Pháp luật nhiều nước trên thế giới có hình phạt rất nghiêm khắc đối với tội “Đầu cơ”

03/11/2020 09:54

(Pháp lý) - Tại Ấn Độ, Đạo luật Hàng hóa thiết yếu (Essential Commodities Act) quy định đối với những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc, nhiên liệu … trong bối cảnh ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, cần thiết để duy trì hoặc tăng nguồn cung của bất kỳ hàng hóa thiết yếu nào hoặc để đảm bảo phân phối công bằng và ở mức giá hợp lý, nếu trường hợp nào vi phạm sẽ bị tịch thu và bị trừng phạt với hình phạt tù có thời hạn không dưới 3 tháng, có thể kéo dài đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền, cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định.

Còn tại Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội". Mức xử lý có thể là phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa

Việt Nam xử phạt tù đến 15 năm đối với hành vi“đầu cơ” các thuốc phục vụ phòng dịch
Trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp, nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết thì hành vi găm hàng, gom hàng thuốc phòng dịch, có yếu tố thu lợi bất chính là vi phạm đạo đức kinh doanh và là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Pháp lý, Luật sư Đăng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 31 Luật Dược đã quy định rõ nghĩa vụ của người hành nghề dược là tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược; chấp hành quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa.

Theo điểm l khoản 1 Điều 15 Luật Giá 2012 và điểm l khoản 1 Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ thì thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật là mặt hàng bình ổn giá.

Đặc biệt, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: nếu có căn cứ xác định hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh covid19 để mua vét hàng hóa là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật (là danh mục mặt hàng bình ổn giá) nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đầu cơ” theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm.

Luật sư Đăng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Pháp luật nhiều nước trên thế giới có hình phạt rất nghiêm khắc

Tại Ấn Độ, Đạo luật Hàng hóa thiết yếu (Essential Commodities Act) được ban hành năm 1995, theo đó đối với những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc, nhiên liệu … trong bối cảnh ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, Chính phủ Trung ương cho rằng cần thiết để duy trì hoặc tăng nguồn cung của bất kỳ hàng hóa thiết yếu nào hoặc để đảm bảo phân phối công bằng và sẵn có ở mức giá hợp lý, Chính phủ Trung ương sẽ ra một thông báo.

Theo đó cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu sẽ bán toàn bộ hoặc một phần xác định số lượng nắm giữ trong kho hoặc được sản xuất … với giá hợp lý theo quy định của Chính phủ. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị tịch thu và bị trừng phạt với hình phạt tù có thời hạn không dưới 3 tháng, có thể kéo dài đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền, cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định.

Còn tại Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội".

Tại 34 trên tổng số 51 bang và đặc khu, hành vi nâng giá cơ hội khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp bị pháp luật coi là vi phạm Luật chống hành vi thương mại bất công hoặc lừa dối. Mức xử lý có thể là phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức giá "quá cao" hoặc "vô lương tâm" thường được xác định bằng cách so sánh mức giá trung bình tại vùng bị ảnh hưởng với mức giá trong khoảng thời gian nhất định trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Nếu giá hiện tại cao hơn 10-15% (một số bang có mức trần cao hơn), người bán sẽ bị coi là có hành vi nâng giá cơ hội.

Ví dụ, Điều 50-6,106 của luật chung bang Kansas quy định người cung cấp "hàng hóa hoặc dịch vụ thiết yếu" với giá bán cao hơn 25% so với giá trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố có thể bị phạt 10.000 USD với mỗi lần vi phạm. Trong đó, "tình trạng khẩn cấp" được hiểu là khoảng thời gian được quyết định dựa trên công bố của Tổng thống hoặc Thống đốc bang khi có thảm họa hoặc thiên tai như bão, lốc xoáy, động đất, bạo loạn, hoặc các tình thế cực kỳ nguy hiểm khác.

Trong các bang có luật chống nâng giá cơ hội, Oklahoma và Louisiana là hai bang có mức phạt nặng nhất. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 10 năm tù, nếu hành vi nâng giá cơ hội gây hậu quả nghiêm trọng (như có người chết).

Tại Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội".

Trong các bang của Mỹ có Luật Chống nâng giá cơ hội, Oklahoma và Louisiana là hai bang có mức phạt nặng nhất. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 10 năm tù, nếu hành vi nâng giá cơ hội gây hậu quả nghiêm trọng (như có người chết).

Việt Nam cần sửa luật để xử lý hiệu quả hơn đối với tội “Đầu cơ”

Trao đổi với PV Pháp lý, TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng Phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, trong thực tế có rất nhiều hành vi thu gom, tích trữ hàng hóa chờ giá cao để bán ra thị trường có dấu hiệu của tội “Đầu cơ”. Đặc biệt, hiện tượng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thiết bị y tế có hành vi thu gom hàng, tăng giá bán mặt hàng khẩu trang vừa qua. Song, để có thể xử lý hình sự các đối tượng này về tội đầu cơ theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) là rất khó.

Bởi, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nào đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xác định hành vi của họ có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể (bao gồm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm) được quy định trong BLHS.

Cụ thể trong trường hợp này đối với tội “Đầu cơ” quy định tại Điều 196 BLHS, cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi thu gom, tích trữ hàng hóa sau đó bán ra với giá cao thỏa mãn các điều kiện:

Đối tượng tác động của tội phạm là hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, trừ những hàng hóa vật phẩm là đối tượng tác động của các tội phạm khác đã được quy định thành tội phạm riêng.

TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng Phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Số lượng hàng hóa phải là có số lượng lớn. Nếu số lượng không lớn thì không đủ yếu tố cấu thành tội này. Việc có bán lại hàng hóa hay chưa, có thu lợi hay chưa không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc.

Gây hậu quả nghiêm trọng: Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản. Việc mua vét hàng hóa bán lại nhằm thu lợi bất chính như nêu trên mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc gây hậu quả nghiêm trọng ở đây được thể hiện như làm rối loạn thị trường, đẩy giá cả tăng vọt dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được; làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, gây hoang mang lo sợ trong một bộ phận nhân dân hoặc gây chết nhiều người do không đủ điều kiện để khắc phục tình trạng dịch bệnh …

Thực tế, để chứng minh được đầy đủ các yếu tố này rất khó như đối với khẩu trang y tế vừa qua hay đối với thịt lợn, lợi dụng tình hình khan hiếm nhiều cơ sở cố tình găm hàng đẩy giá cao nhưng không thể chứng minh được yếu tố trục lợi bởi không kiểm soát được giá đầu vào, đầu ra. “Người ta nói mua vào giá cao thì phải bán ra với giá cao thì chứng minh kiểu gì?” TS. Hưng chia sẻ.

Theo quy định BLHS sự hiện nay thì chỉ có những hàng hóa quan trọng, thiết yếu của cuộc sống thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa nhà nước quy định giá thì mới cấm các hoạt động đầu cơ. Còn hành vi mua gom, mua vét, tăng giá, tạo ra sự khác hiếm hoặc lợi dụng sự khác điểm của thị trường để tăng giá hàng hóa đối với các loại hàng hóa không thuộc các hàng hóa quy định tại Điều 196 BLHS thì là hành vi đầu cơ nhưng không bị xử lý bằng chế tài của pháp luật hình sự.

Để có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hình sự về tội đầu cơ, theo LS. Đặng Văn Cường, Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật để quy định, bổ sung một số loại hàng hóa vào loại mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá hoặc quy định giá đối với mặt hàng này thì mới đủ căn cứ pháp lý vững chắc để xử lý hình sự về tội đầu cơ.

Trước mắt, khi chưa kịp bổ sung bằng các văn bản luật hoặc văn bản dưới luật loại mặt hàng này là hàng bình ổn giá hoặc hàng nhà nước quy định giá để thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 196 BLHS thì vẫn có thể xem xét xử lý hành chính là phạt tiền, đồng thời có thể áp dụng biện pháp hành chính cao nhất là tước giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động của cơ sở kinh doanh loại mặt hàng này. Ngoài ra, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn lậu qua biên giới cũng có thể áp dụng các chế tài hình sự hiện hành để xử lý với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngoài việc củng cố, hoàn thiện các loại chế tài hành chính và hình sự để xử lý với các đối tượng vi phạm thì cơ quan chức năng có thể vận dụng các quy phạm pháp luật khác để xử lý đối với các trường hợp vi phạm như thế này. LS. Đặng Văn Cường kiến nghị.

Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Pháp luật nhiều nước trên thế giới có hình phạt rất nghiêm khắc đối với tội “Đầu cơ”" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin