Nhiều kẽ hở trong hoạt động trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng

16/09/2021 09:43

Nhiều chuyên gia cho rằng, thông qua việc các ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trên thị trường trái phiếu, họ vừa là doanh nghiệp phát hành nổi bật, vừa là nhà đầu tư tích cực, không loại trừ nhóm này thông qua một hoặc nhóm công ty thứ ba để mua chéo trái phiếu của nhau để tăng quy mô, tăng tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn.

5-1631673749.jpeg

Ảnh minh họa. 

“Ngân hàng phát hành nhiều lần rồi thỏa thuận bán lại cho nhau trong thời gian ngắn không ảnh hưởng đến tài chính nhưng hệ số an toàn vốn sẽ bị lệch đáng kể”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.

Theo ông Hiếu, vốn mỏng nhưng hệ số an toàn bị đội lên quá cao sẽ khiến ngân hàng không thể chống chịu được với bất ổn trong kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh.

Tương tự, cũng nhằm cải thiện chất lượng tài sản, nhiều ngân hàng đã bỏ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp của “con nợ”. Sau đó “con nợ” dùng chính số tiền đó để trả nợ cũ tại ngân hàng. Nhờ vậy, nợ xấu, nợ cũ đã biến thành nợ tốt và nợ mới, điều này giống như hình thức đảo nợ mà Luật Các tổ chức tín dụng đã cấm tiệt.

Hay như với trách nhiệm bảo lãnh phát hành, các ngân hàng phải bao tiêu toàn bộ lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp, tức mua lại số trái phiếu chưa phân phối hết. Đây là như rủi ro trong nghiệp vụ mà ngân hàng phải đối mặt nếu trót bảo lãnh cho những doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn, hoạt động kém hiệu quả và không bán hết được.

Điều đáng nói, do bị khoản phí môi giới khổng lồ che mắt mà các ngân hàng sẵn sàng làm ngơ để hỗ trợ doanh nghiệp yếu kém phát hành trái phiếu, rồi tìm đủ mọi cách để phân phối, đẩy rủi ro lại cho nhà đầu tư cá nhân. Mối quan hệ giữa người gửi tiền, ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn thông thường đặt ngân hàng ở trọng tâm rủi ro thì nay được dịch chuyển sang người gửi tiền. Ngân hàng tách khỏi rủi ro nợ xấu do không cho vay trực tiếp như trước, mà đơn thuần làm trung gian dịch vụ, thu phí.

Thực tế cho thấy, rất nhiều khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm đều được ngân hàng mời mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao hơn nhiều từ 2-3%. Như vậy, một nhân viên ngân hàng ở quầy giao dịch đáng nhẽ làm nhiệm vụ hút tiền gửi thì lại làm luôn nhiệm vụ chèo kéo mua trái phiếu doanh nghiệp.

Không chỉ bị mời chào lúc đến giao dịch trực tiếp tại quầy, những khoản tiết kiệm online ngay khi vừa hoàn tất gửi tiền trên hệ thống cũng được các nhân viên ngân hàng lập tức gọi điện thoại tư vấn.

Một chủ thể khác không thể không nhắc đến là vai trò công ty chứng khoán trong việc hỗ trợ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đó là, theo quy định mới tại Nghị định 153, chỉ nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mới được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trong khi Luật Chứng khoán ghi rõ, nhà đầu tư chuyên nghiệp thỏa mãn một trong ba điều kiện: (i) Có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; (ii) Nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán; (iii) Có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng.

Điều thứ nhất chỉ phù hợp với một bộ phận người xác định chứng khoán là nghề nghiệp, điều thứ ba là mức thu nhập không dành cho đại bộ phận dân chúng. Có 2 tỷ đồng mua chứng khoán như điều số 2 cũng không dễ. Tuy nhiên, chuyện này có thể “phù phép” được nếu khách hàng có nhu cầu. “Nếu làm một giấy xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phải mất phí rất cao 5 triệu”, nhân viên tư vấn trái phiếu cho biết.

Thậm chí, nếu khách hàng vừa muốn đầu tư, vừa không muốn mất phí, nhân viên ngân hàng sẽ lập tức chào mời đầu tư vào “sản phẩm mới”. Thực tế, đây là một quỹ mở do công ty con của ngân hàng thành lập. Khi khách hàng đầu tư vào đây, công ty con này sẽ dùng khoản tiền đó để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Nhằm bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, từ giữa năm 2020, Bộ Tài chính đã liên tục khuyến cáo nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì trái suất cao. Lãi suất là yếu tố quan trọng nhất để hút nhà đầu tư với kênh này nhưng việc đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng quan trọng không kém.

Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), quy định hiện hành tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn có doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém.

Vụ Tài chính ngân hàng cũng khuyến nghị nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành

“Trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, Vụ Tài chính ngân hàng nhấn mạnh.

Thêm một diễn biến mới có liên quan, gần đây, để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo mới sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, bản dự thảo mới công bố đã bổ sung thêm nhiều điều khoản chặt chẽ hơn, quy định những điều mà thậm chí Luật còn không quy định.

Tuy nhiên, khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý đối với bản sửa đổi nói trên, rất nhiều ý kiến phản ứng trái chiều. Ví dụ, các ngân hàng đều phản ứng với khá nhiều quy định dự kiến trong bản dự thảo. Ví dụ: đối với quy định “trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán và/hoặc trái phiếu cùng lô/cùng đợt phát hành sẽ” bị rất nhiều ý kiến phản đối.

Mặc dù trước đó, trong bản thuyết minh, Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh nguyên nhân chỉnh sửa và bổ sung quy định trên là để góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tình trạng tín dụng lách chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Chia sẻ thêm về dự thảo mới, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết theo quy định về phát hành trái phiếu thì trái phiếu không phải là hình thức cấp tín dụng mà là hình thức giấy tờ có giá, được mua bán giao dịch trên thị trường. Với quy định các điều kiện như tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra quy định cao hơn “chuẩn” thông lệ thị trường, có thể khó cho ngân hàng nhưng bù lại sẽ giúp tăng cường chuẩn cấp tín dụng, đảm bảo để các ngân hàng quản lý được dòng tiền ra dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời đảm bảo được việc xử lý rủi ro tín dụng phát sinh sau này.

Bởi vậy, theo ông này, trong dự thảo hiện đang có một số nội dung chưa hoàn toàn phù hợp về câu từ và có thể sẽ xem xét chỉnh sửa cho chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có quan điểm riêng trong quản lý nhà nước và sẽ xem xét từng nội dung cụ thể, những nội dung nào không tiếp thu sẽ giải trình lý do chi tiết.

Những diễn biến như trên cho thấy, cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khá đồng thuận trong việc chấn chỉnh lại những góc tối của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, điều này có thể tạo ra hiệu ứng doanh số phát hành giảm nhưng chất lượng hàng hóa lại được nâng lên.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/nhieu-ke-ho-trong-hoat-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-va-ngan-hang.html

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều kẽ hở trong hoạt động trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin