Những điểm nổi bật trong chính sách cạnh tranh, chống độc quyền của Liên minh Châu Âu và một số gợi mở cho Việt Nam

(Pháp lý) - Ngay từ khi thành lập, chính sách cạnh tranh được coi như một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế giữa các nước trong Cộng đồng Châu Âu. Trong đó, chống độc quyền và các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp, kiểm soát trợ cấp nhà nước… là những điểm nổi bật trong chích sách cạnh tranh của Liên minh Châu Âu. Việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền của EU là rất cần thiết để có thể rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền ở Việt Nam.

Luật cạnh tranh và chống độc quyền của Liên minh Châu Âu

Ngay từ khi thành lập Liên minh Châu Âu (EU), chính sách cạnh tranh được coi như một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế giữa các nước trong khối.

Theo đó, Luật Cạnh tranh thúc đẩy việc duy trì cạnh tranh trong Liên minh châu Âu thông qua các quy định hành vi hạn chế cạnh tranh của các công ty để bảo đảm rằng họ không tạo ra các tập đoàn thoả thuận hạn chế cạnh tranh và công ty độc quyền mà sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội. Được ghi nhận lần đầu tiên trong Hiệp ước Rome, các quy định về cạnh tranh tiếp tục được quy định và phát triển trong các hiệp ước sau cũng như trong hệ thống pháp luật châu Âu.

Luật Cạnh tranh của EU yêu cầu chính phủ các quốc gia thành viên không được đặt ra hoặc duy trì các biện pháp nhằm hạn chế một trong ba nguyên tắc tự do cơ bản của liên minh: tự do lưu thông hàng hóa, tự do di chuyển và tự do cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, chính sách cạnh tranh của EU còn kiểm soát chặt chẽ các khoản trợ cấp của nhà nước dành cho các xí nghiệp của mình, để ngăn chặn xu hướng chính phủ các nước thông qua các khoản trợ cấp hay những đặc quyền nào đó bù đắp cho các công ty độc quyền.

Chính sách cạnh tranh được coi như một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế giữa các nước trong Cộng đồng Châu Âu

Hội đồng châu Âu với vai trò là cơ quan ban hành và giám sát việc thực thi Luật Cạnh tranh, chịu trách nhiệm xử lý những vấn đề liên quan đến luật này cũng như cho phép việc sáp nhập và hợp nhất các công ty, tập đoàn lớn của EU để phát triển tự do thương mại và giảm bớt trợ giá từ chính phủ của các quốc gia thành viên cho các công ty, tập đoàn lớn của nước mình.

Do đó, chính sách cạnh tranh của EU không chỉ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp và còn điều chỉnh một số hoạt động của các nước thành viên, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại.

Nội dung chính sách cạnh tranh thể hiện trên nhiều lĩnh vực, như: chính sách chống độc quyền và các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; chính sách kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp; chính sách kiểm soát hỗ trợ nhà nước; chính sách thúc đẩy tự do hóa.

Theo các chính sách này, các quy tắc được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động ở thị trường thống nhất mà không quan tâm đến hình thức sở hữu của chúng.

Các quốc gia thành viên có cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh của từng nước, còn Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm điều tra các vi phạm chính sách. Ủy ban Châu Âu có quyền lực đặc biệt bao gồm ấn định mức tiền phạt, buộc thay đổi các thỏa thuận sáp nhập và ngăn chặn hoạt động trợ cấp của nhà nước. Tuy nhiên, các quyết định này có thể bị kháng cáo ở Tòa án châu Âu.

Những điểm nổi bật trong chính sách cạnh tranh của Liên minh Châu Âu

Trong các chính sách của Luật cạnh tranh Liên minh Châu Âu, chống độc quyền được coi là nội dung quan trọng nhất trong việc bảo đảm tự do hoạt động và cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp trong một thị phần thống nhất.

Theo đó, Điều 81 Hiệp đinh Rome quy định, nghiêm cấm mọi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, mọi quyết định liên kết doanh nghiệp và mọi dạng thỏa thuận có khả năng ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước thành viên và có mục đích hoặc hậu quả ngăn cản, hạn chế và làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường chung.

Quy định này áp dụng đối với các thỏa thuận theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và các thỏa thuận theo chiều dọc giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một chuỗi sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Chống độc quyền được coi là nội dung quan trọng nhất trong các chính sách của Luật cạnh tranh Liên minh Châu Âu ( Trong ảnh : Google đang bị Chính phủ Mỹ cáo buộc đã vận hành đế chế độc quyền trong thị trường tìm kiếm trên Internet, gây hại cho cả người tiêu dùng lẫn các đối thủ cạnh tranh)

Liên quan đến lĩnh vực này, Ủy ban Châu Âu có quyền rất lớn trong việc tiến hành điều tra, bao gồm vào trụ sở của các doanh nghiệp mà không cần báo trước để xem xét các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp, có quyền truy cứu bất cứ doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật và áp dụng mức phạt tiền lên đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp

Bên cạnh đó, Điều 82 Luật Cạnh tranh Liên minh châu Âu quy định việc ngăn cấm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và đưa ra một danh sách hành vi có thể được xem xét là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường: áp đặt giá mua, giá bán hoặc các điều kiện buôn bán không công bằng, hạn chế sản xuất, thị trường hoặc phát triển kỹ thuật gây tổn hại tới người tiêu dùng, phân biệt mà đẩy đối tác thương mại vào thế bất lợi, áp đặt các điều kiện hợp đồng không phù hợp, dẫn đến bất lợi đối với các đối tác khác trên thị trường có thể được xem như là lạm dụng.

Điều 82 của Hiệp định Rome quy định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh là hành vi bị coi là đi ngược với thị trường chung và bị cấm, trong chừng mực mà thương mại giữa các nước thành viên có khả năng bị ảnh hưởng, hành vi của một hoặc nhiều doanh nghiệp khai thác một cách lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường chung hoặc trên một phần của thị trường chung.

Mặc dù, chính sách cạnh tranh của EU không ngăn cản vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp. Song, nó lại thể hiện rất rõ quan điểm ngăn cản việc lạm dụng vị trí thống lĩnh như các hành vi bán dưới giá thành làm suy yếu đối thủ, hoặc các thỏa thuận cung cấp và phân phối độc quyền để loại bỏ đối thủ cạnh tranh…

Vấn đề sáp nhập doanh nghiệp có thể đưa đến sự ra đời một doanh nghiệp mới có vị trí thống lĩnh. Điều này có thể sẽ làm sai lệch thị trường và không bảo đảm cạnh tranh. Chính vì vậy, hành vi sáp nhập hay hợp nhất doanh nghiệp cũng là đối tượng quan tâm đặc biệt trong chính sách cạnh tranh của EU.

Ngay từ những năm 1990, chính sách cạnh tranh EU đã có bổ sung đối với vấn đề sáp nhập. Theo đó, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp có tổng doanh thu trên 5 tỷ euro chỉ được sáp nhập khi có sự phê chuẩn đồng ý của Ủy ban.

Một điểm quan trọng nữa, là kiểm soát trợ cấp nhà nước đối với doanh nghiệp. Theo đó, vấn đề này được quy định tại Điều 87 và 88 của Hiệp định Rome. Cụ thể, tất cả các biện pháp trợ cấp do các quốc gia thành viên thực hiện hoặc bằng cách sử dụng các nguồn lực của quốc gia đó dưới bất kỳ hình thức nào, trong chừng mực mà các biện pháp trợ cấp đó liên quan đến các giao dịch giữa các quốc gia thành viên, mà làm sai lệch hoặc đe dọa làm sai lệch cạnh tranh bằng việc hỗ trợ một nhóm doanh nghiệp hoặc một nhóm ngành nghề sản xuất thì bị coi là đi ngược với thị trường chung.

Trợ cấp của nhà nước có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như miễn hoặc giảm thuế đối với doanh nghiệp. Các quốc gia thành viên có thể trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước nhằm giúp họ đối mặt với cạnh tranh có thể đến từ các quốc gia còn lại.

Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong Liên minh và sẽ làm sai lệch cạnh tranh. Điều đặc biệt cần quan tâm là các công ty thuộc sở hữu nhà nước được trợ cấp để cạnh tranh với các đối thủ thuộc khu vực tư nhân. Trong các trường hợp này, Ủy ban có quyền ngăn cản hoặc buộc phải thu hồi các khoản trợ cấp.

Cơ quan chịu trách nhiệm chính thi hành chính sách cạnh tranh của EU là Ủy ban châu Âu. Các quốc gia thành viên trao cho Ủy ban vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một thị trường thống nhất và đấu tranh cho tự do hóa thương mại.

Trong việc thực thi chính sách cạnh tranh, Ủy ban đã thể hiện rất rõ vai trò này thông qua việc ngăn cản hoặc phê chuẩn việc sáp nhập doanh nghiệp hoặc các hoạt động điều tra trợ cấp nhà nước ở các quốc gia thành viên.

Luật cạnh tranh và chống độc quyền của Việt Nam

Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/ 2005. Đây được coi là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh giữa các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường.

Theo đó, Luật luật cạnh tranh 2004 là hành lang pháp lý quan trọng giúp tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Mặc dù đạt được một số thành tựu nhất định nhưng kết quả hơn 14 năm thi hành Luật Cạnh tranh 2004 không được như kỳ vọng. Số lượng vụ việc được điều tra và xử lý chưa nhiều, chưa phản ánh đúng thực tế cạnh tranh trên thị trường. Một trong số các nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định của Luật Cạnh tranh 2004 đã dần bộc lộ những hạn chế và bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia là điểm đặc biệt nhất trong Luật Cạnh tranh 2018

Nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập này, ngày 12/06/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi, bổ sung) năm 2018 (Luật Cạnh tranh 2018), có hiệu lực thi hành từ 01/07/2019 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật Cạnh tranh 2004.

Theo đó, Luật cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bất cứ một hành vi, một thỏa thuận hay một giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ VN hay ngoài lãnh thổ VN nhưng có khả năng tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường VN thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.

Ngoài ra, luật đã sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh. Đây là điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của Luật Cạnh tranh một cách toàn diện với tất cả chủ thể, của tổ chức, cá nhân mà thực hiện hành vi được coi là có tác động bất lợi đến cạnh tranh trên thị trường.

Điểm đặc biệt nhất có lẽ chính là luật quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan quản lý cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2004, bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện là Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh…

Một số gợi mở cho việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh của Việt Nam

Có thể thấy, pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền của Việt Nam theo thời gian đã dần được hoàn thiện. Song so với nhiều nước trên thế giới đặc biệt là Cộng đồng Châu Âu, pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong đó đặc biệt vấn đề chống độc quyền, mô hình tổ chức, hoạt động, thẩm quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh…

Do đó trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số, các hình thức kinh doanh nói chung và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng ngày càng phức tạp, đa dạng và khó đoán định.

Xây dựng cơ chế đảm bảo trong hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chỉ tuân theo pháp luật và hạn chế sự tác động của các cơ quan nhà nước vào quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh cũng là một nội dung rất đáng quan tâm. Để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động điều tra các vụ việc cạnh tranh, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới trong đó có EU trong vấn đề chống độc quyền, mô hình tổ chức hoạt động, cũng như thẩm quyền của Uỷ ban cạnh tranh quốc gia…

Văn Chiến - Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-diem-noi-bat-trong-chinh-sach-canh-tranh-chong-doc-quyen-cua-lien-minh-chau-au-va-mot-so-goi-mo-cho-viet-nam-a241418.html