Nhìn lại công tác tố tụng các đại án kinh tế: Chuyên gia pháp luật lý giải việc không có nhiều bị cáo bị kết tội nhận hối lộ

07/01/2019 14:15

(Pháp lý) - Nhìn lại thực tế các vụ án kinh tế được đưa ra xét xử thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng rất ít đối tượng bị truy cứu, xét xử về hành vi tham nhũng có mức hình phạt cao nhất là tử hình mà chủ yếu là tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế; lừa đảo; vi phạm các quy định cho vay; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản… với mức hình phạt cao nhất là chung thân.

Không có nhiều bị cáo bị kết tội nhận hối lộ

Các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian qua là : Vụ án xảy ra tại PVN liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ vào Oceanbank; Vụ án xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan đến Trịnh Xuân Thanh; Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh; Vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Trốn thuế; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; “Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý đất đai” liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”); Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP phát triển Đầu tư Thái Sơn - Bộ Quốc phòng liên quan đến Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); Vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương... Có thể nói, đó đều là những vụ án gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, xã hội. Hầu hết các tội danh mà các bị cáo bị truy tố, xét xử trong các vụ án trên là Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…. Số bị cáo bị truy tố, xét xử các tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình (đây là hình phạt có sức răn đe, ngăn ngừa nặng nhất, nghiêm khắc nhất đối với tội phạm tham nhũng – PV) còn hiếm.

Trịnh Xuân Thanh – một trong những bị cáo đã bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”
Trịnh Xuân Thanh – một trong những bị cáo đã bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”)

Trong vụ án xảy ra tại PVN liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT PVN 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỉ cho PVN, trong đó, bị cáo buộc là người phải chịu trách nhiệm chính, ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỉ đồng.

Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN: 7 năm tù về tội cố ý làm trái, 16 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Quỳnh là 23 năm tù. Buộc bồi thường 100 tỉ đồng cho PVN.

Trong các vụ án xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan đến Trịnh Xuân Thanh là một trong những vụ án hiếm hoi mà bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố, xét xử tội nhận hối lộ nhưng nhờ khắc phục hậu quả nên hình phạt cao nhất Thanh phải nhận là tù chung thân.

Ninh Văn Quỳnh là bị cáo bị xét xử về hành vi Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Ninh Văn Quỳnh là bị cáo bị xét xử về hành vi Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.)

Trước đó, đại án xảy ra tại Oceanbank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên mức án tử hình cho 3 tội: “Cố ý làm trái...”; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”. Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm bị kết tội về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỷ đồng, riêng Sơn có hành vi tham ô 49 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn là bị cáo hiếm hoi bị xử mức án tử hình vì hành vi tham nhũng trong suốt thời gian vừa qua.

Gần đây, vụ án liên quan đến đường đây đánh bạc được cho là có tội đưa hối lộ nhưng chưa tiết lộ người nhận hối lộ. Liên quan đến đường dây đánh bạc này, cơ quan điều tra đã khởi tố 88 người, bắt hơn 40 người trong đó có ông Phan Văn Vĩnh, Cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, Cựu Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Ông Phan Văn Vĩnh bị cáo buộc nắm rõ đường dây đánh bạc này nhưng không ngăn chặn, không có bất cứ văn bản nào báo cáo Bộ Công an.

Lý do là gì?

Trong BLHS hiện hành, các tội phạm về chức vụ thì chỉ có tội Tham ô tài sản và tội Nhận hối lộ là hai tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Yếu tố vụ lợi được coi là yếu tố quan trọng để xem xét một hành vi có phải là hành vi phạm hai tội trên và là cơ sở để xử lý, quyết định hình phạt với người phạm tội. Trên thực tế rất khó có thể chứng minh yếu tố vụ lợi, dẫn tới khó khăn trong việc xử lí hành vi tham nhũng. Bởi khi không chứng minh được yếu tố vụ lợi, không chứng minh được hành vi tham nhũng thì việc chuyển tội danh là việc đương nhiên. Việc chuyển tội danh kéo theo đó là mức hình phạt có thể khác nhau (đa phần nhẹ hơn).

Trong vụ án liên quan đến Tướng công an “bảo kê” đánh bạc, bước đầu cơ quan điều tra đã làm rõ có hành vi đưa hối lộ (trong ảnh là 2 bị can Nguyễn Văn Dương (trái) và Phan Sào Nam đã bị truy tố)
Trong vụ án liên quan đến Tướng công an “bảo kê” đánh bạc, bước đầu cơ quan điều tra đã làm rõ có hành vi đưa hối lộ (trong ảnh là 2 bị can Nguyễn Văn Dương (trái) và Phan Sào Nam đã bị truy tố))

Khi theo dõi những vụ án này, người viết nhớ lại phát biểu của ông Nguyễn Văn Hải - Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh tại một Hội nghị đã cho biết một con số rất đáng lưu tâm, đó là 60% án tham nhũng bị chuyển tội danh. Ông Hải cho rằng có vấn đề chuyển tội danh do cấu thành các tội phạm tham nhũng khó phân biệt. Nhưng khi Phóng viên trao đổi với một số chuyên gia pháp luật, họ có quan điểm ngược với quan điểm của ông Hải. Thạc sĩ Trần Đức Thìn, một chuyên gia luật hình sự phân tích: Trong tố tụng hình sự, hiện tượng chuyển tội danh là không hiếm gặp, chuyển tội danh đối với nhóm tội phạm có chức vụ lại càng dễ hiểu, thông thường là chuyển từ tội có hình phạt nặng hơn xuống tội có hình phạt nhẹ hơn, chiều ngược lại hầu như hiếm có. Những vấn đề này, người không am hiểu về luật có thể thấy khó hiểu chứ người tiến hành tố tụng chắc chắn sẽ không nhầm lẫn. Nếu có chăng, sự nhầm lẫn này cũng xuất phát từ ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng…

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, một chuyên gia pháp luật hình sự từng là thẩm phán cho rằng: Hầu hết những vụ án tham nhũng gần đây đều thiệt hại, trăm tỉ, nghìn tỉ nhưng hầu hết các bị cáo chỉ bị truy tố tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà không phải là các tội như Nhận hối lộ hay Tội tham ô.... Tội cố ý làm trái được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà không có yếu tố vụ lợi (yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung đối với hành vi phạm tội).

Như vậy là các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có yếu tố vụ lợi. Điều này không phù hợp với thực tế khách quan, làm gì có ai cố tình làm trái để tạo ra thuận lợi cho các đơn vị, công ty khác mà hoàn toàn vô tư, không vụ lợi? Vì không có hồ sơ các vụ việc cụ thể nên tôi cho rằng, hạn chế trên có thể do xác định chưa đủ các tình tiết của vụ án nên không thể quy kết các tội nặng hơn. Hoặc do quá trình chứng minh tội phạm còn nhiều hạn chế.

TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng bộ môn Pháp luật hình sự - Viện Nhà nước & Pháp luật) từng chỉ ra nhiều cái khó khi chứng minh các hành vi phạm tội trong các vụ án tham nhũng. Cái khó thứ nhất là dưới góc độ tội phạm, họ – các đối tượng phạm tội thuộc nhóm tội kinh tế, chức vụ thường là những người có trình độ cao, hiểu biết pháp luật. Khi phạm tội họ tính toán nhiều khả năng trong đó có khả năng để che dấu tội phạm.

Trên thực tế, rất khó chứng minh yếu tố vụ lợi, hành vi đưa - nhận hối lộ nên ít đối tượng bị truy tố tội danh tham nhũng (ảnh minh họa)
Trên thực tế, rất khó chứng minh yếu tố vụ lợi, hành vi đưa - nhận hối lộ nên ít đối tượng bị truy tố tội danh tham nhũng (ảnh minh họa))

Thứ hai, trong các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế thường là vụ án lớn rất nghiêm trọng và phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai…còn gặp nhiều lúng túng. Pháp luật về sở hữu, tài sản chưa rõ ràng. Lấy ví dụ hiện nay chưa có cách tính toán tài sản nhà nước bị thiệt hại đối với một số tội như lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Tài sản công và tài sản tư chưa được minh định rõ ràng, nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước hay các doanh nghiệp có vốn nhà nước….. Thứ ba, việc minh bạch, kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tình trạng cán bộ công chức, kê khai tài sản thiếu trung thực, việc kiểm tra, giám sát tài sản của công chức còn chưa chặt chẽ nên rất khó xác định tài sản của họ có phải là do từ việc tham nhũng mà có hay không…

Từ thực tế tố tụng các đại án kinh tế thời gian qua và những bất cập trong các quy định của pháp luật hiện nay, thiết nghĩ, các cơ quan tư pháp, nội chính, lập pháp cần có tổng kết, đánh giá, từ đó có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, tội phạm tham nhũng bị xử lý, trừng phạt thật thích đáng và nghiêm minh.

Phan Minh

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn lại công tác tố tụng các đại án kinh tế: Chuyên gia pháp luật lý giải việc không có nhiều bị cáo bị kết tội nhận hối lộ" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin