Những Công tố viên – “tử thần” của các quan tham

(Pháp lý) - “Tìm kiếm sự thật” và “phụng sự pháp luật” – đó là những nguyên tắc, kim chỉ nam trong hành động của các Công tố viên ở nhiều nước. Nhờ áp dụng triệt để nguyên tắc này, rất nhiều Công tố viên đã phanh phui tội phạm tham nhũng ra ánh sáng. Pháp lý xin giới thiệu về ba nhân vật Công tố viên – “nỗi khiếp sợ” của các quan tham.

Preet Bharara - Công tố viên “sát” chính trị gia Hoa Kỳ

Preet Bharara là một công tố viên liên bang nổi tiếng ở thành phố New York (còn gọi là Chưởng lý quận Nam New York, hay quận Manhattan). Ông xây dựng được uy tín từ thành tích phanh phui bê bối tham nhũng của rất nhiều quan chức ngân hàng lớn ở Phố Wall và cả chính quyền Hoa Kỳ. Ngoài thành tích chống tham nhũng, ông Bharara còn tạo được tiếng tăm khi đã truy tố thành công Fraisal Shahzad, kẻ âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010. Công tố viên này từng được nêu tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Time năm 2012. Trên Tạp chí này có nhận xét rằng: Công tố viên Brahaha luôn “tìm kiếm sự thật” và “phụng sự pháp luật, chứ không phải vì mục đích phe phái”.

Preet Bharara, công tố viên liên bang của thành phố New York vừa bị Donal Trump phế truất
Preet Bharara, công tố viên liên bang của thành phố New York vừa bị Donal Trump phế truất)

Trong lĩnh vực chống tham nhũng ở Hoa Kỳ, Preet Bharara được đánh giá là nhân vật “sát” chính trị gia khi nhiều lần có quyết định truy tố các quan chức chính trị cỡ bự trên chính trường Mỹ như: Chủ tịch Hạ viện Sheldon Silver, người bị buộc tội nhận 4 tỉ USD để giúp đỡ một nhà nghiên cứu bệnh ung thư và hai đại gia bất động sản; Lãnh đạo Đảng Cộng hòa Dean Skelos vì tội tham nhũng; Thị trưởng New York Bill De Blasio về việc gây quỹ không minh bạch… Trong vụ rò rỉ hồ sơ Panama vào đầu năm 2016 liên quan đến nhiều quan chức ngân hàng Phố Wall, chính ông Preet Bharara là người đã gửi thư đến Ủy ban các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) để yêu cầu cung cấp thêm thông tin nhằm hỗ trợ quá trình điều tra do ông trực tiếp thực hiện.

Đặc biệt vào tháng 8/2016, Chưởng lý quận Nam New York Preet Bharara là người dẫn đầu trong cuộc điều tra các “cáo buộc tham nhũng liên quan tới quỹ Clinton” do ứng viên TT Hilary Clinton điều hành. Cuộc điều tra này được thực hiện dựa trên sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Văn phòng Chưởng lý Mỹ, bất chấp trước đó chính quyền TT Obama bác bỏ các yêu cầu điều tra này từ 3 văn phòng FBI. Cuộc điều tra trên được đánh giá là đã ảnh hưởng lớn tới uy tín của bà Clinton và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sau đó.

Vào cuối năm 2016, Donald Trump đã yêu cầu Preet Bharara tiếp tục làm công tố viên trưởng ở Manhattan và ông chấp nhận lời đề nghị đó. Thế nhưng, ngày 11/3/2017 vừa qua, Tổng thống Donal Trump đã làm cả thế giới kinh ngạc khi quyết định sa thải ông Preet Bharara sau khi yêu cầu công tố viên này từ chức bất thành. Lệnh sa thải này của Donal Trump còn bao gồm 45 công tố viên khác được bổ nhiệm dưới thời cựu TT Obama. Đáng chú ý là trước đó, một số tổ chức phi chính phủ có cơ sở ở Mỹ đã yêu cầu ông Bharara điều tra xem liệu Donald Trump có nhận “tiền lót tay” hoặc lợi ích khác từ một số chính phủ nước ngoài thông qua lợi ích kinh doanh của gia đình Trump hay không. Nhiều tờ báo Mỹ đưa tin, sợ bị điều tra, Trump đã sa thải công tố viên nổi tiếng chống tham nhũng.

Ông Preet Bharara đã viết trên trang Twitter cá nhân của mình: “Tôi không từ chức. Tôi vừa bị sa thải cách đây vài phút. Được làm công tố viên ở khu vực Nam New York sẽ mãi là niềm vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp của tôi”

Công tố viên Park Young Soo – “tử thần” của các Chaebol Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, có một công tố viên được xem là “tử thần” của các Chaebol (giới tài phiệt Hàn Quốc). Đó là ông Park Young Soo, vị công tố viên 65 tuổi đứng đầu nhóm công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối tham nhũng của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

Ông Park sinh năm 1952 tại hòn đảo Jeju, từng tốt nghiệp Đại học quốc gia Seoul chuyên ngành tâm lý học, sau đó lấy bằng thạc sỹ khoa luật tại Đại học Hàn Quốc. Ông bắt đầu sự nghiệp năm 1983 trong văn phòng công tố viên của thành phố Seoul và làm công tố viên vào năm 1987. Ông được thăng chức lên làm Viện trưởng Viện Kiểm sát cao cấp của Seoul trước khi về hưu vào năm 2009. Sau đó, ông chuyển sang làm luật sư tư.

Thành tích chống tham nhũng của ông được nhắc đến trong nhiều vụ việc nổi bật: Khi làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp cao Seoul vào năm 2002, ông Park từng đảm trách công tác điều tra vụ gian lận báo cáo tài chính của tập đoàn SK, đưa lãnh đạo tập đoàn này ra xét xử trước pháp luật. Tiếp đó, vào năm 2005, ông Park đã khởi tố bắt giam Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai Chung Mong Koo trong vụ quỹ đen của tập đoàn này. Ông cũng đã làm sáng tỏ nghi ngờ ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc (KEB) được bán lại cho quỹ Lone Star của Mỹ với giá rẻ...

Park Young Soo – “tử thần” của các Chaebol Hàn Quốc.
Park Young Soo – “tử thần” của các Chaebol Hàn Quốc.)

Thế giới đặc biệt chú ý đến ông Park Young Soo bắt đầu từ sự kiện bê bối tham nhũng liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Vào ngày 14/11/2016, Chính giới Hàn Quốc đã đạt được nhất trí toàn diện về Luật công tố viên, theo đó một bản danh sách tiến cử ứng cử viên công tố viên đặc biệt từ phe đối lập được đưa ra trong đó có Luật sư Park Young Soo, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp cao Seoul. Ngay sau đó vào ngày 30/11, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã bổ nhiệm ông Park Young Soo làm công tố viên đặc biệt điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan tới người bạn thân Choi Soon Sil. Đáng chú ý là ngay sau đó, chính vị Công tố viên này đã thành lập tổ điều tra gồm 105 thành viên, truy tìm bằng chứng liên quan đến cáo buộc tham nhũng của Tổng thống và bắt giữ nhiều nhân vật thân tín của bà.

Liên quan đến bê bối của Tổng thống Park Geun Hye, vị Công tố viên này đã và đang điều tra 30 nghi can. Trong số đó thì tỷ phú Lee Jae Yong (Jay Y. Lee), Phó chủ tịch và là người lãnh đạo trên thực tế của tập đoàn công nghệ Samsung đã bị truy tố và xét xử vì tội hối lộ và 4 tội danh khác. Việc đưa người thừa kế đế chế kinh doanh 238 tỷ USD vào nhà giam được xem là “thành tích” đáng nể nhất của vị công tố viên.

Đến nay, khi bà Park Geun Hye đã bị phế truất, nhóm công tố viên đặc biệt do ông Park Young Soo đứng đầu đang tiếp tục hoàn tất điều tra để có thể truy tố ra trước tòa. Liệu bà Park Geun Hye có bị truy tố và đưa ra xét xử hay không, phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của nhân vật “tử thần” này.

Tổng Công tố Rodrigo Janot: Nỗi khiếp sợ của các chính trị gia Brazil

“Danh sách Janot” là tên gọi của bản danh sách điều tra hơn 100 chính trị gia hàng đầu của Brazil dính líu đến bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil (Petrobras) và bê bối tham nhũng ở một số lĩnh vực khác. Tại sao bản danh sách này lại có tên gọi như vậy? Đó là cách gọi theo tên của vị Tổng Công tố Rodrigo Janot – nỗi “khiếp sợ” của các tội phạm tham nhũng nói chung và của các chính trị gia dính phải bê bối tài chính nói riêng tại Brazil.

Vụ tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3/2014, gây chấn động chính trường Brazil sau khi cựu Giám đốc bộ phận cung ứng của tập đoàn Paulo Roberto Costa, khai báo đã nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của Brazil là đối tác của Petrobras cấu kết thành lập. Thời điểm đó, hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng. Theo cảnh sát Brazil, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD để hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras.

Tân Ngoại trưởng Aloysio Nunes (trái) và đương kim Tổng thống Brazil Michel Temer, rất có thể cùng có tên trong “danh sách Janot” của vị Tổng công tố nổi tiếng Brazil.
Tân Ngoại trưởng Aloysio Nunes (trái) và đương kim Tổng thống Brazil Michel Temer, rất có thể cùng có tên trong “danh sách Janot” của vị Tổng công tố nổi tiếng Brazil.)

Quá trình điều tra, xử lý vụ bê bối tham nhũng này gắn liền với tên tuổi của Tổng công tố liên bang Rodrigo Janot khi đến nay (vào tháng 3/2017) ông Janot đã yêu cầu điều tra hơn 210 người trong đó có trên 100 chính trị gia bao gồm 9 bộ trưởng của nội các, hàng chục nghị sĩ của lưỡng viện Quốc hội, nhiều cựu thống đốc. Đặc biệt trong số 9 bộ trưởng bị điều tra, có tân Ngoại trưởng Aloysio Nunes, người vừa được Tổng thống Michel Temer bổ nhiệm. Ngoài ra, cựu Tổng thống Dilma Rousseff và Lula da Silva cũng nằm trong số chính trị gia bị ông Janot gọi hỏi. “Danh sách Janot” được đưa ra dựa trên thỏa thuận do 77 cựu lãnh đạo của tập đoàn Odebrecht ký kết, cam kết cung cấp nhiều manh mối của đường dây nhận hối lộ để đổi lấy khoan hồng.

Trước đó, trong năm 2015, 2016 khá nhiều “chính khách” đã bị điều tra xuất phát từ yêu cầu của Tổng Công tố Rodrigo Janot: Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha với cáo buộc đã nhận hối lộ ít nhất 5 triệu USD, sự việc đã dẫn đến ông này bị đình chỉ chức; Thượng nghị sỹ Aecio Neves, Chủ tịch đảng Xã hội dân chủ (PSDB) đối lập, với cáo buộc tham nhũng, nhận nhiều khoản tài chính phi pháp từ Petrobras để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của PSDB; một số thành viên của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD), bị tình nghi nhận hối lộ trong thời gian xây dựng đập thủy điện Belo Monte thuộc bang Para, trong đó có thủ lĩnh PMDB tại Thượng viện, Nghị sỹ Renan Calheiros…

Đáng chú ý là vào tháng 5/2016, nữ tổng thống Brazil khi đó là bà Dilma Rousseff đã bị Tổng công tố Janot yêu cầu Tòa án Tối cao mở cuộc điều tra do liên quan đến vụ tham nhũng Petrobras. Hậu quả của vụ điều tra khiến bà Dilma chính thức trở thành cựu tổng thống sau khi bị thượng viện Brazil phế truất vào cuối tháng 8/2016.

Tổng thống đương nhiệm Michel Temer (lên thay bà Dilma Rousefff) cũng không “qua mặt” được ông Janot khi vào tháng 11 năm ngoái, ông Temer bị Tòa án Brazil mở cuộc điều tra về việc nhận tiền quyên góp từ một công ty liên quan đến bê bối tham nhũng sau cáo buộc của Tổng công tố Janot. Đáng lo ngại hơn khi hiện tại, đương kim Tổng thống Michel Temer đang đứng trước nguy cơ bị phế truất do những cáo buộc có liên quan tới việc ông nhận tiền bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm 2014. Cáo buộc này có được sau lời khai của cựu Chủ tịch tập đoàn xây dựng Odebrecht, ông Marcelo Odebrecht, người đã bị kết án 19 tháng tù giam trong vụ bê bối khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Báo chí Brazil cho rằng, mặc dù hiện tại, danh sách cụ thể của những chính trị gia nằm trong diện tình nghi đang được giữ bí mật. nhưng rất có thể ông Michel Temer đã có tên trong bản “Danh sách Janot” đầy uy lực đó.

Tuệ Tuệ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-cong-to-vien-tu-than-cua-cac-quan-tham-a164694.html