Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh

23/07/2021 11:47

(Pháp lý) - Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra có nhiệm vụ trọng tâm kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, đồng thời kiện toàn nhân sự cấp cao (theo giới thiệu của Trung ương). Đặc biệt, Quốc hội tập trung cho ý kiến công tác phòng chống dịch, sửa đổi bổ sung chính sách tháo gỡ khó khăn cho kinh tế và xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh

81-1627015469.jpg
 Các ĐBQH họp, thảo luận tại hội trường,  kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội: sẽ huy động tối đa huy động trí tuệ toàn dân, nhà khoa học, chuyên gia vào các công việc của Quốc hội 
Sau 2 ngày đầu làm việc , Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết bầu nhân sự lãnh đạo cấp cao của QH. Chiều 20/7, 475 đại biểu (100% đại biểu có mặt tại hội trường) đã đồng ý thông qua nghị quyết bầu ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Ngay sau khi được bầu, ông Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

image002-1627015496.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức tuyên thệ. 

Sau khi bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XV, các đại biểu tiến hành bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV bằng hình thức bỏ phiếu kín. 4 nhân sự giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XV đó là: Ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khoá XIV; Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XIV; Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XIV; Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

Sáng 21/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu các chức danh lãnh đạo các ủy ban của QH. Theo đó,  Quốc hội khóa XV có 11 Chủ nhiệm Ủy ban. Trong đó có 3 nhân sự mới là: Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Công an giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.

Tám Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn lại tiếp tục được bầu giữ chức vụ như khóa XIV. Cụ thể: ông Bùi Văn Cường được bầu giữ chức vụ Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

Ngày 21.7, QH cũng thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước . Riêng hai Ủy viên Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (Trưởng Ban Công tác Đại biểu khóa XIV) và ông Dương Thanh Bình (Trưởng Ban Dân nguyện khóa XIV) đã được Thường vụ Quốc hội phân công tiếp tục giữ chức vụ hiện tại.

Trả lời báo chí tại kì họp đầu tiên của QH khóa XV, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong hoạt động của Quốc hội, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao chất lượng ở cả công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, phải gắn với trách nhiệm từng cơ quan, nhất là người đứng đầu để pháp luật thống nhất, có tuổi thọ ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển, hội nhập quốc tế; khắc phục cho bằng được "luật khung, luật ống"... Trong giám sát tối cao, Quốc hội chú trọng chọn vấn đề trúng, đúng, liên quan đến quốc kế, dân sinh; giám sát có trọng tâm trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, truy đến tận cùng sự việc, nêu ra ý kiến xác đáng...

Quốc hội khóa XV cũng sẽ không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chúng tôi sẽ huy động tối đa nhà khoa học, chuyên gia vào các công việc của Quốc hội ở các lĩnh vực. Nghĩa là huy động trí tuệ toàn dân chứ không chỉ 499 đại biểu Quốc hội.

Xem xét các dự án luật liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là yêu cầu đặt lên hàng đầu.

Đáng chú ý, trong phiên thảo luận tại hội trường về công tác xây dựng PL, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm hiệu quả hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp; lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Sau khi điều chỉnh, bổ sung như trên, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021): Thông qua 01 dự thảo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021): Thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại 1 kỳ họp; cho ý kiến 5 dự án luật khác.

Dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): Thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 05 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): Thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 02 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng đối với từng đề nghị trên cơ sở hồ sơ của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát với yêu cầu thực tế để lập dự kiến Chương trình trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, qua công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đề nghị dự kiến Chương trình năm 2022 của Chính phủ so với các năm trước còn ít dự án, nhất là các dự án để gối tiếp sang năm 2023. Trong khi đó, qua rà soát cho thấy, còn rất nhiều dự án cần được đưa vào Chương trình để kịp thời thể chế hoá các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Quốc hội; trình lại các dự án đã được đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị; các dự án để khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các vị đại biểu Quốc hội trong ý kiến thảo luận đều thể hiện sự đồng tình, tán thành với nội dung xây dựng luật, pháp lệnh mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật… cho đại biểu, nhất là đại biểu trúng cử lần đầu, nâng cao hơn nữa kỹ năng phản biện chính sách của các đại biểu, cần coi trọng lấy ý kiến của các hiệp hội, người dân từ đó có sự phân tích, tiếp thu, cần thiết thì phải lập nhóm chuyên gia, có sự đầu tư nguồn lực khi xây dựng các dự án luật. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị các Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Đầu tư công… khi nảy sinh những vấn đề mới trong xã hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao quan tâm đến luật pháp về hội nhập, bổ sung vào chương trình lập pháp 2022 việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại từ năm 2010 và đã có nhiều lạc hậu; nâng cấp Nghị định hoà giải thương mại lên thành luật. Đại biểu Nghĩa cho rằng, cần mạnh dạn xã hội hoá, huy động sức dân để làm luật, không nên lãng phí trí tuệ, tri thức của các chuyên gia trong xã hội, nhất là trong khâu soạn thảo.

Cùng ý kiến với nhiều đại biểu, ông Lê Xuân Thân (Đại biểu Quốc hội Đoàn Khánh Hoà) nhấn mạnh công tác xây dựng luật nên đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên xem xét sớm Luật về phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ người dân, Luật về tình trạng khẩn cấp.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ trăn trở: Chúng ta đang phải đối mặt với dịch Covid-19, dịch bệnh không những khốc liệt mà còn có khả năng kéo dài, nên việc xem xét các dự án luật liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là yêu cầu đặt lên hàng đầu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn.

Về phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ và các bộ, ngành đang làm hết sức, một số việc cần xử lý trong thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã sẵn sàng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội một số luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.

Quốc hội cần có Nghị quyết khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19

Đó là kiến nghị rất đáng quan tâm của một số ĐBQH. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống dịch COVID-19.

Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, Quốc hội hoặc UBTVQH cần có Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống đại dịch COVID-19 trong bối cảnh hiện nay. Lý giải về điều này, vị đại biểu làm trong ngành Y cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ gây hại lớn, tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.

Đặc biệt, trong vòng 2 tháng gần đây, số ca bệnh tại Việt Nam đã lên đến trên 50.000 ca mắc, và sẽ mất thời gian lâu để chấm dứt tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Chính vì vậy, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước chưa có bất cứ văn bản chính thức, độc lập nào về phòng chống dịch COVID-19".

ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, hơn lúc nào hết nhân dân cần Nghị quyết của Quốc hội để đồng lòng, quyết tâm hơn trong việc chống dịch. Các địa phương cần Nghị quyết để đồng lòng, đoàn kết, tự tin, vững vàng chống dịch hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội. "Tôi tin rằng đây sẽ là quyết định mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong công cuộc chống dịch tại Việt Nam", vị đại biểu trong ngành Y nhấn mạnh.

Tại các Kỳ họp Quốc hội trước của khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã nhiều lần lên tiếng về việc Quốc hội chưa đưa Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình. Nêu lên lý do vì sao cần thiết phải sớm thay đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Luật khám bệnh chữa bệnh thay đổi rất nhiều, bây giờ không thể nhìn, sờ ngay được. Hiện các ca mổ xẻ đã được thực hiện bằng máy móc, bác sĩ kê đơn từ xa không cần ngồi cạnh bệnh nhân, cuộc cách mạng đã đẩy mạnh đời sống nhân loại, chuyển đổi số đã trên nhiều lĩnh vực nhất là lĩnh vực y tế”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Là một vị ĐBQH cũng từng ý kiến rất nhiều lần việc cấp thiết phải sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bệnh viện mình đang phụ trách đã triển khai hình thức khám, chữa bệnh từ xa hơn một năm nhưng đang gặp khó khăn do vấn đề này chưa được quy định trong luật.

image003-1627015566.jpg
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y lấy ví dụ cụ thể: "Bộ Y tế đã cố gắng ban hành thông tư hướng dẫn, tuy nhiên do không có trong luật nên gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện, áp dụng trên diện rộng. Đơn cử như việc cho phép khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc, bác sỹ được chịu trách nhiệm về đơn thuốc này cũng như quyền lợi của bệnh nhân khi khám chữa bệnh từ xa".

Kiến nghị Quốc hội giám sát gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ và 26 nghìn tỉ

Đó là kiến nghị của Đại biểu Trần Hoàng Ngân. ĐB cho rằng Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong năm 2021.

Là đại biểu phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho các đoàn giám sát. Chính vì vậy phải có kịch bản cho việc đi lại, giám sát, bố trí nhân sự đối với các đoàn giám sát.

Theo đó, danh sách đoàn giám sát phải mở để khi có dịch thì phân công cho đồng chí ở địa phương đó đại diện cho đoàn thực hiện việc giám sát.

image004-1627015596.jpg

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh Quốc hội

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến năm 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong năm 2021.

BOX: Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng Quốc hội cần thực Chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý sử dụng tài sản công ở các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Tài sản công trong các đơn vị này được chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như đấu giá trá hình, chuyển đổi mục đích sử dụng. Thời gian qua cho thấy vi phạm rất nhiều nhưng thời gian qua lại ít kiểm tra, ít giám sát”, ông Vân nhấn đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc "hậu giám sát" còn quá thấp, quá chậm, thậm chí có nơi không có đi để hậu giám sát. Sắp tới cần có chương trình hậu giám sát để xem những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát ở địa phương, đơn vị ngành đã tổ chức thực hiện đến đâu, kết quả. như thế nào.

Phải khắc phục được tình trạng luật vừa ban hành đã thấy “vướng”. 

Đây là kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga khi bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Bà Nga cho biết, bà đặc biệt quan tâm đến luật Đất đai (sửa đổi). Bởi, luật Đất đai hiện hành đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hơn. “Nếu không sớm sửa đổi thì các khó khăn, vướng mắc cũng chưa được thực hiện. Vì vậy, cần xem xét, sớm đưa luật Đất đai (sửa đổi) vào trong các kỳ họp sớm nhất này”, vị ĐBQH đoàn Hải Dương nói.

image005-1627015625.jpg

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (ảnh: H.B)

Trước đó, thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày, một số ĐBQH cũng đã nêu ý kiến về dự thảo luật này.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng, có tình trạng một số dự thảo luật hết sức cấp bách nhưng theo phản ánh của nhiều cử tri và địa phương thì chưa được đưa ra sửa đổi kịp thời, điển hình là luật Đất đai. Theo vị đại biểu đoàn Kiên Giang, luật Đất đai đã được đưa ra nhiều lần trong các chương trình kỳ họp của Quốc hội khoá XIV tuy nhiên cũng nhiều lần xin lùi thời gian để Chính phủ nghiên cứu thêm. “Để thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như để Quốc hội thoát khỏi thế bị động và nâng cao chất lượng làm luật, tôi kiến nghị Quốc hội cần có giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên”, bà Bé nói.

Trong khi đó, ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) lại có quan điểm riêng khi trao đổi về vấn đề này.

Ông Tám nói, về luật Đất đai (sửa đổi) đang được cử tri và nhân dân quan tâm, Chính phủ đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ Ba năm 2022 và thông qua tại kỳ họp thứ Tư năm 2022; UBTVQH đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tư và thông qua tại kỳ họp thứ Năm năm 2023. Đó là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.  “Mặc dù Nghị quyết của Quốc hội có cho quan điểm mở là trong quá trình chuẩn bị nếu chất lượng tốt và tiến độ nhanh hơn thì UBTVQH sẽ trình Quốc hội xem xét để đẩy đẩy nhanh tiến độ thông qua ở hai kỳ họp. Tôi nghĩ rằng cần khẳng định phải thông qua tại ba kỳ họp bởi tính phức tạp cả về lý luận và thực tiễn của vấn đề sở hữu và vấn đề quản lý, sử dụng đất đai”, ông Văn Tám nêu quan điểm.

Sau khi nghe góp ý của các ĐBQH tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cho biết, việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới. Theo Bộ trưởng bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn.

Nhận xét chung về công tác xây dựng pháp luật, bà Nga nêu quan điểm: “Xây dựng pháp luật là công việc rất quan trọng, đòi hỏi sự kỹ lưỡng ngay từ khâu chuẩn bị. Ngay từ hồ sơ xây dựng luật pháp, lệnh thì các cơ quan có liên quan đã phải chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng.

Với các Uỷ ban của Quốc hội khi thẩm tra dự án luật cần vô cùng thận trọng, còn phải có sự đối chiếu và rà soát tất cả các dự án luật có liên quan, thậm chí phải mở rộng việc so sánh, đối chiếu với luật của nước ngoài để tránh sự chồng chéo, chất lượng xây dựng luật tốt hơn.

“Tránh tình trạng một bộ luật mới ban hành đã thấy vướng, luật chồng chéo lên nhau phải tiếp tục sửa đổi như vậy chất lượng xây dựng luật không cao, luật đi vào cuộc sống quá nhiều vướng mắc”, bà Nga nói.

Phúc Trang ( T/h)


 

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin