Ngăn chặn tham nhũng trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng

25/04/2019 06:33

(Pháp lý) - Liên tiếp trong thời gian qua, không ít cán bộ, nhân viên đang công tác tại các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng (PCTN) lại có hành vi, dấu hiệu tham nhũng, khiến dư luận và nhân dân bức xúc. Vụ việc của ông Hoàng Đức Cần - công tác tại Thanh tra Chính phủ nhận nhiều lần với tổng số tiền lên tới 400 triệu đồng của một gia đình người dân đã gióng lên hồi chuông báo động…

Cần gióng lên hồi chuông báo động

image001Ngày 15/3/2019, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết ông Hoàng Đức Cần - nhân viên Văn phòng Thanh tra Chính phủ, đã trả lại toàn bộ số tiền bị tố nhận của gia đình liệt sĩ Lê Thị Tích (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu). Trước đó, ông Cần đã nhận của gia đình bà Tích nhiều lần với số tiền tổng cộng lên tới 400 triệu đồng kèm theo lời hứa sẽ giúp gia đình đòi lại được mảnh đất đang tranh chấp đã được tòa 2 cấp xét xử có hiệu lực pháp luật. Song sau khi nhận tiền, ông Cần đã “lặn” luôn không thực hiện lời hứa, không còn cách nào, khác gia đình bà Tích phải viết đơn tố cáo gửi đến Thanh tra Chính phủ. Câu chuyện ông Cần, “vòi tiền” của người dân không có gì mới và càng không cá biệt.

Trước đó (ngày 18/5/2018), nguyên thẩm phán Lê Thị Bích Anh, công tác tại TAND huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã bị Viện KSND tối cao khởi tố về hành vi “nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015. Thời điểm còn đương chức Phó Chánh án TAND huyện Đan Phượng, bà Anh được phân công là thẩm phán xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”, xảy ra tại địa phương đã có hành vi nhận 300 triệu đồng của chị Nguyễn T.L. (em gái của bị cáo) với thỏa thuận xử cho bị cáo được hưởng án treo. Tuy nhiên, sau đó TAND huyện Đan Phượng vẫn tuyên bị cáo Kiên 3 năm 6 tháng tù giam. Cũng với hành vi nhận tiền của đương sự, báo An ninh thủ đô ngày 15/3/2019 đưa tin bị can Giáp Văn Huyên, nguyên thẩm phán TAND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội nhận hố lộ. Ông Huyên được phân công thụ lý giải quyết vụ án hình sự Hoàng Văn C. và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vào tháng 7/2018. Trong quá trình thụ lý, ông Huyên đã lần lượt gọi từng bị cáo vào phòng làm việc riêng và yêu cầu nếu muốn xử nhẹ tội thì phải chi tiền. Sau khi đưa số tiền 70 triệu cho Huyên, bị cáo Th. đã chủ động làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng.

Gần đây nhất, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Bá Quý ở xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) về “Tội cưỡng đoạt tài sản” dự kiến mở vào ngày 9/4/2019 nhưng phải tạm hoãn để các cơ quan chức năng làm rõ việc bị cáo tố cáo kiểm sát viên Nguyễn Đình Hà (VKS huyện Triệu Sơn), Chánh án Lê Ngọc Hiệp, Thẩm phán Lê Thị Thu, Thư ký Tòa án Lê Sỹ Thuần (TAND huyện Triệu Sơn) là những người trực tiếp tiến hành tố tụng đã đe dọa và làm tiền bị cáo…

Báo cáo trước Quốc hội về công tác năm 2018, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017. Trong đó đáng chú ý: Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng cao nhất chiếm 32,2%, tiếp theo là tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng. Theo ông Trí, qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng.

Để PCTN có hiệu quả trong cơ quan có chức năng PCTN

Trở lại hành vi của ông Cần gây ra rất có thể chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” thế nhưng hệ lụy để lại không nhỏ. Niềm tin của dư luận vào Thanh tra Chính phủ - cơ quan có quyền lực chủ lực trong PCTN ít nhiều đã bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà cuộc chiến chống tham nhũng đang vào giai đoạn quyết liệt.

Sau khi xác định rõ cán bộ của mình có sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã lập tức cắt hợp đồng với ông Hoàng Đức Cần. Dư luận hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời này, phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 71 Luật PCTN 2018. Tuy nhiên, theo Luật gia Nguyễn Quang Quý (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai) nếu chỉ dừng lại ở mức độ xử lý này là chưa tương xứng với hành vi vi phạm của ông Cần gây ra, càng không công bằng so với các vụ việc sai phạm của các cán bộ thuộc ngành tư pháp đã xảy ra trước đó.

Còn Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định việc vay mượn của ông Cần chỉ là giả tạo để che dấu cho việc ông Cần nhận tiền và hứa giải quyết công việc cho gia đình bà Tích thì hành vi này của ông Cần có dấu hiệu vi phạm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015. “Do đó CQĐT cần vào cuộc tiến hành điều tra xác minh làm rõ hành vi của ông Cần nếu thỏa mãn tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm, ông Cần có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự mà không cần phải có đơn tố cáo của gia đình bị hại. Song vấn đề có ý nghĩa hơn, nếu xử lý hình sự đối với ông Cần sẽ góp phần làm tăng thêm niềm tin của xã hội về sự không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước đối với nạn tham nhũng vặt từ trong các cơ quan có chức năng PCTN”, LS. Tuyên nhấn mạnh.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Điều 83, 86, 88 Luật PCTN năm 2018 quy định trong nội bộ Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện KSND tối cao phải có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với nhau và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Điều 84 còn quy định về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác PCTN, có trách nhiệm: “Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; quản lý việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo thẩm quyền; thanh tra, kiểm tra công tác PCTN theo thẩm quyền…”

Nhắc lại quy định trên để thấy vai trò vô cùng quan trọng của các cơ quan chủ lực trong công cuộc PCTN. Theo đó, mọi “nhất cử nhất động” từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên trong các cơ quan này đều bị “soi” rất kỹ từ nhiều góc độ và phương diện.

Tuy nhiên, Luật PCTN năm 2018 tổng cộng có tất cả 96 điều luật, thì trong đó chỉ có Điều 57 quy định về kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân: “Người đứng đầu Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phải tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng”. Cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác của các cơ quan này có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng “thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật”.

Ngay cả hình thức kiểm tra, mặc dù tại Điều 58 có quy định, kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng; và kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Song lại không có chế tài ngược lại nếu người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu không kiểm tra ?” – LG. Quý nêu sự bất cập.

Ở một góc nhìn khác, Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia tỉnh Bình Định) cho rằng, kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, muốn có tổ chức mạnh thì phải có tập thể mạnh. Hay nói cách khác, để các cơ quan có chức năng PCTN vững mạnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới thì phải có một đội ngũ tập thể cùng gương mẫu, liêm khiết… Từ sự phân tích đó, LG Tâm đề xuất: “Bên cạnh với chế tài mạnh, cần phải tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để mỗi cán bộ, nhân viên trong các cơ quan có chức năng PCTN luôn có ý thức tự rèn luyện để trở thành người “vừa hồng, vừa chuyên”, có tiêu chí cao hơn các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác.

Hỗ trợ cho các giải pháp trên, là đẩy mạnh tuyên truyền về quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên 8 xây và 8 chống theo quy định tại Quy định số 08 - QĐ/TW của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ban hành ngày 25/10/2018; rèn luyện cho đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước đức tính liêm khiết, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phê phán, lên án, đấu tranh chống mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, trọng liêm sỉ, danh dự và biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí, trong đó có tham nhũng vặt… xảy ra tại cơ quan có chức năng PCTN.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình và đưa tiêu chí sự thuận tiện, hài lòng của người dân trở thành một mục trong nhận xét, đánh giá kết quả công việc của đội ngũ cán bộ nhà nước đang công tác tại cơ quan PCTN. Những “người đầy tớ của nhân dân” cần phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức đúng đắn về quyền hạn và nghĩa vụ là công bộc của nhân dân.

Tại kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) (tháng 9/2018), cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và PCTN năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu quan điểm: để công tác PCTN đạt hiệu quả, cần kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN.


Ông Wong Hong Kuan, Giám đốc Cơ quan Điều tra hành vi tham nhũng Singapore (CPIB): “Singapore là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới. Tham nhũng tại Singapore là một tội danh hết sức nghiêm trọng, và bị xử lý nghiêm khắc bất kể địa vị của người tham nhũng. Để kiểm soát tham nhũng, Chính phủ Singpaore dựa trên 4 trụ cột chính: Hệ thống pháp luật PCTN hiệu quả; cơ quan tư pháp độc lập; cơ quan thực thi pháp luật hiệu quả; nền công vụ có trách nhiệm. Đặc biệt phải kể đến quyết tâm chính trị cao của Chính phủ để duy trì một nền văn hóa không khoan nhượng với tham nhũng. Bên cạnh đó là tận dụng các mạng xã hội trực tuyến (facebook, twitter youtube…) để tuyên truyền cho người dân hiểu về công tác PCTN, vì vậy người dân Singapore luôn sẵn sàng tố cáo tham nhũng (trung bình cứ 10 vụ tham nhũng bị phát hiện thì có tới 4 vụ do người dân tố cáo)…”

VŨ LÊ MINH

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngăn chặn tham nhũng trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin