Nha Trang, Khánh Hòa: Hủy bản án sai, nên giữ lại bản án đúng.

22/02/2019 14:01

Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định kháng nghị số 43/ 2018/ KN –DS đối Bản án dân sự phúc thẩm số 61/2018/DSPT của TANDCC tại Đà Nẵng, theo hướng hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm. Theo đó, vụ tranh chấp thừa kế giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Xít và bị đơn là các con bà Phan Thị Cân ( Nha Trang, Khánh Hòa) có nguy cơ kéo dài tiếp, sau gần 10 năm xử đi xử lại.

Nguyên nhân xảy ra vụ kiện

Vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Xít với bị đơn là bà Phan Thị Cân ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa, bắt đầu từ năm 2009. Tòa án đã xét xử sơ thẩm hai lần và xét xử phúc thẩm hai lần. Bản án phúc thẩm lần hai vừa bị kháng nghị.

Theo các bản án, cha mẹ của nguyên đơn là cụ Nguyễn Mô và cụ Bùi Thị Chảnh. Cụ Chảnh chết năm 1973, cụ Mô chết năm 1993. Hai cụ có sáu người con là ông Nguyễn Hai, ông Nguyễn Ba, bà Nguyễn Thị Tư, ông Nguyễn Văn Xít, bà Nguyễn Thị Bảy và bà Nguyễn Thị Lui.

Ông Ba cư trú ở nước ngoài. Ông Hai chết năm 2006 có vợ là bà Phan Thị Cân. Do bà Cân chết năm 2016 nên các con của ông Hai, bà Cân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng và ông Nguyễn Ninh là người đại diện.

Khi còn sống vợ chồng cụ Mô tạo lập được khối di sản gồm hai thửa đất: Một thửa đất khoảng 3000 m2, trên đó có nhà từ đường, có khu đất mộ (khoảng 250m2), diện tích còn lại là đất quả, tọa lạc tại tổ 7, thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; một thửa đất màu diện tích 1500m2 liền kề thửa đất có từ đường.

Ông Xít và bà Tư, bà Lui, bà Bảy trong Từ đường đang tranh chấp
Ông Xít và bà Tư, bà Lui, bà Bảy trong Từ đường đang tranh chấp)

Cụ Mô, cụ Chảnh không để lại di chúc. Sau khi hai cụ qua đời, thì vợ chồng ông Nguyễn Hai quản lý di sản. Năm 2003, các thừa kế thỏa thuận với nhau chia thửa đất màu (khoảng 1500m2), không có tranh chấp.

Đối với thửa đất 3000m2 trên đó có nhà từ đường thì năm 2004, vợ chồng ông Hai, bà Cân là người quản lý di sản đã tự ý làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 10/9/2004, UBND TP Nha Trang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01674/QSDĐ/VN-NT cho vợ chồng ông Hai theo đơn đề nghị.

Năm 2006, ông Nguyễn Hai chết. Năm 2007 bà Phan Thị Cân tự ý chia nhà đất là di sản của cụ Mô, cụ Chảnh để lại, cho các con của ông Hai, bà Cân và treo biển chuyển nhượng 300m2 đất. Việc làm của bà Cân không được sự đồng ý của các đồng thừa kế di sản của cụ Mô, cụ Chảnh. Do đó, ông Nguyễn Văn Xít có đơn đề nghị UBND xã Vĩnh Ngọc giải quyết. Ngày 2/12/2009, UBND xã Vĩnh Ngọc tổ chức hòa giải nhưng không có kết quả.

Ông Nguyễn Ninh, con của ông Hai, bà Cân, sau khi được chia đất di sản, đã cùng vợ là Vương Thị Kim Cúc có đơn đề nghị UBND TP Nha Trang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mà bà Cân chia cho. Ngày 3/3/2008, UBND TP Nha Trang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 23042/QSDĐ/VN-NT cho vợ chồng ông Nguyễn Ninh và bà Vương Thị Kim Cúc.

Như vậy là gia đình ông Nguyễn Hai đã vi phạm nghĩa vụ của người quản lý di sản, tự ý định đoạt di sản của cụ Mô, cụ Chảnh mà không có ý kiến của các đồng thừa kế.

Hành trình tố tụng 10 năm qua

Ngày 10/12/2009, ông Nguyễn Văn Xít khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Mô, cụ Chảnh để lại là thửa đất 3000m2 trên đó có từ đường và đất mộ địa, với mục đích là giữ lại từ đường gia tộc.

Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2010/DSST ngày 27/8/2010, TAND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn Xít về việc tranh chấp tài sản thừa kế với bị đơn là bà Phan Thị Cân” và Tòa án đã chia di sản cho các thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Bà Cân kháng cáo. Bản án dân sự phúc thẩm số 47/2011/DS-PT ngày 26/4/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã quyết định: “Không chấp nhận kháng cáo của bà Phan Thị Cân. Giữ nguyên bản án sơ thẩm…”. Bản án được cưỡng chế thi hành, sau đó ông Xít và anh chị em đã đầu tư nhiều tiền của để tôn tạo, tu bổ lại từ đường.

Tuy nhiên, ngày 21/3/2011 Chánh án TANDTC ra Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm số 32/2013/KN-DS đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 47/2011/DS-PT ngày 26/4/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng với lý do: Thời hiệu khởi kiện đã hết; chưa xác định ông Nguyễn Ba định cư ở nước ngoài trước hay sau ngày 1/7/1991… và chia di sản chưa bảo đảm quyền lợi của ông Nguyễn Hai.

Ngày 10/9/2013 Hội đồng Thẩm phán TANDTC ra Quyết định giám đốc thẩm số 113/2013/DS.GĐT, quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 47/2011/DS-PT ngày 26/4/2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng và bản án sơ thẩm… giao hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Như vậy vụ kiện trở về vạch xuất phát. Sau khi thụ lý lại vụ án và nguyên đơn bổ sung thêm yêu cầu Tòa án hủy hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND TP Nha Trang đã cấp cho ông bà Nguyễn Hai, Phan Thị Cân và ông bà Nguyễn Ninh, Vương Thị Kim Cúc, TAND tỉnh Khánh Hòa đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại Bản án số 22/2017/DS-ST, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và phân chia di sản cho các ông bà Nguyễn Văn Xít, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Bảy và chia cho các đồng thừa kế của ông Hai; hủy hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND TP Nha Trang đã cấp cho ông bà Nguyễn Hai, Phan Thị Cân và Nguyễn Ninh, Vương Thị Kim Cúc.

Ông Nguyễn Ninh kháng cáo. Bản án dân sự phúc thẩm số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã sửa bản dân sự sơ thẩm nói trên, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và ông Nguyễn Văn Xít… và buộc ông Xít và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Tư, bà Lui, bà Bảy phải trả lại cho những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Phan Thị Cân những hiện vật, tiền đã nhận theo quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phía bị đơn cho rằng ông Nguyễn Văn Xít đã được chia 3.000m2, ông Nguyễn Hai được chia 3.500m2. Như vậy, thửa đất 3.000m2 có nhà từ đường thuộc về gia đình ông Nguyễn Hai.

Căn cứ của bản án phúc thẩm… không có căn cứ ?

Vấn đề đặt ra là di sản của vợ chồng cụ Mô, cụ Chảnh để lại có bao gồm 3000m2 gia đình ông Xít đang sinh sống, như bị đơn phản ánh hay không? Theo ông Nguyễn Văn Xít, thửa đất 3000m2 gia đình ông đang sinh sống trong đó có khoảng 1000m2 do bà tổ cô để lại và 2000m2 do HTX cấp. Gia đình ông tách hộ, sống trên thửa đất này từ năm 1978, khi đó cụ Mô còn sống đến năm 1993 mới mất, do đó đây không phải là tài sản để gộp vào thửa đất di sản vợ chồng ông Hai quản lý để đối trừ.

Quyết định kháng nghị kháng nghị số 43/ 2018/ KN –DS đã nhận định về việc bị đơn, bà Phan Thị Cân, khai đã được cụ Mô, cụ Chảnh cho toàn bộ nhà đất, và cụ Mô đã chia tài sản cho ông Xít trước khi chết rằng: “Tuy nhiên bị đơn không xuất trình được tài liệu chứng minh việc vợ chồng cụ Mô cho vợ chồng bà Cân toàn bộ nhà đất đang tranh chấp, cũng như cụ Mô đã chia cho tài sản cho các con trước khi chết. Ngoài tờ trích tương phần ngày 20/5 /2002 ông Xít, bà Tư, bà Bảy và bà Lui là các con của cụ Mô, không thừa nhận nội dung cụ Mô đã chia đất cho các con trước khi chết”. Như vậy, kháng nghị đã nhận thấy căn cứ để TANDCC tại Đà Nẵng sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu của nguyên đơn là không có “tài liệu chứng minh” và không được nguyên đơn và các đồng thừa kế khác chấp nhận.

Trong đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền, bà Nguyễn Thị Tư, ông Nguyễn Văn Xít, bà Nguyễn Thị Bảy và bà Nguyễn Thị Lui nêu rõ: “Di sản của cha mẹ tôi để lại chỉ có thửa 3000 m2 đang tranh chấp và thửa đất 1500 m2 đã phân chia, không có 7000 m2 đất. Thửa đất gia đình ông Xít đang sử dụng hiện nay không phải của cha mẹ tôi để lại cho ông Xít. Thửa đất đó gồm nhiều thửa, trong đó có một thửa do bà cô của cha tôi, do lấy chồng không sanh con nên trở về khai phá mảnh đất được ngót 1000 m2, khi cụ mất đi thì chuyển cho một người cháu và sau mới đến ông Xít. Ông Xít sống trên mảnh đất đó có nghĩa vụ cúng quải bà tổ cô. Ngoài ra là đất do HTX nông nghiệp cấp. Gia đình ông Xít cũng tách hộ ra ở đất đó năm 1978, khi đó cha tôi còn khỏe mạnh, năm 1993 mới qua đời. Do đó trong anh chị em tôi ai cũng hiểu rõ, không có chuyện nhầm lẫn gộp đất của gia đình ông Xít và đất di sản của cha mẹ tôi. Sự nhầm lẫn này là căn cứ để Tòa án phán quyết sai”.

Vì vậy, Chánh án TANDTC kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng là rất xác đáng, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, Quyết định kháng nghị đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm là điều chưa hợp lý. Theo Điều 344 BLTTDS 2015, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nên ra quyết định hủy bản án phúc thẩm bị kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm lần thứ hai số 22/2017/DS-ST của TAND tỉnh Khánh Hòa, vì đã xét xử đúng pháp luật, để vụ tranh chấp được khép lại.

Nội dung vụ án không quá phức tạp, đã được phản ánh rõ trong các bản án và các tài liệu các bên cung cấp cho Tòa án suốt 10 năm qua, nên sự thật đã sáng tỏ, chứng minh Bản án số 22/2017/DS-ST của TAND tỉnh Khánh Hòa là đúng đắn. Do đó, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của TANDTC không nên hủy cả hai bản án để đưa vụ án về vạch xuất phát lần thứ ba, kéo theo đó là mâu thuẫn kéo dài, gây mệt mỏi, tốn kém cho đương sự và cả ngân sách nhà nước.

VĂN ĐỖ

 

Bạn đang đọc bài viết "Nha Trang, Khánh Hòa: Hủy bản án sai, nên giữ lại bản án đúng." tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin