Phó Thủ tướng Lê Minh Khái 'đặt hàng' Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

22/01/2022 06:57

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

41-1642809337.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Thương

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh điều này khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chiều 21/1.

Bảo đảm thị trường tài chính phát triển ổn định

Báo cáo của Ủy ban cho biết, trong năm 2021, Ủy ban đã có nhiều báo cáo tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và giám sát chung thị trường tài chính, góp phần bảo đảm thị trường tài chính phát triển ổn định, đóng góp vào việc duy trì ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, ngay từ đầu năm, Ủy ban đã kiến nghị sớm công bố lộ trình tiêm vaccine và kế hoạch mở cửa nền kinh tế, đồng thời sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế mới với quy mô lớn hơn và thời gian hỗ trợ đủ dài, tập trung vào các đối tượng cụ thể, xây dựng các tiêu chí ưu tiên hỗ trợ nhằm duy trì và tạo việc làm,  bảo đảm an sinh xã hội và gia tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia cùng các bộ, ngành xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban đã phát hành Báo cáo một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 gửi lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành liên quan để tham khảo,…

42-1642809337.jpg
Ủy ban đã có nhiều báo cáo tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và giám sát chung thị trường tài chính, góp phần bảo đảm thị trường tài chính phát triển ổn định - Ảnh: VGP/Quang Thương

Về công tác giám sát thị trường tài chính, Ủy ban đã kịp thời đánh giá, cảnh báo những yếu tố rủi ro có thể tác động đến an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, cảnh báo rủi ro trên thị trường chứng khoán; đánh giá và cảnh báo một số vấn đề trong lĩnh vực bảo hiểm…

Qua đó, Ủy ban đã đề xuất nhiều giải pháp, chính sách góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng như: Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh; giám sát chặt hoạt động cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản; tăng cường giám sát các cổ phiếu biến động bất thường không gắn với kết quả kinh doanh; kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu;…

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đạt được những kết quả quan trọng trong công tác điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính; xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, định hướng phát triển thị trường tài chính; tham gia ý kiến vào các đề án, báo cáo do các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo; xây dựng, vận hành và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin giám sát tài chính quốc gia,…

Phát huy kết quả đạt được, năm 2022 Ủy ban sẽ tiếp tục quán triệt và tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã được xây dựng; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phân tích, đánh giá tác động, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đối với thị trường tài chính; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giám sát; hoàn thiện, cải tiến hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tài chính quốc gia;…

43-1642809337.jpg
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Ảnh: VGP/Quang Thương

Chính phủ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tham luận của đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ủy ban, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chúc mừng, đánh giá cao và biểu dương những kết quả Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đạt được trong năm 2021.

Khái quát tình hình kinh tế-xã hội của đất nước năm 2021, Phó Thủ tướng cho biết trong hoàn cảnh khó khăn do tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, cả hệ thống chính trị đã chung sức đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả rất quan trọng.

Phó Thủ tướng đánh giá, trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia qua công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan điều hành chính sách kinh tế, tài chính vĩ mô, giám sát bảo đảm  sự ổn định và an toàn hệ thống tài chính.

Về triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đây là năm được dự báo là bên cạnh những thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội thì vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn. Theo các dự báo, đánh giá của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ,… dự kiến khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là thuận lợi, tác động tới diễn biến của nền kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực tài chính.

Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

44-1642809337.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Ảnh: VGP/Quang Thương

Theo dõi sát sao, phản ứng kịp thời

Bày tỏ đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia năm 2022 nêu tại báo cáo và một số ý kiến tham luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nội dung sau:

Ủy ban cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, chủ động hơn nữa trong việc phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô, cũng như tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính, kịp thời tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ.

"Thị trường tài chính rất nhạy cảm, cần theo dõi sát sao, phân tích đánh giá kỹ lưỡng để có phản ứng chính sách kịp thời", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về công tác tổ chức cán bộ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, trải qua gần 15 năm hoạt động, Ủy ban cần tiến hành tổng kết đánh giá việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao trong những năm qua; phân tích, chỉ rõ những việc đã thực hiện tốt, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp kiện toàn mô hình hoạt động thực sự phù hợp, hiệu quả.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố con người, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Ủy ban hết sức quan tâm đến công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ công chức của Ủy ban đủ đức, đủ tài; chuyên sâu về nghiệp vụ, nắm chắc chính sách, nhạy bén với tình hình thực tiễn.

45-1642809337.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái "đặt hàng" Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá các cơ chế, chính sách về thị trường tài chính quốc gia và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế để thị trường tài chính quốc gia phát triển ổn định, hiệu quả - Ảnh: VGP/Quang Thương

Hoàn thiện chính sách về thị trường tài chính quốc gia

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2022, Phó Thủ tướng  Lê Minh Khái "đặt hàng" Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cần "mạnh dạn nâng cao hơn một mức", tiến hành đánh giá các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường tài chính quốc gia, để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho thị trường tài chính quốc gia phát triển ổn định, hiệu quả.

"Đây là nhiệm vụ rất quan trọng!", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban tiếp tục theo dõi chặt chẽ các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô… Việc giám sát phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hết sức nhạy bén, kịp thời, linh hoạt.

Đồng thời, Ủy ban cần tăng cường phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, xây dựng các báo cáo sát, đúng tình hình để tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo chỉ đạo điều hành.

Về một số kiến nghị của Ủy ban, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ, ngành, cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết; những đề xuất vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3 của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia./.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/pho-thu-tuong-le-minh-khai-dat-hang-uy-ban-giam-sat-tai-chinh-quoc-gia-102220121175406948.htm

Bạn đang đọc bài viết "Phó Thủ tướng Lê Minh Khái 'đặt hàng' Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin