PGS.TS. Trần Việt Dũng (Trưởng khoa Luật Quốc tế - ĐH Luật TP.HCM): Củng cố khung pháp lý - giải pháp quan trọng nhất để giải quyết những phát sinh khi thực thi EVFTA

11/10/2019 14:29

(Pháp lý) - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Có thể nói, EVFTA là FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay...

 PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật quốc tế, Đại học luật TP HCM
PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật quốc tế, Đại học luật TP HCM)

Xung quanh công tác chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP. HCM, Cố vấn cao cấp của Công ty Luật Victory LLC.

Phóng viên: Với việc gia nhập EVFTA, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ gặp những thách thức gì trong “một ngôi nhà có quá nhiều cửa” thưa ông?

PGS.TS. Trần Việt Dũng: EVFTA là Hiệp định thương mại mang tính toàn diện, bao trùm các nguyên tắc về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều lĩnh vực phi truyền thống trong thương mại quốc tế như lao động, thương mại điện tử… Chúng chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức mới cho Việt Nam trong thời gian tới.

 PGS.TS Trần Việt Dũng trao đổi với PV Pháp lý
PGS.TS Trần Việt Dũng trao đổi với PV Pháp lý)

Đối với Chính phủ, thách thức sẽ là áp lực phải cải cách chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư cởi mở hơn để phù hợp với “luật chơi” của EVFTA, phải xây dựng chính sách giáo dục, đào tạo phù hợp cho cán bộ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, để họ hiểu rõ tác động của hiệp định đối với lĩnh vực hoạt động của họ.

Còn doanh nghiệp sẽ phải tăng cường sự hiểu biết để tận dụng lợi thế mà EVFTA đem lại. Họ sẽ không chỉ phải nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, phát triển sản xuất, mà còn phải thường xuyên cập nhật, hoàn thiện năng lực pháp lý để tự bảo vệ mình trong một sân chơi “mở” nhưng vận hành theo những nguyên tắc và quy định phức tạp.

Tóm lại, cơ hội cho sự phát triển kinh tế từ EVFTA là rất lớn, nhưng thách thức từ Hiệp định là không nhỏ, các doanh nghiệp phải cố gắng đổi mới để tồn tại và phát triển, nếu không sẽ bị thua ngay trên sân nhà và bị đào thải trong môi trường hội nhập sâu của Hiệp định này.

Cách đây 12 năm, các cam kết của Việt Nam với WTO chính thức có hiệu lực. So với các tiêu chuẩn và cam kết của WTO, thì các cam kết trong Hiệp định EVFTA có những điểm khác biệt cơ bản nào?

EVFTA được coi là Hiệp định thương mại thế hệ mới và các quy định của Hiệp định này thường được so sánh là “WTO cộng”. Nó thể hiện ở hai khía cạnh: thứ nhất, Hiệp định này đặt ra cho quốc gia thành viên mức độ cam kết mở cửa cao hơn, sâu hơn so với chuẩn của WTO; thứ hai, Hiệp định này điều chỉnh nhiều lĩnh vực thương mại hơn các hiệp định của WTO. Như vậy, tác động của việc thực thi các cam kết của EVFTA đối với hệ thống chính sách và pháp luật thương mại của Việt Nam sẽ sâu rộng hơn so với thực thi các cam kết WTO.

Đáng chú ý, Việt Nam khi gia nhập WTO mới “chập chững” bước vào sân chơi thương mại quốc tế, chưa hiểu rõ luật chơi thương mại quốc tế như bây giờ. Trong lần đàm phán ký kết EVFTA, chúng ta chủ động hơn trong việc tiếp cận các chế định thương mại trong hiệp định tự do thương mại, đàm phán những điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cũng có chiến lược phát triển khu vực tự do thương mại với các đối tác để khai thác tốt nhất những lợi thế mà EVFTA đem lại. Cụ thể, song hành với việc đàm phán EVFTA, Chính phủ Việt Nam đã đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các hiệp định thương mại với những đối tác quan trọng như Hàn Quốc, Hong Kong, Israel, Liên bang Nga … Chiến lược này là nhằm biến Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu và qua đó hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hiểu rõ hơn về luật chơi của thương mại quốc tế sau những lần “va chạm” với các thủ tục pháp lý tại thị trường nước ngoài, cũng như những chiến thuật cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Trong 6-7 năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tích cực sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi của mình trên thị trường nội địa.

Theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải làm gì để hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của EVFTA?

EVFTA mang lại rất nhiều cơ hội và thuận lợi nhưng chúng ta phải đủ năng lực, đủ hiểu biết thì mới tranh thủ được những cơ hội mang lại đó. Câu chuyện trước hết là các doanh nghiệp phải nắm bắt được quy định và yêu cầu của EVFTA. Những quy định mà chúng ta phải thực hiện, những yêu cầu mà chúng ta có thể tranh thủ. Trong đó, cũng phải nắm được luật chơi mới mà Hiệp định thiết lập (khác hơn so với WTO).

Đối với Nhà nước, chắc chắn việc cải cách khung pháp lý để phù hợp với các cam kết tại EVFTA là rất quan trọng. Cần đầu tư nhiều hơn cho các chuyên gia pháp luật, kinh tế nghiên cứu về hiệp định này và tác động của nó đối với môi trường kinh doanh, từ đó xây dựng những chính sách pháp luật phù hợp. Đầu tư cho đào tạo, tuyên truyền về các khía cạnh pháp lý của hiệp định này cho cộng đồng doanh nghiệp.

Những chính sách quan trọng nào sẽ được tập trung sửa đổi để phù hợp với EVFTA, thưa ông?

Như tôi đã nêu, EVFTA bao gồm nhiều cam kết mới về quy tắc, thể chế, những cam kết tác động tới hệ thống pháp luật nội địa. Do đó, khi thực thi EVFTA, hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực sẽ cần được điều chỉnh cho phù hợp với cam kết. Ví dụ như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, lao động... Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là tất cả các lĩnh vực pháp luật nội địa liên quan tới các khía cạnh có cam kết đều sẽ phải sửa đổi. Có những cam kết dù khác biệt với pháp luật nội địa, nhưng quy định của EVFTA đủ rõ, đủ chi tiết và được Quốc hội quyết định áp dụng trực tiếp sẽ không dẫn tới sửa đổi luật. Có những cam kết có lộ trình, Việt Nam sẽ phải thực hiện sau một vài năm (khi kết thúc lộ trình cụ thể). Do đó, sắp tới việc sửa đổi pháp luật thực thi EVFTA sẽ chủ yếu tập trung vào các cam kết áp dụng chung và có hiệu lực ngay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tham gia vào quá nhiều các Hiệp định sẽ khiến cho không gian chính sách của Việt Nam trong việc bảo hộ các ngành nghề trong nước bị “thu hẹp” lại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, các chính sách của Việt Nam cần phải được thiết kế như thế nào để vừa có thể bảo vệ được các ngành nghề trong nước, nhưng lại không vi phạm các cam kết quốc tế, đồng thời khiến doanh nghiệp có thể tận dụng được lợi thế khi tham gia EVFTA?

Tôi cho rằng, chính sách thương mại của Việt Nam hiện nay đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là việc ký kết nhiều các Hiệp định thương mại cùng một thời điểm sẽ đem lại nhiều vấn đề cho Việt Nam. Đơn cử như việc xử lý cơ chế ưu đãi hay ngoại lệ đối với từng đối tác thương mại trong các Hiệp định khác nhau; thách thức cho các doanh nghiệp từ sự gia tăng cạnh tranh quốc tế vì cam kết mở cửa thị trường, và áp dụng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế ...

Nhà nước sẽ phải có nhiều giải pháp để đối mặt với những vấn đề phát sinh từ việc thực thi các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất theo tôi là phải củng cố khung pháp lý hoàn chỉnh hơn, sử dụng các công cụ pháp lý thuần thục hơn. Cần hiểu rằng các cam kết EVFTA có nhiều khoảng “không gian” để quốc gia ký kết giải thích, lựa chọn cách thức thực thi thích hợp. Vì vậy, quá trình nội luật hóa phải bắt đầu từ việc phân tích cam kết, nhận diện đầy đủ các phương án khả dĩ, sau đó tham vấn, trao đổi để lựa chọn phương án thích hợp nhất.

 EVFTA là FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay
EVFTA là FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay)

Nhà nước cũng cần phải phát huy các công cụ pháp lý mới chưa được điều chỉnh bởi EVFTA, nhưng có thể giúp kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới (ví dụ như Luật Cạnh tranh một cách hiệu quả để hạn chế những hành vi phi cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài).

EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích to lớn, nhưng công bằng mà nói, EVFTA không phải là “cây đũa thần”. Vậy làm thế nào để biến EVFTA thật sự là “cây đũa thần”, thưa ông?

Gia nhập WTO rồi 11 FTA mà Việt Nam đã ký trước đây từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng lợi ích đạt được thực sự của chúng ta còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (mà chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI). Trong khi đó một hệ quả khác mà chúng ta đã thấy xảy ra ngay là ngân sách nhà nước bị giảm từ giảm thuế xuất nhập khẩu, hệ quả là liên tiếp có các đề xuất tăng thuế, bổ sung phí để bù đắp nguồn thu. Đó là mặt trái mà không ai mong muốn, nhưng ở góc nhìn của mình, tôi muốn nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực đối với chính sách FTA của Chính phủ.

Rõ ràng, các FTA sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển nền kinh tế quốc gia.

Cần phải nhận thấy sức lan tỏa của EVFTA rất lớn, bởi EU không chỉ là đối tác lớn của Việt Nam và khu vực mà là của toàn cầu. Họ tham gia vào định hình những tiêu chuẩn và luật chơi quốc tế nói chung và về thương mại, đầu tư nói riêng. Đây là câu chuyện và cơ hội đặc biệt để Việt Nam có thể thể hiện vị thế của mình và xúc tiến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với việc không tận dụng được những ưu đãi từ EVFTA, tôi cho rằng cần phải giải quyết một cách hệ thống từ cả hai phía nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành sản xuất mũi nhọn (hỗ trợ kỹ thuật, ưu đãi đầu tư cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành này), nâng cao công tác giáo dục, đào tạo và tuyên truyền về các quy định của EVFTA cho doanh nghiệp. Nhà nước cũng phải mạnh dạn sử dụng các công cụ pháp lý để bảo đảm một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện năng lực cạnh tranh của mình, tích cực tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh, và phải xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, trực tiếp tiếp cận đầu ra tại thị trường EU (hạn chế thông qua bên thứ ba) để cắt giảm chi phí trung gian, gia tăng lợi nhuận.

Những cam kết tự do hóa thương mại trong khuôn khổ EVFTA rõ ràng cũng sẽ tạo ra những áp lực cạnh tranh rất lớn cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Có thể kể tới ngành cơ khí, sản xuất xe hơi, ngành sản xuất rượu bia, thực phẩm từ bơ sữa, hóa chất ... sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ EU, khi Việt Nam cũng phải cắt giảm thuế quan về 0%; các ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, dịch vụ chuyên môn, phân phối bán lẻ, dịch vụ vận tải cũng sẽ có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cạnh tranh và có nguy cơ thất thế ngay trên sân nhà.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

 

 

Bạn đang đọc bài viết "PGS.TS. Trần Việt Dũng (Trưởng khoa Luật Quốc tế - ĐH Luật TP.HCM): Củng cố khung pháp lý - giải pháp quan trọng nhất để giải quyết những phát sinh khi thực thi EVFTA" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin