Nhìn lại quan hệ Mỹ-Trung năm 2021: Cuộc khủng hoảng mới hay cạnh tranh chiến lược có trách nhiệm hơn?

21/12/2021 23:26

Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2021, giọng điệu và chiến thuật cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc đã dần trở nên rõ ràng. Quan hệ Mỹ-Trung vừa cho thấy tính liên tục vừa có những thay đổi, và mọi hoạt động tương tác giữa hai nước đều thu hút sự quan tâm của thế giới.

51-1640103920.jpg

Quan hệ Mỹ-Trung vừa cho thấy tính liên tục vừa có những thay đổi, và mọi hoạt động tương tác giữa hai nước đều thu hút sự quan tâm của thế giới. (Nguồn: Shutterstock)

Từ thời Tổng thống Donald Trump đến thời ông Joe Biden, về cơ bản Mỹ đã xác định mối quan hệ của nước này với Trung Quốc theo nghĩa "cạnh tranh", theo đó cho rằng, Bắc Kinh là đối thủ mạnh nhất có thể thách thức quyền bá chủ của Washington.

Cạnh tranh có trách nhiệm

Hiện tại, chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden tập trung vào 3 khía cạnh, vốn tạo ra những cuộc khủng hoảng mới sau năm đầu tiên lên nắm quyền.

Khía cạnh thứ nhất là tận dụng sức mạnh và khả năng cạnh tranh của chính nước Mỹ.

Học thuyết của ông Biden được nhìn nhận là một hình thức khác của chính sách "Nước Mỹ trước tiên", trong đó nhấn mạnh vào "chính sách đối ngoại hướng đến tầng lớp trung lưu”. Mỹ tin rằng, việc thúc đẩy khả năng tự phát triển là chìa khóa để cạnh tranh với Trung Quốc.

Ngoài ra, cường quốc hàng đầu thế giới coi "sự cạnh tranh giữa các cường quốc" là một yếu tố bên ngoài thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước, chẳng hạn như thúc đẩy dự luật về cơ sở hạ tầng.

Khía cạnh thứ hai là định hình lại các liên minh theo hệ tư tưởng.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã thành lập liên minh để chống lại Liên Xô. Giờ đây, Washington đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh lâu dài với Bắc Kinh.

Chính quyền của Tổng thống Biden đã và đang kỳ vọng tạo ra các liên minh theo hệ tư tưởng để cô lập Trung Quốc.

Khía cạnh thứ ba là dần dần vạch ra lộ trình cạnh tranh với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng đưa ra cách tiếp cận "ba chữ C" - cụ thể là "cạnh tranh (competition), đối đầu (confrontation) và hợp tác (cooperation)" - với Trung Quốc.

Hiện nay, Mỹ đã sửa đổi chính sách "ba chữ C" bằng cách nói về "cạnh tranh có trách nhiệm", "hợp tác dựa trên thế mạnh" và thiết lập "những ranh giới chung" để tránh đối đầu với Trung Quốc.

Điều mà Mỹ gọi là cuộc cạnh tranh với Trung Quốc hoàn toàn khác so với cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh.

Mỹ muốn dẫn trước và không để những đối thủ phía sau vượt lên, coi cuộc cạnh tranh về khoa học-công nghệ với Trung Quốc là gay gắt nhất và cho rằng họ nắm trong tay điểm yếu của Trung Quốc.

Do đó, Mỹ đã cố gắng đẩy mạnh chiến thuật "sân nhỏ, rào cao" nhằm ngăn chặn sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc trong một giai đoạn nhất định.

Để củng cố hơn nữa lợi ích và duy trì lợi thế sẵn có, Mỹ đã lựa chọn cẩn thận các lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc, nhưng sẽ không để Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ đang tích cực hợp tác với Trung Quốc để giành lại vị trí dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, đồng thời kiềm chế quốc gia đông dân này trong các lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng sạch.

Mỹ cũng coi trọng việc kiểm soát rủi ro với Trung Quốc và đã nhiều lần bày tỏ hy vọng tránh xung đột trong quan hệ song phương.

Điều quan trọng là phải hiểu được lý do thực sự đằng sau cách dùng từ này.

Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Washington cần tập trung vào các vấn đề đối nội để không bị phân tâm quá mức vào sự xuống cấp của quan hệ Mỹ-Trung.

Vài chỉ dấu đáng mừng

Có thể nói, sự tương tác chính sách giữa Mỹ-Trung Quốc sau cuộc gặp trực tuyến của hai nhà lãnh đạo hồi tháng 11 vừa qua đã cho thấy một số dấu hiệu tích cực trong giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, nếu không muốn nói là tạo ra một giai đoạn mới.

Đặc biệt, về vấn đề thị thực cho giới truyền thông, Trung Quốc và Mỹ sẽ cho phép các nhà báo của cả hai nước tự do xuất nhập cảnh vào nước kia phù hợp với quy định nghiêm ngặt về phòng chống Covid-19.

Hai bên cũng nhất trí rằng, Mỹ sẽ cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần trong 1 năm cho các nhà báo quốc tịch Trung Quốc, đồng thời ngay lập tức khởi động quy trình giải quyết các vấn đề về "thời hạn lưu trú".

Dựa trên nguyên tắc “có đi có lại”, phía Trung Quốc cam kết đối xử bình đẳng với các nhà báo Mỹ ngay sau khi các chính sách của Washington có hiệu lực.

Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ sẽ cấp thị thực cho các nhà báo mới dựa trên các luật và quy định hiện hành.

Tuy nhiên, Mỹ cũng tiếp tục nâng cấp chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc.

Ví dụ, Washington vừa bổ sung 12 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” về xuất khẩu và mời đại diện của Đài Loan tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ.

Gần đây, việc chính quyền của Tổng thống Biden thông báo sẽ không cử bất kỳ quan chức nào tới Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh đã khiến quan hệ song phương ngày càng xấu đi.

Quan hệ Mỹ-Trung đang đối mặt với những thách thức lớn và phức tạp, triển vọng sẽ phụ thuộc vào sự tương tác chính sách giữa hai bên.

Nếu có thể tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế và thương mại, đồng thời tiếp tục hạn chế đối đầu thông qua hợp tác cụ thể và thiết thực, hai nước sẽ không rơi vào “Bẫy Thucydides” cũng như một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Theo baoquocte.vn

Nguồn bài viết: https://baoquocte.vn/nhin-lai-quan-he-my-trung-nam-2021-cuoc-khung-hoang-moi-hay-canh-tranh-chien-luoc-co-trach-nhiem-hon-168611.html

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn lại quan hệ Mỹ-Trung năm 2021: Cuộc khủng hoảng mới hay cạnh tranh chiến lược có trách nhiệm hơn?" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin