Từ thực tiễn kê biên tài sản thi hành các đại án: Nhận diện bất cập và kiến nghị giải pháp khắc phục ?

(Pháp lý) – Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với bị can, bị cáo nhằm đảm bảo thi hành phần dân sự trong bản án hình sự. Tuy nhiên từ thực tiễn tố tụng và thi hành các đại án trong thời gian qua cho thấy pháp luật về kê biên tài sản đảm bảo THA đang bộc lộ sự bất cập, khiến cho việc thu hồi tài sản của Nhà nước do người phạm tội gây ra gặp rất nhiều khó khăn. Vậy những bất cập đó là gì và giải pháp nào để khắc phục ?

Kê biên tài sản… khi “gạo nấu thành cơm”

Điều 128 BLTTHS năm 2015 quy định về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại”. 

Quy định trên của pháp luật cũng có nghĩa, việc kê biên tài sản chỉ được quyền áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc khi bị đưa ra xét xử. Còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong giai đoạn khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được “miễn trừ trách nhiệm”, hay nói cách khác người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu. Đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành khoảng “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.

Thực tế thời gian qua xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế với hàng ngàn tỷ đồng bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không thu hồi được, bởi số tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình… Hoặc như vụ án liên quan đến Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, biết là người thân của bà Thoa sở hữu hàng trăm tỷ đồng , nhưng không thể xử lý được hành vi tham nhũng và không xử lý được tài sản.

image001-1625475737.jpg
Rủi ro pháp lý cũng chính là nguyên nhân khiến cho các cơ quan tố tụng thiếu mặn mà áp dụng biện pháp kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra

Sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn tới nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp. Mặc dù theo quy định pháp luật, tài sản có nguồn gốc phạm tội dù đã chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác cũng bị kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên để làm rõ được nguồn gốc tài sản bất minh là chuyện không dễ.

 Trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo quyết định của Bản án thì Dương Chí Dũng và đồng bọn phải liên đới bồi thường cho Vinalines trên 358 tỷ đồng (trong đó riêng phần thì Dương Chí Dũng phải nộp 110 tỷ đồng) nhưng quá trình thi hành án, dù Cơ quan thi hành án đã xử lý sạch sẽ tài sản kê biên cũng chỉ thu hồi được trên 14 tỷ đồng… Cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thể căn cứ vào tình trạng pháp lý hiện hành của tài sản để xử lý mà không có thẩm quyền điều tra, chứng minh nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.

Ông Mai Công Danh - Cục trưởng Cục THADS cho rằng, phát hiện các hành vi phạm tội là một việc khó, nhưng để ngăn chặn, xử lý và đặc biệt là thu hồi tài sản bị thất thoát và chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn hơn. Nhất là các đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn và có trình độ cao. Họ không chỉ thực hiện các hành vi phạm tội rất tinh vi, mà còn có khả năng che giấu các tài sản do phạm tội mà có.

Những qui định làm khó cơ quan tố tụng khi vận dụng

Tại khoản 3 Điều 128 BLTTHS 2015, quy định “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại”. Quy định này của pháp luật là cần thiết vì không những để đảm bảo cho công tác thi hành án mà còn đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo không bị xâm phạm. Song ở chiều ngược lại làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng. Hai từ “có thể”… được hiểu là phụ thuộc vào tương lai, chưa khẳng định bị can, bị cáo khi bị kết tội sẽ bị áp dụng chế tài dân sự bằng hình thức nào, trừ biện pháp tịch thu tài sản xác định được theo quy định tại Điều 45 BLHS 2015. Càng khó hơn khi vận dụng cụm từ “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng”, được hiểu là giá trị của tài sản bị kê biên phải đảm bảo ngang bằng với mức hình phạt bị can, bị cáo có thể bị áp dụng khi kết án. 

Như vậy để thực hiện quy định trên, bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết cùng một lúc 2 đáp án: Vừa phải tự mình cân nhắc khả năng hậu quả pháp lý sẽ xảy ra và biện pháp chế tài dân sự mà tội phạm sẽ bị tòa án áp dụng; vừa phải đồng thời ước tính mức tiền phạt, tài sản bị tịch thu, số tiền bồi thường thiệt hại là bao nhiêu sau đó mới xác định tài sản cần kê biên, kê biên bao nhiêu sao cho tương ứng với số tiền bị phạt, bị tịch thu, bồi thường thiệt hại theo quy định… Điều này là không thể, trừ phi phải yêu cầu định giá tài sản để xác định giá trị tài sản có ý định kê biên ? Chưa kể, việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản còn phải tiến hành nhiều trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật rất mất thời gian, nhiều chi phí phát sinh làm ảnh hưởng đến thời gian tiến hành tố tụng…

Đối với tài sản chung thì việc kê biên trong giai đoạn điều tra càng phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót. Bởi không chỉ là tài sản chung của vợ chồng mà theo Điều 207 BLDS năm 2015 thì: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung”. Điều đó có nghĩa cơ quan tố tụng phải điều tra xác minh nguồn gốc hình thành tài sản chung trong phạm vi rất rộng, liên đới tới nhiều mối quan hệ sở hữu chung, mới có thể tìm được đáp án chính xác cho việc kê biên tài sản, không xâm hại đến quyền lợi của các chủ sở hữu khác, tránh bị khiếu nại, tranh chấp.

Cho đến nay, pháp luật tố tụng hình sự cũng vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản tham nhũng hay có nguồn gốc từ tham nhũng của bị can, bị cáo để có áp dụng biện pháp bảo đảm cần thiết để đảm bảo thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sau xét xử… Các cơ quan tố tụng thực hiện quy trình này chủ yếu bằng kinh nghiệm nên đương nhiên không tránh khỏi sự thiếu sót. 

151-1625475827.jpg
Thực tiễn cho thấy, việc kê biên tài sản ngay trong giai đoạn tố tụng là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản một cách hiệu quả, đảm bảo thuận lợi cho công tác THADS. ( Ảnh minh họa)

Nguyên nhân khác

Thực tế cũng đã từng xảy ra không ít trường hợp khiếu nại, tranh chấp do cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản và tổ chức bán đấu giá tài sản không đúng làm xâm phạm đến quyền lợi của người khác dẫn tới bị khiếu nại như vụ Vinalines, Bầu Kiên, Vinashin... Mới đây là trường hợp ngôi nhà 60A Bà Huyện Thanh Quan của bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà, trong vụ án sai phạm xảy ra tại BIDV), HĐXX Tòa án cấp cao Hà Nội phải khắc phục hậu quả bằng biện pháp giải tỏa việc kê biên. Trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 11 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ (hôm 10/3), bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng đã yêu cầu HĐXX xem xét lại việc CQĐT đã kê biên ngôi nhà gắn liền với khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo, vì lý do tài sản được hình thành từ nguồn tiền mua trả góp của con trai ông…

Rủi ro pháp lý cao. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho các cơ quan tố tụng (trừ các vụ án tham nhũng và các vụ án kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng), không mặn mà áp dụng biện pháp kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố mà tìm cách đẩy trách nhiệm này về cho Cơ quan THA, hoặc nếu có thì số lượng tài sản được kê biên, phong tỏa rất hạn hữu. Cùng với sự bất cập khác, không có gì lạ khi mà việc kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng, tham ô từ các đại án sau xét xử còn nhiều hạn chế, không đạt được kết quả như mong đợi. 

Theo số liệu của Tổng cục Thi hành án dân sự, đến cuối năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt trên 30%. Trong đó có nhiều đại án có tỷ lệ thu hồi quả thấp, như: “Đại án Trịnh Xuân Thanh” chỉ mới kê biên thi hành án được 31 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền bị cáo này phải bồi thường là 122 tỷ đồng (đạt ¼); “đại án kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như”, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định đến nay mới thu về cho Nhà nước được hơn 500 tỷ đồng (đạt 5%). Sau 4 vụ án, bị cáo Đinh La Thăng bị buộc phải bồi thường số tiền hơn 800 tỉ đồng, nhưng đến nay mới thi hành án được 4,5 tỉ đồng. Điều đáng nói là, Cơ quan THA chỉ kê biên được duy nhất một tài sản là căn nhà chung cư của hai vợ chồng ông Thăng ở Khu đô thị Sudico Sông Đà (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), số tiền ông đã thi hành án là số tiền chia đôi từ tài sản này (?)

BOX: Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự: “Khó khăn, vướng mắc chung trong những vụ đại án là số tiền phải thi hành lớn, nhưng khi xét xử và tổ chức thi hành án thì tài sản bị kê biên không nhiều, không xác minh được. Chúng tôi đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề này để tìm giải pháp”.

Kiến nghị giải pháp ?

1. Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che dấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che dấu đường đi của dòng tiền và việc sử dụng tiền, nên rất khó phát hiện, thu hồi. 

Từ vướng mắc trong thực tiễn như đã phân tích, giải pháp để khắc phục, trước hết cần phải xem xét hoàn thiện các qui định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội. Có nghĩa việc kê biên tài sản đảm bảo thi hành án không phải chờ đến khi khởi tố bị can hay đến khi phiên tòa diễn ra mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử; không chỉ dừng lại ở các cơ quan tố tụng mà mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế.

2. Song song với việc hoàn thiện quy định trên của pháp luật, cần sửa đổi bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với nội hàm cụm từ “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng…” (quy định tại khoản 3 Điều 128 BLTTHS 2015), theo hướng dễ vận dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tố tụng tăng cường áp dụng kịp thời biện pháp ngăn chặn ngay từ giai đoạn điều tra. Tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp này, nên chăng điều chỉnh cơ quan có thẩm quyền được quyền ước tính giá trị tài sản được kê biên tương ứng với mức bị cáo có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại… trong khung sai số cho phép tối đa và tối thiểu (?) 

3. Thực tiễn cho thấy, việc kê biên tài sản để đảm bảo THA ngay trong giai đoạn tố tụng là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản một cách hiệu quả, đảm bảo thuận lợi cho công tác THADS. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa cơ quan tố tụng với cơ quan THADS thời gian qua còn hạn chế, nhiều vụ việc án tuyên không rõ, khó thi hành; việc đính chính, giải thích bản án, chuyển giao vật chứng, các tài liệu liên quan có trường hợp còn chưa kịp thời... Như vậy, cần bổ sung các quy định của pháp luật để bảo đảm sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa giai đoạn THA với các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, để qua đó phát huy vai trò chủ động của cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản đã được kê biên, phong tỏa trước đó.

4. Hiện nay, BLTTHS chỉ đề cập biện pháp kê biên, thẩm quyền kê biên, kê biên thế nào, ở giai đoạn nào mà không khẳng định đây là biện pháp bắt buộc. Từ đây dẫn tới sự tùy nghi của cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện kê biên tài sản. Mặc dù Điều 128 BLTTHS 2015 quy định: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền ra lệnh kê biên tài sản”. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra đối với bị can và hệ quả pháp lí đối với trường hợp người có thẩm quyền không áp dụng biện pháp kê biên dẫn đến người phải THA tẩu tán tài sản, giảm hiệu quả THA./.

Ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Theo đó, một trong những nội dung chính và rất quan trọng của Chỉ thị là yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử

VŨ LÊ MINH

 
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-thuc-tien-ke-bien-tai-san-thi-hanh-cac-dai-an-nhan-dien-bat-cap-va-kien-nghi-giai-phap-khac-phuc-a252526.html