Nhận diện một số thủ đoạn phổ biến của tội phạm tham ô tài sản

16/03/2023 11:20

(Pháp Lý) - Trong những năm qua, tội phạm tham ô tài sản đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, của tập thể; mỗi một lĩnh vực khác nhau thì các đối tượng phạm tội sử dụng những phương thức, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi phạm tội.

Bài viết sau đây, tác giả Lại Sơn Tùng phân tích một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm tham ô tài sản trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, làm cơ sở, tiền đề để các cơ quan tiến hành tố tụng nhận diện và có giải pháp đấu tranh với tội phạm này trong thời gian tới. 

71-1637558377.jpg
 

Thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng nói chung và tội phạm tham ô tài sản nói riêng diễn ra hết sức phức tạp, có những vụ án thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra lên đến hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình như vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, đối tượng Dương Chí Dũng nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam thông qua việc quyết định mua ụ nổi 83M trong dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 366 tỷ đồng. Hay như trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên vận tải tàu biển viễn dương Vinashinlines, đối tượng Giang Kim Đạt nguyên trưởng phòng kinh doanh của công ty thông qua việc ký kết các hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài trong việc mua và cho thuê 09 tàu biển cũ của công ty đã chiếm đoạt tiền của nhà nước hơn 255 tỷ đồng. 

Tác hại của tội phạm tham ô tài sản không chỉ ảnh hưởng đến phương diện kinh tế mà còn gây ra nhiều hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, tội phạm tham ô tài sản đã và đang xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế như: Đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, bảo trợ xã hội, quản lý đất đai... Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, bên cạnh những phương thức, thủ đoạn truyền thống, các đối tượng còn tận dụng triệt để thành tựu của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ tin học để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó tính chất, mức độ thiệt hại và hậu quả do tội phạm tham ô tài sản gây ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
    
Qua nghiên cứu các vụ án tham ô tài sản xảy ra trong thời gian qua, nhận thấy nổi lên một số phương thức, thủ đoạn phổ biến sau đây:

Thứ nhất, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản

Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng công trình thông thường sẽ trải qua nhiều công đoạn, nhiều khâu khác nhau và để thực hiện hành vi phạm tội thì trong từng công đoạn, từng khâu khác nhau, các đối tượng sẽ thực hiện các phương thức, thủ đoạn khác nhau, cụ thể:

- Thông đồng, móc ngoặc giữa các bên trong triển khai dự án để tham ô tài sản. Đơn cử như các đối tượng thường thông đồng giữa chủ đầu tư (bên A), nhà thầu (bên B) với các đơn vị tư vấn, khảo sát, thiết kế, lập dự toán, thi công, thẩm định, giám sát…để chiếm đoạt tài sản ở các giai đoạn thực hiện dự án như: nâng khống giá trị dự toán, thay đổi chủng loại vật tư, thi công sai thiết kế, thẩm định sai dự toán - thiết kế… Khi lập dự án, các đối tượng sẽ xây dựng dự toán đầu tư vừa phải để dễ được phê duyệt. Thông qua các hợp đồng, giao dịch, liên kết triển khai các công trình, dự án, các đối tượng thoả thuận với nhau nhằm nâng khống giá trị hợp đồng hoặc giả mạo các khoản chi trong giao dịch để thông đồng chiếm đoạt tài sản chia nhau. 

Điển hình là vụ án tham ô tài sản xảy ra trong dự án đầu tư trồng rừng cao su trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2010, lợi dụng việc triển khai dự án đầu tư trồng hơn 1.000 ha rừng cao su tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (mặc dù diện tích này trước đây tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Công ty Đại Phát do Nguyễn Văn Hà làm giám đốc), Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh đã thông đồng với Nguyễn Văn Hà và Ngô Đăng Khoa, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên dưới danh nghĩa thỏa thuận bồi thường cho Công ty Đại Phát, qua đó lập hồ sơ, thủ tục, nâng khống khối lượng tiền bồi thường hỗ trợ đầu tư dự án, chiếm đoạt 1.700.000.000 đồng chia nhau.

- Đối với những hợp đồng kinh tế có giá trị lớn mà theo quy định của nhà nước là phải tổ chức đấu thầu, các đối tượng thường đấu thầu hạn chế, lập các hồ sơ đấu thầu chào hàng cạnh tranh giả tạo hoặc chia nhiều nhà thầu phụ, chia nhỏ gói thầu để dược chỉ định thầu, tránh đấu thầu. Trong khâu thiết kế, khi thiết kế thường thiết kế dư ra về kết cấu, vật liệu, khối lượng vật tư. Đến khi thi công, đơn vị thi công căn cứ vào thiết kế ban đầu sẽ rút bớt định mức về vật tư, nguyên liệu, thay đổi kết cấu vật liệu nhưng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhằm tạo ra một lượng nguyên vật liệu dư dôi để chia nhau giữa các bên.

Điển hình như vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Ban quản lý di tích Điện Biên Phủ. Võ Thị Hồng, giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương cùng các đồng phạm đã lập khống toàn bộ hồ sơ thanh toán phần mỹ thuật của tượng đài Điện Biên Phủ, chiếm đoạt 8 tỷ đồng của Nhà nước.

Hay như vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại kho cảng Thị Vải – Vũng Tàu do công ty kinh doanh chế biến các sản phẩm khí thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Quá trình thi công chủ đầu tư và trưởng ban quản lý dự án đã cho thay đổi thiết kế một số hạng mục công trình như: Không bóc lớp bùn, mùn đúng theo quy định trước khi san lấp; chủng loại cát san lấp không đúng theo quy định; thay móng cọc bê tông để đỡ nhà điều hành trung tâm, đỡ các đường ống dẫn khí bằng móng cọc nông, dẫn đến công trình bị lún sụt gây thiệt hại nghiêm trọng hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước (gồm 60 tỷ đồng để chống lún, tăng thời gian thi công kéo dài 24 tháng phải trả cho tư vấn giám sát nước ngoài 3,8 triệu USD, chi phí thuê đường ống và tàu chứa sản phẩm là 11,2 triệu USD, tăng trả lãi ngân hàng 30 tỷ đồng).

72-1637558377.jpg
 

Thứ hai, trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp

- Lợi dụng sơ hở trong quản lý quỹ tín dụng; lợi dụng hồ sơ vay vốn của khách hàng để rút tiền ngân hàng; lợi dụng sơ hở trong thanh tra, kiểm tra, làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế tài chính, lập hồ sơ giả các hộ vay vốn, thu tiền của những người trả vay tín dụng nhưng không nộp vào quỹ, hoặc lợi dụng chính sách cho vay tín chấp để tham ô tài sản. Điển hình vụ Thái Ngọc Hùng là cán bộ tín dụng Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, thu tiền trả nợ vay của nhiều khách hàng không nhập quỹ; dùng hồ sơ của khách hàng nộp xin vay vốn nhưng khách hàng không có nhu cầu vay nữa để rút tiền của ngân hàng chiếm đoạt 1.265.883.277 đồng.

Hay như vụ án tham ô tài sản xảy ra tại ngân hàng Oceanbank chi nhánh Hải Phòng. Từ năm 2012 đến tháng 8/2017, Trần Thị Kim Chi – nguyên giám đốc chi nhánh; Lê Vương Hoàng – nguyên kiểm soát viên; Nguyễn Thị Minh Huệ – nguyên trưởng phòng kế toán kho quỹ và Chu Văn Nha – nguyên thủ quỹ đã lợi dụng sơ hở của ngân hàng trong công tác quản lý, phát hành sổ tiết kiệm để nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nhưng không hạch toán vào hệ thống quản lý của ngân hàng; tất toán khống, lập khống hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng; phát hành 109 sổ tiết kiệm ngoài hệ thống cho 27 khách hàng, qua đó chiếm đoạt của OceanBank chi nhánh Hải Phòng gần 414 tỷ đồng.

- Cán bộ ngân hàng thông đồng với các doanh nghiệp tư nhân lập các dự án khống về đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị, mua tài sản thuê tài chính, rút tiền Nhà nước chia nhau. Điển hình vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty ALCII: Vũ Quốc Hảo, Tổng giám đốc và cán bộ dưới quyền thông đồng với các Công ty tư nhân lập 09 hợp đồng thuê tài chính, mua tài sản khống, rút ra 711,8 tỷ đồng của Nhà nước để sử dụng cá nhân.

- Lập giả mạo chứng từ đánh lừa cán bộ kiểm soát và cán bộ quản lý vào cuối ngày giao dịch, lợi dụng sơ hở trong việc bảo mật mạng máy tính, lấy cắp mật khẩu của các giao dịch viên, chuyển nợ mất cân đối từ tài khoản của mình sang tài khoản của những nhân viên nghỉ trong ngày tạo ra sự cân quỹ ảo trên mạng để che giấu tội phạm.

- Lợi dụng chính sách cổ phần hoá, giao, cho thuê, bán, khoán doanh nghiệp nhà nước để chuyển dịch vốn nhà nước sang túi tư nhân, thủ đoạn phổ biến là: định giá trị tài sản doanh nghiệp thấp so với giá trị thực, bỏ tài sản của doanh nghiệp (tài sản cố định, bất động sản, tài sản cho thuê…) ra ngoài sổ sách kế toán. Ví dụ, từ năm 2002 đến năm 2006, lợi dụng quá trình cổ phần hóa chuyển đổi Công ty Vifon từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần, Nguyễn Bi, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Thanh Huyền, Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon đã chỉ đạo cấp dưới lập nhiều phiếu chi khống, sau đó hợp thức hóa thành nguồn vốn huy động của các cá nhân, rút ra 13 tỷ đồng sử dụng cá nhân.

Thứ ba, trong lĩnh vực quản lý đất đai

Trong lĩnh vực này, các đối tượng thường lợi dụng vị trí công tác của mình để chuyển từ đất công thành đất riêng cho bản thân hoặc cho người thân để trục lợi. Thay đổi loại, hạng đất để nhận tiền đền bù cao khi Nhà nước thu hồi. Lợi dụng sự sơ hở của pháp luật về đất đai cấu kết với một số đối tượng khác hợp thức hóa đất công để bán lấy tiền chia nhau chiếm hưởng trái pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký cấp đất sai quy định cho vợ, con, người thân.

Điển hình như vụ án tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri). Các đối tượng trong vụ án là Trần Vĩnh Tuyến – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Lê Tấn Hùng – Tổng Giám đốc Sagri cùng hàng loạt cán bộ sở, ban ngành thành phố Hồ Chí Minh. Theo nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 1993, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao khu đất thuộc sở hữu Nhà nước có diện tích 36.676,10 m2 tại địa chỉ Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cho Sagri làm cơ sở chăn nuôi heo. Sau đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Sagri chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch đối với 9 cơ sở nhà đất, trong đó có khu đất trên. Sagri ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Phong Phú để hợp tác kinh doanh đầu tư Dự án nhà ở trên khu đất này. Sau đó, văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành thông báo nội dung kết luận của Thanh tra thành phố HCM, yêu cầu Sagri có phương án cơ cấu lại và nghiêm túc thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư tại 3 dự án không đúng ngành nghề kinh doanh chính, trong đó có dự án trên.

73-1637558377.jpg

Trụ sở Sagri và bị can Lê Tấn Hùng.

Tuy nhiên, Lê Tấn Hùng và thuộc cấp không thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố. Sagri có văn bản gửi UBND thành phố, Sở xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho phép Sagri chuyển nhượng toàn bộ dự án, nguồn vốn đầu tư gồm vốn tự có, vốn liên doanh hợp tác đầu tư, vốn huy động khách hàng, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 672 tỷ đồng.

Thứ tư, trong lĩnh vực bảo trợ xã hội

Lợi dụng việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, chính sách xã hội để tham ô tài sản. Một số đối tượng được giao thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công, thực hiện các chính sách xã hội đã làm giả hồ sơ chi trả, không kê khai những trường hợp cắt chi trả, có kê khai nhưng lại kê khai những người đã hết diện được hưởng trợ cấp, đưa vào diện được hưởng trợ cấp mới, sau đó ký giả chữ ký của những người này qua đó chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Ví dụ, từ năm 2013 đến năm 2015, lợi dụng việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về chi trả tiền trợ cấp giáo dục cho con em những gia đình thuộc diện chính sách ở xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Phan Tuấn Anh (1987), cán bộ chính sách văn hóa xã Hòa Hải đã không tiến hành chi trả cho 25 lượt đối tượng và chiếm đoạt số tiền gần 154.636.000 đồng.

Hay như vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Ban thương binh xã hội xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ được giao, từ năm 2009 đến năm 2013, Nguyễn Văn Lập, Trịnh Xuân Tiến và Nguyễn Thị Thu Trà (cán bộ ban thương binh xã hội) đã sử dụng thủ đoạn ký giả chữ ký của những người được hưởng chế độ chi trả tiền trợ cấp, không làm thủ tục cắt giảm người được hưởng chế độ, cung cấp danh sách trường hợp không có thật. Sau đó, trình lãnh đạo UBND xã Tiền Phong phụ trách Ban Thương binh, xã hội ký xác nhận rồi nộp cho Phòng Kế toán của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh để quyết toán. Qua đó, hàng tháng các đối tượng này đã đều đặn lĩnh tiền của Nhà nước và chiếm đoạt tổng số tiền là 308 triệu đồng.

Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn phổ biến của tội phạm tham ô tài sản xảy ra trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Việc nhận diện và xác định rõ các thủ đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian tới./.  

ThS. Lại Sơn Tùng

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện một số thủ đoạn phổ biến của tội phạm tham ô tài sản" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin