Những điểm đặc biệt nguy hiểm của đợt dịch thứ tư và Bài học quan trọng cho cả cơ quan chức năng và người dân.

07/05/2021 19:26

(Pháp lý) - Ngay từ những ngày đầu của đợt dịch từ cuối tháng 4 đến nay, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đến nay nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh… Đặc biệt, tại một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế. Theo các chuyên gia y tế, đợt bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam có điểm đặc biệt nguy hiểm như: nhiều ổ dịch, nhiều biến chủng cùng lúc, người dân chủ quan hơn…Do đó, cả hệ thống cần phải rút ra những bài học sâu sắc và cần phải hành động quyết liệt hơn , đặc biệt là ý thức của người dân trong phòng dịch.

Tại một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế

Đây là lần bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam kể từ năm ngoái đến nay, sau đợt dịch tháng 3-4/2020, tháng 7-8/2020 liên quan Đà Nẵng, tháng 1-2/2021 liên quan Hải Dương.

Tính từ ngày 27/4 đến sáng nay – ngày 7/5, Việt Nam ghi nhận 121 ca nhiễm Covid-19, trong đó liên quan đến ổ dịch Hà Nam ghi nhận 20 ca, ổ dịch Vĩnh Phúc ghi nhận 26 ca, tại BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh ghi nhận 38 ca, Bắc Ninh ghi nhận 12 ca, Hà Nội 9 ca, số ca bệnh còn lại ghi nhận tại nhiều, tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Đồng Nai, Yên Bái, Lạng Sơn và Quảng Ngãi.

Đặc biệt, sáng nay, Bệnh viện K tại cơ sở 3 (ở Tân Chiều) đã ghi nhận 10 ca dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh viện này đã ra quyết định tạm thời phong toả cả 3 cơ sở điều trị bao gồm nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà người bệnh và đang lấy mẫu xét nghiệm 1.800 cán bộ, nhân viên người lao động.

Những điểm nguy hiểm của đợt dịch Covid-19 thứ tư tại VN

Theo các chuyên gia, đợt dịch này có nhiều điểm đặc biệt nguy hiểm hơn so với “làn sóng Covid-19 thứ hai” tại Đà Nẵng vào tháng 7/2020 hay hai ổ dịch bùng phát, nhanh chóng lan rộng vào tháng 1/2021 tại Công ty Poyun, Hải Dương và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh Như:

1. Ghi nhận cùng lúc nhiều ổ dịch ở nhiều địa phương

Đầu tiên là chuỗi siêu lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam, lây lan bốn tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM.

Tiếp đến là chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái ghi nhận 5 ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn.

Thứ ba là chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc ghi nhận 6 ca liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc hết cách ly di chuyển nhiều nơi.

Thứ tư là ngày 5/5, phát hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội, bao gồm nhân viên y tế, người nhà và bệnh nhân đang điều trị. Tính đến nay, có ít nhất 4 tỉnh thành đã ghi nhận tổng cộng 19 ca nghi nhiễm liên quan đến ổ dịch này gồm Bắc Ninh 9 ca, Thái Bình 5 ca, Hưng Yên 2 ca, Hà Nộ 3 ca.

Mới đây nhất, ghi nhận thêm ổ dịch mới tại Bệnh viện K cơ sở 3 tại Tân Chiều với 10 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đánh giá của Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, đợt dịch này phức tạp hơn, liên quan nhiều ổ dịch, buộc tất cả các tỉnh thành nâng cao tinh thần chống dịch triệt để.

2. Xuất hiện nhiều biến chủng có khả năng lây lan nhanh trong thời gian ngắn

Kết quả giải trình tự gene các chuyên gia Ấn Độ, nhân viên khách sạn Yên Bái và bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, đều thuộc biến chủng Ấn Độ là B.1.167. Đây là biến chủng kép, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng giải trình tự gene virus 6 mẫu bệnh phẩm ở Hà Nam, hai mẫu ở Hưng Yên, hai mẫu tại Hà Tĩnh lấy từ hai bệnh nhân Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ, kết quả nhiễm chủng B.1.1.7, là biến thể từ Anh.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định việc xuất hiện cùng lúc nhiều ổ dịch, nhiều biến chủng khác nhau, chứng tỏ những ổ này độc lập, từ các nguồn lây khác nhau.

“Virus ngày càng thiên biến vạn hóa, các biến chủng mới ghi nhận gần đây gia tăng khả năng nhiễm nhiều hơn, thời gian ủ bệnh để lây từ người này sang người khác ngắn hơn”, bác sĩ Hùng nói.

3. Mất dấu F0

Cũng theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, đợt bùng dịch với 16 ca đầu tiên ghi nhận trong cả nước, tất cả đều tìm thấy F0, cách ly F1 rất nhanh, 99 ngày sau đó cả nước không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng. Giai đoạn thứ hai ở Đà Nẵng, dù F0 đầu tiên mất dấu nhưng một số F0 khác phát hiện được. Ngày 28/11/2020, TP HCM xuất hiện chuỗi lây nhiễm nhưng nhanh chóng xác định được F0, kiểm soát tốt, khả năng lây lan thấp.

“Đợt dịch này cũng giống đợt ở Hải Dương là mất dấu hoàn toàn F0″, bác sĩ Hùng chia sẻ. Biến thể virus ngày càng nhiều, đa dạng về lâm sàng, có người bị nhiễm không có triệu chứng, không biết bị bệnh nên vẫn di chuyển khắp nơi, tham gia các sinh hoạt, âm thầm lây bệnh cho người khác”.

“Đây chính là những quả bom nổ chậm trong cộng đồng”, bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ Hùng cho rằng, trước đây, các ca phát hiện phần lớn dựa vào triệu chứng lâm sàng, từ đó giúp khoanh vùng, truy vết, phát hiện F1, F2, tìm ra nguồn lây thuận lợi hơn để ngăn chặn được dịch. Bây giờ, khả năng ngăn chặn giảm đi do tình trạng lây lan ra cộng đồng lúc nào không biết, từ những bệnh nhân không triệu chứng.

4. Nhiều ca dương tính sau khi hết thời gian cách ly tập trung

Điểm đặc biệt nguy hiểm trong đợt dịch lần này là có rất nhiều ca bệnh đã hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày vơi nhiều lần xét nghiệm âm tính và được chuyển về địa phương cư trú để tiếp tục theo dõi, tự cách ly 14 ngày tại nhà mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, “Bệnh nhân 2899” được ghi nhận ngày 29/4, sau hơn một tháng Việt Nam không có lây nhiễm cộng đồng. Người này từ Nhật về ngày 7/4, đã hoàn thành cách ly tập trung tại Đà Nẵng ngày 21/4 và có 3 lần kết quả âm tính. Sau khi trở về Hà Nam, người này trở thành nguồn lây cho 19 ca khác.

5 chuyên gia Trung Quốc, hoàn thành cách ly tập trung ở Yên Bái và xuất cảnh ngày 29/4, cũng dương tính nCoV. Một chuyên gia Ấn Độ sống tại Hà Nội, dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung 2 ngày. Một phụ nữ 32 tuổi từ Dubai về TP HCM, hết hạn cách ly tập trung với ba lần xét nghiệm âm tính, khi về quê Thạch Hà xét nghiệm lại dương tính, ghi nhận chiều 5/5.

Nhiều ổ dịch, nhiều biến chủng cùng lúc, sự chủ quan hơn người dân… là những điểm đặc biệt nguy hiểm của đợt dịch lần này

5. Người dân chủ quan hơn

Theo bác sĩ Hùng, trước đây chỉ cần có thông báo một đợt bùng dịch nào đó, đường sá đều vắng vẻ hơn, người dân ít tụ tập. Hiện nay, dù các ca bệnh dồn dập xuất hiện nhưng người dân vẫn đi hát karaoke, tụ tập lễ hội.

Chẳng hạn, tối 4/5, đoàn kiểm tra phát hiện nhà hàng The King trên đường Lê Lai, quận 1 với 6 phòng của karaoke có các nữ tiếp viên ăn uống, hát hò cùng khách quốc tịch Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, một người Trung Quốc 45 tuổi vừa xong cách ly tập trung tại Hưng Yên, chưa hoàn thành thời gian tự cách ly thêm 14 ngày tại nơi cư trú ở Long An – nơi ông đến công tác. Trước đó, ngày 30/4, TP HCM đã dừng hoạt động toàn bộ các quán karaoke, bar và vũ trường để phòng Covid-19, sau khi ghi nhận “bệnh nhân 2910”.

Bác sĩ Hùng nhận định, nhiều khả năng người dân tin tưởng nhà nước, ngành y tế chống dịch tốt, chỉ một thời gian ngắn sẽ khống chế được dịch nên càng chủ quan.

“Điều này rất đáng lo ngại vì người dân đóng vai trò cực kỳ lớn trong thành công chống dịch. Nếu không có sự chung tay của người dân, chỉ dựa vào nỗ lực của nhà nước, ngành y tế, các ban ngành đơn thuần thì không thể hiệu quả”, bác sĩ Hùng nói. “Nếu không nhanh chóng dập dịch, sẽ dẫn đến Covid-19 bùng phát trên diện rộng, nói cách khác là “thảm hoạ do chủ quan”…

Những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và các bộ ngành

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình… Đặc biệt, tại một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế, ngay trong sáng nay, Bộ Y tế đã có công văn số 3775/BYT-KCB yêu cầu các Bệnh viện trực thuộc Bộ; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các ngành; các Bệnh viện trực thuộc trường Đại học tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đó, Bộ Y tế đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện trực thuộc trường Đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 như:

Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch của Bệnh viện, Sở Y tế để đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 phương châm 4 tại chỗ, trong đó có phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực để kịp thời ứng phó: nhân lực, phương tiện phòng hộ cá nhân, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19;

Các cơ sở KB, CB thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19. Các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn. Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định.

Tổ chức nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ khi đến cổng/ cửa tiếp đón của cơ sở KB, CB. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết…

Đáng chú ý, ngay từ những ngày đầu của đợt dịch lần này, đánh giá được mức độ nguy hiểm và phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay cùng Chính phủ phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu chấn chỉnh ngay các biểu hiện chủ quan, lơ là, chùng xuống, thậm chí buông xuôi, “xả hơi”, chặn ngay mọi sơ hở, xử lý ngay mọi vi phạm.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở, do đó, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý…

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 ngày 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19. Thủ tướng cho rằng, phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống đựa trên thực tiễn.

Đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. Tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã”.

Đúc rút kinh nghiệm hay và bài học quý qua các đợt chống dịch vừa qua để kế thừa, phát huy những việc tốt, những việc gì đã làm được nhưng phải đổi mới cho phù hợp với tình hình mới về công tác phòng chống dịch.

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là “5K+ vaccine” của Bộ Y tế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện cũng như trong giám sát thực hiện nhiệm vụ này…

Ngay trong ngày 5/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công điện hoả tốc số 579/ CĐ- BCĐ về việc thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19. Công điện đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch mức độ cảnh giác cao nhất, không được chủ quan, lơ là; gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19…

Đáng chú ý, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng tránh được sự lây nhiễm SARS-CoV-2 từ những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh COVID-19, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học và virus học, Bộ Y tế quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, Quyết định kéo dài thời gian cách ly được áp dụng ngay từ ngày 5/5/2021…

5 bài học sâu sắc về quản lý và đề phòng lây nhiễm dịch.

Từ việc xuất hiện chùm ca bệnh trong bệnh viện và ca bệnh sau khi cách ly tập trung, Bộ trưởng Long cho rằng có rất nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra. Đặc biệt là bài học liên quan môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly.

Đầu tiên, Bộ Y tế đã đánh giá, tìm hiểu lại nguyên nhân các trường hợp dương tính sau 14 ngày cách ly. Từ đó, Bộ Y tế đã quyết định nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày, công bố chiều 5/5 và áp dụng ngay.

Tiếp theo, là bài học ở khâu bàn giao giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi cư trú. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai chặt chẽ khâu bàn giao này, cũng áp dụng ngay từ chiều 5/5.

Bài học thứ ba là khâu theo dõi tại địa phương sau khi hết cách ly tập trung, tức cách ly tại nhà hoặc tại nơi cư trú. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm, giám sát và theo dõi sức khỏe người cách ly thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung.

Bài học thứ tư, công tác xét nghiệm trong thời gian cách ly có thể còn bỏ lọt các mẫu dương tính. Bộ Y tế yêu cầu nâng tần suất xét nghiệm trong thời gian cách ly từ 2-3 lần lên 4-5 lần, đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ năm là khả năng lây nhiễm trong bệnh viện. Hiện đã xảy ra tình trạng lây nhiễm trong một số bệnh viện, theo Bộ trưởng Long. Bệnh viện là nơi phát hiện các trường hợp lây nhiễm nên khả năng lây nhiễm tại đây rất cao. Bộ yêu cầu tất cả bệnh viện phải sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục đối với nhân viên y tế cũng như nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Bài học là cần triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

Người dân đóng vai trò cực kỳ lớn trong thành công chống dịch. Nếu không có sự chung tay của người dân, chỉ dựa vào nỗ lực của nhà nước, ngành y tế, các ban ngành đơn thuần thì không thể hiệu quả. Nếu người dân tiếp tục lơ là chủ quan, nếu người dân không nhanh chóng chung tay đồng lòng cùng các cơ quan chức năng dập dịch, sẽ dẫn đến Covid-19 bùng phát trên diện rộng, nói cách khác là “thảm hoạ do chủ quan”…

Thay lời kết

Thiết nghĩ, trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến mới, rất phức tạp, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Đối với các cơ quan chức năng, cần nhanh chóng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời cần khẩn trương truy vết, kịp thời có biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các trường hợp liên quan đến các ca bệnh.

Đối với người dân, cần thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng…

Văn Chiến (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Những điểm đặc biệt nguy hiểm của đợt dịch thứ tư và Bài học quan trọng cho cả cơ quan chức năng và người dân." tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin