Pháp luật Hợp đồng của Trung Quốc và Đức trước tác động của đại dịch và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Pháp lý) - Một trong những hiện tượng đáng chú ý năm qua là việc đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến quá trình thực hiện nghĩa vụ của các chủ thể trong hợp đồng. Để hiểu rõ bản chất pháp lý của hiện tượng này, bài viết nghiên cứu sau đây của nhóm tác giả ( sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) - Chu Minh Anh (MSSV 433326) , Phạm Ngọc Ánh ( MSSV 433308) , Nguyễn Tống Bảo Minh ( MSSV 433311) sẽ thông tin đến độc giả cách tiếp cận của pháp luật Trung Quốc và Đức trước tác động của các đại dịch, từ đó nêu ra kinh nghiệm cho pháp luật hợp đồng của Việt Nam.

Pháp luật hợp đồng của Trung Quốc dưới tác động của đại dịch

Kể từ khi khái niệm đại dịch bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào đầu thế kỷ XX, Trung Quốc luôn là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Có thể nói, dưới sự tác động của ba đại dịch vừa qua trong đầu thế kỷ XXI là SARS, H1N1 và COVID-19, pháp luật hợp đồng Trung Quốc đã có những thay đổi mang tính hệ thống.

Trong bối cảnh đại dịch SARS năm 2003 bùng phát, pháp luật hợp đồng Trung Quốc mới chỉ quy định về sự kiện bất khả kháng chứ chưa có quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Điều 117 Luật Hợp đồng Trung Quốc năm 1999 đã quy định về việc miễn trách nhiệm cho bên không thể thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng do sự kiện bất khả kháng và cũng đưa ra khái niệm sự kiện bất khả kháng với những đặc điểm pháp lý là “các sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước, không thể ngăn chặn và không thể khắc phục”.

Việc mới chỉ quy định về sự kiện bất khả kháng trong Luật Hợp đồng năm 1999 đã khiến cho quan điểm chủ đạo của các Tòa án Trung Quốc trong thời kỳ này là nhìn nhận SARS 2003 như một sự kiện bất khả kháng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực hợp đồng dưới sự ảnh hưởng của đại dịch. Điều này có thể khiến cho việc thực hiện hợp đồng mới chỉ gặp khó khăn do sự ảnh hưởng của đại dịch không thể được giải quyết một cách chính xác.

Tới năm 2009 trước bối cảnh đại dịch cúm H1N1 bắt đầu bùng phát, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản mới chính thức được quy định trong pháp luật hợp đồng Trung Quốc tại Hướng dẫn số 02 ngày 24/04/2009 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc về một số vấn đề trong thi hành Luật Hợp đồng. Tại Điều 26, hoàn cảnh thay đổi cơ bản đã được định nghĩa là “sự thay đổi hoàn cảnh khách quan sau khi giao kết hợp đồng mà sự thay đổi đó lớn đến mức các bên không thể thấy khi giao kết hợp đồng, không thuộc trường hợp rủi ro thương mại do sự kiện bất khả kháng và việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới một bên hoặc không thể khiến đạt được mục đích của hợp đồng”.

Tuy nhiên về cơ chế giải quyết thì pháp luật Trung Quốc mới chỉ cho các bên quyền được yêu cầu Tòa án sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng mà chưa cho họ quyền đàm phán lại hợp đồng.

Hiện nay dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn, trong đó quan trọng nhất là Hướng dẫn số 1 ngày 16/04/2020 về COVID-19 và Hướng dẫn số 2 ngày 15/05/2020 về COVID-19 của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc. Thông qua hai văn bản này, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã đưa ra quan điểm mới trong việc nhìn nhận đại dịch và cũng đồng thời đưa ra những quy phạm nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của COVID-19 tới quan hệ hợp đồng, cụ thể:

Thứ nhất, đưa ra quan điểm nhìn nhận đại dịch dưới góc độ pháp lý

Trung Quốc đã có sự thay đổi rõ rệt về quan điểm nhìn nhận đại dịch so với năm 2003, theo đó trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, đại dịch vừa có thể được coi là sự kiện bất khả kháng lẫn hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo quan điểm này, học thuyết về sự kiện bất khả kháng và học thuyết về hoàn cảnh thay đổi cơ bản không loại trừ lẫn nhau, một sự kiện vừa có thể được coi là sự kiện bất khả kháng cũng như là hoàn cảnh thay đổi cơ bản tùy vào từng trường hợp cụ thể.[2]

Thứ hai, quy định chi tiết, bổ sung quy định về sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Về sự kiện bất khả kháng, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã quy định chi tiết hơn rằng quy định về sự kiện bất khả kháng sẽ chỉ được áp dụng khi đại dịch hoặc biện pháp phòng, kiểm soát dịch trực tiếp khiến cho không thể thực hiện được hợp đồng. Bên cạnh đó, đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, hai văn bản trên đã bổ sung quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng nhằm khắc phục những thiếu sót của Hướng dẫn số 2 năm 2009 về thi hành Luật Hợp đồng.

Thứ ba, đưa ra những biện pháp đối với các hợp đồng cụ thể nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của COVID-19

Nhìn chung, các quy phạm trong hai văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đều hướng tới nhằm duy trì quan hệ hợp đồng trong bối cảnh đại dịch thông qua việc khuyến khích các bên sửa đổi và hạn chế việc chấm dứt hợp đồng vì khó khăn trong việc thực hiện do sự ảnh hưởng của COVID-19 với các biện pháp phòng, kiểm soát dịch.

Từ những phân tích trên, có thể thấy pháp luật hợp đồng Trung Quốc dưới sự tác động của COVID-19 đã có những sự thay đổi theo chiều hướng duy trì sự ổn định của quan hệ dân sự, từ đó giảm thiểu sự ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế, xã hội. Sự thay đổi này chủ yếu thông qua các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc – những văn bản được coi là luật thứ cấp tại Trung Quốc.[4]

Pháp luật hợp đồng của Cộng hòa Liên bang Đức dưới tác động của đại dịch

Chỉ tính riêng đại dịch COVID-19, nước Đức đã bị tác động và ảnh hưởng rất nhiều. Trước tiên, Bộ luật dân sự Đức không có định nghĩa cụ thể về “sự kiện bất khả kháng”. Đối chiếu với Đạo luật trách nhiệm pháp lý của Đức (Haftpflichtgesetz) sự kiện bất khả kháng là: “Một sự kiện nằm ngoài quy trình kinh doanh thông thường gây ra một cách khách quan bởi tự nhiên hoặc do hành động của các bên thứ ba, không thể lường trước được theo tiêu chuẩn về sự hiểu biết và kinh nghiệm của con người, không thể bị ngăn chặn hoặc làm cho vô hại bằng các phương tiện kinh tế được, ngay cả khi hết sức thận trọng dự trù một cách hợp lý, và điều đó không xảy ra với tần suất đến mức một bên có thể coi đó là một phần của hoạt động kinh doanh thông thường của mình”.[5] Do đó, khái niệm bất khả kháng được đặc trưng bởi ba yếu tố: không thể lường trước, không thể tránh khỏi và xuất phát từ các trường hợp ngoại lệ.[6] Do những rủi ro bất khả kháng này, các bên thường đồng ý bổ sung Điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng của mình. Họ có thể tự do đi lệch khỏi “định nghĩa” pháp lý tiêu chuẩn về trường hợp bất khả kháng.

Khi xác định liệu đại dịch có cấu thành một trường hợp bất khả kháng hay không, một tiêu chí quan trọng là việc hạn chế hoặc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là kết quả trực tiếp từ sự bùng phát của đại dịch hoặc do các biện pháp của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dịch bệnh. Các quyết định hoặc thông báo của chính phủ tuyên bố một sự kiện bất khả kháng cũng được các tòa án Đức cũng tính đến. Trong quá khứ, một số đại dịch khi xét xử đã được tòa án công nhận là sự kiện bất khả kháng. Điển hình là bản án 14 C 4608/03 ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Tòa án địa phương Augsburg công nhận dịch SARS là sự kịên bát khả kháng hoặc bản án số 2 C 1451 / 92-18 của tòa án Homburg ngày 2 tháng 9 năm 1992 công nhận dịch tả với cái tên “Cái chết xanh”[8] là sự kiện bất khả kháng. Đối với dịch COVID-19 đang tác động nặng nề, một số Tòa án đã giải quyết coi đây là sự kiện bất khả kháng và áp dụng hậu quả pháp lý theo đó.

Trong những điều kiện nhất định, luật pháp Đức cho phép một bên ký kết chấm dứt toàn bộ hợp đồng vì lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu những trở ngại đối với việc thực hiện chỉ mang tính chất tạm thời, luật pháp Đức yêu cầu bên không bị sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đặt ra cho bên bị ảnh hưởng một thời hạn hợp lý hơn để thực hiện. Ngoài ra, trong hợp đồng của mình, các bên có thể thỏa thuận quyền của một bên được tạm hoãn nghĩa vụ của mình nếu bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân bất khả kháng. Họ chỉ có thể rút khỏi hợp đồng nếu bên bị ảnh hưởng vẫn chưa hoàn thành việc thực hiện trước thời hạn này. (Điều 323)

Một học thuyết khác cũng được quan tâm khi nghiên cứu về pháp luật hợp đồng của Cộng hòa liên bang Đức là học thuyết hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trong đó, việc chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng sẽ bao gồm các tình huống mà nền tảng của thỏa thuận biến mất không do lỗi của bên nào. Trong quá trình cải cách luật hợp đồng chung trong Bộ luật Dân sự Đức năm 2002, Điều 313 mới đã được đưa vào với tiêu đề “xáo trộn nền tảng của giao dịch” (“Störung der Geschäftsgrundlage ”):

“1. Nếu các tình huống, trở thành cơ sở của hợp đồng, đã thay đổi đáng kể kể từ khi hợp đồng được giao kết và các bên sẽ không giao kết hợp đồng hoặc đã giao kết với các nội dung hoàn toàn khác nếu họ thấy trước sự thay đổi này, thì hợp đồng có thể được yêu cầu điều chỉnh, có tính đến tất cả các tình huống của trường hợp cụ thể, cụ thể là phân bổ rủi ro theo hợp đồng hoặc luật định, một trong các bên không thể dự kiến sẽ duy trì thực hiện hợp đồng mà không thay đổi.

3. Nếu không thể điều chỉnh hợp đồng hoặc một bên không thể chấp nhận hợp đồng một cách hợp lý, bên bị thiệt thòi có thể rút khỏi hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng có các nghĩa vụ tiếp tục sau đó, quyền chấm dứt thay thế cho quyền rút lại.”

Nếu các điều kiện tiên quyết của Tiểu mục 1 hoặc 2 được đáp ứng và có một phương án điều chỉnh hợp lý, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên kia điều chỉnh.[9] Bên bị vi phạm chỉ được quyền rút khỏi hoặc chấm dứt hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi nếu việc điều chỉnh hợp đồng trở nên bất hợp pháp, không thể thực hiện được hoặc không hợp lý đối với bên kia.[10]

Mặc dù cách áp dụng pháp luật của nước Đức coi đại dịch là sự kiện bất khả kháng thông qua các bản án đã nhắc đến phía trên nhưng để đối phó kịp thời với đại dịch COVID-19 đang hoành hành, ngày 25 tháng 3 năm 2020, Quốc hội Đức (Bundestag) đã thông qua Luật giảm nhẹ hậu quả của đại dịch COVID 19 trong dân sự, phá sản và hình sự trong đó có quy định về hợp đồng thuê như sau:

“Mục 2. Hạn chế việc chấm dứt hợp đồng thuê và cho thuê: Chủ nhà không được phép chấm dứt hợp đồng thuê đất hoặc mặt bằng chỉ với lý do người thuê không trả tiền thuê trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 mặc dù đã đến hạn, nếu việc không trả là có căn cứ ảnh hưởng của đại dịch COVID 19. Mối liên hệ giữa đại dịch COVID 19 và việc không thanh toán phải được chứng minh. Các quyền chấm dứt khác vẫn không bị ảnh hưởng.”

Chỉ khi việc không trả tiền thuê nhà dựa trên đại dịch COVID 19 thì quyền chấm dứt hợp đồng của chủ nhà mới bị loại trừ. Tuy nhiên, quyền chấm dứt hợp đồng của chủ nhà vẫn có hiệu lực nếu việc không trả tiền thuê nhà là do các lý do khác, chẳng hạn như không muốn trả tiền hoặc trên cơ sở các khoản nợ thuê đã tích lũy trong thời gian trước đó hoặc sẽ phát sinh từ thời kỳ sau. Các hạn chế về quyền chấm dứt hợp đồng áp dụng cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 (Điều 240, mục 2 đoạn 4). Sau thời hạn này, quyền chấm dứt hợp đồng của chủ nhà sẽ được khôi phục.

Như vậy, Chính phủ Đức đã áp dụng các biện pháp ngăn cản quyền chấm dứt hợp đồng do sự kiện bất khả kháng đối với một loại hợp đồng cụ thể là hợp đồng thuê bất động sản trong một khoảng thời gian dịch COVID-19 tác động mạnh nhất đến nước Đức. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đại dịch COVID-19 chỉ có thể được coi là một sự kiện bất khả kháng không thể lường trước được đối với các hợp đồng đã được ký kết trước khi nó được biết đến - khoảng cho đến đầu tháng 3 năm 2020. Chắc chắn rằng không ai đã tham gia vào quan hệ hợp đồng từ đầu tháng 3 năm 2020 có thể viện lý do bất khả kháng. Kể từ thời điểm đó, đại dịch đã có thể lường trước trước ở Đức.[11]

Kinh nghiệm nào cho pháp luật hợp đồng Việt Nam ?

1. Về vấn đề nhận diện đại dịch

Khi nghiên cứu thực tế cách giải quyết của Tòa án hai quốc gia, có thể nhận thấy quan điểm của các quốc gia này thường nhìn nhận đại dịch là sự kiện bất khả kháng. Cộng hoà liên bang Đức đã nhìn nhận nhiều đại dịch xảy ra trong lịch sử là sự kiện bất khả kháng. Cũng có những quốc gia như Trung Quốc, Nhà nước không áp đặt ý chí chung lên mọi quan hệ hợp đồng mà để tranh chấp hợp đồng có thể được giải quyết bằng phương thức tự thỏa thuận và Toà án có thể dễ dàng giải quyết hơn, quốc gia đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về hoàn cảnh thay đổi cơ bản.Với lý do đây là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, việc ban hành văn bản hướng dẫn là rất cần thiết khi đứng trước nhu cầu cấp bách cần làm rõ điều luật về sự kiện bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản và hậu quả pháp lý của chúng.

Việt Nam có thể học tập nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc hướng dẫn cụ thể hơn về trách nhiệm thông báo của bên có nghĩa vụ cho bên có quyền về sự kiện được bên có nghĩa vụ coi là sự kiện bất khả kháng. Tại Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều quan điểm về việc này, cho rằng trách nhiệm thông báo cho bên có quyền và yêu cầu không coi là vi phạm hợp đồng khi bên có nghĩa vụ không còn khả năng thực hiện hợp đồng do đại dịch COVID-19 là một điều kiện cần để có thể áp dụng hậu quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng. Do vậy, đặt ra yêu cầu trước mắt là phải có quy định thống nhất về trách nhiệm thông báo của bên có nghĩa vụ tới bên có quyền về việc không thực hiện được nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng là do tác động của đại dịch.

2. Về vấn đề đối phó với đại dịch khi cấp bách

Để giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch tới các bên trong hợp đồng, không để bên nào phải chịu thiệt hại nhiều hơn mà hướng tới mục đích cân bằng quyền lợi của cả hai bên, các quốc gia này ban hành văn bản áp dụng biện pháp đối phó tạm thời. Văn bản này áp đặt ý chí nhà nước lên những quan hệ hợp đồng bị tác động bởi đại dịch, các chủ thể không được chấm dứt hợp đồng và bên có nghĩa vụ phải được bên có quyền cho hoãn thực hiện nghĩa vụ trong một khoảng thời gian nhất định mà không được lấy sự chậm thực hiện nghĩa vụ này làm căn cứ để chấm dứt hợp đồng. Khi chính phủ Đức ban hành văn bản như vậy, nó đã nâng tầm từ quyền hoãn thực hiện của các bên trong hợp đồng thành biện pháp áp dụng chung cho mọi quan hệ hợp đồng mà việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng này bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đây chính là cách nước Đức đã áp dụng để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19 với thời gian hoãn là 2 năm kể từ ngày đến hạn thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.

Từ đây, một bài học kinh nghiệm Việt Nam có thể nghiên cứu về cách đối phó với tác động của đại dịch đến hai bên của hợp đồng là sử dụng quyền hoãn thực hiện hợp đồng này nhằm bình ổn quan hệ dân sự, cũng như bảo vệ bên bị thiệt hại trực tiếp bởi đại dịch. Quyền hoãn thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 411 Bộ luật dân sự sẽ được đưa lên thành một biện pháp áp dụng bắt buộc chứ không cần sự đồng ý của bên còn lại trong hợp đồng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là bên bị ảnh hưởng bởi đại dịch được hoãn thực hiện nghĩa vụ trong bao lâu, khoảng thời gian nào là đủ để có thể hồi phục khả năng thực hiện hợp đồng là một nhiệm vụ cần được xem xét kỹ. Nếu không quy định khoảng thời gian hợp lý này, bên có quyền trong hợp đồng sẽ bị tổn hại lợi ích do bên có nghĩa vụ không cố gắng hoàn thành nghĩa vụ đối với bên có quyền.

Đặt vào hoàn cảnh và trình độ, thủ tục lập pháp của Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu đối phó kịp thời và nhanh chóng trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, ban hành một văn bản hướng dẫn dưới luật là phương pháp khả thi hơn ban hành một luật mới hoặc sửa đổi một điều luật trong bộ luật. Do vậy, học tập nội dung cách đối phó nhanh chóng trước đại dịch của Đức, nhưng quan điểm của nhóm nghiên cứu về phương thức là sẽ không ban hành luật mới mà cần thiết ban hành một văn bản dưới luật hướng dẫn rõ ràng hơn về vấn đề này.

(Nhóm tác giả: Chu Minh Anh ; Phạm Ngọc Ánh; Nguyễn Tống Bảo Minh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Qiao Liu (2020), “COVID-19 in Civil or Commercial Disputes: First Responses from Chinese Courts”, The Chinese Journal of Comparative Law, (8), tr. 487, Website: https://academic.oup.com/cjcl/article/8/2/485/5899311 (Truy cập ngày 20/02/2021)
[2]江苏省高级人民法院民事审判第一庭,关于印发《规范涉新冠肺炎疫情相关民事法律纠纷的指导意见》的通知 (Hướng dẫn giải quyết tranh chấp dân sự liên quan đến đại dịch COVID-19 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân cấp cao Giang Tô), Website: http://www.faxin.cn/lib/dffl/DfflContent.aspx?gid=B1104685&libid=&userinput= (Truy cập ngày 21/02/2021)
[3] 湖北省高院民二庭, 关于审理涉及新型冠状病毒肺炎疫情商事案件若干问题的解答 (Giải đáp của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân cấp cao Hồ Bắc về việc xét xử các vụ án thương mại liên quan đến đại dịch COVID-19), Website: https://www.sohu.com/a/375174726_800348 (Truy cập ngày 21/02/2021)
[4] Ronald C. Keith – Zhiqiu Lin (2009), “Judicial Interpretation of China’s Supreme People’s Court as “Secondary Law” with Special Reference to Criminal Law”, Sage Journals, Website: https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0920203X09105126 (Truy cập ngày 21/02/2021)
[5] Đoạn 14 bản án số VI ZR 173/06 ngày 16/10/2007 của Tòa án liên bang Đức, https://lexetius.com/2007,3467 truy cập ngày 11/2/2021
[6] Wagner / Holtz / Dötsch (2020), Auswirkungen von COVID-19 auf Lieferverträge (Ảnh hưởng của COVID-19 đối với các hợp đồng cung cấp), Betriebs-Berater, tr.845, https://online.ruw.de/suche/bb/Auswirkungen-von-COVID-19-auf-Liefervertraege-f3752aafe8a6141ae12e22c9e7816519 truy cập ngày 11/2/2021
[7] Silvio Sittner (2020), Mietrechtspraxis unter Covid-19 (Thi hành luật thuê nhà trong Covid-19), NJW Heft 17/2020, tr. 1170, https://beck-online.beck.de/?vpath=bibdata%2fzeits%2fNJW%2f2020%2fcont%2fNJW%2e2020%2eH17%2eNAMEINHALTSVERZEICHNIS%2ehtm truy cập ngày 11/2/2021
[8] Jürgen Osterhammel (2010), The Transformation of the World: A Global History of the Nineteenth Century, https://press.princeton.edu/books/paperback/9780691169804/the-transformation-of-the-world , tr. 283 truy cập ngày 12/2/2021.
[9] Norbert Horn (1985), “Vertragsbindung unter veränderten Umständen: Zur Wirksamkeit von Anpassungsregelungen in langfristigen Verträgen” (Ràng buộc hợp đồng trong các trường hợp thay đổi: Vì hiệu lực của các quy định điều chỉnh trong hợp đồng dài hạn), NJW, https://beck-online.beck.de/Dokument?vpath=bibdata%2Fzeits%2Fnjw%2F1985%2Fcont%2Fnjw.1985.1118.1.htm&pos=13, tr. 1118, truy cập ngày 13/2/2021
[10]Christian Grüneberg (Munich: C.H. Beck, 2020), Palandt: Bürgerliches Gesetzbuch (Palandt: Bộ luật dân sự) tái bản lần thứ 79, § 313 đoạn 42.
[11] Jonas Laudahn, Dr. Birgit Münchbach, Simone Jäger (2020), Force Majeure - under German, French and US law, https://www.fgvw.de/en/news/archive-2020/force-majeure-under-german-french-and-us-law truy cập ngày 12/2/2021.

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phap-luat-hop-dong-cua-trung-quoc-va-duc-truoc-tac-dong-cua-dai-dich-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-a247946.html