Phòng, chống tham nhũng trong mua sắm thiết bị y tế phòng dịch: Kinh nghiệm của một số nước và tham khảo cho Việt Nam

14/07/2021 11:19

(Pháp Lý) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế- xã hội thường nhật bị trì trệ, “đóng băng” và chuyển từ trạng thái động sang tĩnh. Đối ngược với trạng thái “đóng băng” này, thì ở phía bên kia câu chuyện là “sức nóng” của quá trình vận hành khẩn trương, nhanh chóng về nhu cầu sản xuất, mua bán trao đổi vaccine, trang thiết bị y tế giữa các nước, các doanh nghiệp, các tập đoàn xuyên/đa quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phòng chống dịch Covid-19. Các hoạt động này không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực tham nhũng. Chính vì vậy, nhiều nước đã có những cảnh báo và đưa ra các biện pháp phòng chống mạnh mẽ.

Tham nhũng thiết bị y tế ở một số quốc gia trên thế giới     

Mới đây theo hãng tin AFP, xuất hiện một hợp đồng mua bán có dấu hiệu không bình thường khi một công ty ở Singapore đã gửi thanh toán cho Brazil 45 triệu USD để mua loại vaccine Covid-19 của Ấn Độ, nhưng hiện vẫn chưa được chuyển tới. Theo lời khẳng định của ông Luis Ricardo Miranda - người đã ra làm chứng hôm 25/6 trước ủy ban của Thượng viện điều tra việc xử lý đại dịch của Chính phủ, ông cho rằng vấn đề này đang là “bất bình thường”.

Sự việc sau đó đã tạo ra một làn sóng biểu tình vô cùng mạnh mẽ của hàng chục nghìn người dân Brazil, họ đổ ra đường ở hơn 40 thành phố, yêu cầu Chính phủ nước này phải luận tội Tổng thống Jair Bolsonaro, sau khi Thẩm phán Tòa Tối cao cho phép điều tra hình sự đối với phản ứng của ông trước những cáo buộc trong vụ tham nhũng liên quan đến hợp đồng vaccine đang bị điều tra.
Nhức nhối nạn tham nhũng trong bối cảnh đại dịch là câu chuyện không của riêng một quốc gia nào, hiện trạng này đang xảy ra ở nhiều nơi trên toàn cầu: Tại Đức, theo báo cáo mới đây về các hình thức tham nhũng vặt, nhiều cá nhân là nhân viên y tế đã lợi dụng nhiệm vụ để đi từng nhà trong các khu dân cư ở Berlin nhằm cung cấp giá của bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, trong khi điều này là chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý; 

image001-1626236324.jpg

Tham nhũng trong lĩnh vực cung cấp dược phẩm là một vấn nạn với nhiều quốc gia (Ảnh: Wall Street Journal)

Ở Na Uy, một số bác sĩ bị cáo buộc đã vi phạm các hướng dẫn của cơ quan dược phẩm Nhà nước về việc ban hành và phân bổ các loại thuốc có thể giúp chống lại Covid-19, họ đã bí mật “tuồn” các đơn thuốc về cho gia đình và bạn bè của mình; 

Tại Châu Phi, dịch bệnh bùng phát đã tạo cơ hội cho những đối tượng với sự đồng lõa của các quan chức Chính phủ nhằm lừa đảo người dân trong việc cung cấp các thông tin về thiết bị y tế, ở một số quốc gia như Cameroon và Uganda đã xảy ra trường hợp công dân trốn tránh việc kiểm dịch bằng cách hối lộ quan chức để được về nước mà không phải trải qua thời gian cách ly y tế.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), khoảng 10 - 25% tổng số tiền chi cho mua sắm trên toàn cầu bị mất vào tay tham nhũng. Ở Liên minh Châu Âu (EU) có đến 28% các vụ tham nhũng y tế liên quan đặc biệt đến việc mua sắm thiết bị y tế.

Những “con sâu” ngành y tranh thủ đục khoét ngân sách của quốc gia không còn là chuyện quốc tế “xa tít tắp”, ngay tại Việt Nam trong thời gian qua đã xuất hiện những vụ án về tham nhũng vật tư y tế gây rúng dộng dư luận, điển hình nhất là vụ thông đồng, nâng "khống" giá máy xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội). Không chỉ có vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, thời gian qua, cơ quan điều tra đã và đang điều tra nhiều tỉnh thành khác liên quan nâng "khống" giá thiết bị y tế... 

Một số khuyến nghị của quốc tế 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế- xã hội thường nhật bị trì trệ, “đóng băng” và chuyển từ trạng thái động sang tĩnh. Đối ngược với trạng thái “đóng băng” này, thì ở phía bên kia câu chuyện là “sức nóng” của quá trình vận hành khẩn trương, nhanh chóng về nhu cầu sản xuất, mua bán trao đổi vaccine, trang thiết bị y tế giữa các nước, các doanh nghiệp, các tập đoàn xuyên/đa quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, phòng chống dịch Covid-19. Các hoạt động này không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực tham nhũng. Chính vì vậy, nhiều nước đã có những cảnh báo và đưa ra các biện pháp phòng chống mạnh mẽ

Tại Ấn Độ, Chính phủ đã phản ứng với vấn nạn tham nhũng thiết bị y tế bằng cách thiết lập một đường dây nóng để người dân báo cáo các mặt hàng được bán cao hơn giá bán lẻ khuyến nghị. 

Ở Hoa Kỳ, Chính phủ đang có những bước tiến quan trọng trong việc loại bỏ danh sách các giá thành vật tư y tế bị thổi phồng, họ đã ngăn chặn hành vi trục lợi phi đạo đức bằng việc công khai, minh bạch các thông tin về loại thuốc, loại thiết bị nào có nguy cơ sẽ bị thiếu hụt để hệ thống có thể dự kiến được những phương án (chẳng hạn như tìm nhà sản xuất thay thế). 

Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, các Chính phủ cần có các cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn về các lỗ hổng trong hệ thống y tế khiến chúng dễ có nguy cơ tham nhũng, như: kêu gọi Chính phủ hành động minh bạch để cải thiện việc mua sắm thuốc và vaccine cứu người bằng việc thúc đẩy công khai các hợp đồng mua bán, ngăn chặn tình trạng “thổi” giá thuốc và vật tư y tế. Ngoài ra, Nhà nước cần phải bảo vệ người tố cáo và gia đình họ trong tố cáo các vụ án hối lộ, tham nhũng thiết bị y tế.

Hay hiện nay, cách tiếp cận liên ngành đang là một một xu thế khá phổ biến để chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Đó là việc các chuyên gia trong hai ngành: y tế và phòng, chống tham nhũng thảo luận, chia sẻ các vấn đề về chuyên môn của nhau, từ đó cùng làm việc để xây dựng các giải pháp phù hợp ngăn chặn tiền bạc và tài sản ngân sách Nhà nước bị thất thoát. 

Đối với các cơ quan tư pháp hình sự, một vài khuyến cáo được các tổ chức quốc tế đưa ra, đó là cần có những cảnh báo về tình trạng tham nhũng trong các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường niên; chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực để sẵn sàng khởi động các cuộc điều tra đối với nhóm đối tượng lợi dụng chức vụ để trục lợi từ tình hình dịch bệnh.

Việc áp dụng lăng kính chuẩn mực xã hội được một số quốc gia (như Na Uy) coi là biện pháp khả thi có thể phòng, chống tham nhũng: Nhân viên y tế - cũng như các quan chức Nhà nước nói chung - sẽ phải chịu áp lực xã hội rộng rãi từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Những áp lực này có thể mang tính hệ thống xuất phát từ các chuẩn mực xã hội như: các bài đánh giá về thái độ, về tham nhũng và trình bày các hiểu biết về chúng; sự hiện diện của các biện pháp trừng phạt xã hội nếu như cá nhân vi phạm… Tuy nhiên để có thể thực hiện được giải pháp này, cần hết sức thận trọng trong việc đánh giá mức độ tương xứng của việc áp dụng lăng kính chuẩn mực xã hội với nguy cơ vi phạm quyền con người của cá nhân trong cộng đồng. 

Và một thiết chế vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các hành vi “ăn chặn” ngân sách Nhà nước được các tổ chức quốc tế khuyến nghị là vai trò giám sát và phản biện của người dân. Họ có thể cung cấp phản hồi thông qua hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng về các vấn đề như thanh toán tiền thuốc, các gói hỗ trợ điều trị bệnh, chi phí khám chữa bệnh…

Kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Có thể thấy, Việt Nam đã quy định hệ thống pháp luật tương đối phong phú để trừng trị những hành vi liên quan đến tham nhũng, hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản . Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn một số bất cập nhất định . Do đó một số khuyến nghị quốc tế về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực thiết bị y tế, có thể được xem xét tham khảo như: Bộ Y tế cần thiết lập đường dây nóng để người dân phản hồi các mặt hàng được bán cao hơn giá bán lẻ khuyến nghị; công khai, minh bạch về giá cả cũng như nguồn cung ứng tương lai của các loại thuốc và trang thiết bị y tế; Chính phủ và Bộ Y tế cần có những cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn về lỗ hổng trong hệ thống y tế khiến dễ nảy sinh nguy cơ tham nhũng và lắng nghe ý kiến của người dân về các giải pháp phòng, chống tham nhũng; cách tiếp cận liên ngành giữa các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và phòng, chống tham nhũng là một giải pháp khả thi trước mắt cần được xem xét đến.

Vũ Thủy
 

Bạn đang đọc bài viết "Phòng, chống tham nhũng trong mua sắm thiết bị y tế phòng dịch: Kinh nghiệm của một số nước và tham khảo cho Việt Nam" tại chuyên mục Kinh nghiệm pháp lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin