Sẽ có cơ chế “xử” quan chức giàu bất thường

“Chống tham nhũng mà cứ giấu giếm, không minh bạch thì làm sao phòng, chống được” - Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt.

[caption id="attachment_143496" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.[/caption]

Hiện dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang được lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện. P.V đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục PCTN (Thanh tra Chính phủ), ông Phạm Trọng Đạt(ảnh), liên quan đến một số vấn đề của dự thảo sửa đổi luật này.

Có cơ chế buộc phải minh bạch

Thưa ông, tinh thần là Luật PCTN sửa đổi có những điểm mới nào đáng chú ý?

Ông Phạm Trọng Đạt: Luật PCTN hiện hành có những vấn đề chưa được cụ thể. Luật PCTN tới đây sẽ quy định một cách hết sức cụ thể, nhất là đối với các nội dung liên quan đến minh bạch. Luật hiện hành có hơn 20 lĩnh vực buộc phải minh bạch nhưng thực tế thì chưa được tốt lắm. Trong khi đó có minh bạch thì mới giải quyết được nạn tham nhũng, còn nếu cứ giấu giếm thì ai giám sát, ai kiểm tra được.

Thứ hai là vấn đề diện kê khai tài sản rộng hay hẹp? Đây là một vấn đề được đặt ra ở luật sửa đổi tới đây. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề lớn hơn là phải làm sao để giám sát được tài sản của quan chức, làm sao để kê khai phải đảm bảo tính trung thực mới đạt được hiệu quả phòng ngừa tham nhũng.

Nói tóm lại, trên cơ sở tổng kết 10 năm việc thực hiện Luật PCTN, luật sửa đổi tới đây sẽ cụ thể hơn. Tuy nhiên, Luật PCTN cũng chỉ mang tính nguyên tắc. Vấn đề ở đây là cùng với việc sửa đổi Luật PCTN thì những luật khác liên quan cũng cần có sự sửa đổi một cách hết sức đồng bộ các chế tài liên quan thì mới giải quyết được vấn đề. Ví dụ như Luật Đầu tư, đấu thầu, đất đai… đều phải được sửa lại để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Giám sát tài sản biến động bất thường

Gần đây nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc phải có cơ chế kiểm tra, giám sát sự biến động tài sản bất thường của quan chức. Luật PCTN sửa đổi tới đây sẽ điều chỉnh vấn đề này thế nào?

Trước hết phải quản lý, giám sát được tài sản biến động của quan chức. Muốn thế phải có cơ chế đảm bảo sự trung thực của việc kê khai tài sản đối với mỗi quan chức. Sau đó phải có cơ chế giải quyết việc biến động tài sản giàu một cách bất thường. Trong trường hợp người có tài sản giàu bất thường nhưng không chứng minh được nguồn gốc thì phải tiến hành thu hồi theo các quy định của pháp luật.

[caption id="attachment_143497" align="aligncenter" width="410"] Minh bạch và giám sát được tài sản của quan chức thì mới giải quyết được nạn tham nhũng. Ảnh minh họa: HTD
Minh bạch và giám sát được tài sản của quan chức thì mới giải quyết được nạn tham nhũng. Ảnh minh họa: HTD[/caption]

Rõ ràng hiện nay mình chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản biến động bất thường, vì thế việc thu hồi tài sản bất thường đó còn gặp nhiều khó khăn. Quan trọng nhất ở đây là khi phát hiện rồi thì phải được giám sát, quản lý cụ thể thì mới xử lý được. Nếu là tài sản tham nhũng thì phải tiến hành kê biên, tịch thu và đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, khách quan.

Những nội dung này sẽ được quy định trong Luật PCTN sửa đổi tới đây.

Khắc phục tình trạng phát hiện nhiều, xử lý kém

Dư luận lâu nay khá bức xúc trước tình trạng xử lý các vụ án tham nhũng theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Tình trạng này được khắc phục ở dự thảo Luật PCTN sửa đổi như thế nào?

Một trong những yếu tố phòng ngừa tham nhũng, PCTN phải được phát hiện sớm các vụ việc, hành vi tham nhũng, kịp thời xử lý. Đặc biệt việc phát hiện tham nhũng ở mức độ nào thì phải được xử lý ở mức đó theo pháp luật, kiểu phát hiện rất nhiều mà xử lý rất kém thì không thể được.

Trong Luật PCTN tới đây phải được đưa vào quy định phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Và đối với những người đứng đầu buộc phải thực hiện được điều này theo các quy định trong Luật PCTN để nâng cao hiệu quả PCTN. Trách nhiệm của người đứng đầu là phải có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh và không có chuyện xử lý trách nhiệm chung chung dẫn đến hiệu quả không đến đâu như thời gian qua.

Vậy trong luật sửa đổi tới đây, trường hợp cấp dưới lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tham nhũng thì trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được xử lý ra sao?

Thứ nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt và có nhiều giải pháp để thực hiện việc PCTN tại cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp người ta thực hiện hết các quy định rồi nhưng tham nhũng vẫn xảy ra thì phải xét một cách cụ thể ở mức độ nào.

Luật PCTN sửa đổi tới đây sẽ quy định một cách cụ thể các trách nhiệm liên quan của người đứng đầu. Nếu sai phạm để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị của mình thì phải được xử lý nghiêm minh.

Giấu giếm dân thì sao mà chống tham nhũng

Một khi luật đã sửa đổi giải quyết được những bất cập phát sinh trong thực tế rồi thì phải triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ để tất cả điều luật được sửa đổi phải đi vào thực tế.

Quan trọng nhất theo tôi là các nội dung liên quan đến minh bạch phải được minh bạch tối đa, thực sự. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nếu thiếu sự minh bạch, giấu giếm thì công tác PCTN đều khó đạt hiệu quả hạn chế.

Chúng ta phải minh bạch thì dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Giờ mà cứ giấu giếm, không cho dân biết thì làm sao mà PCTN tốt được.

Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt

 

Theo Bizlive

Link nội dung: https://phaply.net.vn/se-co-co-che-xu-quan-chuc-giau-bat-thuong-a143495.html