Những cơ quan bí ẩn bậc nhất của Mỹ, Nga, Trung Quốc

(Pháp lý) - Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) hay GRU – cơ quan tình báo lớn nhất của quân đội Nga, hay CIA (cơ quan tình báo lớn nhất của Mỹ)… là những cơ quan bí ẩn bậc nhất của 3 cường quốc Mỹ - Nga – Trung. Bởi các cơ quan này đều thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền và lợi ích của đất nước. Chúng ta cùng tìm hiểu về những bí ẩn của các cơ quan đặc biệt này.

Bộ An ninh quốc gia: Cơ quan bí mật nhất Trung Quốc

Được xem là cơ quan bí ẩn nhất Trung Quốc (TQ), Bộ An ninh quốc gia (MSS) phụ trách các vấn đề an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền và lợi ích của TQ, cũng như thu thập thông tin tình báo trong và ngoài nước. Với mức độ “nhạy cảm” cao về bảo mật như vậy, MSS dĩ nhiên không có cổng thông tin chính thức.

Luật pháp TQ quy định MSS có những đặc quyền bắt hoặc giữ người giống cơ quan cảnh sát đối với các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MSS là thu thập thông tin tình báo nước ngoài. MSS được tổ chức thành nhiều cục, mỗi đơn vị được giao phó các nhiệm vụ khác nhau từ an ninh chính trị, tình báo nước ngoài đến tình báo phản gián. Theo một sơ đồ hệ thống hóa hoạt động của MSS được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu và tư vấn chiến lược quốc tế Stratfor vào năm 2010, cơ quan tình báo đầu não của TQ có 11 cơ quan trực thuộc cấp cục và một số tổng cục chuyên môn, cùng với đó là hai cơ sở nghiên cứu gồm Viện Quan hệ quốc tế đương đại, ĐH Quan hệ quốc tế Bắc Kinh và một trường dạy ngoại ngữ.

Luật Tình báo quốc gia được thông qua vào năm 2017 của TQ xác định ba cơ quan phụ trách công tác tình báo tại nước này là Bộ Công an, Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA) và MSS. Trong đó theo tờ South China Morning Post (SCMP), MSS được biết đến là cơ quan tình báo dân sự đầu não của nước này.

Ông Trần Văn Thành, Bộ trưởng An ninh quốc gia Trung Quốc, là một gương mặt hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Ảnh: SCMP
Ông Trần Văn Thành, Bộ trưởng An ninh quốc gia Trung Quốc, là một gương mặt hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Ảnh: SCMP)

Viết trên tạp chí National Interest vào năm 2015, ông Peter Mattis đánh giá vị trí của MSS trong cộng đồng tình báo TQ cho thấy cơ quan này sẽ ngày một đi sâu vào công tác tình báo nước ngoài. Các hoạt động của MSS sẽ hướng đến việc thu thập và phân tích các thông tin tình báo có liên hệ đến các diễn biến quốc tế, qua đó hỗ trợ cho các cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của TQ. Theo thông tin đăng tải trên trang mạng của tổ chức Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung (USCBC), MSS được cho là có trên 170 cơ quan tình báo tại hơn 50 quốc gia và khu vực trên thế giới.

MSS cũng là cơ quan chủ đạo của TQ trong mảng tình báo công nghệ, thu thập các thông tin bí mật công nghệ từ Mỹ và phương Tây. MSS thật sự là một đối thủ đáng gờm của cộng đồng tình báo Mỹ. Gần đây nhất, vào đầu tháng 1-2018, một cựu nhân viên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng bị FBI bắt giữ tại New York với cáo buộc có quan hệ với MSS từ năm 2010 đến nay. Người này tên là Jerry Chun Shing Lee, 53 tuổi, một người Mỹ gốc Hong Kong, được CIA tuyển dụng vào năm 1994 sau khi ngưng phục vụ trong quân đội Mỹ. Ông từng làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao tại châu Á và từng giữ một số vị trí tại trụ sở chính của CIA ở Virginia trước khi thôi việc vào năm 2007 và chuyển qua lĩnh vực điều tra tư nhân. FBI cho rằng các mối liên hệ của Lee với MSS đã đóng vai trò chủ đạo khiến mạng lưới tình báo của Mỹ tại TQ bị bại lộ, làm hàng chục công dân người TQ làm việc cho CIA bị bắt giam hoặc tử hình.

MSS cùng PLA và Bộ Công an TQ hợp thành bộ ba đảm trách công tác tình báo của nước này. Tờ SCMP dẫn lại thông tin từ một báo cáo tình báo tại Hạ viện Mỹ năm 2016 cho biết vai trò của Bộ Công an TQ trong hoạt động tình báo quốc nội và phản gián ngày càng tăng những năm gần đây. Hệ thống camera giám sát tại Bắc Kinh và nhiều TP lớn của TQ được kết nối với hệ thống nhận diện gương mặt và biển số xe do Bộ Công an TQ kiểm soát. Bên cạnh đó, cơ quan này còn xây dựng cơ sở dữ liệu toàn quốc cho phép theo dõi các nhân vật “đáng chú ý” khi họ di chuyển trên lãnh thổ TQ.

Trong khi đó, PLA được đánh giá là nhánh tình báo giàu nguồn lực nhất của TQ trong những năm qua. Các đơn vị tình báo của PLA bị tình báo Mỹ nghi đứng sau nhiều vụ xâm nhập mạng quy mô lớn. Ngoài ra, PLA còn có liên hệ với nhiều điệp viên vụ rò rỉ bí mật công nghệ tại Mỹ như nhà thầu quốc phòng Chi Mak năm 2007 bị cáo buộc bán công nghệ quốc phòng nhạy cảm cho TQ; hay đường dây do thám công nghệ quốc phòng của “doanh nhân” Kuo Tai-shen vào năm 2008.

Tuy nhiên, theo nhận định của Peter Mattis, các nhiệm vụ tình báo của PLA đang ngày một tập trung hơn vào “chiến tranh thông tin” và công nghệ quân sự. Trong khi đó, Bộ Công an TQ tập trung vào nhiệm vụ giám sát và phản gián. Những điều này khiến MSS ngày càng tăng vị thế trong cộng đồng tình báo TQ về nhiệm vụ hỗ trợ hoạch định chính sách dân sự trong các vấn đề quốc tế.

GRU - cơ quan tình báo lớn nhất của quân đội Nga

Cơ quan Tình báo Quân đội Nga sở hữu mạng lưới điệp viên rộng ở nước ngoài, có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh của nước Nga.

Trụ sở GRU tại thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: Wikimap.
Trụ sở GRU tại thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: Wikimap.)

Là một trong những cơ quan tình báo lâu đời nhất của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, GRU được thành lập năm 1920 với tên gọi Cục Điều phối Các cơ quan Tình báo quân đội. Tuy nhiên, vai trò của GRU thời điểm đó thường ít được biết tới, nhất là khi nó bị phủ bóng bởi Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB).

GRU thời đó được cho là phải chịu sự quản lý của KGB. "GRU không được phép tuyển mộ sĩ quan hoặc điệp viên mà chưa có sự cho phép của KGB, trong khi KGB có thể chủ động lấy thông tin từ sĩ quan GRU. Ngoài ra, KGB có thể phủ quyết việc triển khai nhân sự ở nước ngoài của GRU", sử gia John Barron viết trong một cuốn sách xuất bản năm 1974.

Sau khi Liên Xô tan rã, KGB bị giải tán, còn GRU được giữ lại nhưng bị cắt giảm đáng kể ngân sách hoạt động. Cơ quan này cũng bị chỉ trích gay gắt về tính hiệu quả trong cuộc chiến với Gruzia năm 2008, buộc GRU phải cải cách toàn diện, giảm số đơn vị từ 8 xuống 5, số nhân viên cũng chỉ còn khoảng 1.000 người.

Tuy nhiên, GRU đã có sự trở lại mạnh mẽ sau khi Tổng thống Vladimir Putin, một cựu sĩ quan tình báo, lên nắm quyền. "Họ đã hồi sinh vì Tổng thống Putin muốn có nhiều cơ quan tình báo cạnh tranh với nhau", một cựu điệp viên CIA từng hoạt động ở Nga cho biết.

"Với cá nhân ông Putin, GRU đã lập chiến công vang dội trong sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Sau thắng lợi này, GRU đã trở thành vũ khí bí mật ưa thích của Tổng thống Nga", Mark Galeotti, chuyên gia về các cơ quan an ninh Nga, cho biết.

GRU đến nay sở hữu số lượng lớn điệp viên với quy mô ngang ngửa Cục Tình báo Hải ngoại và tăng cường hoạt động ở nước ngoài. Chính quyền cựu tổng thống Barrack Obama năm 2016 đã áp đặt lệnh trừng phạt 4 sĩ quan cao cấp của GRU với cáo buộc tấn công email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và ông John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Hilary Clinton.

CIA - "Đại quản gia" của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ

Sử dụng tổng cộng 100.000 nhân viên vừa có dân thường vừa có quân nhân, chi phí hàng năm lên đến 40 tỉ USD, tình báo Mỹ nói chung là một thực thể khổng lồ dưới cái nhìn của các quốc gia khác. Ngân sách hàng năm dành cho CIA là 3,1 tỉ USD với nhân sự gồm 17.000 người.

CIA được thành lập năm 1947 hiện có trụ sở đóng tại Langley, tiểu bang Virginia. Sứ mệnh của CIA sau chiến tranh lạnh là hoạt động tình báo kinh tế tại khắp các quốc gia trên thế giới. CIA chia thành hai nhánh, một chuyên về các mật vụ, chuyên án, chiến dịch, nhánh còn lại chuyên về khoa học và kỹ thuật. Sau sự kiện 11/9/2001, CIA bị tước đi nhiều đặc ân. Trước đây, giám đốc CIA thường xuyên liên lạc và nói chuyện với tổng thống Mỹ thì nay John Negroponte, ông chủ của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, sẽ phụ trách điều này.

Dưới thời dẫn dắt của Michael Hayden, Giám đốc mới của CIA, Trung tâm cũng sẽ mất luôn chức năng phân tích thông tin mà chủ yếu tập trung cho những mật vụ và tuyển người nước ngoài.

Một cơ quan tình báo khác của Mỹ có tên NSA , cơ quan này còn có biệt danh “Kẻ thần bí” hay cơ quan không tồn tại, được thành lập từ năm 1952 và hiện đóng tại Fort Meade, tiểu bang Maryland. Công việc của NSA là phát hiện những nguy cơ phá hoại nhằm vào những lợi ích của Mỹ thông qua hệ thống “tình báo điện tử”. NSA sử dụng việc giải mã các tín hiệu điện tử, các cuộc nghe lén điện thoại và việc đọc các loại thư tín. Kẻ thần bí hoạt động dựa vào vô số vệ tinh quan sát công nghệ cao có thể nhìn rõ được cả biển số của một chiếc xe ôtô đang chạy. Chính NSA từng bị tố cáo tiến hành các chương trình nghe lén phi pháp. Hàng năm NSA được cấp 3,6 tỉ USD kinh phí hoạt động và sử dụng 21.000 nhân viên.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có cơ quan tình báo riêng có tên DIA . Được thành lập năm 1961, DIA, hiện đóng tại Lầu Năm Góc, có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo quân sự ở nước ngoài. DIA có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các đội quân của Mỹ đang thi hành các chiến dịch, cho các nhà lập kế hoạch và cho các cơ quan phụ trách mua bán vũ khí, đạn dược. Kinh phí hàng năm Quốc hội Mỹ duyệt cho DIA không hề được tiết lộ. Người ta chỉ biết rằng, DIA hiện sử dụng 7.500 nhân viên là quân nhân và dân sự trên khắp thế giới.

Một cơ quan tình báo khác - Cục điều tra liên bang ( FBI). FBI được thành lập năm 1908, sớm nhất trong tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, có trụ sở chính là tòa nhà Hoover Building, ở Washington. Từ sau các vụ khủng bố năm 2001, FBI được giao một nhiệm vụ mới, đó là thu thập và phân tích những thông tin tình báo tại Mỹ. Ngoài lãnh thổ nước Mỹ, FBI còn tham gia vào việc thu thập những thông tin liên quan tới các vụ điều tra về các vụ khủng bố. Sứ mệnh chính của FBI vẫn là giải quyết các vụ án hình sự liên bang xảy ra trên đất Mỹ.

Bộ An ninh nội địa (DHS) cũng được xác định là một cơ quan tình báo của Mỹ. Mới được thành lập đầu năm 2003, DHS được ra đời để khắc phục nhược điểm về sự không thống nhất giữa các cơ quan tình báo Mỹ. Do vậy, nhiệm vụ chính của DHS là tổng hợp và phân tích các nguồn tin đến từ các cơ quan tình báo khác nhau mà chủ yếu là từ CIA và FBI. Do số lượng công việc kiểu văn phòng như vậy, DHS đã phải sử dụng tới một số lượng công chức khổng lồ, 17.000 người.

Ngoài ra, ở Mỹ còn có các cơ quan tình báo khác như NRO ; INR ; DEA.

 Trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA
Trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA)

NRO, hay còn gọi là Cơ quan Trinh sát quốc gia, được thành lập tháng 8-1960 hiện đóng trụ sở tại Chantilly, bang Virginia. NRO quản lý toàn bộ các vệ tinh do thám của Mỹ. Chính cơ quan này sẽ phải cung cấp mọi hình ảnh chụp vệ tinh cho chính quyền Mỹ và tất cả các cơ quan tình báo khác khi có yêu cầu.

INR hay còn gọi là Văn phòng tình báo và nghiên cứu. Được thành lập (1946) ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, INR ngày nay là tai mắt của bà Condolezza Rice và đóng trụ sở tại ngay Bộ Ngoại giao Mỹ. Vì là một bộ phận thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, INR, chỉ bao gồm từ 150 đến 200 nhà phân tích, hàng năm phân tích gần 2 triệu báo cáo, đặc biệt là những báo cáo của các đại sứ Mỹ ở nước ngoài gửi về, sau đó cho ra 3.500 ghi chú và báo cáo khác bằng 36 thứ tiếng khác nhau. Bí mật nhưng nổi tiếng, INR là một trong số hiếm các cơ quan tình báo Mỹ thoát khỏi báo cáo và điều tra liên quan tới các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.

DEA - Lực lượng chống ma túy: Được thành lập từ năm 1973 và hiện đóng tại Arlington, bang Virginia, DEA có nhiệm vụ đấu tranh chống lại các mạng lưới buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển ma túy. DEA đặc biệt hoạt động tích cực tại các khu vực biên giới. DEA phối hợp với các cơ quan tình báo khác của Mỹ trong khuôn khổ điều tra các mạng lưới tài chính của bọn khủng bố thông qua các đường dây buôn lậu ma túy. Người của DEA còn phụ trách cả việc đào tạo các lực lượng chống ma túy cho các nước Mỹ Latinh. DEA sử dụng 11.000 nhân viên, với ngân sách 2 tỉ USD/năm.

Hà Trang (tổng hợp)

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-co-quan-bi-an-bac-nhat-cua-my-nga-trung-quoc-a193190.html