ, tạo ra lỗ hổng khiến tài sản kê biên bị bán rẻ, thất thoát, chiếm dụng.

Hiện nay, việc bán tài sản trong công tác THADS được thực hiện theo quy định tại Điều 101 Luật THADS, có hai hình thức: bán đấu giá và bán không qua thủ tục đấu giá. Việc bán đấu giá đối với động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện. Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp: Tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản; động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Bán không qua thủ tục đấu giá do chấp hành viên thực hiện trong trường hợp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng. Các trường hợp bán đấu giá được thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016. 

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản là: Cơ quan thi hành án phải thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản – Bộ Tư pháp, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định. 

Sau khi lựa chọn tổ chức đấu giá đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì chấp hành viên - người được phân công tổ chức thi hành bản án tiến hành ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn và cung cấp cho tổ chức đấu giá tài sản bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền được bán tài sản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó theo quy định.

Tuy nhiên, pháp luật không quy định việc cơ quan THADS có chức năng kiểm tra các tổ chức bán đấu giá trong giai đoạn từ khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá đến khi kết thúc phiên đấu giá. Chính điều này đang tạo kẻ hở để các đối tượng lợi dụng để thao túng, thông đồng, dìm giá tài sản trong các cuộc đấu giá. 

Minh chứng cho điều này, Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2020 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 17/7/2020, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua vẫn còn tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Cụ thể, theo báo cáo, tại Thanh Hóa, có vụ việc sau 2 lần UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất do phát hiện hành vi vi phạm và tổ chức đấu giá lại thì giá bán đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng. Vụ đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát.

Trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam, đã xảy ra tình trạng “cò mồi”, đe dọa, nhưng đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh kịp thời. Trong vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắk Nông, vụ bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá…

Không chỉ vậy, trong các vụ việc mà chúng tôi dẫn ra ở trên đều có một điểm chung là giá khởi điểm của tài sản đấu giá được định giá chưa sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi.

Nguyên nhân của vấn đề này theo nhân định của chúng tôi là do khâu thẩm định giá tồn tại nhiều bất cập. Do việc đưa ra giá khởi điểm phù hợp với giá của thị trường là yếu tố quan trọng trong ĐGTS nên trên thực tế, để xác định giá khởi điểm đối với tài sản thi hành án, cơ quan thi hành án phải ký hợp đồng với các tổ chức thẩm định giá để yêu cầu xác định giá của tài sản.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng các tổ chức thẩm định giá. Việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá chủ yếu dựa trên cảm tính, do đó, vẫn còn tồn tại hiện tượng các tổ chức thẩm định giá đưa ra kết quả thẩm định không sát với giá thị trường (quá cao hoặc quá thấp).

Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá…

Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định, định giá tài sản; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản…

Một điểm cần phải nghiên cứu nữa, theo quy định Điều 104, Luật THADS về việc xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành. Theo quan điểm của chúng tôi, pháp luật cũng đã trao quyền quá lớn cho Chấp hành viên trong việc xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành. 

Theo đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về mức giảm giá thì Chấp hành viên quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá…

Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Người phải thi hành án không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản…

Theo quy định này, trong một số trường hợp Chấp hành viên có quyền ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Điều đáng nói là pháp luật lại không quy định cụ thể số lần Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Đặc biệt đối với tài sản bán đấu giá để thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước. Chính điều này dẫn tới tình trạng sau nhiều lần tài sản bị mang ra đấu giá, giá trị thu được từ việc bán đấu giá tài sản rất thấp. Thậm chí, nhiều vụ tài sản của người phải thi hành án bị bán sạch nhưng không đủ để thi hành án, dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài…

Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản… Theo quan điểm của chúng tôi, pháp luật đã trao quyền quá lớn cho Chấp hành viên trong việc xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành. Trong khi đó khâu giám sát chéo, khâu kiểm soát quyền lại lỏng lẻo, rất dễ dẫn đến tiêu cực

Kiến nghị

Từ những phân tích trên cho thấy công tác tổ chức đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành án đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng để thao túng, trục lợi. Theo chúng tôi, kẽ hở lớn nhất xuất phát từ những bất cập của pháp luật, đó là : thiếu quy định cơ quan THADS có chức năng kiểm tra các cuộc tổ chức bán đấu giá trong giai đoạn từ khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá đến khi kết thúc phiên đấu giá; trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá lớn, thiếu quy định về kiểm tra kết quả thẩm định, định giá tài sản, quy định về giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên còn lỏng lẻo…; đặc biệt trao quyền quá lớn cho Chấp hành viên trong việc xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành…

Vì vậy để ngăn chặn tình trạng tài sản kê biên bị bán rẻ, thất thoát, chiếm dụng, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước tương tự xảy ra trong tương lai, kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm bịt lại các kẽ hở trong đấu giá, xử lý tài sản kê biên để thi hành án và thẩm định giá, định giá tài sản. Theo đó, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về kiểm tra, giám sát các tổ chức bán đấu giá trong giai đoạn từ khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá đến khi kết thúc phiên đấu giá; quy định về xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành, …

Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”; bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi.

Đinh Chiến  - Thái Dương
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tai-san-ke-bien-bi-ban-re-kien-nghi-bit-lo-hong-phap-luat-ve-thi-hanh-an-dau-gia-va-dinh-gia-tai-san-a252549.html